Sunday 23 December 2012

Lm Mai Văn Thịnh CSsR: Giáng Sing, sợi dây nối kết Thiên Chúa và con người



GIÁNG SINH: SỢI DÂY NỐI KẾT
THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI

“Ngôi Lời trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Chỉ bằng một câu thật ngắn ngủi mà thánh Gioan đã diển tả trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm mà chúng ta đang chuẩn bị mừng lễ: Mầu nhiệm Giáng trần của Con Thiên Chúa. Thiên Chúa đã xuống thế, mặc lấy thân phận con người, hoà mình vào những thực tại của kiếp người. Và để chia sẻ cuộc sống của con người, Ngài đã trở nên giống chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Thiên Chúa đã bước xuống phận con người, để con người được chia sẻ việc làm của Thiên Chúa.

Trong kiếp phàm nhân, Ngài đã chiến thắng và quật ngã sự dữ. Và ngày nay Ngài đang cùng với những người thành tâm thiện chí chiến đấu và chiến thắng để đẩy lùi những xấu xa và phát huy những điều thiện hảo, tốt đẹp và phù hợp với phẩm giá của con người.

Như thế, con người chính là đối tượng của mầu nhiệm Giáng Sinh. Chính vì mỗi người chúng ta mà Ngài đến, đến để giúp chúng ta tìm được hạnh phúc ngay ở cuộc sống này. Vì thế, mỗi khi chúng ta giúp đỡ người khác, nhất là những người nghèo túng và khổ đau, thì đó là lúc chúng ta cộng tác với Chúa, hay nói một cách mạnh mẽ hơn, đó là lúc chúng ta giúp đỡ cho chính Chúa vậy. (Mt 25:31-45)

Cái nhìn “Nhập thể” đó mở ra và mời gọi tất cả mọi người, không loại trừ một ai. Dù con người có khác biệt về tín ngưỡng, mầu da, giai cấp hay chủng tộc nhưng nếu những người đó cùng bước trên hành trình phục vụ tha nhân thì họ dễ dàng gặp nhau và gặp gỡ Thiên Chúa. Đấng đã từ bỏ trời cao để nhập thế hầu giải quyết những vấn nạn của con người. Vì thế, bất cứ ai thiện chí góp phần vào việc xây dựng ‘trời mời đất mới’ đều đáng được kể là bạn hữu của Thiên Chúa, như lời Thánh Gioan “Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. (Gioan 15:15)

Giáng sinh là thế. Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Ngài đã đến, đang đến và sẽ đến. Ngài đến nơi nhà mình. Ngài âm thầm đến trong thân phận của các tù nhân, những người nghèo khổ, đói khát, cô thân cô thế và những người tầm trú không nơi nương tựa. Ngài đã nên đồng hình đồng dạng với con người nói chung và những dạng người nói trên để qua họ Ngài trao ban cho nhân loại một lời mời gọi khẩn thiết là “hãy yêu thương nhau”, hãy vì Ngài mà phục vụ, vì Ngài mà tha thứ, vì Ngài mà hy sinh, vì Ngài mà tôn trọng và nâng đỡ nhau. Tóm lại, vì Ngài mà làm tất cả cho nhau.

Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn có những người bị tẩy chay, loại bỏ. Bao nhiêu người đã bị đẩy ra sống bên lìa xã hội vì họ không nhận được những ánh mắt cảm thông của chúng ta. Vì thành kiến, chúng ta lên án và không tiếp nhận họ.

Làm chúng ta có thể hoàn tất vai trò chứng tá về mầu nhiệm cả thể này? Bởi vì, một mặt chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta. Mặt khác, chúng ta lại không nhận ra Người nơi anh em. Đã không nhận ra Người thì chớ, trái lại còn tìm trăm phương ngàn kế để loại trừ nhau, hạ nhau để được ngoi lên. Bằng mọi cách để xua đuổi nhau một cách thiếu khoan dung. Và, cũng chính vì cách hành xử thiếu khoan hồng và dung thứ của chúng ta nên những người tuy đã hối cải lại không được nâng đỡ khi chính bản thân họ muốn sửa đổi và làm lại cuộc đời.

Người ta kể rằng: Trong một xóm giáo toàn tòng kia, người người đều tin vào Chúa. Hàng ngày họ tụ họp nhau để cầu nguyện. Và có một thanh niên kia mồ côi cha mẹ. Anh ta nổi tiếng ăn chơi, trộm cắp, xì ke, ma túy, cướp của. Nói chung anh là loại người bại hoại trong xóm giáo. Cuối cùng anh bị bắt đi tù. Trong trại tù anh có nhiều thời gian để suy nghĩ về những thói hư tật xấu và tự hứa sẽ thay đổi. Đến ngày mãn hạn tù. Anh hân hoan bước ra và tràn đầy hy vọng vào cuộc sống tương lai. Nhưng vì thành kiến và sợ hãi nên dân trong xóm lại xa lánh anh. Với những ánh mắt dè chừng, những nụ cười gượng ép khiến anh cảm thấy như bị xua đuổi.

Không lâu sau đó, anh gây ra vụ án khác và lại bị bắt.

Trước mặt quan tòa anh ta khai báo: "Vì đời không đón nhận mà lại khinh khi tôi nên tôi trả thù".

Anh không được đón nhận. Anh bị khước từ bởi lầm lỗi đã xẩy ra ở quá khứ. Tuy nhiên thái độ hoài nghi, thành kiến và thiếu khoan dung của chúng ta đã tạo nên một người tù chung thân.

Tôi được nghe quí vị tuyên úy trong các trại tù chia sẻ với nhau rằng những người bạn tù rất cần sự cảm thông và nâng đỡ của chúng ta. Sau một thời gian sống trong lao tù; những ngày đầu tiên được thả ra vô cùng quan trọng đối với họ. Nếu họ được săn sóc và hòa mình vào trong một môi trường tốt, thì họ sẽ làm lại cuộc đời một cách thật dễ dàng. Bằng không, những người bạn cũ sẽ tìm đến với họ và con đường dẫn họ đến nhà tù rất gần.

Điều mà chúng ta cần suy nghĩ ở đây là một môi trường tốt không tự nhiện được thành hình. Nó chỉ được xây dựng bởi những bàn tay nhân ái, những con tim vị tha và những tấm lòng khoan dung và độ lượng.

Khác với những người lạnh lùng và đầy hoài nghi trong xóm giáo nói trên. Tôi xin chia sẻ một chứng từ khác mà tôi mới nghe được. Khi ghi lại các diễn tiến này tôi không có ý ca tụng việc làm của người trong chuyện; cho bằng ghi lại một cách thật khách quan và trung thực về những ray rứt trong cuộc sống của một tín hữu: một mặt được mời gọi để thăng hoa những giá trị của cuộc sống sao cho phù hợp với yêu sách của Tin Mừng; mặt khác vẫn đối diện để chấp nhận tính mỏng dòn và yếu đuối của thân phận phàm nhân.

“Thưa Cha, lại một lần nữa con lại đem đến cho Cha những phiền não của đời con. Người ta lại bỏ con để chạy theo những hình bóng trên internet, facebook, twitter rồi chat và bị chét. Có thể anh ấy sẽ trở về với con? Nhưng liệu chừng con còn đủ khả năng để tha thứ như đã từng tha thứ cho sự thiếu thành thật và đôi khi lừa dối của anh ấy không? Con đứng trước ngã ba đường.
Nói thì nói thế chứ con chưa thấy có dấu gì báo hiệu là anh ấy muốn trở về với con thì bàn đến chuyện tha với thứ làm gì. Xin cha tiếp tục nguyện cầu xin Chúa soi sáng để con biết việc phải làm cho tâm hồn được bình an.”

Vài tuần sau tôi lại nghe thêm.

“Kính cha, sao đời con lại lâm vào cảnh thế này!
Thế này là thế nào, thưa chị?
Con gái lớn của con mấy tuần nay không thèm nói chuyện với con. Con vào cổng trước cháu ra cổng sau. Con chẳng biết đã làm điều gì khiến cháu đã thay đổi thái độ với con như thế.
Lậy Chúa, con hết muốn sống rồi cha ơi!
Sao vậy. Tối qua cháu báo cho con biết là nó đã chuẩn bị đồ đạc để dọn ra riêng…
Chồng đi đường chồng; con đi đường con. Làm sao con sống được, cha ơi.”

Tưởng  như thế là hết đoạn trường. Nhưng vài ngày sau lại nghe thêm tin…

“Cha ơi, bịnh của con trầm trọng rồi!!! Chị nói gì? Nghĩa là làm sao? Kết quả thử máu báo cho con hay con bị bịnh mãn tính của mô liên kết (lupus). Đây là chứng bịnh nan y, vẫn chưa có thuốc chữa. Bịnh này không làm cho con chết bất đắc kỳ tử; nhưng sẽ tấn công và làm hủy hoại các bộ phận khác của cơ thế. Đau đớn lắm! Giờ này con mới không chỉ thấu hiểu mà còn cảm nhận thật xâu sắc câu mà cha ông ta  thường nói “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” nghĩa là điều may mắn ít khi lập lại, trái lại họa thì dồn dập ập đến.

Quả thật cuộc sống của chị thật thương tâm. Những điều không vừa ý dồn dập xẩy đến. Tuy vậy, tôi đoan chắc và xác tín một điều là trong mọi biến cố vẫn có Chúa hiện diện bên chị. Bằng không, làm sao chị có thể vui vẻ để tiếp tục sứ mạng đã được trao ban. Sứ mạng này đã đem lại cho chị một ý nghĩa mới của mùa Giáng sinh năm nay. Bởi vì, hiện nay chị đang tiếp nhận những người tầm trú trong chương trình giúp họ hội nhập vào môi trường và nếp sống của xã hội Úc mà họ đang mơ ước được chấp thuận cho quyền cư trú.
Vẫn biết là những người tầm trú có bổn phận đóng góp tiến ăn, tiền ở cho chị. Nhưng kinh nghiệm trong cuộc sống cho chúng ta nhận biết rằng: Chăm sóc một em bé vài tiếng đồng hồ, đón tiếp và cho người bạn tá túc một thời gian ngắn không đòi hỏi công sức của chúng ta nhiều. Nhưng khi người ta đến ở lâu, ở mãi, làm cho gia đình tăng số, thì lúc đó sự việc trở nên nghiêm trọng hơn. Bao nhiêu điều cần thay đổi để tiếp nhận một người đến chia sẻ cuộc sống chung với mình. Những khó khăn không lường trước. những hoạch định cần thay đổi sao cho phù hợp với tình huống mới, v.v…

Tuy còn đối diện với nhiều khó khăn; nhưng chị vẫn nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những người khách lạ. Quà tặng của chị dâng kính Chúa hài đồng năm nay không chỉ là mộc dược hay nhũ hương nhưng là chính Tình Yêu mà chị đang dành cho những người thiếu thốn. Và khi trao ban như thế, chị cũng được đáp trả qua những lời ủi an, động viên và nâng đỡ của họ. Trao ban và đón nhận vẫn là bài học căn bản trong mọi mối tương quan.

Bước đầu của mối tương quan đã được khởi sự. Và tất cả những khó khăn vẫn còn đó. Hành trình họ đi vẫn còn nhiếu chông gai. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi họ phải cố gắng hơn. Tuy nhiên, kể từ ngày hôm đó họ đã không còn cô đơn. Họ đã thành một gia đình, cùng nhau chia sẻ và trao ban cho nhau những niềm vui và nỗi buồn. Và trên hết mọi sự có Chúa cùng đồng hành với họ.

Thật vậy, tình yêu và ân sủng của Chúa luôn hiện diện và mở ra cho những ai đón nhận Ngài. Chính Tình yêu đó biến đổi cách nhìn về cuộc sống của chúng ta; để dù sống trong cảnh ngộ nào, chúng ta cũng không mất niềm tin vào Chúa. Cầu chúc mỗi người chúng ta cùng dâng lên Chúa quà tặng của bản thân, gia đình và cộng đoàn trong Mùa Giáng sinh năm nay để Tình Yêu và sự hiện diện của Chúa tồn tại qua muôn thế hệ.

Những ngày chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh 2012.

J. Mai văn Thịnh C.Ss.R.

No comments: