Thursday 1 April 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Ngài lấy ví dụ mà nói với họ nhiều điều



Chúa Yêsu không ví von để mà ví von hay chỉ do ngẫu hứng. “Ngài lấy ví dụ mà nói với họ nhiều điều”. Những điều này còn được nói rõ ra (giải thích) trong trường hợp các ví dụ Người gieo giống và cỏ lùng. Nhưng những điều được nói rõ ra theo các Tin Mừng Nhất Lãm có thể chỉ là những gì được Hội Thánh cảm nhận trong hoàn cảnh cụ thể của mình vào giai đoạn hình thành các Tin Mừng Nhất Lãm (cộng đoàn tín hữu bắt đầu có tổ chức, được ổn định về lòng tin, nhưng lại nảy sinh những rắc rối, nghi kỵ do những sa sút, gương xấu về mặt đạo đức, những bỏ cuộc, phản bội khi bị bắt bớ. v.v…). Còn chính những kẻ nghe Chúa “lấy ví dụ mà nói với họ” trong hoàn cảnh của Ngài và họ?

Chúa Yêsu dùng ví dụ để trả lời cho những thắc mắc, nghi ngại, vấn nạn thậm chí nhữn đàm tiếu, chê bai về công việc làm và lời rao giảng của Ngài về chính nước trời mà Ngài loan báo và gầy dựng.


“Chồn có hang, chim trời có tổ, chứ Con Người không chỗ ngả đầu” (Mt 8,20).

Con người đó không khả nghi thì cũng có gì để chỉ đáng cho người ta thương hại.

Ông nhiệt tình đấy nhưng ông cứ nhìn kỹ xem lời rao giảng của ông bay tan theo gió, có mấy ai theo ông đâu. Nhiều lắm là họ theo bành theo cá, để được chữa bệnh, để xem chuyện lạ. Bụng no, bệnh khỏi là chào biệt, đi luôn. Lẩn quẩn vẫn chỉ có một đám đồ đệ lèo tèo, lý lịch chẳng ra gì, tối ngày tranh cãi nhau về những địa vị… giả sử mà có. Rồi chính bản thân ông: ông đức độ đấy, lời nói của ông có uy tín phi thường đấy, cứ cho đi ông là tiên tri đích thực và thượng đẳng, nhưng ông một mình một ngựa (đúng ra ngựa cũng không có, gặp thời lắm củng chỉ có… lừa con!). Thế giới này, hoàng đế Rôma đã chiếm cứ và ngự trị hết rồi, đất nước này nằm cả trong tay quan quân Rôma và vị vua ăn theo là Hêrôđê, không còn có chỗ cho ông, hay ông chẳng là gì cả. Lời rao giảng của ông, công việc ông làm, thậm chí cả các phép lạ của ông đều chỉ là công dã tràng, muối bỏ biển. Ông làm chuyện tào lao, vô bổ. Chưa kể là nếu thành công phần nào thì lợi bất cập hại: phiền hà, nguy hại cho kẻ khác, cho “nhân dân ta” nữa : “nếu ta để hắn như vậy, thì mọi người sẽ tin vào hắn hết thảy và quân Rôma sẽ đến hủy diệt nơi thánh và dân tộc ta” (Ga 11,48). Các thượng tế biệt phái yêu nước phát biểu hẳn hoi với nhau như thế đấy, giữa Công nghị. Ông chỉ được cái việc phá đạo, hại đời.


I. Cứ “vậy” thì “anh em hãy nghe ví dụ người gieo giống…” Chúa Yêsu ví thân phận mình, chính Ngài, với người gieo giống. Nhất là người gieo giống của cái thời chưa có máy cày, phân bón chưa có đủ thủy lợi để đảm bảo nguồn nước, chưa có dự báo thời tiết để tiên liệu thời vụ. v.v… cái thời bao nhiêu hạt lúa thật là bấy nhiêu hạt vàng gieo xuống đất, là ổ bánh nhịn bớt hôm qua, tấm bánh may ra còn có nay mai phải chịu phó mặc cho trời đất, cho rủi may của thời tiết, nắng mưa…

Thiên Chúa đã từng gieo Lời Ngài qua các thế hệ nhờ các ngôn sứ nhưng đã gặp biết bao nhiêu lòng dạ chai đá, biết bao thất bại (Mt 21,33-36 ; ví dụ tá điền vườn nho).

Ngay ngày nay, giữa cảnh dân chúng chen lấn nhau xung quanh Ngài. Chúa Yêsu không ảo tưởng : Lời Ngài vẫn mang thân phận hạt giống… đúng là đám đông chỉ ham ăn, ham vui, còn hễ cứ nghe đến thực chất Tin Mừng! Đúng hơn là các đồ đệ cũng chẳng ra gì! Và Ngài còn thấy xa hơn thiên hạ nữa : Phêrô sẽ chối Thầy, Yuđa sẽ bán thầy… Ngài thấy rõ những thất bại của mình hơn ai hết, những hạt giống rơi vào đất đá, vào gai. Thậm chí Ngài thấy cả thất bại lớn nhất, thất bại mà người đời kể là chung cuộc: thập giá (ba lần báo trước cuộc thụ nạn).


Tuy nhiên tầm nhìn của Chúa không chịu dừng lại ở chỗ cái nhìn của thế gian dừng lại. Không chỉ có đã, có gai. Còn có đất tốt. Nhất định còn có đất tốt. Và đất tốt ở chính chỗ thế gian không thể ngờ được: thập giá. Đất tốt chính là thập giá, là chính bản thân Ngài và chỉ có thể là bản thân Ngài khi cày nát trên thập giá.


Trên thập giá, Chúa Yêsu vừa là chủ tế vừa là hy lễ thì Ngài cũng vừa là người gieo giống (vì là Thiên Chúa), vừa là Hạt giống (vì là Lời), vừa là Đất tốt vì là “Con chí ái, kẻ ta đã sủng mộ” (Mt 3,17), Con người độc nhất vô nhị, đầy Thánh Thần và luôn thấm nhuần Thánh ý Chúa Cha.


Chỉ khi hạt giống được rơi trên đất tốt này và “chết đi” (Ga 12,24 : trên thập giá, lời rao giảng của Chúa Yêsu cũng được người đời coi là chẳng còn gì nữa) thì mới “đậu được” và được mùa Phục Sinh là Hội Thánh. Và trong Hội Thánh mãi mãi Lời Chúa chỉ có thể trổ bông kết hạt trong lòng chúng ta, xét cho cùng, là tùy mức độ chúng ta nên một với Ngài (như cây liền cành, theo ngôn ngữ Thánh Yoan), nhờ Ngài, với Ngài, trong Ngài mà trở nên đất tốt. Vẫn không có đất tốt nào khác ngoài chính Đức Kitô.


Và người tín hữu có “làm việc tông đồ”, có là người gieo giống thì chỉ là người gieo giống đích thực và … được mùa khi :


1. Nên một với Chúa Yêsu, tiếp nối, chia sẻ thân phận của Ngài, thân phận “không phá được” trước mắt thế gian (“môn đồ không lẽ hơn thầy” (Mt 10,24)).


2. Chỉ gieo hạt giống thứ thiệt là Tin Mừng Thập Giá thay vì lẽ khôn ngoan thế gian (xem 1Cor 1,21-25).


3. Chỉ ngóng trông kết quả từ ân sủng Đức Kitô biến cải lòng người thành đất tốt mà thôi. Vẫn chính Chúa Kitô và chỉ có Chúa Kitô vừa là kẻ gieo, vừa là hạt giống và đất tốt.


II. Và “về Nước Trời thì cũng như hạt cải người nọ lấy gieo vào ruộng mình” hay “như men bà nọ lấy vùi vào ba rá bột”.


Trái với mơ mộng về Đấng Cứu Tinh của người Do Thái thời Ngài, Chúa Yêsu không bao giờ chịu “ăn to làm lớn”:


* Không sa chước cám dỗ của Satan nơi hoang mạc.

* Không bao giờ chịu làm “dấu lạ trên trời” theo sự thách thức của người Do Thái.

* Không chịu sai lửa trên trời xuống đốt tan những làng, những thành lãnh đạm với Ngài, như các môn đồ đề nghị (Mt 9,95-56)

* Không để cho người ta tôn vương mình. Không lợi dụng “nhân dân”, không tổ chức lực lượng, không lập bè kết đảng, không xưng hùng xưng bá.

* Thậm chí “không cả chỗ ngả đầu”


Chả trách người đời coi công việc Ngài làm là “công dã tràng”, là “muối bỏ biển”. Chẳng ăn nhằm gì để thay đổi cảnh đời, thay đổi thế giới này. Cứu lấy thân còn chẳng nổi : “Hãy cứu mình đi ! Nếu mày là Con Thiên Chúa! Hãy xuống khỏi thập giá đi nào” (Mt 27,40).


Nhưng Chúa Yêsu không nhìn hoàn cảnh của mình với con mắt người đời. Ngài nhìn bằng tầm sâu rộng của Cha Ngài. Ngài cũng mời gọi kẻ theo Ngài nhìn với lòng tin:


Như hạt cải”. Nhỏ tí ti, chỉ bằng đầu mũi kim, loại hạt nhỏ nhất. Nhưng khi cây cải lớn lên, bên bờ hồ Gênêsar như mọi người đều có thể thấy với Ngài thì “to lớn hơn rau cỏ mà thành một cây” vì cao tới 2,5 – 3m. “Đến nỗi chim trời đến nương náu nơi cành nó”


Hay “như chút men” … Ba rá bột hồi ấy bằng khoảng bốn mươi lít bây giờ. Đủ làm bánh cho 100 người ăn. Sau một đêm, chút men kia đủ khiến cả khối bột này dậy lên.


Suốt đời Chúa Yêsu đã luôn thấy là hạt cải, là men ở chỗ người đời chỉ thấy là muối bỏ biển, là công dã tràng :


* 30 năm âm thầm ở Nazareth.

* Khi ra đời rao giảng cũng chỉ gieo lòng tin một cách nhỏ nhẹ và trân trọng từ hạt cải, từng chút men:

- Nicôđêmô đến gặp ban đêm (Ga 3,1tt)

-Người phụ nữ Samaria bên bờ giếng (Ga 4,5-26).

-Hai đồng kẽm của bà góa (Mt 21, 1-4)

-Zakkhê trên ngọn cây sung (Mt 19,1tt)

-Lòng tin của viên bách quản ngoại giáo : “Tôi không đáng được Ngài vào nơi nhà tôi… song Ngài hãy phán một lời…” (Mt 8,1tt). Hạt cải này đã khiến Ngài hân hoan đặc biệt và nhìn ngay về cây cải to lớn mai sau: “Ta bảo các ngươi : nhiều kẻ sẽ tự phương Đông, phương Đoài mà đến…” (Mt 8,11)

Người tín hữu ngày nay có chăng lòng tin như Chúa Yêsu mời gọi ? Đang tin gì ? Đang nhìn thấy gì? Vẫn theo chủ nghĩa “muối bỏ biển” hay dám tin ở hạt cải, ở chút men trong bột ? Chẳng hạn:

* Khi thiên hạ đua nhau làm giàu bằng bất cứ cách nào, buôn lậu, tham nhũng, mánh mung, có dám đơn độc đi ngược “dòng thời đại”? Sự đơn độc này là muối bỏ biển hay hạt cải, chút men?


* Khi người đời a dua, xu nịnh, phụ họa, “thi đua”, có dám nói lên tiếng nói của lẽ phải, của sự thật cho dầu là đơn lẻ, lạc lõng? Tiếng nói đơn lẻ, lạc lõng này là muối bỏ biển hay hạt cải, chút men?


* Khi sợ hãi lây lan như cơn dịch, có dám vượt thẳng sự sợ hãi để làm chứng cho sự tự do con cái Chúa? Thái độ này chỉ là muối bỏ biển hay là hạt cải, chút men?

Giáo Hội có được bao nhiêu sư đoàn? Trả lời câu hỏi thách thức này của mọi thứ ông Staline, người Kitô hữu không thấy sư đoàn nào trong Hội Thánh để đếm đã đành. Nhưng có lẽ vẫn ham đếm số tu viện, số nhà thờ, số cơ sở từ thiện, báo cáo các … thành tích? Cái nhìn số lượng, cái nhìn vẫn lệ thuộc, đầu hàng chủ nghĩa “muối bỏ biển”? Hay cũng biết và dám tin để trả lời như Chúa Yêsu: “Về Nước Trời thì cũng như hạt cải, chút men”?

Gs Nguyễn Ngọc Lan

2002

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com;

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: