Monday 20 October 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Giáo lý Dự Tòng: Thay Lời Tựa




                                         THAY  LỜI  TỰA

Chào mừng các bạn, các anh chị tham dự khóa giáo lý dự tòng nầy.

Chắc hẳn các anh chị khi đến với lớp học nầy đều có đôi chút ưu tư không biết mình sẽ phải nghe, học điều gì đây. Không phải mọi người đều có nguyên nhân như nhau khi tham dự lớp. Thế nên, chúng tôi, những người được may mắn tiếp xúc đầu tiên với các anh chị trong lớp nầy muốn có vài chia sẻ với các bạn.

Trước tiên, giảng khóa nầy chỉ là bước sơ khởi trong lịch trình suốt cuộc đời mà chúng ta phải tìm hiểu liên tục để nhận chân đâu là cái căn bản của đời mình : là gặp gỡ một Đức Kitô thật đang sống trong Hội Thánh của Ngài. Không phải một Yêsu Kitô trong quá khứ 2000 năm về trước nhưng là Chúa Yêsu Kitô đang sống trong hiện tại với kẻ tin. Là cuộc gặp gỡ người với người, ở đây là ta và Chúa Yêsu. Cuộc gặp gỡ nầy làm thay đổi toàn diện đời sống chúng ta trong đức tin, không phải như trẻ con chỉ biết lặp lại hay học thuộc lòng những kinh nguyện giáo lý. ( Than ôi! Đây lại là điều mà ngày nay không ít người tự nhận là đạo gốc mắc phải )  Chính vì thế, vấn đề  học ở đây không phải như là học một môn khoa học nhưng là tìm đến cái nhận chân căn bản đời mỗi một người chúng ta. Vấn đề do đó không nhất thiết là giải thích hoàn toàn bằng lý trí, nhưng là khêu gợi lên để các anh chị suy nghĩ, để đi đến sự cảm nhận và gặp gỡ một Yêsu Kitô đang sống, đang hoạt động trong lòng nhân loại.

Chúng tôi, những người trong ban giảng huấn, có thể mỗi người có cung cách và phương pháp khác nhau, nhưng tất cả chúng tôi đều mong muốn chuyển lại cho các anh chị điều mà chúng tôi đã sung sướng lãnh nhận được, đã hạnh phúc khi nhận lấy Lời của Chúa, đã gặp gỡ Ngài, đã nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình dù thân phận vẫn còn mỏng dòn yếu đuối. Chúng tôi xin khẳng định không áp đặt cho các anh chị một mớ lý thuyết đạo lý nào đó nhưng muốn đề cập đến kinh nghiệm chúng tôi đã gặp gỡ. Không gì có thể thay thế được cái kinh nghiệm gặp gỡ đích thực Ngài và ta. Chúng tôi không phải là những người tiếp thị, quảng cáo Lời Chúa vì xét cho cùng, người tiếp thị quảng cáo không phải lúc nào cũng dùng sản phẩm mình tiếp thị. Những người rao truyền Tin Mừng không phải là kẻ sinh nhai bằng môi mép, quảng bá Lời Chúa cho người khác tiêu thụ còn mình thì khỏi.

Vấn đề là làm sao chuyển được đến các anh chị để anh chị nhận lấy Đức Kitô là nền móng của đời mình và tất cả nhận thức chúng ta đều xây dựng trên nền móng đó. Mục đích mà bất cứ người Công giáo nào trong suốt đời, khi nói, sống, làm, là  xác tín mình đã gặp gỡ Đức Kitô và sự gặp gỡ đó làm mình hạnh phúc và mong muốn truyền lại cái hạnh phúc đó cho người khác. Kỳ dư là nói dối. Cũng chính trong ý nghĩa đó mà Phaolô thốt lên : “ Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng ”.

Trong tâm tình chia sẻ như vậy, mong các anh chị xem khóa học của chúng ta như một cộng đoàn để cùng nhau đi đến kết quả thật như Thiên Chúa mời gọi, chứ không phải một khóa học mang lại một mớ kiến thức tôn giáo, để rồi khi trà dư tửu hậu, chúng ta có thể vung vít về mớ kiến thức đó. Cũng có một số anh chị vì nguyên nhân lập gia đình, thân nhân bạn mình đề nghị phải theo học lớp dự tòng. Xin anh chị nào ở trong trường hợp nầy cũng rộng lòng đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa. Thành thật mà nói, Thiên Chúa có 1001 cách để thông ban sự sống của Ngài cho con người, thậm chí có cả những cách mà các anh chị cảm thấy không được thoải mái, tuy nhiên, đó lại là cơ hội Thiên Chúa muốn ban tặng cho các anh chị. Chẳng phải thông qua người các anh chị yêu mến và muốn kết hợp trọn đời mà Thiên Chúa muốn tỏ bày và ban tặng anh chị ơn làm con Thiên Chúa đó sao ? Nếu người có ông bố làm tổng thống, chưa cần phải tổng thống của một cường quốc, ắt hẳn là tự hào, phương chi chúng ta được làm con của Đấng Tạo Hóa?

Thế đấy, với lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta cùng nhau bước vào tiến trình mà từ muôn đời Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.




































                                    CHỌN  LỰA  KITÔ  GIÁO
                                              ( Công  giáo )

Các anh chị khi đến tham dự lớp dự tòng này chắc chắn có câu trả lời ngay khi được hỏi tại sao lại chọn lựa Kitô giáo. Có anh chị muốn tìm hiểu, anh chị khác do nguyên nhân tiến đến hôn nhân với người Công giáo, lỡ yêu nên đành lòng ép bụng theo cho vừa lòng người yêu và gia đình, bạn khác lại có được lời mời gọi cách khác nên tin theo…Nhiều bạn tuy đồng ý đi học nhưng ấm ức trong lòng, hà cớ gì tôi phải từ bỏ tín ngưỡng tôi đang theo để tin vào Kitô giáo, vì xét cho cùng đạo nào chẳng dạy con người ăn ngay ở lành, có đạo nào dạy điều xấu đâu. Không sai, nhưng không đầy đủ. Chính điều anh chị đang ấm ức là điều mà Thiên Chúa đã mặc khải, nói dễ hiểu hơn, là Thiên Chúa đặt để trong lòng anh chị. Chúng tôi muốn bắt đầu từ chính điểm nầy.

I. MẶC KHẢI TIÊN KHỞI.

Để anh chị làm quen với các ngôn từ trong thần học, chúng tôi xin định nghĩa trước mỗi khi gặp để các anh chị khỏi ngỡ ngàng. Măc khải là gì? Theo nguyên ngữ, Mặc là bí nhiệm, thâm sâu. Khải là tỏ ra. Mặc khải là tỏ ra cho biết những điều bí nhiệm thâm sâu.

Trong diễn tiến phát triển xã hội, con người không chỉ mãn nguyện nơi những nhu cầu vật chất nhưng còn muốn thõa mãn cái gì cao cả hơn. Đó là lẽ sống, là một thang cấp về giá trị xây dựng trên một quy chuẩn đạo đức. Không một nền văn hóa, không một dân tộc nào lại đi suy tôn các tên phản bội bán nước, bọn đê tiện nhưng người ta sẽ ghi nhớ các vị anh hùng, các nhân vật tài hoa như một lý tưởng cho người khác noi theo để sống sao cho xứng đáng. Con người khác thú vật chính vì mình sống phải có lý do để sống, phải có mục đích cuộc sống.

Thế nhưng, khi cái chết ập đến, không người nào tránh khỏi giờ phút nầy, mọi người đều có câu hỏi: Đằng sau những tháng năm thu tích kiến thức, tiền tài, danh vọng, sự nghiệp, tình yêu… để cuối cùng làm gì ? Câu hỏi nầy làm người ta đi đến tôn giáo. Như thế, ngang qua chỗ vô thường nầy mà chúng ta có câu hỏi tôn giáo và vấn đề phúc họa là ảo tưởng hay là thật? Nhân loại chia rẽ nhau vấn đề nầy. Người vô thần thật sự,  chúng tôi không đề cập loại vô thần môi mép, cho rằng thân xác hiện hữu chỉ là sự vay mượn của trái đất nầy các cặp nhiễm sắc thể, mà nhân loại truyền lại cho nhau thế hệ nầy sang thế hệ khác và quan trọng là làm sao, cho cái vốn liếng chung đó không mai một đi, nhưng phát triển thêm. Tuy nhiên, xét cho cùng thì lối suy nghĩ nầy cũng là một dạng tôn giáo vì họ thành tâm coi đây là lẽ sống, lý tưởng đời mình để tận tụy noi theo. Các tôn giáo thì khẳng định mình có câu trả lời cho lẽ sống đích thực của con người.

Mặc khải Kitô giáo cũng đem lại một câu trả lời. Một điều cần xác định là con người không thể tiếp xúc với mặc khải, nếu không có câu hỏi. Không hỏi thì không biết mình cần gì, muốn gì, thì cần gì mặc khải mang lại. Đáng buồn là nhiều người dửng dưng với mặc khải vì không đủ trưởng thành để đạt câu hỏi về chính sinh mạng mình. Khi khắc khoải tìm kiếm, thì cho dù chưa có lời giải hoặc đôi khi giải sai, nhưng điều đáng trân trọng vì có cơ may gặp được Thiên Chúa cách nào đó. Những người nhận mình “có đạo” từ tấm bé, nhưng không mảy may đặt cho mình câu hỏi đâu là gia nghiệp của đời mình, thì cũng chỉ là đám mê tín chứ không phải là người tín hữu. Phải can đảm đặt câu hỏi về sinh mệnh mình thì mới đụng chạm đến mặc khải. Mặc khải chính là lời giải, không phải do chính con người suy nghĩ ra, nhưng do tự Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành ra con người trả lời cho con người, như ông kỹ sư trả lời về cái máy ông chế tạo ra. Cũng thế, mặc khải là câu trả lời của Thiên Chúa về sự tạo thành con người để làm gì, ý nghĩa thế nào.

Thiên Chúa không ban cho con người bất cứ cái gì mà Ngài lại không chuẩn bị trước, để con người có thể đón nhận lấy. Ngài đã tạo nơi con người những nhu cầu để lãnh nhận Ngài. Ngoài bản chất thể xác, con người còn có tinh thần. Với bản chất tinh thần nầy, con người đã đụng chạm được tới Thiên Chúa, vì Ngài là Tinh Thần. Cũng từ bản chất tinh thần mà con người có khả năng về sự thật, có trực giác về sự thật, có bản lĩnh đón nhận sự thật. “ Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật.” ( 1Tm2,4)

Với ý muốn như thế, Thiên Chúa hoạt động liên tục nơi thâm tâm mỗi một con người, vì thế hầu như trong các dân tộc nào cũng có hiện tượng về sự giao dịch giữa người và Thiên Chúa. “ Trời thưởng Trời phạt, Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống…” nơi người bình dân phản ảnh tâm tình cậy trông một sự công chính không đến từ trần gian nầy, hoặc là một sự tín thác sự sống mình cho Thiên Chúa qua lời khẩn nguyện đơn sơ nhưng chân thành đó.

“ Thiên Chúa độc nhất và hằng có đã muốn dựng nên vạn vật; và đầy lòng thương mến, Người đã muốn thông ban sự sống của Người, sự sống tận cùng đó hé mở cho ta thấy bên trong mình Người, nơi mầu nhiệm Ba Ngôi: Cha, Con, Thánh Thần.
Việc thông ban đó là ý định đầu hết của Thiên Chúa, và vì thế Người đã dựng nên vũ trụ, ngay về giới tự nhiên, làm như điều kiện dự bị mà ơn Người kiến tạo ra. Bởi ý định ấy, toàn thể nhân loại được Người kêu gọi. Lịch sử của việc thông ban ấy mọi thời, mọi nơi hằng diễn ra: Thiên Chúa dạm hứa ơn của Người cho con người tự do, thuộc mọi thời, mọi địa vị.” ( trích trong Tiểu dẫn vào Tân Ước của lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR )

Do sự thuần túy yêu mến, nên khi tạo dựng, Ngài đã đặt để trong tâm hồn mỗi người, như điều kiện dự bị, để con người có thể đón nhận lấy ý định yêu thương của Ngài.. Toàn thể nhân loại đều được Ngài ngõ lời và con người tự do ở mọi thời, mọi địa vị đều cảm thấy được Thiên Chúa dạm hứa ơn của Ngài. Đó chính là mặc khải tiên khởi, là món quà Thiên Chúa ban tặng sẵn trong mỗi người khả năng nhận biết Thiên Chúa.

Như thế, không phải các linh mục, các người truyền giáo là những người rao giảng để người ta nhận biết Thiên Chúa nhưng chính Thiên Chúa đã đi trước trong những công việc ấy. Bằng nhiều nguyên nhân khác nhau, Thiên Chúa đã mang anh chị về với Ngài và chúng tôi may mắn được Ngài giao để giúp các anh chị. 

Với điểm xuất phát như thế thì đáng lý ra, thế giới nầy phải là một thế giới tình thương yêu ngự trị, trong đó đáng lý ra con người phải tiếp tục chuyển thông cái tình thương vô bờ bến đó cho nhau, như Thiên Chúa đặt để nơi cha mẹ đối với con cái họ. Thế nhưng, khi con người lớn lên va chạm phải những sự khiếm diện của Thiên Chúa, khiếm diện trong tình thương của Thiên Chúa trong đời sống cư xử người với người ( Sách Sáng Thế mô tả sự khiếm diện nầy khi nói con người núp, lẫn trốn Thiên Chúa ( St 3,8-10), con người lại đối với nhau đầy ích kỷ và độc ác. Thế giới trở thành đấu trường tranh sống do những ích kỷ và độc ác giữa con người với nhau : con cái đụng chạm với ích kỷ của cha mẹ, vợ chồng với nhau, bạn hữu, đồng nghiệp…Các tương quan đối xử với nhau như vậy biến thành những cuộc chống chọi ích kỷ, đóng kín trong lòng mỗi người. Đó chính là nguyên tội, cái tội nền tảng, cái tội căn bản mà Kinh Thánh khái quát bằng câu chuyện ăn trái cấm. Bao giờ thế giới nầy gặp lại tình trạng vô vị kỷ thì thế giới mới tái tạo lại cách nào đó cái thế giới tình thương, thế giới đó mới thực sự là thế giới ơn cứu độ, mới gặp được mặc khải của Thiên Chúa. Hình ảnh của cái mỉm cười đầu tiên người mẹ âu yếm đứa con sơ sinh, là cái dấu chỉ nguyên tuyền vô vị kỷ của nhân loại trong sự yêu mến thuần túy mà chúng ta dễ cảm nhận nhất. Trong cuộc sống cũng vậy, chỉ những ai đến với người khác một cách vô vị lợi, thuần túy yêu mến mà không mong chờ quay trở lại mình thì mới thực sự sống trong mầu nhiệm tình thương.

Chính từ những suy nghĩ nầy, để người lãnh nhận đức tin Kitô giáo một cách chân chính, trước tiên không phải là hướng dẫn các anh chị những lý thuyết giáo lý, hay các tín điều, nhưng là làm thế nào để các anh chị đạt đến, tập cho được biết yêu thương kẻ khác một cách vô vị kỷ, phục vụ kẻ khác, phục vụ đồng loại bất cầu lợi cho mình. Nếu không, không khéo biến thành những con vẹt đọc lại những tín điều, làm theo thói quen.

Từ những nhận thức đó, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa thông ban chính mình trong mọi thời, mọi nơi. Chúng ta không có gì để thất vọng về ơn cứu độ cho những thế hệ tiên tổ xa xưa của con người. Ngay chính thời điểm nầy, dưới bất cứ chân trời nào, Thiên Chúa vẫn đang làm chuyện mặc khải cho nhân loại. Ngài vẫn đang làm việc nầy cho các tôn giáo khác, cho những người theo đuổi những niềm tin khác, cho những người thành tâm tìm kiếm chân lý. Thiên Chúa làm việc nầy thế nào chúng ta không biết rõ nhưng qua các dấu chỉ về việc sống đạo đức trong các dân tộc, các nền văn hóa, chúng ta có thể cảm nhận điều đó. Cần xác tín rằng, nơi các tôn giáo, con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cách nào đó và cũng cách nào đó Thiên Chúa cũng tỏ bày cho con người cách kiếm tìm, vì chính Ngài đã muốn ban sự sống bên trong của Ngài, ban chính mình Ngài cho con người.

Mặc khải chung khởi đó là mặc khải chung ban cho toàn thể nhân loại, mặc khải ấy làm thành bởi chính con người là tinh thần, có bản lĩnh nhận biết Thiên Chúa. Mặc khải này có thể diễn ra khách quan hóa bằng những hiện tượng tôn giáo nơi đời thường, bằng câu kinh, bằng tụng niệm, cử chỉ khẩn cầu, thờ phượng, bằng các đạo lý… nơi các tôn giáo, các nền văn hóa. Đây chính là kho tàng mặc khải mang nhiều nét phong phú khác nhau mà thần học Kitô giáo tại mỗi địa phương phải thâu lượm những điều Thiên Chúa đã đi trước và ban cho trong môi trường cụ thể mỗi địa phương.

Tại Viêt Nam cũng vậy, Hội Thánh Công giáo cũng cần thâu lượm, đối chiếu và chọn lọc tất cả những dữ liệu có từ các tôn giáo khác để phong phú hóa kho tàng mặc khải của đạo Chúa Kitô, tạo nhịp cầu đưa con dân đất Việt gặp gỡ lại chính Đấng đã đi trước, đã tiếp xúc trước rồi.

Mặc khải tiên khởi cho toàn nhân loại nầy được Kinh thánh biên tập lại  trong Sách Sáng Thế khi đề cập lời hứa của Thiên Chúa với ông Noê và toàn thể hậu duệ của ông sau trận lụt hồng thủy. Các anh chị sẽ được giới thiệu trong phần mặc khải tại khóa học nầy. Tuy nhiên, anh chị nào có điều kiện đọc trước cũng tốt.

Ngoài hoạt động liên lỉ của ơn Người  nơi thâm tâm mỗi con người nhân loại, việc Thiên Chúa thông ban mình Người lại còn tiết lộ ra trong lịch sử có những nơi, có những thời, trong liên tục của lịch sử. Thiên Chúa hằng có ngoài thời gian, đã chứng thực cái ý định cứu rỗi của Người ngay trong thời gian. Đó là thánh sử, hay lịch sử cứu rỗi. ( tiểu dẫn vào Tân Ước của lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR )  

II  MẶC KHẢI KITÔ GIÁO.

Đây là mặc khải thể hiện trong một lịch sử cụ thể, là lịch sử cứu độ nơi dân Israel và nơi Hội Thánh Kitô giáo. Khởi đầu từ việc Thiên Chúa kêu gọi Abraham diễn tiến qua hai giao ước. Mặc khải trong Giao Ước củ ( Cựu Ước ) với Abraham và Giao Ước mới ( Tân Ước ) với Chúa Kitô.

Mặc khải trong thánh sử nầy không phải là mặc khải ra những chân lý nói trực tiếp từ trời xuống nhưng là việc Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người và hoạt động trong lòng nhân loại. Mặc khải nầy không phải là một hệ tư tưởng, một chủ thuyết, một ý thức hệ nhưng là hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Mặc khải nầy cũng không phải là những phán dạy những sự thật siêu phàm mà trí khôn con người không thể đạt thấu, nhưng là những tri thức con người có khả năng đủ để nhận ra có Thiên Chúa độc nhất, là nguồn, là nguyên nhân mọi sự, là Đấng phán xét nhân loại theo lẽ phải.

Mặc khải Kitô giáo là tất cả việc Thiên Chúa tỏ bày thông tri về Ngài cho con người trong thánh sử. Khi một người thông tri về mình cho người khác như hai anh chị đang yêu thổ lộ về mình thì không phải là anh chị đang thổ lộ ra cho đối tượng rằng tôi có bao nhiêu tế bào, có mấy bằng, làm nghề gì nhưng tỏ lộ ra điều sâu thẳm tự con tim, tự đáy lòng mà chỉ có tôi biết không ai được biết nếu tôi không nói. Thiên Chúa tỏ bày thông tri về Ngài cũng vậy. Ngài cho con người biết điều Ngài khắc khoải bận tâm, đã được mặc khải qua các mối tương giao giữa Ngài và loài người để nói lên lòng mến thương đến mức đam mê của Ngài với loài người. Làm sao có thể biết mặc khải Kitô giáo là mặc khải của Thiên Chúa cho mọi người ?

Đối vấn đề nầy, chúng ta chỉ có lời quả quyết về lòng tin của Hội Thánh. Những người không tin luôn luôn có thể bác bỏ mọi lý chứng mà chúng ta có thể nêu ra. Đây không phải là vấn đề minh chứng. Xin dùng 2 trích đoạn của Phaolô để nói :


1C 2,11-12)
“…Cũng vậy, những điều có trong Thiên Chúa, không ai biết được, trừ phi là Thần Khí của Thiên Chúa. Phần ta, không phải là thần khí của thế gian mà ta đã chịu lấy, nhưng là Thần Khí do tự Thiên Chúa, ngõ hầu ta nhận biết các điều Thiên Chúa đã thi ân xuống cho ta”.

1C 2,10
“ Vì Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta nhờ Thần Khí, bởi Thần Khí dò thấu mọi sự, cả những điều sâu thẳm nơi Thiên Chúa”.

Vậy, vấn đề còn lại là chính do Thiên Chúa làm và tỏ bày thì chúng ta mới được. Đó là mặc khải của Ngài. Điều tự nơi Thiên Chúa thì không ai biết nếu Ngài không nói ra, thế nhưng, ở đây Thiên Chúa còn tự nói ra. Những lời nói, hành động của Ngài được tiết lộ trong lịch sử bằng những nhân vật mà chính Ngài đã can thiệp vào đời họ để bảo đảm cho chúng ta chính họ là những sứ giả của Thiên Chúa mang mặc khải của Ngài đến cho nhân loại. Hội Thánh đã chuyển lại cho ta tất cả những điều đó dưới danh tính “ Lời của Yahvê phán”.

Cũng có những khuynh hướng hay vin vào những hiện tượng tiên tri, phép lạ để xem đó như phương pháp hướng dẫn người khác chọn lựa Kitô giáo. Vấn đề nầy chúng tôi không dám nói là sai, nhưng không hoàn chỉnh, vì ngày nay vấn đề nầy thật sự phức tạp và Hội Thánh cũng rất thận trọng. Có thể đây là những đặc sủng Thiên Chúa ban cho từng người tùy lòng mến và theo ý Ngài, nhưng xét về mặt tổng thể thì yếu tố lòng tin chúng ta nhận lấy quan trọng hơn nhiều. Phải nói rằng, Đức Tin không phải tự ta tin được, nhưng chính Thiên Chúa đặt để trong lòng chúng ta sự thúc đẩy lôi kéo của Ngài. Đức tin là quà tặng của Thiên Chúa cho người Ngài chọn lựa.

Thiên Chúa lôi kéo chúng ta tự bên trong là thế. Ngài cho chúng ta chú ý vào một điều mà từ trước tới nay chúng ta không lưu tâm. Có những tiếng gọi của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, hôm nay chúng ta chưa lãnh hội hay phớt ngang qua, thời gian sau nào đó chúng ta mới cảm nhận được. Thiên Chúa kiên nhẫn với con người là vậy. Khỏi nói đâu xa, ngay trong khóa nầy, nếu ai trước đây vài ba năm,( cũng có thể có vài trường hợp đặc biệt ) mấy ai nghĩ nghĩ mình theo học khóa dự tòng nầy ? Điều nầy không hiếm thấy trong lịch sử giáo hội đâu.

Công cuộc tỏ bày ý định của Thiên Chúa thường làm cho con người bất ngờ. Mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa làm người, mang lấy toàn bộ mặc khải của Thiên Chúa cho nhân loại trong thân phận con người bé nhỏ tầm thường là việc vượt ngoài dự tưởng của trí khôn nhân loại. Thiên Chúa xuất hiện trong lòng nhân loại không bằng hào quang, sự kiện kinh hồn táng đởm nhưng chính bằng sự khiêm hạ tầm thường và chính sự quá tầm thường khiêm hạ đó mới đáng làm người ta phải kinh tâm về biến cố mặc khải đó. Thiên Chúa có mặt trong trần gian nơi thân phận con người, đã đi qua những nẽo đường trần gian bụi bặm đó. Đây mới chính là cái mà ta cần lãnh nhận về mầu nhiệm Thiên Chúa bày tỏ mình. Yoan đúc kết một cách sâu sắc : “ Không ai có thể đến với Ta, nếu Cha, Đấng đã sai Ta không lôi kéo nó.” ( Ga 6,44).

Thế đấy, vấn đề của chúng ta không phải là bằng những kiến thức cân đong đo đếm, nhưng chính bằng sự cảm nhận , bằng lòng tin mà chúng ta gặp gỡ một Chúa Kitô, suối nguồn ơn cứu độ mà từ muôn đời Thiên Chúa muốn thông ban cho chúng ta ./.


No comments: