Tuesday 13 April 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Đạo ngoài đường


[ Lc 10,25-37 ] (*)


Đạo Kitô tuy còn được gọi là “đạo Thiên Chúa” lại không muốn người ta thu gọn Thiên Chúa trong khuôn khổ một đền thờ như Đền Thờ Yêrusalem của người Do Thái, hay đền thờ trên núi Garizim của người Samari. Không thể xé lẻ Thiên Chúa, không thể đóng hộp Ngài. Từ đó việc thờ Ngài cũng không thể thu gọn một công thức nữa. Hay đúng hơn nếu có công thức chỉ có thể là một cách tôn thờ tối thiểu chứ không phải tối đa. Và vì Thiên Chúa là Tình Thương, chỉ tình thương mới có cách quyết định trên con đường đi đến với Ngài. Tình thương định đoạt giá trị của công thức trong hoàn cảnh sống cụ thể chứ không phải công thức định đoạt tình thương.

“Thờ phượng là thờ phượng trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4,5-26). Đức Yêsu đi đến cùng kỳ lý khi “Ngài hủy bỏ lề luật gồm những lệnh truyền và sắc chỉ” (Ep 2,15), mọi thứ giới luật có tham vọng định sẵn tất cả hành động con người bằng mực đen giấy trắng và cho phép con người giữ cái nhìn cảnh sát trên tha nhân hay trên chính mình. Thứ giới luật mực đen giấy trắng như thế chỉ có thể làm con người tê liệt đi hay là tự mãn nhất thời trong cái dáng phốp pháp phù thủng. Thánh Phaolô nói thẳng là nó “chỉ giết hại” (2Cr 3,4).

Đức Yêsu đã đến thay thế thứ giới luật kia bằng “luật viết trong lòng” (Gr 31,33) “trên những tấm lòng tấm thịt chứ không phải trên những tấm đá” (2Cr 3, 3). Ngài không phủ nhận mọi thứ kỷ luật. Không ai bay bổng một mình trên mây. Chỉ một người con trai một người con gái hẹn hò và cần đúng hẹn đã là một hình thức kỷ luật. Nhưng mọi hình thức kỷ luật đều là phụ, là thứ yếu đối với khuynh hướng tự trong lòng dạ đã vĩnh viễn cách biệt nhau. Hay đúng hẹn để làm gì khi đã gặp nhau ngay trên con đường đi đến chỗ hẹn hay ở một ngả đường nào khác.

Đức Yêsu đặt tình thương yêu làm động lực và làm tiêu chuẩn chính yếu cho hành động đạo đức của con người thì không thể làm khác hơn là đưa đạo ra… ngoài đường, đặt trọng tâm thái độ của con người đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân ở đó chứ không phải trong đền thờ nữa. Và khi đã ra ngoài đường dĩ nhiên là cần phải linh động hơn là ở trong đền thờ, mọi chi tiết của một lễ nghi tôn giáo có thể được chỉ định trước. Còn ở ngoài đường, không một “luật đi đường” nào có thể đủ đáp ứng với những gặp gỡ bất ngờ.

Chính trong nhãn giới đó mà Đức Yêsu đã đề cao thái độ người Samari được chữa lành còn quay lại cám ơn Ngài (Lc 17,11-18). Theo lề luật thì những người như thế phải trình diện với các tư tế và thi hành đủ các thủ tục để được công khai nhìn nhận là đã “hết uế tạp” rồi mới có quyền tiếp xúc với mọi người. Trong hoàn cảnh đó, vội vàng quay lại “phủ phục dưới chân Ngài” là vi phạm lề luật. Nhưng người Samari còn thấy nghĩa vụ tôn vinh Thiên Chúa và cám ơn kẻ cứu mình ngay tức khắc. Và hắn đã chọn lựa.


Nhưng ai là đồng loại của tôi?

Câu chuyện trên có vẻ tình cờ của một biến cố vụn. Nhưng khi Đức Yêsu có dịp trình bày một cách dứt khoát và rõ rệt hơn một hướng chung cho hành động đạo đức, Ngài đã không dạy gì khác. Đó là ngày Ngài phải trả lời cho một luật sĩ về điểm chất căn bản nhất. Ông này, “để thử Ngài”, đã hỏi :

“Thưa thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Ngài nói với ông ấy: “Trong lề luật đã viết gì? Ông đọc làm sao?”. Đáp lại người ấy nói: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi và hết trí khôn ngươi, và đồng loại ngươi như chính mình”. Ngài nói với ông ấy: “Ông trả lời chí lý. Hãy làm thế và ông sẽ được sống” (Lc 10,25-28)

Đã hẳn là câu trả lời chí lý. Đến đứa bé con Do Thái nào cũng có thể trả lời xuôi chảy như thế, hà tất phải là một thầy luật suốt đời chuyên nghiền ngẫm đạo lý. Xin cám ơn Ngài, nhưng Ngài hơi lẩn thẩn. Chuyện gì chứ lý thuyết suông thì tôi biết thừa rồi. Tôi còn sẵn sàng nói ngay ra phanh phách sách nào, chương nào, câu mấy trong Kinh Thánh viết như vậy. Tôi có công đến thỉnh giáo Ngài đâu phải chỉ để có dịp ôn lại một câu kinh sách quá thông thường. Cho nên “để chống chế”, luật sĩ mới hỏi thêm: “Những ai là đồng loại của tôi?”

Đáng chú ý là ông thắc mắc gì về nghĩa vụ yêu mến Thiên Chúa và chỉ thắc mắc về đồng loại phải yêu mến. Vì thật ra, việc yêu mến Thiên Chúa kể được là không rắc rối lắm, nhất là khi người ta đạt Thiên Chúa “ngự trên cao”, ở tít trên không biết là mấy vạn tầng mây hay yên vị trong thâm cung một đền thờ. Thiên Chúa như thế không cần phải đụng chạm lắm. Còn yêu thương đồng loại thì phiền quá. Chẳng lẽ cứ phải yêu thương tất cả cái giống người chen chúc xung quanh mình, đủ mọi bộ mặt, đủ mọi tầm thước, đủ mọi địa vị, đủ mọi màu sắc, đủ mọi… mùi nữa. Cho nên phải lạy Trời chấp nhận cho chúng tôi nhờ là đồng loại cũng có năm bảy thứ đồng loại: đồng loại thứ thiệt và đồng loại thứ giả. Đồng loại bà con, đồng loại không bà con. Đồng loại hàng xóm nhã nhặn, lịch sự, sạch sẽ, đồng loại hàng xóm lụp xụp, bẩn thỉu, có con chó con mèo cứ lân la quanh nhà mình, có đàn trẻ sinh gì mà sinh lắm thế cứ la hét ầm ĩ trong ngõ hẹp. Đồng loại bên giáo lại khác đồng loại bên lương. Đồng loại bên giáo có thứ ngoan đạo, có thứ lôi thôi, có thứ thế này có thứ thế khác… Đồng loại bên lương còn lắm thứ hơn nữa.

Để trở lại chuyện ngày xưa, ông luật sĩ hỏi: “Ai là đồng loại của tôi?” vì theo cách nghĩ thời bấy giờ: đồng loại cũng có ba bảy thứ đồng loại, thương ai ghét ai là còn tùy thuộc các nhà đạo đức Do Thái. Phần đông chủ trương: đồng loại chỉ gồm những người cùng dân tộc Do Thái. Còn người ngoại quốc và ngoại đạo không phải là đồng loại. Họ không biêt lề luật, nên lề luật nào buộc yêu thương họ. Cho nên có những thầy luật dạy rằng: khi người đồng bào và đồng đạo mắc nợ mình mà gặp họ ngoài đường thì phải tránh đừng chào hỏi họ, không phải vì giận dỗi nhưng chỉ vì nhã nhặn tuyệt đối để người ta khỏi tưởng mình chào là chỉ nhắc khéo món nợ. Còn với người ngoại quốc và người ngoại đạo thì khác. Họ không phải là đồng loại. Họ không đáng làm đối tượng cho luật yêu thương. Chẳng hạn nếu họ thiếu nợ thì đòi nợ càng sớm càng tốt và đòi cho đến đồng cuối cùng mới buông tha là một nghĩa vụ.

Có bè phái gọi là “nhiệt thành” lại kỹ lưỡng hơn nữa trong việc tuyển lựa đồng loại. Phải là người thuộc nhóm họ mới là đồng loại. Còn ngoài ra toàn là “con cái tối tăm” người nhiệt thành có phận sự phải ghét bọn này.

Thưa Ngài, các thầy luật chúng tôi phân biệt ba bảy thứ ruồi muỗi và chỉ có một thứ đồng loại như thế, thì Ngài chỉ bắt ôn lại câu “yêu thương đồng loại như chính mình” là vu vơ quá. Thưa Ngài, chúng tôi muốn biết theo Ngài ai là ruồi muỗi, ai là đồng loại cơ.


Người kia đi từ Yêrusalem xuống Yêrikhô


Để trả lời câu chất vấn có vẻ thúc bách của ông luật sĩ. Đức Yêsu thản nhiên kể một chuyện ngụ ngôn lúc đầu xem ra chẳng ăn vào đâu cả:

“Người kia từ Yêrusalem xuống Yêrikhô, rủi ro đã rơi vào tay bọn cướp, chúng lột hết áo xống và đánh nhừ tử người ấy, đoạn chúng bỏ mặc y nửa sống nửa chết mà đi mất”.

Con đường dài 27 cây số, hẳn là Ngài đã từng qua lại trên đó và biết nó đáng e ngại như thế nào. Bọn cướp đây chính có thể là các ông nhiệt thành. Thời Ngài, họ chẳng cuồng tín đến mức đi cướp đường để có kế sinh nhai và chuẩn bị những việc lớn trong tương lai! Đức Yêsu ám chỉ họ với chi tiết là người bị cướp… chưa chết, vì các ông nhiệt thành khi đánh cướp lại có luật giang hồ của họ: hễ nạn nhân không phải Do Thái thì giết luôn, còn nếu là Do Thái thì chỉ đoạt của tha mạng, hay cùng lắm là đánh dở sống dở chết khi gặp kháng cự.

Nhưng câu chuyện không chỉ có thế mà mai mỉa và hài hước, Ngài còn tiếp :

“Tình cờ một tư tế nọ cũng xuống theo con đường ấy, nhưng thấy người kia ông tránh qua một bên mà đi qua. Cũng vậy, một Lê-vi đến nơi thấy thế cũng tránh qua một bên mà đi qua”.

Đặt hai hạng chuyên viên giữ đạo như thế trên con đường kia không phải là người kể chuyện không có dụng ý. Sự đối chiếu giữa họ với nhân vật thứ ba, một người Samari lại một người Samari sẽ nổi bật lên. Nhưng trước đó là sự đụng độ giữa nề nếp lễ bái, tế tự thường lệ của họ với một đòi hỏi bất ngờ trong cuộc sống.

Có khoản luật cấm họ đụng vào xác chết để khỏi trở thành “uế tạp” không còn đủ tư cách để làm việc tế tự. Chỉ trừ trường hợp người chết là cha, mẹ, con cái, anh em trai và chị em gái phải còn trinh! Trong các trường hợp này họ được phép “trở thành uế tạp” để rồi sau đó phải nhờ một số nghi lễ thanh tẩy trước khi được thi hành chức vụ lại (Lv 21,1). Liều lĩnh tiếp cứu người sống dở chết dở mà lỡ hắn thành xác không hồn trong tay mình thì đã phải ngưng việc tế tự lại còn có thể mất quyền hưởng thuế thập phân. Rồi giả như biết rõ đương sự là “đồng loại”, nhưng ai là đồng loại, ai không là đồng loại? Các thầy luật đang mỗi người một ý cơ mà!

Cho nên ông tư tế, rồi ông Lê-vi đã chọn “an toàn trên xa lộ”. Họ né tránh vấn đề trước mặt. Họ đi thẳng theo con đường lề luật vạch sẵn để… trở về Đền Thờ Yêrusalem!

Lối kể chuyện cho phép trông đợi một nhân vật thứ ba… mới là có hậu. Đám người Do Thái nghe đến đó hẳn đang nghĩ là nhân vật thứ ba phải là một người dân thường trong bọn họ. Toàn dân chỉ có ba hạng người: tư tế, Lê-vi và giáo dân. Ngụ ngôn đã đem các giáo sĩ ra châm biếm không phải là chuyện dở: họ vốn chẳng ưa gì các ông chuyên viên tế sát có tiếng là bất nhân đó. Nếu còn một nhân vật thứ ba để đáng đề cao thì hẳn là một đại diện thuộc thành phần họ chứ còn ai vào đây nữa, nhưng họ bật ngửa ra khi Đức Yêsu chỉ vừa nói thêm mấy chữ: “Một người Samari kia”.

Như có một gáo nước lạnh tạt vào mặt mỗi người Do Thái đang nghe. Samari giống như lai căng, lạc đạo, kẻ thù không đội trời chung, tên gọi đồng nghĩa với một lời chửi rủa. Nhưng cứ thử coi xem tên khốn nạn đó làm trò trống gì trong ngụ ngôn!

“Một người Samari kia, Ngài vẫn điềm nhiên kể, nhân đi đường, cũng đến nơi ấy, thấy thế thì chạnh lòng thương, tiến lại và băng bó thương tích cho người ấy, sau khi đã đổ dầu và rượu, rồi vực người ấy lên lừa của mình mà đưa đến quán trọ và săn sóc người ấy. Sáng hôm sau rút ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán và bảo: “Ông hãy săn sóc người ấy, và có phải tiêu pha gì thêm, thì chính tôi, vòng về tôi sẽ trả ông”.

Đúng là Ngài đề cao hạng người khốn nạn và coi địa vị độc tôn của người Do Thái chẳng ra gì. Cho người Samari ra tay cứu chữa một người Do Thái lại là đảo lộn tất cả trật tự: các Rabbi vốn dạy rằng: không người Do Thái nào có quyền để cho người ngoại bang giúp đỡ bất cứ việc gì kẻo thứ người này lập công phúc, Thiên Chúa lại phải mất thì giờ lo ân hưởng mà họ chậm trễ công việc cứu thoát “Dân Chúa”.

Công việc cứu thoát Dân Chúa có chậm trễ đi hay không, Đức Yêsu không làm kế toán. Ngài giới thiệu một “kẻ thù” làm đến mức tối đa để cứu chữa con người đang dở sống dở chết ngay trước mặt. Hắn “chạnh lòng thương”, hành động bắt nguồn từ tâm can. Hắn đổ rượu trên các vết thương cho sạch, đổ dầu để làm dịu, còn băng bó thì hắn đã phải xé áo ra mà làm. Đưa về săn sóc thêm ở một quán trọ, trước khi ra đi hắn còn bão lãnh cho các chi phí khác. Nếu không, người lâm nạn khi bình phục sẽ không bỏ quán trọ mà đi được và còn có thể bị cầm tù vì nợ. Mà bảo lãnh như thế, người Samari lại không mong lấy lại được đồng tiền nào cả. Vì nếu hắn là Do Thái, lời thề của hắn trước tòa án còn có giá trị để cùng với lời chứng của chủ quán bắt người lâm nạn đã lành phải trả lại các chi phí. Nhưng vì là Samari, lời thề của hắn sẽ không có hiệu lực gì!

Đó là lòng thương kỳ lạ của tên Samari. Đúng ra hắn cũng có thể nại đủ thứ lý do để “tránh một bên mà đi qua” nào là mối thù truyền kiếp giữa hai dân tộc, hai tín ngưỡng, nào là gánh ngoài đàng việc gì quàng vào mình, nhất là giữa đường sá nguy hiểm, nào là dân Samari cũng phải giữ luật Mô-sê trong cái khoản tránh bị uế tạp vì đụng vào xác chết.v.v… Nhưng hắn đã vượt thắng tất cả, nhìn thẳng vào đòi hỏi của lương tâm trong giây phút hiện tại ở ngoài đường, để cho lòng mình chạnh thương, và hành động ngay theo sự thúc đẩy của lòng chạnh thương đó. Vẫn một thái độ căn bản như trong trường hợp người Samari bị bệnh phung mà được chữa lành.

Nhưng tất cả câu chuyện trên là chuyện động trời đối với những suy tính của đám người Do Thái đứng quanh Đức Yêsu. Ngài đã bạo tay đụng đến tận tủy cái óc tự mãn, cố chấp hẹp hòi. Đề cao người Samari, Ngài đề cao một tình thương yêu vô điều kiện. Trước tiên, vì khi Thiên Chúa đổ tình yêu thương qua tim gan con người, Ngài không cần điều tra lý lịch, khuynh hướng, lập trường của hắn. Ngài không cần xem rõ mặt mũi, xét hỏi kiểm tra, sổ thông hành. Tình thương yêu không là độc quyền của một hạng người nào cả. Càng không phải là thứ đầu cơ được bên trong những pháo đài. Sau nữa, con người yêu thương như Thiên Chúa yêu thương cho mặt trời tỏa sáng trên tất cả (Mt 5,45), là yêu thương không tính toán, không câu nệ, không biên giới, không có những vòng rào thép gai. Câu chất vấn của ông thầy luật không được trả lời trực tiếp. Nhưng nó hoàn toàn trở thành vô nghĩa.


Ai đã nên đồng loại?


Và đến lượt Đức Yêsu đặt vấn đề, và vấn đề đảo ngược. Ngài quay lại hỏi người luật sĩ:

“Vậy theo ý ông thì ai trong ba người ấy đã nên đồng loại của người đã sa vào ổ cướp?” Ông ta đáp: “Kẻ xử nhân nghĩa với người ấy”. Ngài mới bảo ông ta: “Cả ông nữa, hãy đi mà làm như thế”.

Không còn vấn đề gì “đồng loại” là cái thứ người nào nữa. Công việc cốt yếu của loài người không phải là đi treo các bảng hiệu mà là xây dựng cho một thái độ… Chỉ có một vấn đề là “mình làm đồng loại cho ai?”. Đã làm đồng loại cho ai? Trả lời câu hỏi đó cũng là ước định trình độ “đi đạo” theo Đức Yêsu. Trước cả mọi câu hỏi. Và dĩ nhiên một đạo như thế là đạo ngoài đường còn hơn là đạo “nội bộ” trong những tòa nhà kiên cố nhất. Từ đây con người để hành động đúng mức, đã được giải phóng mọi thứ “bí quyết”, “cách thức”, có sẵn như loại “bí quyết để làm đẹp”, “cách thức nấu thịt bò bảy món”. Tình cảnh bất ngờ nhất của con người, bất ngờ nhất đàng trước mặt phải là khởi điểm mọi suy nghĩ, tâm niệm đưa đến hành động, chứ không phải một nguyên tắc, luật lệ nào viết sẵn, cho dầu là viết sẵn trong kinh sách, Lêvi hoặc Đệ Nhị Luật.

Đưa ý thức tôn giáo ra ngoài đường, Đức Yêsu giải phóng hành động con người. Con đường Ngài mở ra không phải là con đường để trượt tuyết. Đành rồi, nó cam go, dốc dác, Nhưng nó lại không có ngỏ hẻm, ngõ cụt, Nó rộng thênh thang và tha hồ đi mãi.

Gs Nguyễn Ngọc Lan

2002

No comments: