Friday, 24 October 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Giáo lý Dự Tòng: Phụ lục : Các ngôn sứ



                                                Phụ lục : Các ngôn sứ

1.      Các ngôn sứ đề cập trong Sách các vua.

1.1  Ngôn sứ Êlia : Vị ngôn sứ cháy bỏng lòng yêu Thiên Chúa.

      Êlia người xứ Tisbi. Galaad. Không biết Thiên Chúa kêu gọi ông như thế nào. Ông xuất hiện và biến đi cũng thần bí không kém Môsê. Cả hai đều được đề cập đến trong cuộc hiển dung trên núi Tabor, rạng ngời vinh quang của cuộc thần hiện . Êlia đến với Akhab (-853), vua Israel, tuyên sấm chống lại Akhab vì đã bất trung cùng Thiên Chúa bằng án 3 năm không mưa và sương móc, đánh vào cuộc sống phồn vinh mà bất nghĩa cùng Thiên Chúa. Kết thúc của bản án cũng là cuộc quyết đấu không khoan nhượng trên núi Carmel giữa một mình Êlia, đại diện duy nhất cho Đức Chúa và 850 tư tế của Baal và Ashera, để minh chứng cho dân chúng thấy chỉ có Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, ngoài Ngài ra chỉ là những ngẫu tượng. Hành động nầy của ông đánh động dân chúng, để họ xác quyết chỉ có một Yahveh Thiên Chúa là cao cả, để tôn thờ.

       Êlia còn được nhắc đến như ngôn sứ chống lại bất công, cường quyền, khi ông tuyên án chết trên Akhab và hoàng hậu Jezabel, vì đã cướp đoạt vườn nho gia nghiệp của Nabót.

        Cuộc đời ông cũng là dấu chỉ cho thấy số phận những người theo Đức Chúa phải gian nan nguy hiểm thế nào, khi đối đầu với cường quyền. Jezabel đã cho người truy sát Êlia và ông phải trốn chạy trong 40 ngày đêm đến núi Thiên Chúa là Khoreb. Thần sứ Thiên Chúa được sai đến để nâng đỡ và trao ban lương thực để ông có sức đến Núi của Thiên Chúa. Ông cũng là vị ngôn sứ đầu tiên khi xin Thiên Chúa cứu sống người đã chết, dấu lạ bánh hóa nhiều… Cuối cuộc đời, ông đượcThiên Chúa cất đi và người ta tin ông không chết, sẽ xuất hiện lại để chuẩn bị cho Đấng Messia đến.

1.2  Ngôn sứ Êlisa : Ngôn sứ huyền thoại hay làm phép lạ.

       Là môn đệ kế thừa của Êlia, Êlisa được nhiều truyền thống đề cập đến như người hay làm dấu lạ, thậm chí còn phóng đại qua các thời kỳ khi nhắc đến hạnh tích của ông. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của Êlisa là công cuộc chấn hưng tôn giáo, tiếp nối tryền thống Êlia. Ông đã ủng hộ cuộc cách mạng của Yêhu, loại bỏ các tà thần và hướng dân tôn thờ Thiên Chúa duy nhất, Thần của cha ông họ. Trong cuộc cải cách nầy, án chết của Jezabel đã thực hiện như sấm ngôn của Êlia. Tuy nhiên, với tính bất trung , khi Êlisa chết, vua quan lẫn dân chúng chỉ chuộng hình thức tôn thờ Thiên Chúa vụ hình thức bên ngoài. Khoảng 50 năm sau, các  ngôn sứ văn sỹ bắt đầu lên tiếng nói của Thiên Chúa mà Amos là người đầu tiên trong số đó.

2.      Các ngôn sứ văn sỹ.

      Các ngôn sứ tăm tiếng như Nathan, Gath, Akhiya, Êlia, Êlisa thường được nhắc đến trong Sách các vua, Sách Samuel. Bản thân các ngài không để lại lời văn nào. Ngược lại, đến thời Yêroboam II tại Bắc quốc Israel, phong trào các ngôn sứ văn sỹ bắt đầu rộ lên. Amos chính là người khởi đầu.

2.1  Amos : Ngôn sứ của sự công bằng.

      Amos, người chăn gia súc xứ Tơqua, Nam quốc Yuđa, được Yahveh sai lên Israel để thi hành sứ vụ tại Bêthel và Samari, sau đó bị trục xuất về lại Yuđa. Ông thi hành sứ vụ triều đại Yêroboam II, 783-743, là thời đại vinh quang thịnh trị về mặt con người. Tuy nhiên, dưới nhãn quan của một ngôn sứ, ông thấy đây là một xã hội đầy dẫy bất công và bóc lột. Sự huy hoàng của lễ nghi che dấu sự thiếu sót một lòng đạo đích thực, che dấu một tình trạng sa đọa, đồi trụy.

        Sấm ngôn mở đầu của Amos hạch tội các lân quốc Israel, nhưng bất ngờ lớn nhất,  bị án phạt nặng nề lại là Israel. Điều nầy cho thấy làm Dân Thiên Chúa có nghĩa mang một trách nhiệm đặc biệt chứ đâu để hưởng đặc ân ( Am 3,2 ).

       Lễ nghi tế tự dù có linh đình long trọng không thay đổi sự thật: Thiên Chúa chí công của vũ trụ, Ngài chuộng sự chính trực, sự thiện muôn thuở, hơn là quyền lợi của Israel, kẻ đang rẻ rúng sự thiện. Án Thiên Chúa sẽ đến trên họ. Đâu có tội, đó có vạ. Chỉ có thể ngăn đại  họa bằng cách chuộng sự lành, loại sự dữ.( Am 5,15 )

2.2  Hôsê : Ngôn sứ tình thương.

        Hôsê vốn người Bắc quốc, đương thời với Amos. Ông bắt đầu sứ vụ dưới triều Yêrôboam II và các triều vua kế tiếp. Có lẽ ông không chứng kiến sự sụp đổ của Samari  năm 721.

        Hôsê nhận sứ vụ trong thảm kịch gia đình. Ông cưới 1 người vợ và bà này đã ruồng bỏ ông để làm 1 điếm thần. Tuy nhiên ông vẫn yêu mến và nhận về lại sau khi đã thử luyện. Kinh nghiệm đau thương nầy trở thành hình ảnh cho cách cư xử của Yahveh với dân của Ngài. Chính Yahveh đã cưới lấy, nhưng Israel đã ăn ở bất trung, hành xử như 1 con điếm, đã làm Yahveh phẫn nộ, ghen tức. Tuy nhiên, Yahveh vẫn yêu thương  Israel, Ngài sẽ sửa trị họ để đưa về lại với Ngài và ban cho niềm vui hòa hợp ban đầu.

       Hôsê là người đầu tiên diễn tả mối liên hệ Yahveh và Israel trong ngôn ngữ 1 cuộc hôn nhân. Tín thư của ông đề cập tình thương của Thiên Chúa không được dân Ngài đón nhận. Trái lại còn bất trung, bội phản. Hôsê nhắm đến cách riêng thành phần lãnh đạo, bất xứng với Yahveh, làm cho dân được tuyển chọn rơi vào đồng hàng với các dân khác. Các tư tế tham lam, dốt nát đưa đất nước đến chỗ diệt vong.

      Cũng như Amos, Hôsê lên án bất công và tàn bạo. Tuy nhiên, ông chú trọng đến mặt thất trung về tôn giáo. Yahveh không bao giờ chia sẻ người mà Ngài thương cho kẻ khác. Thế nên, Israel không khỏi bị trừng trị. Trong cơn gian nan bị bóc lột, hạ nhục, họ nhớ lại thời mình còn trung tín với Thiên Chúa và khẩn cầu, hối cãi, Thiên Chúa lại đón nhận họ về cho hưởng hạnh phúc an bình.
2.3  Ysaya : Ngôn sứ chính trực.

       Ysaya sinh khoảng -765 và nhận lãnh sứ vụ khoảng -740, loan báo sự sụp đổ của Israel và Yuđa, hình phạt của sự bất trung. ( Is 6,1-13 ). Ông thi hành sứ vụ trong 40 năm, thời gian mà mối đe dọa từ Assur ngày mỗi trầm trọng. Sứ vụ của ông có thể tạm chia thành 4 giai đoạn :

-         740-736: Khởi đầu sứ vụ đến năm Akhaz lên ngôi. Giai đoạn nầy ông quan tâm đến sự đồi trụy về mặt luân lý do cảnh thịnh vượng mang đến cho Yuđa.
-         Ysaya chống lại nền chính trị phàm tục của Akhaz với các lân quốc, đưa đến sụp đỗ của Israel và lệ thuộc của Yuđa vào Assur.
-         Dưới thời Ezêkya, Ysaya mong muốn người ta đặt tin tưởng vào Thiên Chúa và khước từ mọi liên minh quân sự.
-         Ysaya xuất hiện giúp chống Sennakêrip của Assur.

      Ysaya được xem như một vị anh hùng của Yuđa vì tham gia tích cực vào các vấn đề quốc gia. Ông cũng là thi sĩ có biệt tài. Ông luôn mang ấn tượng sâu đậm cảnh ông được kêu gọi trong đền thờ và mặc khải về tính siêu việt của Thiên Chúa cũng như sự bất xứng của con người.

       Thiên Chúa được Ysaya đề cập là Đấng Thánh, Quyền Phép, Oai Hùng, Mạnh Mẽ, là Vua hiển trị. Đối lại, con người là thực thể nhơ uế vì tội lỗi và phải đền tội. Nguyên nhân họ đã không công bằng trong những liên lạc xã hội cũng như chân thành trong tế tự dâng lên Ngài. Ông là ngôn sứ của lòng tin. Trong các cuộc khủng hoảng của dân tộc, ông đòi lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa và đó là cơ may giải thoát duy nhất. Ông biết sự thử thách sẽ nặng nề nhưng trông cậy vào “số sót” được dung tha, và Messia sẽ là vua của họ. Messia sẽ xuất phát từ dòng dõi David và thiết lập trên trần gian hòa bình và công bằng, sự hiểu biết về Thiên Chúa sẽ được lan truyền. ( Is 2,1-5; 9,1-6;28,16-17 ).

          Cũng như các ngôn sứ trước, Ysaya đề cập một Thiên Chúa hằng sống và công minh, chưởng trị lịch sử nhân loại, phán xét và thương xót. Tương truyền ông bị vua vô đạo Mơnassê cưa chết vì chủ trương thẳng thắn của ông.

      2.4. Ysaya II : Ngôn sứ an ủi.

       Các chương 40-55 trong sách Ysaya là công trình của một ngôn sứ vô danh được mệnh danh là Ysaya II. Ông thi hành sứ vụ tại Babylon vào những năm đầu  khi Kyrô có những chiến thắng trên Babylon.

         Sấm ngôn trong giai đoạn nầy mang tính an ủi. Phán xét đã hoàn tất qua sự sụp đổ của Yêrusalem và thời khôi phục đã gần bên. Một cuộc xuất hành mới sẽ đưa dân trở về một Yêrusalem mới tươi đẹp hơn. Ông đề cập đến thời đã qua và thời sẽ đến, mở đầu cho giáo lý về thời Cánh Chung.

      Chính trong giai đoạn nầy, giáo lý về độc thần được quả quyết và cho thấy tính chất hư vô của các tà thần. Sự khôn ngoan và quan phòng vô cùng của Thiên Chúa  được đề cao cũng như tính chất đại đồng về mặt tôn giáo được đề cập lần đầu tiên và rõ ràng.

        Bốn đoạn thơ “Những bài ca của người tôi tớ” ( 42,1-49 ; 49,1-6 ; 50,4-9 ; 52,13 ; 53,12 ) trình bày dung mạo người tôi tớ trọn hảo của Yahveh, quy tụ dân ThiênChúa, ánh sáng của các dân tộc, rao giảng lòng tin đích thực, chịu chết để tẩy xóa tội lỗi của dân và được Thiên Chúa tôn dương. Hội Thánh nhận ra nơi Chúa Yêsu dung mạo người tôi tớ Yahveh  của Ysaya II.

2.5. Yêrêmia : Ngôn sứ của Giao ước mới.

       Yêrêmia thuộc dòng dõi tư tế vùng quê. Ông là vị ngôn sứ được biết khá rõ ràng trong Cựu Ước, được trình bày bằng một dung mạo cô quạnh, bi thảm trong một đất nước suy vi gần tàn lụi. Thời Yêrêmia thực hiện sứ vụ cũng là lúc Yuđa bắt đầu khánh tận với cuộc vây hãm, thôn tính của Nabukho Donosor, vua đế chế Babylon.

       Yêrêmia tiếp tục truyền thống các ngôn sứ, lập lại các giáo huấn căn bản thích ứng với thời kỳ đen tối. Ông nhận định cách sáng suốt số phận Yuđa và đi đến kết luận cuộc hỏi tội mà các ngôn sứ khác tiên báo, giờ đã đến, vô phương tránh khỏi. Ông chứng kiến sự tàn phá xứ sở, dân chúng Yuđa bị lưu đày hết hết đoàn nầy đến đoàn kia. Luân thường đạo nghĩa suy sụp. Án phạt Thiên Chúa kinh khủng bày trước mặt ông.

        Thế nhưng, với mạc khải xuyên suốt của Ngôn sứ, được mệnh danh để nhổ, để lật, để phá, để xây, ông nhận thấy khi thi hành án công minh, Thiên Chúa còn hoạt động theo lòng lân mẫn xót thương. Một khi đã yêu thương tuyển chọn, Thiên Chúa không bao giờ dứt hẳn tình thương yêu dân Ngài. Giao ước đã bị dân bất trung đơn phương gạt bỏ và xóa mọi đặc ân có được trước mặt Ngài, thì nầy đây, Thiên Chúa sẽ lập một giao ước mới, một giao ước vĩnh cữu. (Yr. 31,31-34 )

        Quả thật, Yêrêmia là ngôn sứ lớn đã có  sấm ngôn có tính chất cắm mốc lịch sử tôn giáo khi đề cập Giao ước mới. Giao ước được ghi khắc trong tâm hồn đổi mới chứ không phải trên gỗ đá, trong lòng thành tâm nhận lấy chứ không phải  đãi bôi vụ hình thức bên ngoài.

       Yêrêmia đề cập đến giáo huấn lòng đạo thâm sâu, cho thấy một Thiên Chúa thấu hiểu và dò xét lòng dạ, trao trả cho mỗi người chén họ đong, tùy hành động mỗi người. Giáo lý của ông đặt nền tảng trên lòng thành tín nội tâm, ảnh hưởng sâu rộng đến các ngôn sứ về sau, Ezêkiel là một thí dụ.





2.6.  Ezêkiel : Ngôn sứ của tái thiết.

          Ezêkiel là ngôn sứ của thời lưu đày Babylon, thi hành sứ vụ vào khoản 598-582. Ông thuộc dòng dõi tư tế tại kinh thành Yêrusalem, thuộc dòng Sađốc, chủ trì tại đền thờ.

        Ông chủ trương  đến việc cải tổ cộng đoàn và nhìn thấy một viễn kiến : Dù thế nào Israel cũng có một tương lai, tuy rằng xét theo thực trạng thì chẳng có tí ti hy vọng gì. Lý do làm ông trông cậy không phải vì biết nhìn thời cuộc, nhưng chính là tin vào sự trung thành bất biến của một Thiên Chúa Giao Ước. Ông cũng như các ngôn sứ khác, đặt trọn niềm tin vào 1 Thiên Chúa trung tín, giàu lòng thương xót đối với dân Ngài đã chọn.

       Ezêkiel thấm nhuần đạo lý Yêrêmia về trách nhiệm cá nhân trong giao ước mới. Mỗi người phải nhận trách nhiệm cá nhân hành động mình trước mặt Đấng Chí Công. Ông cho thấy không thể canh tân một cộng đoàn mà mỗi cá nhân trong đó không thành tâm đổi mới. Nguyên nhân của cuộc đổi mới lại là lòng thương xót của Thiên Chúa và lòng thương xót đó kêu gọi mọi người đáp ứng lại. Ông cho thấy sự huyền nhiệm của Thiên Chúa, ở khắp mọi nơi, nhất là trong tâm hồn mỗi một người. Trong một chương đặc sắc Ez 37, 1-14, Ezêkiel cho thấy một cuộc phục sinh  từ xương cốt của tử sỹ, dấu chỉ một cuộc tạo thành mới nhờ Lời của Thiên Chúa. Chính Ngài sẽ dẫn dắt lịch sử tiến lên mà không lực nào cản nỗi. Lòng tin của ông để lại dấu ấn đặc biệt trên những kẻ lưu đày, nâng đỡ họ khi chạm trán với một tương lai mịt mù của dân tộc.

Cũng như Yêrêmia, ông đề cập đến một Giao ước mới Thiên Chúa sẽ thiết lập. Không phải để thưởng công dân trở về với Ngài, nhưng bởi lòng nhân từ nhưng không. Thực hiện giao ước nầy là một vị Messia, nhưng vị nầy không còn tính chất vương giả hiển vinh. Thay vào đó, Messia là một mục tử của dân.




 


No comments: