Monday, 27 October 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: ĐỨC YÊSU CON THIÊN CHÚA Thời niên thiếu 201014



                                         ĐỨC YÊSU CON THIÊN CHÚA
                                                               Thời niên thiếu
 
1.      Bối cảnh lịch sử.

Sau khi đế chế ảnh hưởng lớn đến Do Thái  là Syria suy sụp, Đế quốc Rôma dần len lỏi vào vùng Phương Đông. Bằng những biện pháp khôn khéo khi anh em nhà Hasmônê tranh dành nhau, họ đã can thiệp, thôn tính nước Do Thái và chỉ cho dòng họ Hasmônê cầm quyền về tôn giáo mà thôi. Quyền hành chính trị thật sự nằm trong tay chân thân cận của Rôma. Có một người tên Antipatar thuộc dòng giống Êđom xưa  dùng tài khôn khéo để thiết lập địa vị của mình và con cái, lập công đủ kiểu với các tướng lĩnh Rôma và được Caesar phong làm “vua Do Thái”. Nhờ ân của các tôn chủ Rôma, đặc biệt của hoàng đế Augustô, ông nầy được giữ quyền cho đến chết. Đó chính là vua Hêrôđê,  người đã ra lệnh truy sát Chúa Yêsu tại Bethlehem vì sợ chiếm đoạt ngôi của ông và chính các hài nhi tại đây đã bỏ mạng vì ông. 

Trước tình hình đó, dân Do Thái bị phân thành ba thành phần

-                     Cộng tác : Đó là lập trường của các gia đình quí phái tư tế. Họ tìm cách vớt vát đôi chút  tự lập. Quyền của họ chủ yếu là chức thượng tế và quản trị đền thờ Các thượng tế và nhóm Sađốc nói trong Tin Mừng chính là nhóm nầy

-                     Đối lập : Đó là các nhà ái quốc bất mãn. Khi Chúa Yêsu còn bé, họ đã khởi loạn như Yuđa người Galilê chẳng hạn. Họ bị trấn áp một cách tàn nhẫn. Hàng trăm người bị đóng đinh vào thập giá. Phe đối lập từ đó hoạt động trong bóng tối và tự mệnh danh là Nhiệt thành

-                     Hàng phục thụ động : Đó là hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo. Họ là Biệt phái ký lục lo bảo tồn lề luật, kỷ luật khắc khổ chờ Thiên Chúa can thiệp mà thiết lập nước của Ngài.

2.      Tính chất chung về tường thuật thời niên thiếu.

          Trình thuật thuộc giai đoạn muộn nhất trong truyền thống. Thư của Phaolô cũng như các diễn từ đầu tiên ( Kerygma) không có ám chỉ nào về biến cố nầy. Truyền thống về niên thiếu Chúa Yêsu là phần phụ trong truyền thống. Đây là các tường thuật trong nội bộ tín hữu, không làm giàu thêm cho kho tín điều hay giáo huấn tu đức. Biến cố nầy gồm các nội dung:

          - Ân huệ Thiên Chúa tạo ra Hội Thánh. Ngài chọn lựa những kẻ nghèo hèn khiêm nhu trong kế đồ vĩnh cữu, trong Chúa Kitô (Ep1,35). Nhiều nhân vật được cảm thấy Thiên Chúa chọn họ từ trong lòng mẹ (Gl 1,25), Ngài chọn cái không không để hủy diệt những điều có (1C1,28). Họ biết Thiên Chúa giải bày trong sự yếu đuối của họ ngang qua các điềm thiêng dấu lạ, hạ kẻ quyền cao nhắc người thấp hèn.

           Có mối quan hệ thiêng liêng về sự can thiệp xưa nơi Zacaria-Elisabeth, Yuse-Maria và các can thiệp hiện vẫn xãy ra nơi cộng đoàn dân Chúa. Các điều nầy thấm nhuần ký ức về cuộc Giáng Sinh Chúa Kitô.

          - Với biến cố Giáng Sinh, Thiên Chúa đã đi đến với con người cách quyết liệt, với ý định đầy yêu thương muốn cứu độ họ: “ Emmamuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Dưới mắt thường nhân vẫn thế, nhưng Thiên Chúa viếng thăm dân đổi hẳn ý nghĩa lịch sử. Đứng trước biến cố đó, có nhiều kiểu đáp ứng. Thái độ đáp ứng nầy được tin mừng phác họa tiêu biểu nơi Mẹ Maria.

          - Quan trọng nhất vẫn là địa vị của Chúa Yêsu trong lịch sử cứu độ mà mỗi thánh sử nhận ra. Mattheu với Israel mới là toàn thể nhân loại, thay cho Israel cũ. Với Luca, Ý định của Thiên Chúa mà mầu nhiệm phục sinh là trung tâm, Thánh thần là chủ lực để gầy dựng cộng đoàn gồm những người nghèo hèn khiêm nhu.

3.      Thời niên thiếu Chúa Yêsu theo Matthêu.

3.1 Chúa Yêsu, vị Cứu Tinh.

            Công cuộc cứu độ là một cuộc giải phóng. Giải phóng điển hình đậm nét trong lịch sử Israel là xuất hành khỏi Ai Cập, thủ lĩnh đứng đầu là Môsê. Đấng Cứu Tinh thời sau cùng, Mêsia, cũng sẽ hành động như vị cứu tinh thứ nhất. Trình thuật Matthêu cho biết Tân Ước được nẩy nở trong hoàn cảnh sống và suy niệm Kinh Thánh. Do đó, chúng ta dễ dàng nhận ra cách mô tả Giáng Sinh của Chúa Yêsu mang những nét tương tự Môsê tại Sách Xuất Hành.

3.2 Gia phả Chúa Yêsu. ( Mt 1,1-17)

            Yêsu, tận cùng của gia phả Abraham, chứng tỏ thời tận cùng ( Cánh Chung) đã đến. Trình bày gia phả Chúa Yêsu là cách tế nhận Thiên Chúa cai quản tông tộc. Mêsia sinh bởi hoàng tộc David-Yuđa, Thiên Chúa trọn Lời Hứa với David về vương quyền vĩnh cữu. Trình thuật trình bày sự suy ngắm của cộng đoàn tiên khởi quá khứ Ý Định Thiên Chúa trong lịch sử Israel. Họ nhìn thấy dung mạo Đấng sẽ đến của lịch sử đã qua. Nhờ đó, nuôi dưỡng đức tin vào Chúa Yêsu Cứu Thế. Có thể nói: Lịch sử qui hướng về Chúa Yêsu

3.3 Truyền tin cho Yuse. ( Mt 1,18-25)

            Không có trình thuật nào giới thiệu Yuse trước. Đọc đoạn Tin Mừng nầy, nhiều tín hữu cảm thấy nghi ngại cho thánh nhân. Matthêu giả định người đọc đã biết ngài, người công chính điển hình của Cựu Ước. Yuse biết việc xãy ra cho bạn mình, Maria, là do mãnh lực Thánh Thần. Đó là điều soạn tác nhấn mạnh. Đây là cách Matthêu muốn giải thích việc Thiên Chúa thực hiện Lời Hứa với Đavid : “Yuse, con vua David…”.

            Yuse đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ mình, một lòng túc kính hãi sợ và hạ mình xuống như thụ tạo phàm tục. Yuse thấy mầu nhiệm cao siêu và được gọi mời tham dự, ngài sợ hãi muốn thoái lui để Thiên Chúa toàn quyền hoạt động trên người được chọn. Tố cáo, là động từ phải hiểu đúng nghĩa tiếng Hipri: Tiết lộ điều bí ẩn. Yuse không muốn tiết lộ bí ẩn mầu nhiệm cao siêu của Thiên Chúa. Thiên sứ truyền sứ vụ cho Yuse, ngài đã đáp lại. Không thẹn là bạn thanh sạch của Mẹ Thiên Chúa.

3.4. Ngôi sao lạ. ( Mt 2,1-12)

            Chúng ta không mơ hồ tìm kiếm một ngôi sao chổi nào đó như 1 số người còn ngây ngô tìm cách giải đáp. Matthêu muốn trình bày sao lạ như 1 triệu báo Kinh Thánh đề cập. Ngôi sao mọc lên từ Giacob ( Ds 24,17), đầu tiên chỉ về David, sau đó trở nên dấu hiệu báo vị Cứu Tinh khi thời hạn đến. ( tương truyền Abraham cũng có ngôi sao triệu báo khi sinh ra).

            Trình thuật nầy hàm ý 1 cuộc hành hương ( Is 60) của muôn dân đến Yêrusalem sáng rực vinh quang của Thiên Chúa ( Tv 72,10).

            Trình thuật muốn ngụ ý: Yêsu, con vua David, thuộc dòng dõi Abraham, vị Mê sia toàn dân Israel trông mong, Con Thiên Chúa,  bị dân Ngài khước từ. Dân ngoại không biết lời tiên tri về Đấng Cứu Độ, phải học cùng người Do Thái cho biết Ý định Thiên Chúa. Họ đã nhìn thấy sự thành tựu của Lời Hứa, kéo nhau đi thờ lạy Vua Do Thái. Chúng ta thấy hàm ý : Bethlehem = Thập giá, Ngôi sao chiếu rạng = ánh sáng Phục sinh…

            Như thế, tin mừng thời niên thiếu Chúa Yêsu theo Matthêu được viết tiếp sau khi kết thúc tin mừng, đúc kết như sau:

            Chúa Yêsu sống lại, tuyên bố quyền năng của Ngài và sai các tông đồ đi rao giảng cho mọi dân tộc. Đặc ân của Israel chấm dứt. Mọi dân tộc đều được kêu gọi. Người Do Thái biết lai lịch và nơi sinh của Mêsia. Họ thỏa mãn rồi khi nói ra sự thông đạt Kinh Thánh. Không ai nghĩ việc tìm kiếm Đức Mêsia. Dân ngoại ( Đạo sỹ) mới hăm hở tìm kiếm. Dân ngoại đã làm tròn lời ngôn sứ. Yêrusalem đồng lõa với Herode khước từ và tìm cách hủy diệt Đấng đến thực hiện Lời Hứa.

4.      Thời niên thiếu Chúa Yêsu theo Luca.

            Thời niên thiếu Chúa Yêsu được Luca tổ thuật thành 7 hồi và 14 cảnh:

-                            Truyền tin cho Zacaria ; Elizabeth thụ thai.
-                            Truyền tin cho Maria.
-                            Maria-Elizabeth.
-                            Sinh nhật Yoan tẩy giả; Cắt bì, đặt tên.
-                            Sinh nhật Chúa Yêsu; Thiên Thần; Người chăn chiên.
-                            Cắt bì, đặt tên Chúa Yêsu; Dâng vào Đền Thánh; Simeon; Anna.
-                            Chúa Yêsu ở lại Yêrusalem.


4.1 Truyền tin cho Zacaria.( Lc 1, 5-25)

            Các trình thuật Thiên Chúa can thiệp để bày tỏ Ý định cuả Ngài thường được trình bày dưới 3 hình thức : Báo mộng, thông tri, sấm ngôn. Truyền tin cho Zacaria là thông tri, có nhân vật hiển hiện và được người ta nhận lấy khi tỉnh táo, có đối thoại.

            Truyền tin cho Zacaria báo tin con trẻ sinh ra lạ lùng, được hiến thánh từ lòng mẹ. Mẹ hiếm muộn sinh con ( Is 54, 1-3) là biểu hiện việc gầy dựng nên 1 Dân giao ước, là Ý định của Thiên Chúa. Dân nầy không phải là dân lịch sử, sinh sản tự nhiên, nhưng là 1 tạo thành của Thiên Chúa. Đến đây, chúng ta mới hiểu được việc Abraham và Sarah với 2 kiểu sinh - Lời hứa thứ ba – Thiên Chúa cho trổi dậy những người có sứ mạng của Dân Giao Ước, biểu trưng nơi cha mẹ son sẻ sinh con. Cựu Ước có nhiều nhân vật như Samson, Samuel, Yêrêmia…

            Con trẻ được đặt tên là Yoan theo lời thiên sứ báo tin mang sứ mệnh: Thời Thiên Chúa hứa đã viên mãn, lời ngôn sứ được thực hiện. Các dấu chỉ Yoan là ngôn sứ được thể hiện : Khổ hạnh ( tương tự Samson, Samuel… các Nazir), được chọn từ lòng mẹ nhưng hơn hẳn là được tràn đầy Thánh Thần từ trong lòng : Vui mừng chào đón Đấng Thiên Sai. Yoan là tiền hô mang thần khí Êlia đi trước kêu gọi nhiều người trở lại, hoạt động như các ngôn sứ đã làm.

4.2 Truyền tin cho Đức Maria.

4.2.1 Lời chào của thiên sứ Gabriel.

           - Cần đọc lại Sách Thẩm Phán, khi Thiên sứ chào Ghiđêon : “ Chào Dũng tướng bách quân…”  để hiểu rõ hơn về lời chào. Lời chào đã thể hiện tước vị, sứ vụ trong Ý định của Thiên Chúa. Nhân vật nầy có tầm quan trọng trong sứ vụ đối với đoàn thể.

            Trình thuật  cũng đề cập đến sự tương phản : Đền Thánh, Lề luật trong truyền  tin cho Zacaria và Galilée ( thành dân ngoại) - Ân huệ trong truyền tin cho Đức Maria. Thời cũ đã qua đi, thời khai ân hình thành. Chúng ta cũng không chối bỏ sự xuất hiện của Thiên sứ Gabriel, nhưng trình thuật muốn nhấn mạnh đến sự siêu nhiên của Tin mang đến. Ý nói đến việc cụ thể hóa một vấn đề thuộc ơn soi sáng bên trong hơn là tường thuật trực tiếp.

            -“Mừng vui lên, Đầy Ơn Phúc, Chúa ở cùng bà”. Tước hiệu của Mẹ : ĐẦY ÂN PHÚC. Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử Israel để chuyển hướng theo Ý định của Ngài. Tước hiệu nầy bao quát tin báo diễn ra sau : Tin Mừng được tóm lại trong từ Ân Huệ. Lòng sủng mộ Thiên Chúa thay cho lề luât. Đức Maria là biểu trưng cộng đoàn Giao Ước Mới dưới Ân Huệ của Thiên Chúa, là hình ảnh Hội Thánh được thể hóa nơi Mẹ Maria. Thiên Chúa đã cho nhà David 1 dấu : Trinh nữ sinh con và đặt tên là Emmanuel. Các lời tiên tri nầy hướng về Chúa Yêsu và cuối cùng là Hội Thánh. Ngõ hầu; “ Con ở trong chúng, Cha ở trong Con, để chúng nên hoàn toàn là một” ( Ga17,23) Thiên Chúa kéo con cái Ngài nơi Chúa Kitô ( Filii in filio).

4.2.2 Vấn đề Đồng trinh. Lời xin vâng.

            Trình thuật của Luca không theo lịch sử, tâm lý nhân vật trong hoàn cảnh nhưng chiếu theo những dự định đạo lý và giáo huấn của thánh sử: Son sẻ ( hiếm muộn ) mà thụ thai là dấu địa vị lớn lao trong thánh sử của người con, nữa là trinh nữ mà thụ thai.

            Hội Thánh vào thời Luca đã biết lý tưởng Đồng trinh ( 1Cr7 ), đã tin vào việc trinh thai trong việc sinh Chúa Yêsu. Luca muốn diễn đạt trinh thai là dấu vạch tư cách đặc biệt của Người Con được sinh cách lạ thường. Đây là dấu chứ không phải chứng.

            Ân huệ đồng trinh nơi Mẹ là hậu quả của Ơn thiên triệu làm Mẹ Thiên Chúa. Ý định Đồng trinh của Mẹ là đã ở vị thế sẵn sàng tận gốc đón nhận Ý Định Thiên Chúa, mọi nơi, mọi thời, mọi lúc và bất cứ thế nào. Đón nhận ý định Thiên Chúa trên Mẹ biểu lộ bằng lời “ Xin Vâng”.

            Cũng hiểu thêm, việc có con là sự chúc lành của Thiên Chúa. Son sẻ diễn tả sự bất lực của con người để thực hiện kế đồ của Thiên Chúa, là dịp để quyền năng Thiên Chúa được tỏ bày minh bạch. Ý định của Thiên Chúa là gầy dựng nên một Dân của Ngài, một dân không phải trên năng lực phàm thường của con người, mà trên Lời Hứa. Do đó, người son sẻ biết sự bất lực thân phận của mình, nên họ được mừng vui nhờ quyền năng Thiên Chúa. Người son sẻ thể hiện phần lớn dung mạo người anawim.

            Tiếp đến, người Do Thái không coi đồng trinh là 1 nhân đức mà là sự nghèo nàn, bất lực còn tệ hơn là son sẻ ( Ys 3,25; 4,1 ). Do đó, magnificat nói đến từ Tape inosis ( Lc 1,48 ), sự hổ nhục. Chính vì thế , khi “ Mọi dân kêu tôi có phúc” là tiếng vọng lại sự vinh hạnh bất ngờ của son sẽ sinh con. Ysaia dùng dung mạo người son sẻ để diễn tả hạnh phúc lạ lùng của Yêrusalem cánh chung. Son sẻ tương ứng với thây chết, là hết sự sống, tên tuổi bị đứt khỏi nhân gian, trong lúc lý tưởng là dòng dõi được nối tiếp trên cõi đời.( Thiên Chúa yêu thương đặc biệt sự bất lực}.

            Đồng trinh của Mẹ là 1 cái chết, nhưng cái chết đó được mãnh lực Thần Khí đến trên xương tàn mà hình thành nên “ Tạo Thành Mới”. ( Ezêkiel).

4.3 Đức Mẹ đi viếng Elizabeth.

            Luca giảm bớt nhiều mối liên lạc giữa Yoan-Yêsu với ý định rõ rệt tách biệt hai thời kỳ. Thời Israel mà Yoan là tận cùng và Thời của Chúa Yêsu là tâm điểm thời gian. Chính vì thế nên ông sử dụng thời niên thiếu Chúa Yêsu để vạch mối tương quan, trong đó các điểm cốt yếu:

-                            Yoan là tiền hô.
-                            Maria gặp Elizabeth nhưng Yoan được gặp Chúa Yêsu.
-                            Chức vụ lạ lùng của người con qua lời tán thán của người mẹ.

*Magnificat:

           Một dạng thức ca vịnh dùng kiểu trích dẫn các thánh vịnh Cựu Ước, xuất phát từ 1 nhóm đạo đức anawim và được dùng trong các phụng vụ đầu tiên của Hôi Thánh. Sau đó, Luca sử dụng để nêu 1 vấn đề: Mẹ là mẫu mực biểu trưng của Hội Thánh, thiếu nữ Sion đã thay hết chỗ Israel với nội dung:

-                            Đấng ban ân và kẻ được ân.
-                            Thiên Chúa yêu thương kẻ nghèo hèn khiêm nhu.
-                            Thiên Chúa và Israel: Thiên Chúa trung tín với Lời Hứa.

4.4 Sinh nhật Yoan tẩy giả - Benedictus.

            Đặt tên cho con là vấn đề quan trọng, thể hiện quyền của cha mẹ. Tên thường được đặt theo hoàn cảnh  hay 1 biến cố đậm nét trong đời cha mẹ. Sau nầy, việc đặt tên thường lấy tên người trong gia đình, lấy tên ông đặt cho cháu chứ ít khi lấy tên cha đặt cho con. Đặt tên Yoan khắc ghi biến cố Thiên sứ truyền cho Zacaria, ý định Thiên Chúa được thực hiện, mặc cho sự khó hiểu của thường nhân.

            Benedictus là lời chúc tụng Thiên Chúa, Đấng trung tín thực hiện Lời Hứa giao ước. Ngài viếng thăm dân và tỏ lòng thương xót. Thời khai ân hé rạng theo lời tiên tri loan báo. Bài tụng ca nầy cũng đặt Yoan vào vị thế tiên tri Đấng Tối Cao, đi trước mặt Chúa để dọn đường, ngõ hầu muôn dân biết đường cứu thoát trong Ơn Tha Tội.

4.5 Sinh nhật Chúa Yêsu.

            Luca đã mở ra nhãn giới lịch sử, đặt vị vị trí biến cố Nhập Thể vào lịch sử con người, nhất là lịch sử đế quốc Roma, khi đề cập việc kiểm tra dân số. ( Tất nhiên, cũng có vài vấn đề khi đối chiếu lịch sử Roma và biến cố, nhưng bất tất phải quan trọng hóa vì thánh sử nhấn mạnh đến khía cạnh giáo huấn và đạo lý).

            Trình thuật không những đánh dấu thời gian mà còn hướng về đạo lý. Augustus, hoàng đế Roma, là trung tâm đế quốc. Một lệnh ban ra, thiên hạ chuyển động. Quirinius, thần tử Augustus tại phương Đông, cũng dựa vào đó mà quyền uy tương tự. Đi cùng việc kiểm tra dân số là việc bổ thuế (không có thống kê suông). Đây là nguồn cội phong trào chống Roma của Yuđa người Galilée và nhóm nhiệt thành. Với họ, nộp thuế cho Roma là bội phản. Hành động chống đối nầy dần đưa dân Do Thái đến mất nước vào năm 70.

             Trong bối cảnh chính trị Yudée với cuộc xung đột Roma – Nhiệt thành, Yuse, dòng dõi hoàng triều David, không kháng cự và vâng lệnh đi kiểm tra. Như thế, Nước Thiên Chúa không thuộc thế gian nầy. Ngay từ đầu, thánh gia đã vâng phục và làm trọn luật lệ Roma. Như thế, Hội Thánh sau nầy cũng vậy với thế quyền.

            Trên bình diện thế nhân, người Con dòng dõi mang hy vọng của Israel đã đi đăng sổ kiểm tra cách lặng lẽ, nhục nhã theo lẽ thường. Lời Thiên Chúa phải chăng có thật ? Nhóm Nhiệt thành nhìn thấy mối thất vọng nên cố gắng hoạt động như cố thúc ép Thiên Chúa hành động. ( Hành động như quá khứ cha ông họ làm, sách Samuel). Tuy nhiên, với người có lòng tin, chính lúc Thiên Chúa có vẻ bó tay trước hoàng đế thì Lời Hứa được thực hiện trong âm thầm lặng lẽ, vào lúc bấp bênh hơn bao giờ hết. Thiên Chúa đặt giữa nhân loại trung tâm Cánh Chung. Khi toàn thể nhân loại dõi mắt về Roma và náo loạn về lệnh ban ra từ đó, trung tâm Cánh chung xuất hiện trong nghèo hèn ti tiện, nơi tận cùng lề vũ trụ, nhưng là trung tâm an bình cho kẻ Chúa thương.

            Trung tâm nầy được công nhận cách tinh tế và người nhận ra là những kẻ cần thiết cho sinh hoạt của dân chúng, luôn cận kề nguy hiểm, lại bị khinh bỉ về mặt tôn giáo: Những người chăn cừu ( Lc12, 32), đoàn chiên bé nhỏ. Lời Hứa thành sự trong điều mâu thuẫn. Dấu hiệu lạ lùng để nhận chân vị Cứu tinh: Hài nhi nằm trong máng cỏ. Dấu là cho kẻ tin nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa trong điều trái nghịch dự tưởng của thế nhân. Người không tin chẳng thấy gì.

4.6  Dâng Chúa Yêsu vào Đền Thánh. (Lc 2, 21-40)

            Yêrusalem, Trung tâm thánh sử. Vị Cứu Tinh Israel tỏ mình cho thế gian cũng phải tại nơi nầy. Đây còn là chóp đỉnh lời tiên tri Luca dùng để trình thuật: Mêsia tư tế. Thành tựu lời tiên tri Daniel về việc tẩy luyện hàng tư tế và hoàn tất tế lễ ( Dn 9, 24).

            Simeon, Anna biểu trưng cho Israel đích thực mong chờ Đấng Mêsia và đạt được ước nguyện. Thần khí Thiên Chúa đổ xuống trên ngôn sứ, trên Simeon và Anna để giới thiệu Đấng cứu độ nơi Hài Nhi. Thần khí được Yoel loan báo vào thời sau hết đã nên ứng nghiệm.

4.7. Tìm thấy Chúa Yêsu trong Đền Thánh.

            Tuổi thành niên theo lề luật : Nam 13, Nữ 12. Trước khi tự mình giữ lề luật đi hành hương, năm trước đó, cha mẹ thường đem con đi theo như thể đã trưởng thành. Trình thuật cho thấy Đức Maria tìm kiếm Chúa Yêsu gợi lại một Maria Magdala tìm xác Chúa sau nầy. Lời Chúa Yêsu nói với Mẹ cũng huyền bí như với Magdala. Cả hai trình bày 1 sự thay đổi trong cách xử thế, một mối liên lạc mới được xây dựng trên cuộc diện khai mạc thời Cứu độ.

            Chúa Yêsu gặp các tiến sỹ ngụ ý đến sứ vụ của Ngài, Sứ vụ tiến sỹ, Đấng giảng dạy Nước Thiên Chúa. Như thế, việc giảng dạy các tiến sỹ vọng lại sự đợi trông nơi cộng đoàn đạo đức một Mêsia tư tế, Mêsia- Aahron đến tẩy luyện hàng tư tế và tế lễ.

            Khi nói đến từ Cha với Mẹ Maria nơi Đền thờ, Lời đầu tiên Ngài thốt ra trong Tin mừng Luca, thánh sử đã đem nội dung Tin Mừng Nước Thiên Chúa được rao giảng trong mối liên lạc độc nhất của Chúa Yêsu - Thiên Chúa. Tự sâu thẳm nơi Ngài, Cha chi phối mọi sự và không ai, kể cả người Mẹ cho Ngài thể xác, cảm thấu. Chúa Yêsu cho thấy Ngài được quyền đối xử với Thiên Chúa như trẻ con với cha. Điều nầy trở nên ý thức toàn vẹn trong cuộc sống nhân thế rao giảng của Ngài.

            Cũng như mọi thiếu niên, Chúa Yêsu có ý thức tiệm tiến về bản thân mình. Cậu có tên Yêsu, có bà mẹ tên Maria, có người đàn ông sống cạnh Mẹ và đỡ đần trong cuộc sống, được Maria dạy gọi là cha. Đột nhiên, trong một lúc, nếu có thể gọi như thế, Yêsu ý thức có Đấng sống trong Ngài, nói với Ngài bằng cung giọng trìu mến yêu thương, Đấng mà người ta gọi là Thiên Chúa. Ngài nói chuyện và gọi Đấng ấy là Cha, Abba – Cha ơi! Chưa ai dạy Ngài điều ấy. Mẹ Maria dạy Ngài gọi Yuse là cha nhưng không thể dạy Ngài gọi Thiên Chúa là Cha từ trong thẳm sâu tâm hồn bằng một lời yêu thương trìu mến.

            Lời gọi Abba vụt trào từ cửa miệng Ngài là tự con tim. Phaolô giải thích đó là tiếng của Thần Khí. Thần Khí Chúa Con ngự trong lòng Ngài và làm Ngài thành Con. Ngài là Con bẩm sinh. Ngài chưa bao giờ biết Thiên Chúa nào khác ngoài chính Cha mình. Tâm tình con thảo nơi Ngài làm một với bản tính của Ngài. Ngài là Thiên Chúa.
       
5. Ẩn dật tại Nazarét tới ngày thực hiện sứ vụ. ( Lc 2,51-52)

Tin Mừng Luca không nói gì thêm về cuộc đời Đức Yêsu cho tới lúc Ngài bắt đầu sứ vụ. Chắc hẳn thánh cả Yuse đã qua đời trước khi Ngài bắt đầu đi rao giảng nếu không, Đức Maria phải ở lại với người theo phong tục tam tòng.

Nhiều người thắc mắc không biết Đức Yêsu làm gì trong giai đoạn nầy. Chúng tôi xin mượn lời chú giải trong Kinh Thánh của Bernard và Louis Hurault, đã được Giáo Hội Công Giáo chuẩn nhận như sau :

Trước hết, phải nhắc lại rắng sách Tin Mừng không phải là một tập sách       “Cuộc đời Chúa Yêsu”, kể chuyện từ khi Ngài chào đời cho đến lúc chết. Tin mừng chỉ muốn nói cho chúng ta  biết những lời quan trọng nhất mà Chúa Yêsu đã nói, cùng những hành vi cử chỉ có liên quan đến thông điệp cứu độ của Ngài mà thôi. Một vài kẻ giả danh  thừa cơ khoảng trống trong Tin Mừng để tưởng tượng Chúa Yêsu đi qua Ấn Độ học nghề phù thủy và thuật làm phép lạ. Đó là những bịa đặt không có giá trị. Hơn nữa khi dân làng Nazarét kinh ngạc thấy các phép lạ Chúa làm, họ đã chẳng nói : “Chuyện gì đã xãy ra cho con bác thợ mộc vậy ? Chúng ta biết ông ấy từ lâu, sao lại có chuyện nầy.” ( Mt 13,54-56 ). Cộng đoàn Kitô hữu Nazarét về sau đã giữ lại một số vật dụng do tay bác thợ là Con Thiên Chúa làm ra .

No comments: