Câu chuyện
người mù ở Giêrikhô ( Tin Mừng Chúa nhật 30 TN B – Mc 10, 46 – 52 ) cho ta
nhiều điều suy gẫm. Thường thì tùy vào cách mô tả của tác giả, sứ điệp gởi đến
cho chúng ta nhấn mạnh đến ý nghĩa nào. Hôm nay, với đoạn Tin Mừng nêu trên,
tác giả Marcô không mô tả tỉ mỉ việc Chúa Giêsu làm phép lạ, nhưng lại thận
trọng đặt sự kiện trong chuỗi hành trình lên Giêrusalem và ghi chú đặc biệt
biến cố xảy ra ở Giêrikhô.
Lên
Giêrusalem nghĩa là thực hiện cuôc hiến tế như lời các Ngôn Sứ đã loan báo, ghi
nhận biến cố ở Giêrikhô như muốn chuyển tải đến chúng ta hành vị khai mở một
Dân mới, một vùng đất mới, đất của Thiên Chúa đã hứa. Chúng ta nhớ rằng khi dân
Do Thái tiến vào Đất Hứa, họ tiến vào qua cửa ngõ Giêrikhô, tường thuật lại
cuộc hành trình như nhận định về cuộc lữ hành của Dân Thiên Chúa, và biến cố
thực hiện bằng lời quyền uy giải phóng con người.
Về cuộc
hành trình, mấy tuần nay, Tin Mừng cho ta thấy thân phận của con người, sự tréo
ngoe không đồng nhịp giữa những người theo sát Chúa Giêsu và với chính Chúa
Giêsu. Thầy suy nghĩ giảng dạy một đàng, trò tư duy toan tính một kiểu, hai
kiểu trái ngược nhau. Thế mà vẫn thầy vẫn trò, vẫn tôn sư vẫn môn đệ, vẫn được
đi theo sát bên và được mang danh là “theo sát Chúa Kitô – sequela
Christi".
Hôm nay
tác giả Tin Mừng cho chứng ta chứng kiến cách hành xử của những con người này.
Cần nhấn mạnh rằng họ theo Chúa Kitô, họ muốn nên giống Chúa, họ là những người
được Chúa tuyển chọn và đặt làm thủ lãnh. Vậy mà, họ hoàn toàn thờ ơ với tiếng
kêu lạc lõng của người bất hạnh nghèo khổ bên vệ đường. Họ hùa nhau quát mắng
và bắt người thấp cổ bé họng phải im, nhân danh trật tự trị an chung, nhân danh
một hành trình, nhân danh sự thánh thiêng, nhân danh cả ích lợi chung. Chỉ có
những ai đã từng bị loại ra bên vệ đường mới cảm được hết cái xót xa đau đớn
của thân phận.
Nhưng
Thiên Chúa không bao giờ bỏ quên tiếng thét gào của người nghèo khổ, người bị
áp bức. Thật đắng lòng khi chiên bò đầy đàn nhưng bọn gian ác quỷ quyệt lại bắt
con chiên bé nhỏ duy nhất của người hàng xóm mà giết thịt. Dù tiếng thét có bị
ngàn muôn thế lực bắt im lặng, dù tiếng thét có lạc lõng giữa biển thông tin,
nhưng đối với Thiên Chúa thì không bao giờ tiếng thét ấy bị lãng quên bỏ mặc.
Ai mà
không bồn chồn lo lắng khi nhìn hình ảnh những chị Nữ Tu nhỏ bé, hiền lành và
có phần ngờ nghệch đứng dưới mưa gió để lên tiếng gọi “Con Vua Đavít” ? Ai mà
không xót xa cay đắng khi nhìn thấy hình ảnh của những cụ Nữ Tu già nua ngồi xe
lăn tay cầm tràng hạt kêu gào “Con Vua Đavít” bên vệ đường ? Tuổi các cháu, hồn
nhiên trong sáng, hiến dâng như của lễ đầu mùa tinh tuyền cho Chúa và “mối tình
siêu nhiên nở giữa tuổi đời mộng mơ”, chứ đâu phải là gió bão, là nắng gắt, là
giông tố thế gian ! Tuổi các bà, một đời hy sinh lặn lội khắp hàng cùng ngỏ
hẻm, tìm Chúa nơi những người tất bạt bị bỏ rơi, lẽ ra các bà được nghỉ ngơi,
được chăm sóc cẩn thận để đảm đương tuổi già sức yếu, chứ sao còn phải một nắng
hai sương như vầy ?
Từ hôm
qua, ngày 22.10.2015, người ta đã ngang nhiên tiến vào, đập phá trường học của
Dòng Nữ Tu Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, đập phá để giải tỏa không đền bù và để lấy
đất xây dựng một thành phố mới. Dòng Mên Thánh Giá Thủ Thiêm đã 175 năm hiện
diện trên mảnh đất Sàigòn, 175 năm hiện diện trên bán đảo Thủ Thiêm, thuở Thủ
Thiêm còn hoang sơ cồn cỏ, thuở những kẻ ra lệnh và bọn người đang kéo vào đập
phá bây giờ còn chưa sinh ra trên mặt đất này, chưa là cái gì trong cõi vô
thường này, nhưng hôm nay họ có quyền và họ dùng quyền để áp bức người khác…
Lm.
VĨNH SANG, DCCT, 23.10.2015
No comments:
Post a Comment