SINH HOA TRÁI XỨNG LÒNG HỐI CẢI
Nỗ lực
cao nhất của ông Gioan Tẩy Giả là chuẩn bị dân đón nhận ơn cứu độ sắp được thực
hiện nơi Đức Kitô. Ông kêu gọi mọi người hối cải và sinh hoa trái xứng với lòng
hối cải ( Lc 3, 8 ). Trong Lc 3, 10 – 18, ông Gioan cho chúng ta biết “hoa trái
xứng với lòng hối cải” ấy là gì ( cc. 10 – 14 ), và Đấng sắp đến là ai ( cc. 15
– 18 ).
1. Hoa trái xứng với lòng hối cải ( cc. 10 – 14 )
Đám đông dân chúng ( okhloi ) đón nhận lời kêu gọi hối cải của ông Gioan. Nhưng họ
không chỉ muốn nghe nói chung chung về hoa trái của sự hối cải ấy. Họ muốn biết
một cách cụ thể hơn nữa điều họ cần phải thực hiện. Họ không bằng lòng chỉ với
“đạo tại tâm”, vì cuộc hoán cải trở về với Thiên Chúa không phải chỉ là chuyện
của lời nói và những ý nghĩ trừu tượng, mà còn phải là và chính yếu là những
hành động cụ thể: “Vậy chúng tôi phải
làm gì ?”
Đám
đông dân chúng ở đây đã được tác giả Luca trình bày như gương mẫu cho các Kitô hữu
khao khát ơn cứu độ và quyết tâm hoán cải quay trở về với Thiên Chúa. Nhưng rất
nhiều khi, chính chúng ta lại chỉ thoả mãn với những lời nói suông và những
nghi lễ này khác, mà quên mất một câu hỏi quan trọng: “Tôi phải làm gì ?” Mùa
Vọng là cơ hội rất tốt để chúng ta đặt câu hỏi đó cho chính mình trước mặt
Thiên Chúa và Hội Thánh. Và chắc chắn chúng ta sẽ có câu trả lời.
Đáp lại câu hỏi của đám đông, câu trả lời của ông Gioan
cho thấy nguyên tắc đạo đức căn bản của ông là tình yêu đối với tha nhân. Tất
cả hoa trái của sự hoán cải mà ông Gioan nghĩ đến đều nằm ở thái độ và cách
hành xử đối với tha nhân. Cũng giống như đối với Chúa Giêsu, đối với ông Gioan,
chọn lựa triệt để sống cho Thiên Chúa ( = hoán cải ) phải đưa người ta đến chỗ
thực hiện trọn vẹn thánh ý Người trong tình yêu mến. Cuộc hoán cải làm cho
người ta hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa cần phải được và chỉ được thực hiện
một cách thực sự hữu hiệu qua những cách hành xử của người ta đối với tha nhân.
Cuộc
hoán cải đó đòi hỏi một sự chia sẻ những thực tại thiện hảo của mình cho tha
nhân trong tình huynh đệ ( c. 11 ) và đòi hỏi sự khước từ mọi cách hành động
bất chính ( cc. 12 – 14 ).
Đối với
mọi người nói chung, ông Gioan yêu cầu sự sẻ chia huynh đệ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có;
ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” ( c. 11 ). Vị Ngôn Sứ nhìn vào tình
cảnh cụ thể của đám đông đang ở trước mặt ông. Đó là một đám đông đã thực hiện
một cuộc hành trình có khi là khá xa để đến nghe ông rao giảng. Họ cần phải ăn
và cần phải có áo choàng để đắp ban đêm. Đó là những nhu cầu thiết yếu nhất của
họ lúc đó.
Vậy lời
yêu cầu của ông Gioan không chỉ là dành cho những người đang sống trong sung
túc, đòi họ dâng tặng những thứ dư thừa của họ. Đây còn là lời mời gọi dành cho
mọi người đang có những gì nhiều hơn điều mà họ thực sự cần phải có để độ nhật
ở mức độ tối thiểu. Ngay cả người chỉ có hai cái áo choàng cũng phải cho đi một
cái và chỉ giữ lại một cái duy nhất, nếu người bên cạnh anh ta chẳng có cái nào.
Trước nhu cầu cấp thiết của người khác, anh ta chỉ được giữ lại cho mình những
gì tối cần thiết mà thôi. Cần phải làm tất cả những gì có thể để chia sẻ, trong
tình huynh đệ, với những người thiếu thốn hơn mình.
Lời kêu
gọi của ông Gioan rõ ràng hết sức cụ thể trong hoàn cảnh đám đông dân chúng
đang có mặt ở đó. Ông đã không đưa ra một nguyên tắc trừu tượng, trí tuệ và khó
hiểu. Ông tỏ cho đám đông thấy rõ rằng chính trong chuyện bình thường nhất của
cuộc sống hằng ngày như chuyện ăn chuyện mặc, mà cuộc hoán cải cần phải được
thực hiện.
Chúng ta dễ có khuynh hướng kiểm tra tính xác thực của
đời sống Đạo dựa vào những nguyên tắc lý thuyết trừu tượng, thay vì mở tung tủ
áo, mở tung tủ thức ăn, mở tung chiếc ví đựng tiền… Ngay cả khi đến toà cáo
giải, chúng ta cũng thường dễ chấp nhận việc tỏ lòng sám hối bằng cách đọc
nhiều kinh thay vì cho đi một nửa số tiền mình đang có trong ví. Nhưng sự hoán
cải đích thực đòi chúng ta phải chia sẻ với những người khác các thực tại thiện
hảo của mình ( vật chất và tinh thần ) trong tình huynh đệ chân thành.
Những
người thu thuế và các binh lính cũng đến hỏi ông Gioan xem họ phải làm gì. Tác
giả Luca nêu hai trường hợp cụ thể này để cho thấy khía cạnh thứ hai của cuộc
hoán cải: khước từ những cách hành động bất chính.
Những người thu thuế và các binh lính là hai hạng người
bị coi thường và khinh ghét trong xã hội Do Thái bấy giờ, vì họ thường lợi dụng
vị trí của mình để thu lợi bất chính và hành xử bất công với người khác. Với
những người thu thuế, ông Gioan nói: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho
các anh”. Với các binh lính, ông bảo: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của
người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình”. Ông Gioan đã không đòi hỏi họ
phải từ bỏ nghề nghiệp của mình, những nghề bị coi khinh trong xã hội Do Thái
đương thời. Ông chỉ đòi hỏi họ từ bỏ những cách hành động bất chính khi hành
nghề mà thôi, tức là từ bỏ những cách thức lợi dụng vị trí của mình mà bóc lột
và đối xử bất công với kẻ khác.
Đó cũng có thể là đòi hỏi dành cho chính chúng ta hôm nay
trong tư cách là linh mục, trong tư cách là bác sĩ, trong tư cách là giáo viên,
trong tư cách là doanh nhân, trong tư cách là phụ huynh, trong tư cách là con
cái… Vấn đề không phải là thay đổi nghề nghiệp, mà là thay đổi con tim. Cái
đáng sợ là con tim không còn hướng về Thiên Chúa và không còn tìm kiếm sự thiện
và sự thật cho người khác. ( Đã đành là cũng có những nghề nghiệp tự nó là bất
chính không thể chấp nhận, ví dụ “nghề” nạo hút thai, “nghề” buôn bán phụ nữ và
trẻ em, “nghề” buôn bán ma tuý, “nghề” tổ chức mại dâm…; nhưng sở dĩ người ta làm
những nghề nghiệp xấu xa ấy là vì con tim người ta đã không còn Thiên Chúa nữa
).
Tóm lại,
cả hai đòi hỏi nói trên của cuộc hoán cải đều cho thấy: cuộc hoán cải đích thực
không buộc người ta làm những hành động vượt quá hay ở bên ngoài cuộc sống con
người. Ông Gioan đã không đòi hỏi dân chúng phải làm những hành động khổ hạnh
hay những nghi thức đặc biệt nào. Ông chỉ đòi hỏi người ta phải sống đúng như
một con người đích thật giữa xã hội loài người, tức là sống ngay chính, quảng
đại và liên đới với người khác. Kết quả cụ thể của cuộc hoán cải là sự hiệp
thông ngay lành với tha nhân trong những thực tại hằng ngày của cuộc sống.
2. Đấng Mêsia đang đến ( cc. 15 – 18 )
Điều đáng chú ý đầu tiên là đám đông ( okhloi ) được nói đến ở phần đầu bài
Tin Mừng, giờ đã được tác giả Luca gọi là “dân ( laos ) đang trông đợi”, tức là Israel được chuẩn bị để
nhận biết ơn cứu độ thời Mêsia ( x. Lc 1, 17. 77 ). Trong số các tác giả Nhất
Lãm, chỉ một mình ông Luca quy chiếu một cách tường minh về một ý tưởng có lẽ
vẫn còn tồn tại trong một số nhóm người Do Thái đương thời: một số người vẫn
coi ông Gioan là Đấng Mêsia ( c. 15; xem thêm Cv 18, 25; 19, 1 – 3; Ga 1, 6 –
8. 15. 20; 3, 28 ).
Câu trả
lời của ông Gioan ( cc. 16 – 17 ) cho ý tưởng đó đã là một lời tuyên bố về vai
trò Mêsia của Đức Giêsu: chính ông Gioan, vị Ngôn Sứ của Đấng Tối Cao ( Lc 1, 76
) đã tuyên xưng về sự cao cả hơn hẳn của Đấng Mêsia, Con của Đấng Tối Cao ( Lc
1, 32 ): “Phần tôi, tôi làm phép rửa
cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng
cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và
lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn
thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.
Có lẽ
thoạt đầu, trên miệng ông Gioan, lời tuyên bố này mang đặc tính cánh chung. Hình
ảnh “Đấng quyền thế hơn” có thể muốn nói đến một Đấng thuộc cõi thiên thai, hoặc
có thể là chính Thiên Chúa. Trước Đấng ấy, ông Gioan nhận mình không xứng đáng
làm đầy tớ: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Hoặc ít nhất, “Đấng quyền
thế hơn” mà mọi người đang trông đợi sẽ không phải là một phàm nhân bình thường.
Khác với ông Gioan là người làm phép rửa bằng nước, “Đấng quyền thế hơn” sẽ làm
phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Ta gặp ở đây chủ đề về cuộc phán xét cánh
chung của Thiên Chúa. Trong cuộc phán xét ấy, có hai khả năng xảy đến cho con
người: một là phán quyết cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện bằng việc Thiên
Chúa đổ tràn Thánh Thần để biến đổi con người tự bên trong trái tim ( xem thêm Ed
36, 25tt ); hai là phán quyết kết án của Thiên Chúa bằng lửa huỷ diệt.
Sau đó, lời tuyên bố của ông Gioan đã được “Kitô hoá”.
Thánh Luca đã hiểu “Đấng quyền thế hơn” chính là Đức Giêsu. Khác với tác giả
Máccô và tác giả Mátthêu, Thánh Luca cẩn thận dùng những cách nói khác nhau để
chỉ ra sự khác hẳn giữa phép rửa của ông Gioan và phép rửa của Đức Giêsu: một
bên là phép rửa bằng nước, còn
bên kia là phép rửa trong Thánh
Thần và lửa. Vấn đề không phải là sự khác nhau về chất liệu của hai phép rửa,
mà là hai thực tại thuộc hai bình diện và cấp độ khác nhau về bản chất. Trong
Cv 1, 5 và 11, 16 lời tuyên bố trên đây về phép rửa sẽ được Thánh Luca đặt vào
miệng của chính Chúa Giêsu. Phép rửa trong Thánh Thần và lửa không còn là phán
quyết của Thiên Chúa trong ngày cùng tận nữa. Đó là phép rửa đưa người ta vào
Hội Thánh. Nó không xoá bỏ phép rửa bằng nước, nhưng kiện toàn phép rửa ấy,
biến phép rửa bằng nước thành bí tích của ơn cứu độ viên mãn.
Để cho
mình được thuộc về Đức Giêsu, tức là để cho mình được dìm trong Thánh Thần và
lửa, chúng ta sẽ được tràn đầy sức sống của chính Thiên Chúa. Gieo mình vào
trong tay Đức Giêsu, ta sẽ thấy những gì là chất lượng thật, những gì chỉ là
thực tại giả trá, vì như người ta rê lúa trong sân, thóc mẩy và rơm rác sẽ được
tách riêng ra. Đó không phải chỉ là chuyện của ngày chung thẩm, mà cũng là
chuyện đang diễn ra trong cuộc sống hiện tại của chúng ta.
Lm. NGUYỄN THỂ
HIỆN, DCCT
No comments:
Post a Comment