Saturday 15 December 2012

Lm Frank Doyle sj: Nàng Hãy Vui Đi Dẫu Một Ngày



Suy niệm Chúa nhật thứ III mùa Vọng năm C

“Nàng hãy vui đi, dẫu một ngày”
Dẫu phần ba phút, góc tư giây
Dẫu trong thoáng mắt nhìn như chớp
Cũng đủ cho nàng quên đắng cay.”
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)
Lc 3: 10-18
            Là nhà thơ, sao cứ khuyên “nàng hãy vui đi dẫu một ngày”. Quên đắng cay. Là nhà Đạo, sao vẫn nhủ “hãy vui lên nào, thiếu nữ Xion”. Đón chờ Chúa. Chờ Chúa đến, phụng vụ Mùa Vọng không thiếu câu ca/lời hát, rất khích lệ. Tuần lễ thứ ba.  
            Mùa vọng tuần lễ thứ ba, thánh Luca có giòng chảy lịch sử thánh, rất hân hoan. Phấn chấn. Nhiều thần hứng. Thần hứng Chúa vang vọng niềm vui an ủi , ta gặp ở hầu hết các bài đọc phụng vụ thánh, rất hôm nay. “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion”, đây không chỉ là lời dẫn nhập trong nguyện cầu, đầu buổi lễ. “Reo vui lên”, còn thấy ở bài đọc 1 lời tiên tri ý nói:“Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của người mà đổi mới ngươi. Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội.” (Xê 3: 17)
            Đối ứng với lời vui trên, lời đáp ca trong thánh lễ tuần này, cũng đã hợp giọng kêu mời mọi người “Hãy mừng rỡ reo hò, vì Đấng Thánh Israel quả thật vĩ đại”(Is 12: 2tt). Và, thánh Phaolô cũng nhắc nhở, ở bài đọc 2: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên đi hỡi anh em…” (Ph 3: 4). Tin Mừng hôm nay tuy không nói rõ, nhưng cũng cho mọi người thấy được cảm giác tươi vui mừng rỡ đang lớn mạnh, nơi muôn người.
            Tươi vui mừng rỡ, là động thái căn bản của cuộc sống, nơi dân con nhà Đạo. Tươi vui mừng rỡ, không là thái độ suồng sã, giả lả khi sẻ san thị kiến sống với Đức Kitô. Tươi vui mừng rỡ, là kinh nghiệm thường tình của mọi Kitô-hữu. Thực tế, nhiều người chưa tạo được niềm tươi vui ấy, với môi trường sống, ở xung quanh. Chưa xác tín được thực tại cần sống có đổi mới. Với mọi người.
            Thất khó mà xác tín cuộc sống đổi mới, khi nhiều người vẫn còn giữ đạo theo cung cách gượng ép. Bó buộc. Khó tươi vui lành mạnh, khi nhiều người chưa rũ bỏ được thú say mê mù quáng, ngoài Đạo. Làm sao có thể tươi vui lành mạnh, khi còn đó nỗi buồn của những người vẫn sống nửa vời, đời tín hữu. Vẫn sống u mê, như thể Chúa chưa đến, với con người. Vẫn lặng câm. Ơ hờ. Lờ lững.
            Chính vì thái độ sống này, mà Karl Marx xưa đã lầm lẫn quan niệm tôn giáo như “thuốc phiện” được giới nhà giàu dùng để ru ngủ lớp đám dân đen lao động, thấp cổ bé họng. Nhưng “triết-gia-buồn” họ Marx lại vin vào chuyện sống “bề ngoài” để cho rằng tôn giáo đã dùng bài thuốc thúc ép người nghèo chấp nhận cảnh khốn khó/bất công trong cuộc sống. Chỉ trông vào viễn ảnh, sau khi chết.  
            Kinh nghiệm sống của ta cho thấy quan niệm của triết-gia-buồn ở trên chỉ là ngụy biện nhằm mục đích đả phá Đạo, mà thôi. Bởi lẽ, Đức Kitô đến, Ngài đem lại tự do, vui mừng và bình an cho mọi người. Vui mừng và bình an, không xảy ra thời mai hậu. Mà, là: ở đây. Ngay lúc này. Không ai có thể tự do hơn tín hữu Đức Kitô. Ta theo Chúa, không để chịu khổ nhục/bức ép, nhưng để được an vui sống đời Kitô hữu. Thánh Phêrô từng quả quyết: “Ta chẳng cần tìm điều gì khác, bởi đã có Lời ban sự sống rồi.”  
            Người xưa có câu: “thánh nhân buồn là loại hình buồn của bậc thánh” Cũng thế, nếu định nghĩa Kitô-hữu là tín hữu buồn, thì ngôn từ này, tự mâu thuẫn với chính nó. Nói thế, không có ý bảo rằng: nơi đời sống Kitô-hữu, không hề có ý niệm và kinh nghiệm của đau khổ. Tật bệnh. Mất mát. Mất mát và sầu bại là thành phần quan trọng của cuộc sống, nhưng đó chỉ là kinh nghiệm nhất thời. Tạm bợ. Trong đợi chờ một tương lai sáng sủa.
            Kinh nghiệm sống của mọi người, đều được Chúa cảm thông. Ngài nhận đó, cho riêng Ngài. Kinh nghiệm nào cũng mang ý nghĩa thâm sâu. Đậm nét. Khi bắt gặp và chấp nhận ý nghĩa ấy, thì niềm vui và bình an nội tại, sẽ trở lại với chúng ta. Và niềm vui đến lại, không là chuyện bề ngoài. Bức bách. Mất tự do.
Niềm vui người tín hữu Đức Kitô nằm ở phần thâm sâu. Nơi tâm khảm. Rất sinh động. Không trộn lẫn với khổ đau thể xác, cảm xúc hoặc những hoàn cảnh khó khăn. Bên ngoài. Niềm an vui/hạnh phúc ấy, như Chúa nói, ta không thể tách rời khỏi ta, mà đem đi. Và, như Lm Tony de Mellos có đề cập đến trong cuốn ngài viết có nhan đề “Tầm nhận thức”: Ta có tất cả những gì mình cần đến, ở đây. Bây giờ. Đó là hạnh phúc. Chỉ mỗi tội, là: ta không định dạng được niềm an vui hạnh phúc ấy với những người hoặc sự vật mà ta không hề có, hoặc không thể có.”    
            Trình thuật nay nói thêm về việc Chúa đến. Ngài đến, theo cung cách được thánh Gioan Tẩy Giả rao truyền, bên sông Giođan. Nghe thánh nhân rao truyền, chúng dân khi ấy hỏi ngài một câu khá tế nhị: ”Vậychúng tôi phải làm gì?”(Lc 3: 12) Đây là câu gợi ý thánh sử Luca gửi đến với hết mọi người, khi ta chuẩn bị chờ đón Chúa. Vào dịp chờ đón Chúa có sám hối, không phải là để ta nuối tiếc những gì xảy ra với mình. Trong quá khứ. Mà, là gọi mời ta đổi mới thâm sâu. Ở đây. Bây giờ.     
            Thánh sử Luca diễn tả 3 loại người đã để tai nghe thánh Gioan rao truyền, vào thời ấy. Đó là: dân chúng, đám người thu thuế. Và, lính tráng. Với mỗi loại người, thánh nhân đưa câu ra trả lời, rất thích hợp. Hợp với cách sống của họ.
Với chúng dân bình thường, ngài bảo họ: hãy chia sẻ những gì mình có. Áo quần. Thực phẩm. Chia cho người đang cần đến, hơn mình. Nếu thật lòng hối lỗi, tức thật lòng muốn đổi mới, họ sẽ trở thành người anh, người chị với tất cả. Cả người dưng khách lạ, chưa một lần quen biết. Chúng nhân hôm nay, là chính chúng ta, những người đang chuẩn bị đón mừng Giáng Sinh, trong thừa mứa. Hãy sẻ san. Với mọi người. Cả trong và ngoài Đạo.
Với đám thu thuế thời của Chúa, thực dân La Mã vẫn tạo cho đám này thành lớp người tham ô nhũng lạm, để họ biến thành những cá thể lo chuyện riêng tư. Rủng rỉnh. Những túi tiền. Hệ thống tham nhũng ấy đã tạo một xáo trộn trong lối sống. Thành thử, thánh Gioan mới đề nghị với họ: “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”.
Với lớp lính tráng, cũng thế. Họ là những người không được lòng dân. Thế nên, lời khuyên của thánh Gioan xem ra rất thích hợp với những người có nghĩa vụ với đất nước, ở mọi thời: “Chớ hà hiếp. Đừng tống tiền. Hãy bằng lòng an phận với mức lương tiền, mình có”.
Nghe lời khuyên, người người cứ đinh ninh thánh Gioan là Đấng Mêsia phải đến. Và từ đó, ta có được một khẳng định về thiên chức của Đức Kitô. Ngài đích thực là Đấng Cứu Độ. Là Vua Vũ trụ, Đấng phải đến. Sẽ đến. Và, thánh Gioan xác định thêm về nhiệm tích thanh tẩy Chúa làm, là quyền uy/sức mạnh Chúa Thánh Linh. Chúa Tình Yêu đang hiện diện, với anh em. Vào mọi lúc. Ở mọi nơi.
Cũng thế. Ở thế giới hôm hôm nay, vai trò hợp tác hoán cải mọi người để về lại với Chúa, không chỉ nằm trong tay các đấng chủ quản Hội thánh, hoặc linh mục/tu sĩ thôi. Nhưng cả giáo dân, thầy cô, giảng viên giáo lý nữa. Nên hiểu rằng, các tông đồ truyền giáo bằng lời nói hoặc việc làm. Có chức thánh hay không chức thánh, đều mang trọng trách như thánh Gioan Tẩy Giả. Tức, rao truyền việc Chúa đến, bằng đời sống. Mỗi người và mọi người đều là công cụ Chúa dùng, để biết Chúa.
Như thánh Gioan, mọi người con của Chúa, cần nhận công tác Chúa trao, trong vui tươi. An bình. Nhận, trong hăng say. Phấn chấn. Phần còn lại, sức mạnh/quyền uy Chúa Thánh Thần, sẽ đảm bảo chuyện hoàn tất. Hơn lúc nào hết, Chúa cần sự hợp tác của mỗi người. Và mọi người. Thế nên, ta hãy nhận lời mà tra tay. Hành động. Nhận lời, như thánh Phêrô và Anrê khi trước từng là đệ tử thánh Gioan Tẩy Giả. Và, khi được Chúa gọi, các thánh đã theo Chúa, mà hợp tác đem mọi người về hiểu biết Ngài. Nghe Lời ngài. Đó là ý nghĩa đích thực của việc tông đồ, mục vụ. Của, rao giảng. Hôm nay.
Trong khí thế nghe theo đề nghị của các thành, ta hân hoan hát lời ca rất phấn khởi, rằng:

            “Một chiều anh bước đi
Em tiễn chân anh tận cuối đồi
Nghe dặn lời
Rằng chiến đấu đừng sờn lòng
Rằng sóng gió đừng sờn lòng
Đừng nề gian khổ!” (Trần Hoàn – Lời Người Ra Đi)

  Cũng thế. Ra đi rao giảng Lời của Chúa, cũng đừng sờn lòng. Đừng nệ khổ. Anh ơi. Em ơi. Vì Lời Chúa là sức mạnh/quyền uy tác động lên anh. Lên em. Suốt đời người.

No comments: