Thursday, 27 December 2012

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: ĐỨC MARIA THĂM BÀ ÊLISABÉT



Bài Tin Mừng Lc 1, 39 – 45 cho thấy biến cố Đấng Mêsia ngự đến đã được thực hiện như thế nào và mầu nhiệm cứu độ được diễn tả trong biến cố đó ra sao. Để thăm viếng v à ban tặng Ơn Cứu Độ cho nhân loại, Thiên Chúa đã ưu ái chọn Đức Maria. Con người Đức Maria, lòng tin của Mẹ, sự tuân phục của Mẹ, tình mẫu tử của Mẹ... đã là những “lối nẻo” Thiên Chúa chọn để viếng thăm và cứu độ chúng ta. Trung tâm sứ điệp của bài Tin Mừng này, vì thế, tập trung nơi Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu.
Vừa khi Đức Maria chào bà Êlisabét, bà liền được đầy tràn Thánh Thần và kêu lớn tiếng. Tâm hồn bà Êlisabét tràn ngập một niềm vui khôn tả. Và bà cất lời chào Đức Maria.
Chắc chắn niềm vui mà bà Êlisabét đang trải nghiệm không phải chỉ là một niềm vui bình thường của một người phụ nữ được một người họ hàng đến thăm, mà chính là niềm hân hoan thánh thiện của thời đại Đấng Thiên Sai đến thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Có một niềm vui mới mẻ ùa vào trần gian do mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể. Thiên sứ của Thiên Chúa, trong khung cảnh của biến cố Con Thiên Chúa đến trần gian, đã luôn tự trình bày về mình như là sứ giả của niềm vui, và là niềm vui của thời cứu độ. Với ông Dacaria, thiên sứ nói: “Ông sẽ được vui mừng hớn hở và nhiều người cũng sẽ được mừng vui” ( 1, 14 ). Lời đầu tiên mà thiên sứ Gabriel thưa với Đức Mẹ trong biến cố truyền tin là lời “Mừng vui lên !” Và với các mục đồng, thiên sứ nói: “Này tôi loan báo cho anh em một tin vui lớn lao” ( 2, 14 ). Phần Đức Maria, ngay từ giây phút đầu tiên nói lời “Fiat”, Mẹ đã được trải nghiệm một niềm vui sâu xa khôn tả. Tất nhiên niềm vui của Mẹ không phải là một cái gì đó dễ dãi và có sẵn, mà là một thực tại lớn dần theo thời gian. Niềm vui ấy sẽ trở nên ngày càng sống động hơn, sâu sắc hơn và thâm trầm hơn, sau một quá trình chín muồi dần. Một trong những thời điểm đặc biệt mà chúng ta thấy niềm vui đó của Đức Mẹ như vỡ oà, là thời điểm Đức Mẹ cất lên bài ca Magnificat tán dương Thiên Chúa, trong cuộc viếng thăm bà Êlisabét này ( 1, 46 – 47 ).
Đặt trong chuỗi những niềm vui đó, chúng ta có thể nói: chắc chắn niềm vui khiến bà Êlisabét thốt lời ca ngợi Đức Maria trong bài Tin Mừng này, phải có một ý nghĩa đặc biệt và thuộc về cảnh vực của mầu nhiệm Thiên Chúa cứu thế gian. Khi Đức Maria đến thăm bà Êlisabét, Mẹ mang đến cho bà niềm vui thánh thiện và sâu sắc ấy, vì Đấng mà Mẹ đang cưu mang chính là Đấng cứu độ nhân loại.
Trong niềm hân hoan đó, bà Êlisabét nói với Đức Maria: “Em được chúc phúc” ( c. 42b ).
Theo lối nói đặc biệt trong Kinh Thánh, “em được chúc phúc” tức là “Thiên Chúa đã chúc phúc cho em”. Thực tại đầu tiên mà bà Êlisabét nhận ra nơi Đức Maria chính là ơn phúc Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ: “Thiên Chúa đã chúc phúc cho em”. Luôn luôn, chính hành động của Thiên Chúa mới là yếu tố căn bản và có tính quyết định. Theo gương bà Êlisabét, chúng ta chỉ có thể tôn kính Đức Mẹ một cách đúng đắn nếu chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ không phải nơi chính Mẹ, mà là trong tương quan với Thiên Chúa.
“Chúc phúc” theo nghĩa riêng biệt của hạn từ, là công trình của một mình Thiên Chúa mà thôi. Và nó có nghĩa là: ban cho Sự Sống, giữ gìn trong Sự Sống, mang đến sự viên mãn của Sự Sống. Thiên Chúa là Chúa của Sự Sống, mỗi thụ tạo đều “mắc nợ” Ngài về chính Sự Sống của mình. Nhưng Thiên Chúa chúc phúc cho Đức Maria một cách đặc biệt, khi Ngài tạo nên nơi Mẹ một Sự Sống Thần Linh, mới mẻ và hoàn hảo. Đó là chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đang nhập thể làm người nơi cung lòng Mẹ.
Khi nói Đức Maria được chúc phúc “hơn mọi người phụ nữ” ( c. 42b ), bà Êlisabét muốn nói rằng: Thiên Chúa, Chúa của Sự Sống, đã làm nên nơi Đức Mẹ Sự Sống vô cùng đặc biệt, và Người đã làm điều đó không giống như Người đã làm nơi bất cứ người phụ nữ nào khác. Mọi sự sống đều tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, theo đúng quy luật mà Người đã đặt trong tạo thành. Chính bà Êlisabét cũng đang mang thai, tức là chính bà cũng đang được Thiên Chúa chúc phúc, đang được Thiên Chúa gây nên nơi mình một sự sống là cậu Gioan Tẩy Giả. Trong tư cách là một phụ nữ cao niên và son sẻ, bà đang trải nghiệm nơi chính mình tính cách đặc biệt của phúc lành của Thiên Chúa. Nhưng đứa con bà đang mang trong bụng vẫn là con của bà và con của ông Dacaria. Trái lại, Đức Maria trở thành một người mẹ theo một cách thức hoàn toàn khác lạ so với mọi phụ nữ trên trần gian, vì Sự Sống đang tượng hình nơi Mẹ hoàn toàn là do một sự can thiệp độc đáo, đặc biệt và sáng tạo của Thiên Chúa. Khi ta đọc lời kinh Kính Mừng “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ”, là chúng ta suy gẫm về mầu nhiệm lạ lùng đó nơi Đức Mẹ.
Tiếp đó, bà Êlisabét nói một cách rõ ràng: người con mà Đức Maria đang cưu mang trong thai được chúc phúc ( c. 42c ). Nói cách khác, Thiên Chúa đã chúc phúc cho người con mà Đức Maria đang cưu mang. Người ban cho Đấng ấy sự sống và sức mạnh. Mầu nhiệm ấy xảy ra thế nào, chúng ta sẽ chỉ có thể hiểu được khi đi đến điểm cuối cùng của cuộc sống Đức Giêsu. Với mầu nhiệm Phục Sinh, Ngài chiến thắng hoàn toàn sự chết và trở nên nguồn Sự Sống vĩnh cửu. Nhờ Ngài, Thiên Chúa tự mạc khải theo một nghĩa tròn đầy, rằng Người là Đức Chúa của Sự Sống và Người ân ban phúc lành lớn lao nhất của Người là Sự Sống đời đời. Đó là công trình của Thiên Chúa. Người đã dùng Đức Maria để đem vào trần gian này chính Đấng sẽ chiến thắng sự chết và mang đến Sự Sống vĩnh cửu. Phần mình, Đức Maria góp phần vào công trình cứu độ bằng việc cưu mang và hạ sinh chính Đấng sẽ đem lại Sự Sống thật cho nhân loại, Sự Sống vĩnh cửu.
 Bà Êlisabét còn đi xa hơn nữa khi tuyên bố rằng người con mà Đức Maria đang cưu mang ấy chính là Đức Chúa: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?” ( c. 43 ). Đức Maria đang cưu mang Con Đấng Tối Cao ( 1, 32 ), Con Thiên Chúa ( 1, 35 ). Vì thế, Mẹ là “Thân Mẫu của Đức Chúa”, nơi Mẹ, Đấng là Con Đấng Tối Cao đang bắt đầu cuộc sống thế tạm của mình. Đứng trước mặt Đấng là Mẹ của Đức Chúa ấy, bà Êlisabét ý thức ngay sự bất xứng của mình. Bà hân hoan vì cuộc viếng thăm của Người, nhưng đồng thời cũng ý thức một cách rõ ràng rằng bà không thể và không bao giờ đồng hàng với Đức Maria được. Có một sự khác biệt quá lớn lao và hoàn toàn giữa Đức Mẹ và bà Êlisabét. Nhưng tất nhiên sự khác biệt ấy đã không hề ngăn cản Mẹ hiệp thông và hân hoan cùng với bà Êlisabét.
Cuối cùng, bà Êlisabét nói về thái độ Đức Tin của Đức Maria: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” ( c. 45 ).
Đức Maria có phúc. Đó cũng là điều mà thiên sứ Gabriel đã nói khi truyền tin cho Đức Mẹ. Thiên sứ Gabriel đã không gọi Mẹ bằng tên riêng “Maria”, mà gọi là “đầy ân sủng”. “Có phúc” hay “đầy ân sủng” là những lối nói mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa đã thực hiện điều gì nơi Đức Maria và do đó, Đức Maria đã trở nên điều gì đối với chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm cho Mẹ được tràn đầy ân phúc; Người đã ban cho Mẹ tất cả vẻ duyên dáng nhờ những ân điển của Người; Người đã làm cho Mẹ trở thành vô cùng đáng yêu trong mắt Người; và vì vậy, ân huệ của Người và tình yêu của Người luôn hướng về Mẹ; Người bị hấp dẫn bởi vẻ duyên dáng của Mẹ, vẻ duyên dáng do chính Người tạo nên bằng các ân huệ thiêng liêng của Người. Đức Maria đã xứng đáng được Thiên Chúa lưu tâm và yêu mến. Thiên Chúa làm cho Mẹ được tràn đầy ân phúc, đến nỗi tình yêu và sự quan tâm của Người lại bị thu hút bởi chính vẻ duyên dáng của Mẹ, vẻ duyên dáng mà ân sủng của Người đã làm nên.
Và đó thực sự là một mầu nhiệm của mối tương quan giữa Thiên Chúa với Đức Maria: làm sao Thiên Chúa vĩ đại vô biên và toàn năng khôn lường, lại đã nghiêng mình một cách đặc biệt như thế trên cô thôn nữ Nadarét và đã làm cho cô thôn nữ ấy trở nên xứng đángvới tình yêu của Người như vậy ?
Về phần mình, Đức Maria đã ứng đáp với tình yêu vô cùng đó của Thiên Chúa bằng một Lòng Tin tuyệt vời: Mẹ đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với Mẹ ( c. 45 ). Thái độ trước hết và trên hết của Mẹ là thái độ của một người tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa. Mẹ đã đón nhận lời Thiên Chúa với tất cả lòng tin. Mẹ hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng và lòng trung tín của Thiên Chúa. Mẹ thực hiện sứ mạng của mình trong lòng tin. Chưa hiểu được tất cả, chưa khám phá được tất cả, chưa nhận biết được tất cả, nhưng Mẹ hoàn toàn tin vào lời Thiên Chúa, tin vào tình yêu Thiên Chúa, tin vào quyền năng Thiên Chúa.
Tóm lại, trong bài Tin Mừng hôm nay, lời tung hô của bà Êlisabét đã khắc hoạ cho chúng ta những đường nét chính yếu trong dung mạo của Đức Maria: “Đấng được chúc phúc”, “Thân Mẫu của Đức Chúa”, “Đấng có phúc” “Đấng hoàn toàn tin vào Thiên Chúa”.
Trong tư cách là Đấng được chúc phúc, Đức Mẹ nói cho chúng ta biết rằng Đấng mà Mẹ sắp sinh ra cho nhân loại chính là Sự Sống Thần Linh, là Con Thiên Chúa làm người để đem lại cho chúng ta sự sống viên mãn của chính Thiên Chúa.
Trong tư cách là Thân Mẫu của Đức Chúa, Đức Mẹ nói cho chúng ta biết rằng Đấng mà Mẹ sắp sinh ra cho nhân loại chính là Đức Vua Mêsia và là Con Thiên Chúa, Đấng cầm quyền sinh tử.
Trong tư cách là Đấng tràn đầy ơn phúc, Đức Maria nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa vĩ đại vô biên và toàn năng khôn lường đang nhìn đến nhân loại với tất cả sự ưu ái của Người, mà vì thế, Người đã làm cho Mẹ trở thành cung lòng tuyệt vời để Con Thiên Chúa ngự đến khi viếng thăm nhân loại.
Trong tư cách là một con người hoàn toàn tin vào Thiên Chúa, Đức Maria nói cho chúng ta biết rằng Lòng Tin chính là điều căn bản và chính yếu mà chúng ta phải có khi đón Con Thiên Chúa nhập thể cứu độ nhân loại.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

No comments: