Tuesday, 11 December 2012

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: Mọi người sẽ thấy...

MỌI NGƯỜI SẼ THẤY ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

Nếu sứ điệp của Chúa Nhật mở đầu Mùa Vọng năm C là “Anh em sắp được cứu độ”, thì điểm nhấn trong sứ điệp của Chúa Nhật II sẽ là “hết mọi người phàm sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Ơn cứu độ mà Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta khao khát mong đợi, là thực tại đến từ Thiên Chúa, được thực hiện trong lịch sử và thế giới phàm trần nhân loại, và do vậy, được dành cho tất cả mọi người, miễn là họ hối cải để được ơn tha tội.
Mở đầu bài Tin Mừng, tác giả Luca miêu tả khái quát một hoàn cảnh chính trị và tôn giáo xác định: “Năm thứ mười lăm dưới triều đại hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxanya làm tiểu vương miền Abilên, Khanan và Caipha làm thượng tế” ( cc. 1 – 2a ).
Đã đành, những chi tiết ấy được đặt trước hết trong tương quan với sự xuất hiện của ông Gioan Tẩy Giả. Nhưng bởi vì ông Gioan chuẩn bị cho Đức Giêsu đến và hoạt động ngay sau đó, nên những chi tiết ấy thực ra cũng có giá trị mô tả khung cảnh lịch sử của biến cố Đức Giêsu.
Khung cảnh lịch sử được khái lược ở đây với những chỉ dẫn cụ thể về thời gian, về không gian và về những thẩm quyền chính trị và tôn giáo sẽ có ảnh hưởng trực tiếp trên sứ vụ của ông Gioan và của Đức Giêsu. Tác giả Luca đã viết theo cách viết của các bộ sử thời đại ông, nhưng đồng thời, ông cũng viết theo cách viết của các sách ngôn sứ trong Cựu Ước nữa: quả thực, ta gặp ở đây cách miêu tả tương tự như khi các ngôn sứ nói về sự xuất hiện của họ trong lịch sử ( x. Gr 1, 1 – 3; Ed 1, 1 – 3; Hs 1, 1; Am 1, 1… ).
Ý định trước tiên của tác giả sách Tin Mừng không phải là miêu tả cách chính xác thời gian ông Gioan xuất hiện và rao giảng. Bởi nếu thế, ông chỉ cần nói đến năm thứ mười lăm triều đại hoàng đế Tibêriô là đủ. Và thực ra, trong các chi tiết được ông Luca nêu lên ở đây, chỉ có chi tiết đó là có giá trị giúp xác định chính xác thời điểm Đức Giêsu bắt đầu hoạt động công khai.
Có lẽ tác giả muốn đặt những sự kiện, mà ông sắp kể  trong sách Tin Mừng của ông, vào trong một khung cảnh lịch sử với những khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo phức tạp của nó. Vậy, điều mà tác giả Luca muốn nhấn mạnh ở đây, là hành động cứu độ của Thiên Chúa không xảy ra trong một hoàn cảnh huyền thoại, phi lịch sử và không thể xác định, mà là trong một khung cảnh thời gian và không gian xác định rõ ràng với những khía cạnh khác nhau của khung cảnh đó. Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ của Người không phải trong một khung cảnh bất kỳ nào. Người can thiệp trong một khung cảnh lịch sử cụ thể, và làm cho Lời Cứu Độ của Người vang lên trong một thời điểm và một nơi chốn cụ thể. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa “dính dự” cách thiết thân vào lịch sử của nhân loại và của mỗi con người phàm trần chúng ta.
Ông Gioan và Đức Giêsu sinh sống và thi hành sứ vụ trong một khung cảnh lịch sử xác định. Đó là khung cảnh của đế quốc Rôma thời hoàng đế Tibêriô. Một con người vô danh tiểu tốt là Giêsu Nadarét được đặt đối diện với vị hoàng đế La Mã đầy quyền uy đang bá chủ thế giới ! Đại diện cho hoàng đế ấy ở Giuđê là quan tổng trấn Phongxiô Philatô. Theo nhận định của nhiều người đương thời, Philatô là một người cứng rắn và không biết thương cảm. Ông sẽ bị La Mã cất chức vì đã sát hại hàng ngàn người Samari tụ họp trên núi Garizim. Các nhà lịch sử cổ thời như Flavius và Philon cho biết: ông cai trị xứ sở bằng tham nhũng, khủng bố, cướp bóc, tra tấn và hành quyết không nương tay. Còn các ông vua như Hêrôđê chỉ là những ông vua bù nhìn, thậm chí còn “hợp tác” với quyền lực La Mã để hiếp đáp và bóc lột dân chúng.
Rõ ràng, Đức Giêsu và ông Gioan Tẩy Giả đã phải sống và lên tiếng trong một miền đất bị chiếm đóng và cai trị bởi những con người tàn bạo. Ngày nay, tại nhiều nơi, Hội Thánh và các tín hữu cũng đang phải sống và loan báo Tin Mừng trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, đôi khi là bi thương. Nhưng chính ở bên trong những thực tại của nhân loại cụ thể và phàm trần mà sự thay đổi được thực hiện và ơn cứu độ được thành toàn cho con người.
Khi tác giả Luca viết sách Tin Mừng, các hoạt động của ông Gioan và của Đức Giêsu đã diễn ra và kết thúc được mấy thập niên rồi. Ông Gioan và Đức Giêsu không phải là những hình ảnh huyền thoại không thể hiểu thấu, mà là những nhân vật đã sống trong một khoảnh khắc lịch sử xác định. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã thực sự bước vào trong lịch sử và trong những điều kiện sống chung của cuộc sống nhân loại. Sự kiện Ngài trở thành “một người trong số chúng ta” và ở bên cạnh chúng ta, luôn luôn là một sự kiện đầy sức an ủi. Nhân loại chúng ta không bị phó mặc cho những quyền lực chính trị, kinh tế và tôn giáo trong lịch sử, vốn là những thứ quyền lực có thể huỷ diệt chúng ta. Nơi con người Đức Giêsu, chính Thiên Chúa đã đi vào lịch sử, và do bởi mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu, lịch sử và nhân loại được điều khiển và dẫn dắt bởi quyền năng cứu độ của chính Thiên Chúa.
Hoạt động của ông Gioan được giới thiệu theo kiểu giới thiệu ơn gọi của ngôn sứ trong Cựu Ước: “Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan, con ông Dacaria, trong hoang địa” ( c. 2b; x. Gr 1, 1 ).
“Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan”. Ngay từ khi sinh ra, ông Gioan đã được dành riêng cho Thiên Chúa và được tràn đầy Thánh Thần ( Lc 1, 15 – 17 ). Bây giờ, ông được Thiên Chúa kêu gọi thực hiện sứ mạng đặc biệt. Sứ mạng của ông đến từ chính Thiên Chúa. Ông không hiện diện và hoạt động trong tư cách cá nhân, mà là trong tư cách của một người được Thiên Chúa sai đến, và vì thế, thẩm quyền của ông đến từ Trời. Sau này, nói về thẩm quyền ấy, Đức Giêsu sẽ hỏi các thượng tế, kinh sư và kỳ mục Do Thái: “Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta ?” ( Lc 20, 4 ).
Chính Thiên Chúa phán với ông Gioan, và đó là yếu tố quyết định nhiệm vụ và giá trị của ông. Ông sẽ phải diễn tả tư tưởng và ý muốn của Thiên Chúa cho dân, để chuẩn bị dân đón nhận Đức Giêsu. Lời rao giảng của ông được liên kết với Thiên Chúa và ý định cứu độ của Người. Và giá trị của ông sẽ không được xác định bởi những tiêu chuẩn phàm trần. Sau này, dân chúng sẽ coi ông là một vị ngôn sứ ( x. Lc 20, 6 ), nhưng Đức Giêsu sẽ nói về ông: “Một vị ngôn sứ chăng ? Đúng vậy, nhưng tôi bảo các người, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! Chính ông là người đã được Kinh Thánh nói tới khi chép rằng: Này ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến !” ( Lc 7, 26 – 27 ).
Như vậy, qua ông Gioan con ông Dacaria, Thiên Chúa bây giờ can thiệp vào lịch sử. Không phải những nhân vật nắm giữ quyền lực chính trị và tôn giáo như Tibêriô, Philatô, Hêrôđê, Philipphê, Lyxanya, Khanna, Caipha… và những ý thức hệ cũng như những hệ thống chính trị – tôn giáo đam mê quyền lực của họ, sẽ làm thay đổi thế giới; nhưng chính Lời Cứu Độ của Thiên Chúa đi vào lịch sử và đi vào bên trong những thực tại nhân loại, sẽ làm nên cuộc thay đổi kỳ diệu số phận của toàn thể nhân loại.
Ngày nay cũng vậy, Thiên Chúa công bố Tin Mừng cứu độ của Người nhờ Hội Thánh và mỗi người chúng ta. Chúng ta không công bố sứ điệp Tin Mừng nhân danh con người hay tổ chức phàm trần của mình, mà là trong sứ mạng do chính Thiên Chúa trao phó. Và còn cao cả hơn cả sứ mạng của ông Gioan, sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh là sự tiếp nối sứ mạng cứu độ của chính Chúa Giêsu trên trần gian.
Vấn đề là chúng ta có dám để cho Lời Thiên Chúa “chộp lấy” như ông Gioan xưa hay không. Vấn đề là Lời Thiên Chúa có thể chiếm hữu và chi phối cuộc sống cũng như hoạt động của chúng ta hay không.
“Trong hoang địa”. Sự kiện “lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan con ông Dacaria” đã xảy ra “trong hoang địa”. Theo Lc 1, 80, ông Gioan “sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel”. Có lẽ sẽ là vô ích nếu chúng ta tìm cách xác định nơi chốn cụ thể của “hoang địa” mà tác giả Luca viết ở đây. Đối với Luca, đó là nơi xảy đến ơn gọi của vị tiền hô. Ông phải đến từ nơi đó theo lời tiên báo của Isaia sẽ được trích ở câu 4, và chính ở nơi đó, vị ngôn sứ đã lớn lên trong sự gần gũi và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, trước khi ông được sai đi dọn đường cho Con Thiên Chúa đến.
Hoang địa là một nơi chốn cô tịch, trong đó, ông Gioan nghe được Lời mầu nhiệm của Thiên Chúa. Xa lánh những ồn ào thế gian, xa lánh cuộc sống náo nhiệt bị chi phối bởi những vọng động điên cuồng, đi vào trong cõi cô tịch và hoang vắng của lòng mình, sống trong sự hiện diện cận kề của Thiên Chúa, chúng ta sẽ có thể gặp được Lời Thiên Chúa phán với chính mình. Và chính ở đó, sự thay đổi của thế giới chúng ta đang sống sẽ bắt đầu, nhờ Lời Thiên Chúa. Đây có lẽ cũng là một điểm nhấn quan trọng của Mùa Vọng.
Gioan đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng hối cải để được ơn tha tội” ( c. 3 ). Ông Gioan rời khỏi khung cảnh bình an và hạnh phúc mà ông đã sống từ nhỏ, lên đường đi khắp vùng ven sông Giođan, nơi ông rao giảng.
Theo Mc 1, 4 ông Gioan rao giảng trong hoang địa, nhưng tác giả Luca phân biệt hoang địa ( nơi có lời Thiên Chúa phán với ông Gioan ) và vùng ven sông Giođan ( nơi ông Gioan rao giảng ). Đừng tìm cách xác định đó là vùng nào. Điều quan trọng là Gioan đi khắp vùng ( vì Lời Thiên Chúa phải vận hành ): như thế, trong phong thái một vị ngôn sứ, ông thực hiện sứ mạng của vị tẩy giả, chuẩn bị cho mọi người đón Chúa Kitô.
Ông Gioan rao giảng một phép rửa tỏ lòng hối cải để được ơn tha tội. Điều đó có nghĩa là ông phải dấn thân cho một sứ mạng đầy thách thức và rất dễ gây mất lòng. Thông thường, người ta thích nghe những lời công nhận ( thậm chí là ủng hộ, hay ít nhất là không phê phán ) những tư tưởng và những cách hành xử của mình. Không ai muốn nghe tuyên bố rằng lý tưởng hay cách hành xử của mình là sai lầm và phải thay đổi. Vì thế, chấp nhận sứ mạng kêu gọi người ta hối cải, là chấp nhận không sống quỵ luỵ trước thế gian, nhưng dấn thân sống trong nguy hiểm, bị khước từ và thậm chí bị giết hại. Và quả thực, đó sẽ là số phận bi thương của chính ông Gioan sau này ( Lc 3, 19 – 20 ).
Ông Gioan đòi hỏi người ta phải hối cải, phải quay về với Thiên Chúa, phải kính trọng Thiên Chúa và thánh ý Người. Dân chúng sống trong tội lỗi là sống trong sự bất tuân Thiên Chúa. Họ cần ơn tha thứ. Khi lãnh nhận phép rửa của ông Gioan, người ta công nhận rằng mình cần được Thiên Chúa tha thứ và muốn quay trở về với Người. Và như thế, người ta được chuẩn bị để đón nhận biến cố Đức Chúa ngự đến và để được nhìn thấy ơn cứu độ của Người.
Sự hối cải được nói ở đây ( mêtanoia ) là một cuộc quay trở lại với Thiên Chúa, chứ không chỉ là một cuộc thay đổi mang tính luân lý hay xã hội. Nếu chỉ mang tính luân lý hay xã hội và bỏ mất chiều kích “về với Thiên Chúa”, thì sự hối cải Kitô giáo sẽ chẳng hơn gì ( thậm chí có thể thua kém ) nhiều lý thuyết nhân bản trong lịch sử nhân loại. Nhưng đây là một cuộc quay trở lại với Thiên Chúa, và chính do vậy mà kéo theo những hiệu quả về luân lý và xã hội. Đàng khác, sự hối cải mà ông Gioan rao giảng đòi được thể hiện ra bên ngoài bằng một hành động thấy được: chịu phép rửa. Tất nhiên phép rửa này chưa phải là phép rửa Kitô giáo, nhưng ít nhất nó cũng cho chúng ta thấy rằng: hối cải không phải chỉ là chuyện của tư tưởng thầm kín, thuộc phạm vi tâm trí, mà còn là một bước đi có ý nghĩa, được thể hiện cho mọi người thấy bằng một hành vi công khai. Phép rửa này là một hành vi biểu tượng bên ngoài, nói lên sự trở lại của tâm hồn bên trong.
Nhưng ông Gioan không chỉ là người rao giảng sự hối cải. Ông còn là người công bố một sứ điệp mang lại niềm vui: khi kêu gọi dân chúng chuẩn bị đón Đức Chúa ngự đến, ông đồng thời loan báo rằng cuộc ngự đến ấy của Đức Chúa đã gần kề, và “hết mọi người phàm sẽ được nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Tác giả Luca trích Is 40, 3 theo bản dịch LXX và nhấn mạnh tính phổ quát của ơn cứu độ. Trong sách ngôn sứ Isaia đệ nhị, tiếng hô công bố cuộc trở về của những người Israel từ nơi lưu đày; được Đức Chúa YHWH dẫn đầu, họ đi qua hoang địa đã được sửa lối và tiến về quê hương như trong một đoàn rước. Trong truyền thống Kitô giáo: từ hoang địa vang lên lời của vị ngôn sứ ( ông Gioan Tẩy Giả ) rao giảng cuộc hoán cải chuẩn bị cho cuộc ngự đến của Đấng Mêsia.
Trong viễn tượng của Luca, ông Gioan không chỉ là ngôn sứ rao giảng sự hoán cải, mà còn là ngôn sứ công bố ơn giải thoát. Là vị tiền hô, ông được soi sáng bởi ơn cứu độ thời đại Mêsia vốn đã gần kế, và ông kêu gọi Israel đón nhận ơn cứu độ đó. Ông là ngôn sứ và là người loan tin vui, hơn là người làm phép rửa và kêu gọi sống khổ hạnh.
Giữa thế giới hôm nay, Hội Thánh và từng người chúng ta cũng phải là “tiếng người hô” giúp nhân loại đón nhận ơn cứu độ. Niềm hy vọng Chúa đến trong Mùa Vọng sẽ là vô nghĩa, nếu chúng ta không phải là tiếng kêu mang tính ngôn sứ công bố ơn cứu độ cho mọi người phàm. Và tất nhiên chúng ta sẽ có thể phải trả giá vì tư cách ngôn sứ đó của mình.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT 12.2012


No comments: