Lời
ước nguyện thứ ba : Ý CHA THÀNH SỰ
DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI.
Chỉ có thánh Mattheu mới có lời ước nguyện
nầy. Câu nầy là một câu riêng của thánh Mattheu. Luca không có lời nầy. Không
lẽ nào Luca lại bỏ ngoài, nếu thực sự lời ấy đã có trong công thức tiên khởi ?
Vì thế, chúng ta có lý mà nói rằng, lời nầy là một lời cầu nguyện của Chúa Yêsu
như thấy trong Mt 26:42. Lời nầy đã được Mattheu điền thêm vào Kinh Lạy Cha để
giải thích cho hai lời ước nguyện trước. Trong Mt 26:42 (tại vườn Ghetsemani),
Mattheu đã viết y hệt lại gần giống Kinh Lạy Cha :
Lạy
Cha, ví bằng chén nầy không thể qua đi, nếu con không uống,
Thì
nguyện cho ý Cha được thành sự.
So với Mt 14:36, chúng ta thấy hình thức
trong thánh Marco hơi khác một chút :
Abba,
Lạy Cha ! Cha có thể làm mọi sự, xin cất chén nầy đi khỏi con ;
Nhưng
không phải : Con muốn gì, mà là Cha muốn gì !
Ý tưởng đằng sau thì gần giống Mattheu,
nhưng kiểu nói của Marco khác Mattheu. Kiểu nói của Mt 26:42 gần giống như Kinh
Lạy Cha.
Vậy, chúng ta phải nói rằng tiên khởi Kinh Lạy Cha có lẽ
không có lời nầy trong chính lời Chúa Yêsu dạy về Kinh Lạy Cha, nhưng là một
lời cầu nguyện và đã gặp được trong truyền thống Tin Mừng về các lời của Chúa, nên Mattheu kéo vào chỗ nầy và gọi là ý
muốn của Cha, và cũng là quyết định của Cha. Quyết định nầy cũng là một nhã ý,
ý định bởi lòng tốt của Người.
Ý
Cha thường được hiểu, qua
nhiều đoạn trong Tin Mừng. Trước tiên là kế đồ cứu rỗi của Thiên Chúa (Economie
du salut), rồi đến nghĩa những ý muốn của Thiên Chúa truyền ban ra. Nhưng điều
chúng ta phải để ý trước tiên Ý Thiên Chúa là kế đồ cứu rỗi. Đó là ý căn bản, ý
ấy xin cho được thành sự. Thành sự có nghĩa là nên một sự thực, chứ không còn
chỉ là điều ở trong dự định:
Ý Cha
thành sự
Dưới
đất cũng như trên trời.
Trên trời ở đây muốn nói một nơi trọn lành.
Ý định của Thiên Chúa được thành sự một cách trọn lành. Đó là cái mẫu cho điều
phải xãy ra dưới đất.
Vậy, về lời ước nguyện thứ ba nầy, cùng với
hai lời ước nguyện trên, chúng ta phải nghĩ về mặc khải Cánh chung về kế đồ cứu
rỗi. Là ơn cứu rỗi toàn diện trong ý định Thiên Chúa. Xin Người thực hiện, ước nguyện
Người thực hiện điều ấy giữa chúng ta. Nước Trời được coi như một quy định ở
thiên thai, siêu việt, phải được đem xuống đất để biến đổi điều kiện thế gian.
Đó là kiểu tư tưởng của khải huyền, của thế giới Do Thái muộn thời. Những thực
tại thiêng liêng đó như đã có mẫu ở trên trời. Họ đọc điều đó như sách Xuất
hành nói : Ngươi hãy làm theo mẫu Ta đã chỉ cho ngươi ở trên núi (Xh 25:9).
Họ biến điều đó như tất cả thực tại cứu rỗi thì Thiên Chúa đã dọn sẵn trên
trời, một ngày kia phải đem xuống dưới đất nầy, để thành sự thực giữa loài
người. Về Lề luật cũng vậy, Thiên Chúa đã đặt ở trên trời, rồi Người cho đem
xuống dưới đất. Đức Mêsia cũng vậy. Đó là những nhãn giới muộn thời của Khải
huyền, cho thấy tất cả những thực tại ấy nơi Thiên Chúa, phải tự nơi Thiên
Chúa, là cái mẫu tiên trưng
(archetype), phải được sa xuống trần nầy để thành sự thế giới loài người.
Phải thành thực mà nói những điều trên đây
là những điều tưởng tượng, nhưng là để nói lên, theo kiểu bình dân, rằng ý định
ở nơi Thiên Chúa chắc thực như đã có từ tạo thiên lập địa, để nói lên sự chắc
thực nơi Thiên Chúa, mà đối với chúng ta phải có sẵn. Đó là kiểu tưởng tượng để
nói lên sự chắc thực, chứ không phải chỉ là một ước muốn không rõ định của
Thiên Chúa. Vì thế, sách Kh 12:1 viết
Một
dấu lạ vĩ đại hiện ra trên trời :
Một
bà có một mặt trời bao quanh, chân trên mặt trăng,
và
đầu có triều thiên mười hai sao.
Chúng ta thấy như ở trên trời.Đoạn Khải
huyền 12:1 nầy phải đi với Kh 21, nói về Yerusalem cánh chung y hệt như vậy :
Và
thành thánh Yêrusalem mới, tôi thấy từ trời xuống từ nơi Thiên Chúa,
chỉnh tề như tân nương trang sức chờ đón đước
lang quân.
Cả hai đoạn nầy là một. Đoạn Kh 12:1 trước
tiên không nói về Đức Mẹ, nhưng nói về Hội Thánh như đã viết rõ rệt trong câu
14 : Và
đã ban cho bà hai cánh đại bàng mà bay vào sa mạc, đến chỗ dọn cho bà,
trong khi đó con cái bà bị bắt bớ cấm cách. Đó là Hội Thánh được nuôi dưỡng
trong sa mạc trần gian trong thời bắt bớ. Những hình ảnh như Mặt trời, Mặt
trăng, Ngôi sao là nói trước tiên về Hội Thánh. Chúng là những hình ảnh cánh
chung về khải huyền : Yêrusalem từ trời xuống, đó là Hội Thánh. Đó là kiểu nói
rằng, Hội Thánh có thành hình chỉ là do bởi ơn huệ của Thiên Chúa, chưa không
do người ta cấu tạo nên được.
Vậy, ý của Thiên Chúa cũng tương tự như
thế. Kế đồ cứu rỗi của Thiên Chúa đã thành sự giữa loài người. Nội dung chính Ý
của Thiên Chúa là kế đồ cứu rỗi của Thiên Chúa, và kẻ cầu xin là người đã biết
Thiên Chúa khởi sự công việc cứu rỗi ấy, và cùng tham dự vào việc thực hiện.
Vậy, với Chúa Yêsu, điều đó đã xuất hiện rồi, như trong Mt 18:14
Cũng
vậy, nơi Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời,
Không
hề có ý để mặc hư đi một người nào trong những kẻ nhỏ nầy.
Chúa Yêsu đang thực hiện, nhưng điều ấy chỉ
hoàn tất dưới đất khi Thiên Chúa can thiệp chung kết. Và như vậy, dưới đất cũng
như trên trời.
Điều thứ nhất trong Ý Thiên Chúa, trước
tiên là kế đồ cứu rỗi, tức là chỉ có một ý định độc nhất của Thiên Chúa. Chứ
nếu như Ý của Thiên Chúa trước tiên được hiểu như là những lện truyền, thì
Mattheu phải viết là Những ý muốn. trong khi ở đây Mattheu chỉ viết ở số đơn
(số ít). Nhất là trong tiếng Hy lạp, tiếng ấy được đi kèm sau một quán từ chỉ
định (article defini), nghĩa là : Xin cho thành sự ý muốn ấy. Xin cho ý muốn ấy
của Người được thành sự. Vậy là một ý muốn duy nhất và phải được đem về mầu
nhiệm của Thiên Chúa tàng ẩn từ muôn thở như lời thánh Phaolô nói.
Sau đó, bởi ý muốn căn bản ấy thì cũng có
những lời truyền khiến của Thiên Chúa. Như vậy, ý của Thiên Chúa bị cản trở. Và
kẻ nào đã đi vào kế đồ cứu rỗi, thì biết bằng trực giác có những cản trở mà ý
của Thiên Chúa gặp phải. Cản trở ấy không chỉ nơi ý chí nhân loại tội lỗi,mà
còn có những quyền năng địch thù ma quỷ, Satan…Vậy, ước nguyện cho Ý Thiên Chúa
thành sự là thông chia vào sự chiến đấu với kẻ thù của Thiên Chúa.
Quyền Satan phải bị chấm dứt. Chúng ta thấy một phần ý muốn của Thiên Chúa bị
cản trở, một phần ý muốn ấy cũng do bởi ý định của Người, thì Người cũng ban
những lệnh truyền, và trên trời các Thiên thần răm rắp tuân theo : Ý Cha
thành sự dưới đất cũng như trên trời.
Chúa Yêsu thu họp những kẻ trở lại, chấp
nhận thi hành ý Thiên Chúa, như Ngài mặc khải chúng ta thấy trong Mt 7:21
Không
phải mọi kẻ nói với Ta :
Lạy
Chúa. Lạy Chúa là sẽ vào được Nước Trời,
Nhưng
là kẻ thi hành ý Cha Ta.
Vậy khi Chúa Yêsu nói : Ý Cha Ta, Ngài muốn nói cái gì ?
Trước tiên không phải là thập giới, cũng
không phải là những điều nhỏ mọn mà đụng một cái là chúng ta cho là ý Chúa, nhưng
là ý tiên khởi của Chúa trong Chúa Kitô. Là sự hối cải toàn diện và tin vào
Chúa Kitô (Mc1: 15)
Thời
buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên,
Hãy
hối cải và tin vào Tin Mừng
Tin vào Tin Mừng, tin vào lời Chúa Yêsu rao giảng, và tin
vào chính mình Ngài. Rồi tin vào những điều mà mặc khải của Ngài đòi hỏi nơi chúng
ta. Vậy không phải là một đòi hỏi vài điều, mà là đòi hỏi con người toàn diện
quay về với Thiên Chúa.
Vì thế, Yoan viết :
Họ mới nói cùng Ngài :
Chúng
tôi phải lao công vào việc nào của Thiên Chúa (Yn 6:28).
Họ chỉ tìm kiếm việc, tìm kiếm việc nầy
việc khác để thêm nhân đức và công nghiệp. Còn Chúa Yêsu nói :
Việc của Thiên Chúa,
tức
là các ngươi tin vào Đấng Người đã sai đến (Yn 6:29).
Việc của Thiên Chúa không phải là việc nầy
việc khác để thêm nhân đức. Cộng đoàn cứu rỗi cùng tận là mọi người được Thiên
Chúa dạy và nhìn nhận mình là anh em, như trong Mt 23:8 Còn các ngươi thì chớ cho gọi
mình là Rabbi, vì thầy của các ngươi chỉ có một, còn các ngươi hết thảy đều là
anh em. Đó là giao ước mới như tiên tri Yêrêmia nói :
Lúc
bấy giờ không còn ai dạy nhau là hãy biết Thiên Chúa nữa,
Nhưng
mọi người, kẻ bé cũng như người lớn đều biết Ta,
Vì
Ta đã tha tội cho chúng.
Trong việc tha tội ấy, Thiên Chúa tự mặc
khải mình là thầy dạy cho từng người một, trong chính tâm hồn, trong chính trực
giác Đức Tin của họ.
Vậy xin cho ý định ấy được thành sự là xin
cho cộng đoàn trọn lành cùng tận ấy được thành hình, và chỉ có Thiên Chúa mới
cấu tạo được điều đó mà thôi. Vì thế, chúng ta chỉ ước nguyện và kế đồ của
Thiên Chúa có nên được thực tại là chỉ do Thiên Chúa, không ai làm được. Tôn
giáo người đời và cả văn kiện Do Thái khuyến khích làm lành. Cách riêng,người
Do Thái được khuyến khích làm theo ý Thiên Chúa. Còn Chúa Yêsu dạy : Hãy
khẩn xin sự thực hiện ấy ở nơi Thiên Chúa. Tuy rằng môn đồ đã phải cố
gắng làm theo ý Chúa Yêsu dạy thật, nhưng môn đồ đứng trước kế đồ lớn lao của
Thiên Chúa ấy, mà cuối cùng là chính việc Thiên Chúa muốn thông ban chính mình
Người cho người ta. Thế thì, chỉ có thể cầu xin, vì tình trạng trần gian ấy chỉ
có Thiên Chúa mới thay đổi được. Vậy kẻ đã đi và uốn lòng mình vào ý định Thiên
Chúa, thấy mình và tất cả trần gian đều bất lực toàn diện, và phép lạ ấy chỉ có
Thiên Chúa làm được.
Vì thế, ngỏ tất cả ước nguyện của mình, là
chính cả lòng mình, chứ không hẳn là xin. Tất cả lòng mình uốn theo Thiên Chúa
như thế, nên tự nhiên khiêm tốn mà dâng lên lời ước nguyện cho Thiên Chúa được
toàn thắng trong ý định của Người, chứ không phải xin cho có ơn trợ giúp để
chúng ta thi hành ý Thiên Chúa. Gián tiếp ở đằng sau lời ước nguyện có thể là
thế, nhưng trước tiên không phải là quay về phía cá nhân mình để làm lành và
xin cho ý toàn diện của Thiên Chúa được thực hiện. Ý Thiên Chúa xét theo toàn
diện đến nổi trời và đất chẳng đáng kể gì cả ngoài ý định Thiên Chúa Thiên Chúa
được nên thành sự dưới đất cũng như trên trời. Chúng ta có nhìn đến tận trời,
cũng chỉ có ngần ấy.
Lời ước nguyện của Chúa Yêsu ở đây dọi lại
tinh thần của Ngài. Ngài không chấp nhận một phân chia nào cả khi nói đến Thiên
Chúa. Vậy ai có thể cầu xin như thế ? Chỉ có kẻ nào được Chúa Yêsu mặc khải và
bây giờ đã mặc lấy nơi lòng mình sự quan tâm của chính Chúa Kitô, là ý định cứu
rỗi của Thiên Chúa chí tôn như thế. Đó là sự trở lại, sự hối cải toàn diện, đầy
đủ. Lúc đó, lời ước nguyện nầy mới thành thực được. Vậy, chúng ta không nên làm theo
kiểu định mệnh của chúng ta là một khi đã xãy ra như thế, thôi xin vâng, không
làm gì khác được nữa. Kiểu xin vâng nầy là kiểu thụ động, không phải là kiểu ở
đây.
***
Theo Luca, thực sự chỉ có một lời ước
nguyện là Nước Cha trị đến. Lời Ước gì Danh Cha hiển thánh là lời
kêu xin nối vào tiếng Lạy Cha, ở đầu Kinh Lạy Cha, như
Chúa Yêsu nói Lạy Cha là Chúa trời đất. Đó là một lời ngợi khen, một ước
hiệu. Nên đáng lẽ mở đầu Kinh Lạy Cha phải bằng câu : Lạy Cha là Đấng Thánh tuyệt đối,
hay như trong Cựu Ước thường nói : Lạy Cha là Đấng Thánh của Israel.
Theo tinh thần Chúa Yêsu, những lời chúc
tụng của những kẻ đứng trước mặt Thiên Chúa ấy, đối với con người hiện thực
trong đời của mình, vẫn là những lời lải nhải như dân ngoại, vì còn như thể
mình đứng ngoài việc ấy để chiêm ngưỡng, thẩm định. Không phải thế, bởi mình đã
bị lôi cuốn toàn diện vào đó. Lúc đó không còn là lúc nói lên những lời chúc
tụng ấy nữa, nhưng khi đứng trước mặt Cha thì như đã bị choáng ngợp trước mặt
Người, đã bị dìm cả trong đó rồi. Nên lời chúc tụng là chúc tụng trong hiện
sinh của mình, thành ra lời cầu chúc Thiên Chúa thật, vì đắn đo được cái khoảng
cách xa vời của điều chúng ta được chiêm ngắm nơi Thiên Chúa và tình trạng hiện
tại của trần gian.
Vậy, đó là điều thấy được trong kinh nguyện
theo 2 đàng : Một đàng được kéo vào mặc khải của Thiên Chúa, và như vậy bị ngợp
thật sự trước công việc Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta trong Chúa Kitô.
Một đàng đo lường được cái khoảng cách ấy với cái thực trạng trần gian của
chúng ta. Nó luôn luôn căng thẳng giữa hai điều ấy, như chúng ta đã nói: Căng thẳng giữa
điều Đã có và việc Thiên Chúa muốn làm và đã thi hành thực sự trong Chúa Kitô
Và cái thực trạng trần gian hiện tại của mình cũng như của tất cả anh em mình,
của Hội Thánh đều xa vời nó.
Khi đứng trước sự căng thẳng đó, chỉ có một
lời cầu nguyện hiện thân là chúng ta là những kẻ tin. Vậy lời tiên khởi :Lạy Cha và hiển
thánh Danh Cha. Là một lời gồm tóm tất cả kinh nguyện nầy, nghĩa là tâm trạng
hiện sinh của con người bị ngợp trước công việc chiêm ngắm ý định của Thiên
Chúa.
No comments:
Post a Comment