Saturday 10 April 2010

Trần Ngọc Báu: ĐỨC GIOAN-PHAOLÔ II




Quả vậy, tình yêu Quê Hương, chính là tình yêu người, yêu ông bà cha mẹ tổ tiên mình, yêu đồng hương đồng bào mình, và sự kính trọng những giá trị và những quyền làm người của dân mình. Với tư cách là con dân đất nước, Đức Gioan-Phaolô 2 đã tranh đấu ôn hòa cho nhân quyền của người dân Ba Lan. Từ đó, mọi người và mọi dân tộc cảm nhận được sự trung thực của lòng Ngài khi Ngài cực lực tranh đấu cho nhân quyền của mọi người dân trên thế giới, trong đó có quyền được sống tự do theo niềm tin tôn giáo của mình trong sự kính trọng mọi tôn giáo anh em.

Rất nhiều người, thiện cảm với Giáo Hội Công Giáo La Mã cũng có mà ác cảm hoặc chống đối cũng có, thường nghĩ như thật rằng: "Vatican là một ổ gián điệp thế giới, đã từng ngấm ngầm cấu kết với đế quốc Mỹ để 'chống cộng' đến kỳ cùng. Và cộng sản mà có sụm ba chè là cũng nhờ có bàn tay lông lá của Mỹ và nhất là mật vụ của Vatican nhúng vào". Đúng hay sai là một chuyện, nhưng quan điểm của vị giáo chủ Vatican thì hoàn toàn khác. Thực vậy, 3 tháng sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Đức Gioan-Phaolô 2 tuyên bố vào ngày 21/02/1990 trong khi tiếp đoàn người hành hương tại Vatican: "Chính Thiên Chúa đã thắng ở Phương Đông". Những người biết rõ bụng dạ của vị giáo chủ này đều hiểu rằng Đức Gioan-Phaolô 2 nói Thiên Chúa là "Thiên Chúa của Lòng Tin" của Ngài và của Giáo Hội, chớ không phải ám chỉ lếu láo rằng Thiên Chúa đây là "tay chân bộ hạ" của Ngài hay "đám cao bồi đặc vụ của Mỹ" đâu!

Ngược đời ở chỗ là Lòng Tin cho thấy có bàn tay Thiên Chúa trong những biến cố xảy ra trong trần thế, nơi con người và xã hội loài người, do bởi chính con người chủ động làm ra. Trong quyển "Bước vào ngưỡng cửa hy vọng" xuất bản năm 1994, Đức Gioan-Phaolô 2 giải thích nguyên do trước mắt, có thể kiểm chứng được, của sự tan rã của chế độ cộng sản Liên Xô: "Chính hệ thống cộng sản đã, một cách nào đó, tự nó làm cho nó sụp đổ. Sự sụp đổ của nó là hậu quả của những hành động sai lầm và quá khích của nó. Muốn chữa bệnh, nó lại nguy hại hơn chính con bệnh. Trở thành một đe dọa hùng hậu và một thách đố ghê gớm (đối với xã hội), nó lại không thành công cải tạo thật sự xã hội. Cộng sản tự suy sụp, do bởi nội lực của nó yếu kém."

Không "chống cộng" và không "dương uy"

Tuy vậy, nhiều người vẫn còn nghĩ rằng Đức Gioan-Phaolô 2 có đóng một vai trò trực tiếp và quan trọng trong vụ này. Họ cho rằng Ngài phải là một người tài trí xuất chúng, đầy mưu lược, "chống cộng cùng mình", bởi vì Ngài là giáo chủ một tôn giáo không đội trời chung với cộng sản và nhất là vì Ngài đến từ một đất nước mà người công giáo có tiếng là thành phần chống cộng lì nhất thế giới. Không, không hoàn toàn như vậy đâu! Ngài và Giáo Hội Công Giáo ngày nay nhất định không "chống cộng" theo cái nghĩa phe đảng, bè phái, cục bộ, giáo điều, bất bao dung, điên rồ, cố chấp trong thái độ "không đội trời chung", và càng không theo cái nghĩa "tay sai", "vụ lợi" hay "bán linh hồn" cho ai cả!

Thực ra, trước đây cũng như bây giờ, Ngài cùng với dân Ngài chỉ đấu tranh cho Ba Lan có được quyền tự quyết dân tộc, những quyền tự do căn bản của con người, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do lương tâm và quyền tự do chính trị, nói cách khác là được "quyền làm người", như Ngài đã nhắc đến khi ngỏ lời trước cổng đường Brandeburg (Bá Linh) ngày 23/06/1996 kêu gọi khẩn thiết nhân dân Đức và Âu Châu nhớ đến các dân tộc đang còn bị thống trị hoặc áp bức. Cuộc đời Ngài là một bằng chứng hùng hồn rằng Ngài chẳng chống ai cả, vì nếu đã chống, thì phải chống luôn cả tư bản tài phiệt và vô số các chủ nghĩa và tôn giáo khác chăng. Đúng hơn, Ngài chỉ tranh đấu cho dân quyền và nhân quyền, trong đó có quyền được tìm đến với Thiên Chúa của lòng mình. Nhưng hơn ai hết, Ngài tin rằng: mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên!

Hơn nữa, nhiều người công giáo Việt Nam lấy làm hãnh diện, đắc chí -- cũng như một vài người phật giáo Việt Nam lấy làm nghi ngại -- cho rằng Đức Gioan-Phaolô 2 chủ trương đường lối phô trương lực lượng của một "Giáo Hội khải hoàn", khi thấy Ngài bôn ba khắp thế giới giao du với các đấng bậc vị vọng, xuất hiện cùng khắp giữa hằng triệu người tiếp đón hoan hô Ngài, hoặc nghe Ngài tuyên bố một câu xanh dờn, chắc nịch "Thiên Chúa đã thắng ở Phương Đông".

Thực ra, hơn ai hết, Đức Gioan-Phaolô 2 dư biết Giáo Hội của Ngài có vấp phạm lỗi lầm, yếu đuối, mỏng dòn và bất lực đến mức nào trước mọi thứ đe dọa của trần thế. Vào ngày lễ nhậm chức giáo hoàng 22/10/1978, trước đám đông tín hữu tham dự tại quảng trường Thánh Phêrô và trước ống kính của 43 đài truyền hình thế giới, Đức tân giáo chủ Gioan-Phaolô 2 cất tiếng dũng cảm mời gọi mọi người giữ vững lòng tin: "Đừng sợ! Hãy mở rộng mọi cánh cửa đón nhận Đức Kytô. Đừng sợ!"

Với cái nhìn lịch sử, người tây phương hiểu ngay rằng "đừng sợ" ngụ ý xác nhận là người kytô-giáo "đã sợ", "có sợ", vì hoặc bị khủng bố, bách hại, đàn áp, hoặc bị rẻ rúng như một nhóm người thiểu số, hoặc bị kỳ thị và loại ra ngoài lề xã hội, không những ở các nước cộng sản là nơi mà Đức Gioan-Phaolô 2 đã có kinh nghiệm trực tiếp, mà ở khắp đó đây trên thế giới; và không những chỉ ở thế kỷ 20 là giai đoạn mạt vận nhất của Giáo Hội La Mã, mà kể từ thế kỷ 16, lúc bắt đầu thời kỳ Phục Hưng của Âu Châu và phong trào ly khai của người anh em thệ phản (Tin Lành). Nghe lời kêu gọi "đừng sợ", đa số người tây phương cho rằng vị tân giáo chủ đã gióng lên một tiếng chuông trong sa mạc, một tiếng kêu thất thanh của một người không còn lối thoát nào khác ngoài lòng tin "mù quáng" vào Đức Kytô của Giáo Hội Ngài.

Như vậy, trong thế kỷ 20, không thiếu những vị giáo chủ La Mã lỗi lạc về nhiều mặt, giỏi về chính trị và ngoại giao như Đức Piô 12, chân tu và đạo đức như Đức Gioan 23, hay có đường lối cởi mở và canh tân Giáo Hội trước những vấn đề thế giới như Đức Phaolô 6. Tại sao các cơ quan truyền thông quốc tế lại theo dõi sát hơn những hành tung của Đức Gioan-Phaolô 2 và hay tường thuật cũng như bình luận (có khi rất gay gắt) về những lời tuyên bố hoặc chỉ giáo của Ngài? Cái gì thật sự đặc sắc nơi Đức Gioan-Phaolô 2 khiến cho thế giới loài người phải nể nang và chú ý hơn những vị tiền nhiệm của Ngài trong thế kỷ 20?

Nói chung, nét độc đáo nhất nơi vị giáo chủ này chính là, cùng với vai trò lãnh đạo Giáo Hội La Mã, Đức Gioan-Phaolô 2 được coi là một con người dám đứng giữa lòng xã hội loài người để có những hành động thách đố quan trọng đối với lịch sử. Phân tích ra, người ta thấy được 4 đặc điểm nơi Ngài. Thứ nhất, đang là một vị Giáo Hoàng La Mã, Đức Gioan Phaolô 2 vẫn sống trung thực với tình tự của một người con đất nước Ba Lan, một người yêu nước yêu dân, không chối bỏ nguồn gốc dân tộc và văn hóa Ba Lan của mình. Thứ hai, Ngài đi khắp thế giới làm nhiệm vụ "chủ chăn" với tất cả lòng nhiệt thành, xác tín và đức độ cao trong lãnh vực tôn giáo cũng như trong những vấn đề có liên hệ đến chính trị thế giới. Thứ ba, với thái độ thách đố lịch sử, Ngài có một tầm ảnh hưởng trên cục diện thế giới trong những vấn đề thiết thân nhất với con người thời đại! Và, nếu được phép kết luận, thì có thể nói được rằng Đức Gioan-Phaolô 2 là người bạn đáng tin cậy của mọi tôn giáo.

Tiếp tục sống đức tin giữa lòng dân tộc

Karol Wojtyla, trở thành Đức Gioan-Phaolô 2 năm 1978, sinh ngày 18/05/1920 trong một gia đình công giáo mà người cha là quân nhân, tại một thành phố nhỏ ở miền nam nước Ba Lan tên là Wadowice, cách đó hai năm vẫn còn bị đế quốc Áo thôn tính và bấy giờ được cùng với cả nước phục hồi độc lập và thống nhất sau 150 năm bị ngoại bang đô hộ. Theo học ở Cracovie, rồi vừa làm thợ trong hãng biến chế hóa học Solvay để khỏi bị Đức Quốc Xã bắt đi đày và vừa chuẩn bị "chui" để làm linh mục, Ngài chịu chức năm 1946 tại Cracovie.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ triết học và luân lý ở Đại học Angelicum tại Roma, Ngài trở về Ba Lan làm mục vụ tại xứ đạo và cho giới sinh viên, rồi dạy môn luân lý tại Cracovie và đại học công giáo Lublin. Làm giám mục phó năm 1958, Ngài được phong Tổng giám mục Cracovie năm 1963 và trở thành Hồng Y năm 1967, tức lúc mới 47 tuổi. Ngày 16/10/1978, Ngài Karol Wojtyla trở thành Đức Gioan-Phaolô 2, kẻ kế vị thứ 263 Thánh Phêrô tại La Mã, lúc Ngài 58 tuổi, trước sự bàng hoàng sững sốt của mọi người trên thế giới: Giáo Hội La Mã nay có một vị Giáo Hoàng người Ba Lan! Kể từ đó, trong hơn 20 năm làm Giáo Hoàng -- nhiệm kỳ giáo chủ dài nhất của thế kỷ --, Ngài tận tụy xả thân cho 3 nơi mà Ngài gắn bó thiết thân: đó là Vatican, nước Ba Lan, và thế giới loài người.

Hồi còn làm mục vụ tại quê nhà, Ngài không chủ trương triệt để đối đầu với chế độ cộng sản và, ngược lại, cũng không chủ trương làm "giáo hội thầm lặng". Vì lòng chân thật yêu nước, yêu Giáo Hội, và vì quyền lợi đất nước và dân tộc, Ngài luôn đứng ở tư thế "đấu tranh tư tưởng" với Nhà nước cộng sản Ba Lan, đấu tranh một cách ôn hòa và bền bỉ cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo, đấu tranh một cách bất bạo động trong tâm tư và hành động, chỉ dùng lời lẽ từ tốn biện bạch phải trái phân minh để cải hóa người đối lập, kẻ cầm quyền.

Từ khi làm Giáo Hoàng, Ngài càng sử dụng nhiều hơn đến quyền tự do phát biểu trong những vấn đề dân quyền, nhân quyền, và là người lên tiếng bênh vực mạnh mẽ cho Hiệp Định Helsinki ký kết giữa Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu OSCE với khối Liên Xô và Đông Âu năm 1975. Đi ngược lại với thói quen của giáo triều, Ngài chủ trương Vatican phải làm "mục vụ" hơn là làm "ngoại giao", nghĩa là khi cần thì phải dám nói thật, nói thẳng để bảo vệ con người, bất chấp những thủ tục ngoại giao thường lệ. Do đó, Ngài không ngớt nhắc nhở rằng "an ninh và hợp tác" sẽ vô hiệu nếu không đi kèm với nhân quyền, trong đó có quyền tự do tư tưởng, ngôn luận và tôn giáo. Ngài gián tiếp nâng đỡ tinh thần những kẻ đối lập với cộng sản, và đi cùng khắp thế giới vận động cho nhân quyền được tôn trọng. Như để trả lời Stalin khi ông hỏi kháy rằng "Vatican có bao nhiêu sư đoàn?", Đức Gioan-Phaolô 2 muốn chứng minh rằng sức mạnh của Giáo Hội La Mã chính là sức mạnh của lẽ phải vậy!

Trong 3 lần viếng thăm mục vụ Ba Lan vào năm 1979, 1983 và 1987, Đức Gioan-Phaolô 2 đã mạnh dạn và can đảm nói lên những lời lẽ đanh thép bênh vực cho nhân quyền, để gây phấn chấn tinh thần cho nhân dân Ba Lan và để răn đe các lãnh tụ cộng sản. Chính qua sự nâng đỡ tinh thần của Ngài đối với Lech Walesa trong suốt 500 ngày Công Đoàn Đoàn Kết của ông được phép hoạt động, kể từ mùa hè 1980, mà Ngài nâng cao khí thế những nhóm người đối lập ở các nước Đông Âu và nhắn gởi đến Liên Xô quyết tâm của Ngài đấu tranh cho quyền dân tộc tự quyết và nhân quyền.

Cung cách hành động của Ngài làm cho người ta hiểu rằng Ngài vẫn là một người Ba Lan, tiếp nối truyền thống đấu tranh cho tự do của dân tộc Ba Lan là một dân tộc đã từng chịu gian khổ hằng thế kỷ chống lại áp bức của ngoại bang để bảo vệ tình tự dân tộc, văn hóa dân tộc, bản sắc dân tộc Ba Lan và chủ quyền đất nước. Hành động của Ngài cũng là hành động của một người công giáo yêu nước Ba Lan, tiếp nối truyền thống ngàn năm của Giáo Hội Ba Lan luôn đứng về phía nhân dân Ba Lan để bênh vực quyền lợi của họ và góp phần xây dựng đất nước.

Trong chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên Ba Lan năm 1979, Đức Gioan-Phaolô 2 gặp mặt Tổng bí thư Đảng Edward Gierek để trao đổi thẳng quan điểm với ông ta về chuyện đất nước. Sau khi xác nhận Ba Lan là tài sản chung của tất cả nhân dân Ba Lan và không ai được độc quyền yêu nước, Đức Gioan Phaolô 2 nói với ông ta đại khái rằng: "Tài sản chung này cũng là của tôi, và tôi vẫn tiếp tục coi là thế, tự cảm thấy có liên can sâu đậm với đất nước này, cũng có quyền can dự vào, như thể tôi vẫn đang sống tại quê hương này và là công dân của đất nước này. Và cũng với thái độ này, còn mạnh mẽ hơn vì phải xa cách quê hương, tôi sẽ tiếp tục thấy có liên can đến tất cả những gì có thể đe dọa Ba Lan, làm phương hại hay làm ô danh đất nước này" (Jean Offredo, Jean-Paul II, Paris 1998, tr.38).

Nói về Ba Lan tại Đại Hội Đồng UNESCO ở Paris năm 1980, Đức Gioan-Phaolô 2 xác nhận: "Tôi là người con của một dân tộc đã trải qua những kinh nghiệm to lớn nhất lịch sử, một dân tộc đã bị các nước lân bang kêu án tử nhiều lần, nhưng đã sống sót và vẫn giữ được bản thân mình. Dân tộc này đã giữ gìn được bản sắc của mình, và đã bảo tồn được chủ quyền đất nước của mình cho dù bị ngoại bang chia cắt và chiếm đóng, không phải nhờ vào quân lực của mình mà chính là nhờ vào nền văn hóa của mình. Nền văn hóa này đã tỏ ra, khi cần, là một sức mạnh lớn hơn là bất luận những lực lượng nào khác. Văn hóa, chính là ngôn ngữ, lịch sử, nghệ thuật, văn chương, dĩ nhiên, mà còn sâu rộng hơn nữa là những gốc rễ, cội nguồn và dự phóng khai sáng của một dân tộc đã được hun đúc qua nhiều thế hệ; văn hóa còn là ý niệm về tổ quốc và dân tộc và cách thế bảo vệ nó (...). Giáo Hội có mặt ở đó để giúp chẳng những giữ gìn mà còn truyền đạt (truyền thống dân tộc ấy).

"Sức mạnh của Giáo Hội Công Giáo Ba Lan chính là đã giữ vai trò kẻ giữ gìn và bảo đảm cho lương tri dân tộc, cho văn hóa Ba Lan, cho cái 'bản sắc Ba Lan' được tồn tại. Là đứng sát cánh với nhân dân chống lại những quyền lực ngoại bang thống trị đất nước, và cũng chống lại những người Ba Lan chơi cái trò 'hợp tác với ngoại bang', đặc biệt là trong giới quí tộc và tài phiệt gộc. Chính nhờ Giáo Hội Ba Lan đã bám rễ sâu vào lòng dân tộc, đã tham gia vào các cuộc tranh đấu giải phóng đất nước, đã hy sinh to lớn và âm thầm trong đấu tranh, mà Giáo Hội đã trở thành 'tiếng nói của những kẻ không có tiếng nói, nhất là từ thế kỷ 19 đến nay" (Sd, tr.36-37).

Trước sức đe dọa khẩn trương của Liên Xô can thiệp quân sự vào Ba Lan và từ khi nổ ra vụ nhà nước Ba Lan ban hành thiết quân luật và đàn áp phong trào nghiệp đoàn tự do ở Ba Lan vào cuối năm 1981, Đức Gioan-Phaolô 2 tỏ ra vô cùng xúc động, lo âu và buồn phiền ra mặt. Từ Vatican, Ngài can thiệp mạnh mẽ bằng điệp văn riêng cũng như chính thức gởi đến các nhà lãnh đạo Đông Tây để yêu cầu chớ có dùng bạo lực đối với nhân dân Ba Lan và chớ có can thiệp vũ trang vào đất nước Ba Lan. Ngài thường tha thiết nhắc nhở đến Ba Lan trong các giờ nguyện "truyền tin" Angelus, trong các buổi yết kiến Ngài, rằng: "Không được làm đổ máu người dân Ba Lan. Máu này đã đổ ra khá nhiều rồi, đặc biệt là trong trận Thế chiến thứ 2. Phải làm tất cả để xây dựng tương lai đất nước Ba Lan trong hòa bình" (Sd, tr.42). Âu cũng vì đó mà Ngài bị mưu sát ngày 13.05.1981 tại quảng trường Thánh Phêrô do bởi Ali Agça, được coi là một bàn tay bí hiểm của mật vụ Bulgaria và KGB Liên Xô.

Trên đường «hành hương» gặp gỡ mọi dân tộc

Đức Gioan-Phaolô 2 không chủ trương ngồi yên vị ở ngai giáo hoàng, mà phải đi đến gặp gỡ mọi người và mọi dân tộc trên khắp nẻo đường thế giới. Người ta quen gọi Ngài là kẻ "du hành địa cầu". Ngài coi đó là cuộc "hành hương" về đất thánh, nay đã trở thành toàn thể địa cầu! Trong nhiệm kỳ 20 năm giáo chủ, Ngài đã làm 80 cuộc hành trình đến viếng thăm 114 quốc gia (trong đó có những quốc gia được thăm viếng nhiều lần) và các tổ chức quốc tế, chưa kể khoảng 150 lần đi thăm nhiều nơi tại nước Ý và giáo phận Roma của Ngài. Tính ra Ngài đã đi 30 lần vòng quanh quả địa cầu, một đoạn đường dài gấp 3 lần khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng, và đã vắng mặt tại Vatican tổng cộng gần hai năm trời! Ngày nay, cả thế giới là quê hương của Ngài. Đến đâu, Ngài cũng kính cẩn quì xuống hôn lên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của loài người và cũng là của Ngài, mảnh đất đã trở nên linh thiêng vì có bàn tay kỳ diệu của con người tác tạo, bồi dưỡng và đổi mới tất cả, và vì chính Thiên Chúa cũng đã chọn nơi này làm "quê hương" của Người!

Mục tiêu thứ nhất: Đức Gioan-Phaolô 2 tìm đến gặp gỡ đám đông, như Đức Kitô 2000 năm về trước. Đó là dịp để Ngài nói lên những điều Ngài xác tín với người kytô-giáo và với mọi người thiện tâm trên thế giới, để nâng đỡ và khích lệ họ chu toàn bổn phận làm người và làm con cái Cha trên trời, để công khai yêu cầu mọi người và mọi nhà cầm quyền hãy tôn trọng con người và quyền làm người, để kêu gọi mọi người giữ gìn sự hòa hợp bằng đường lối đối thoại và tìm sự đồng thuận, để nhắn nhủ một cách đặc biệt về một vài điều phù hợp với địa phương Ngài đến, hoặc để can thiệp cho quyền lợi của kẻ yếu.

Chẳng hạn, sau khi chế độ cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đức Gioan-Phaolô 2 rất lấy làm lo lắng trước cao trào tự do cạnh tranh và bóc lột nhau, coi đồng tiền là vua, làm giàu phi nghĩa, gây ra tình trạng phân hóa xã hội, bần cùng hóa một tầng lớp đông đảo nhân dân yếu kém tại những nước này. Ngài cũng lo ngại trước sự lớn mạnh của bọn làm ăn phi pháp ma-fia, của tinh thần quốc gia cực đoan, của chủ trương kỳ thị và bài ngoại. Vì thế, năm 1997, Đức Gioan-Phaolô 2 làm thêm một chuyến viếng thăm mục vụ Ba Lan để mạnh mẽ lên án những tệ đoan của xã hội chạy theo kim tiền và tiêu thụ, chà đạp nhân quyền, nhân phẩm và những giá trị văn hóa truyền thống, chỉ biết đề cao quyền lợi cá nhân đến mức làm hại cho công ích. Ngài lớn tiếng cảnh cáo rằng tiến bộ của loài người không phải là thay thế búa lưỡi liềm bằng việc thờ "bò vàng". Đến thăm Mễ Tây Cơ sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Ngài tuyên bố rằng cộng sản thất bại không có nghĩa là tư bản đã thắng!

Mục tiêu thứ hai: Đức Gioan-Phaolô 2 bôn ba đó đây để gặp trực tiếp những nhà lãnh đạo thế giới và những cơ quan có thẩm quyền quốc tế để tiếp tục bênh vực cho con người. Dĩ nhiên, trong lãnh vực chính trị, Đức Gioan-Phaolô 2 không lên mặt dạy đời ai, cũng không dở trò ngoại giao siêu đẳng, mà chủ yếu là xác nhận quan điểm Phúc Âm đối với giá trị làm người và nhắc nhở các nhà hữu trách về tầm quan trọng của những giá trị ấy trong đời sống quốc gia và quốc tế.

Chẳng hạn, năm 1983, Ngài nói thẳng với nhà độc tài Jean-Claude Duvalier của Haiti, khi đến thăm đất nước này: "Cần phải có những sự thay đổi ở đây!". Chẳng bao lâu sau đó, Duvalier bị đào thải! Hoặc ở Phi Luật Tân năm 1981, trong một bài diễn văn đọc tại thủ đô Manilla trước mặt Tổng thống Marcos, Ngài nói rằng, đối với Giáo Hội, việc bảo vệ nhân phẩm của người nghèo không phải là một đòn chiến thuật để lôi kéo về mình đám quần chúng ấy. Đó là bổn phận đơn thuần của Giáo Hội, vì đó là điều Chúa muốn, rằng mọi người phải được sống với phẩm cách của mình. Con đường đi đến giải phóng hoàn toàn không phải là con đường bạo động, đấu tranh giai cấp, hận thù, mà là con đường của tình nghĩa, huynh đệ và hòa hợp đoàn kết. Trong vụ này, người ta bảo rằng tuy Bà vợ của nhà độc tài Marcos là một người công giáo sùng đạo, nhưng Bà lấy làm hậm hực trước lời nhắn nhủ ấy!

Cũng thế, vào tháng 03/1987, trong lúc Đức Gioan-Phaolô 2 đến thăm viếng Chí Lợi, Ngài được Tướng độc tài Pinochet tiếp linh đình tại dinh tổng thống Moneda ở thủ đô Santiago, nơi mà tổng thống dân cử Allende bị sát hại năm 1973. Tại đó, Ngài không ngần ngại nói thẳng thừng rằng: cần sớm có những biện pháp khả dĩ cho phép mọi người dân Chí Lợi được tham dự đầy đủ và có trách nhiệm vào những quyết định quan trọng của đất nước này. Dĩ nhiên, những lời lẽ bộc trực như thế cũng chẳng thấm thía gì đối với những quyền lực hung bạo thế tục, nhưng vẫn có tác dụng làm men làm muối, như lịch sử đã từng chứng minh.

Gần đây nhất, tháng 01/1998, Đức Gioan-Phaolô 2 đi thăm Cuba để tiếp tục tranh đấu với Fidel Castro cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, và cùng một lúc chất vấn quyền lực bá đạo của Hoa Kỳ đối với Cuba, đưa đến đói khổ cho nhân dân xứ này. Sau 40 năm xung đột giữa chính quyền La Havane và Giáo Hội La Mã, cuộc gặp gỡ giữa Đức Gioan-Phaolô 2 với lãnh tụ Fidel Castro được coi là một thành tích đáng kể trong tiến trình hòa giải đôi bên và giúp Cuba làm một bước cởi mở ra với thế giới bên ngoài. Thực vậy, sau đó, Hoa Kỳ đã gỡ bỏ dần vụ cấm vận Cuba.

Mục tiêu thứ ba: Đức Gioan-Phaolô 2 tìm đến gặp gỡ các giới trẻ trong những "Ngày đại hội giới trẻ thế giới", tổ chức tại Ý hoặc tại các nước khác, như Buenos Aires (Ba Tây,1987), Compostelle (Tây Ban Nha,1989), Czesto-chowa (Ba Lan, 1991), Denver (Mỹ, 1993), Manille (Phi Luật Tân, 1995) và Paris (Pháp, 1997). Những lần gặp gỡ thân tình này đem lại cho Ngài phấn khởi, trẻ trung và niềm hy vọng cho tương lai Giáo Hội và nhân loại. Đó cũng là dịp hi hữu để thanh niên tứ xứ thập phương tụ tập về nối vòng tay lớn, sống thiết thân bên nhau trong tình tự tuổi trẻ, tìm gặp lại lẽ sống và niềm tin nơi Thiên Chúa và con người, và cảm nghiệm được phần nào những sự mong đợi to lớn của Giáo Hội nơi tiềm năng đóng góp của giới trẻ cho nhân loại.

Ngày 31/03/1985, mừng Năm quốc tế Thanh niên do Liên Hiệp Quốc đề xướng, Đức Gioan Phaolô 2 khẩn thiết kêu gọi: Hỡi các bạn là thanh niên của các dân tộc và của xã hội loài người, thanh niên của mọi gia đình và của toàn thể nhân loại. Chúng tôi tất cả hướng mắt về các bạn, bởi vì nhờ các bạn mà tất cả chúng tôi không ngớt, một cách nào đó, trở nên trẻ trung với các bạn. Chính vì đó, tuổi trẻ của các bạn không chỉ là tài sản riêng của các bạn hay của một thế hệ, mà là (...) tài sản chung của mọi người. Các bạn thuộc về bản thân của nhân loại vậy!

Và mục tiêu cuối cùng của những cuộc hành trình của Đức Gioan-Phaolô 2 trên thế giới là để gặp gỡ trong thân tình tất cả các tôn giáo bạn, như sẽ nói ở phần sau.

Chấn chỉnh nội bộ và thách đố lịch sử

Triều đại giáo hoàng của Đức Gioan-Phaolô 2 có đặc tính là giúp cho người kytô-giáo đi tìm lại bản sắc chân thực của Đức Tin. Thực vậy, Đức Gioan-Phaolô 2 thúc giục con chiên bổn đạo tìm thấy lại thân phận chân như của mình và hiên ngang xác nhận Niềm Tin kytô-giáo của mình mà không sợ sệt hay mặc cảm gì trước người đời cả. Niềm tin này liên hệ đến toàn diện con người, mọi sắc tộc, mọi nền văn hóa, và là một thách đố da diết đối với mọi người kytô-hữu đem ứng nhập vào mọi lãnh vực đời sống...

Nói rộng ra, Ngài còn khuyến khích và thách đố mọi người trên thế giới hãy can đảm chấp nhận thân phận và chức năng làm người của mình, kiên trì đấu tranh cho niềm tin nơi con người và cho quyền làm người của mình mà không sợ một quyền lực áp đảo nào cả, cho dù ghê gớm đến đâu. Ngài cố gắng đem lại tin tưởng và hy vọng trong một thế giới đã chao đảo, não nề, thất vọng, mất định hướng và lẽ sống của mình. Làm như thế, Ngài biết rõ mình chỉ là một tiếng kêu, chỉ làm một hành động phiêu lưu vô định! Nhưng không biết sợ, vì Ngài phiêu lưu với Thiên Chúa của lòng mình.

Trong buổi dâng lễ đầu tay của vị tân giáo hoàng tại nhà nguyện Sixtine vào ngày 17/10/78 cùng với toàn thể Hồng Y đoàn, Đức Gioan-Phaolô 2 đã nói lên thông điệp đầu tiên cho Giáo Hội toàn cầu. Ngài xác nhận con đường phải đi là con đường đã được Công Đồng Vaticanô 2 vạch ra. Thứ nhất, các giám mục thế giới đều đồng chịu trách nhiệm về đời sống của Giáo Hội toàn cầu. Thứ hai, sự hợp nhất bên trong Giáo Hội Công Giáo phải được gìn giữ và bảo vệ. Thứ ba, sự chia cách giữa anh em kytô-giáo cần được vượt qua và hướng đến hiệp nhất. Và cuối cùng, Giáo Hội đứng về phía con người, đặc biệt là người nghèo, kẻ bệnh tật, kẻ bị chiến tranh nghiền nát để phấn đấu cho quyền làm người của họ, cho họ có lại được cơm áo, sức khỏe, hòa bình và an lạc.

Trong lịch sử của nhân loại, Ngài sẽ được nhìn nhận là vị giáo hoàng của nhân quyền, kẻ không hề biết mệt mỏi rảo bước khắp các nẻo đường thế giới, gặp tất cả các dân tộc, để lớn tiếng xác nhận rằng không một người nào, không một dân tộc nào, không một xã hội nào phải bị tước đoạt nhân phẩm của mình, quyền sống của mình, chỉ vì mình khác kẻ khác trong màu da, tư tưởng, quan niệm, địa vị, nghề nghiệp, nếp sống hay niềm tin tôn giáo. Chính một phần nào đó nhờ Ngài mà thế giới chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ thứ ba với gương mặt "người" hơn!

Trong thẩm quyền của Ngài, Đức Gioan-Phaolô 2 làm rất nhiều việc quan trọng. Thứ nhất, Ngài chấn chỉnh lại hàng ngũ các cấp lãnh đạo Giáo Hội, đưa vào hàng giáo phẩm cao cấp thêm nhiều vị đến từ các nước ngoài Tây Phương, để nói lên tính hiệp thông toàn cầu của Giáo Hội. Và Ngài đặt thêm nhiều sứ thần Tòa Thánh trên hầu hết các nước trên thế giới. Mục tiêu chủ yếu là trong nội bộ, Ngài cần ổn định nề nếp, trật tự để mọi người được yên ổn giữ đạo (về điểm này, Ngài bị phê bình là quá bảo thủ); về đối ngoại, Giáo Hội cần tích cực có mặt khắp nơi để tham dự vào những sinh hoạt quốc tế, để kín đáo giúp giải quyết những cuộc xung đột trong hòa bình, và để trao đổi với các nhà hữu trách các nước và thế giới về mọi vấn đề liên hệ. Chẳng hạn, đối với nhà nước Trung Quốc và Việt Nam, Tòa Thánh cố gắng hết sức để có những quan hệ đều đặn và được cải thiện hơn thêm.

Thứ hai, Ngài cho phát hành nhiều tài liệu giáo huấn của Tòa Thánh hơn những triều đại giáo hoàng trước Ngài, gồm có 13 bức Thông Điệp, và rất nhiều Tông Thư và Tông Hiến, cũng như cho xuất bản quyển Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo để dùng làm nề nếp cho giáo dân học biết lẽ đạo. Những tài liệu giáo huấn của Ngài nói lên những xác tín thâm sâu của Ngài nơi những quyền hạn, nghĩa vụ và những giá trị làm người và làm con cái Chúa, xét theo khía cạnh cá nhân cũng như cộng đoàn, và nhìn từ ánh sáng Phúc Âm mà Ngài nhận được. Một đặc điểm là trong suốt nhiệm kỳ giáo hoàng, Ngài không dùng đến quyền bất khả ngộ để tuyên bố về một điểm tín lý nào. Còn lại, trong cách xưng hô, thay về dùng danh xưng "Chúng Tôi" như trước đây, Ngài thường dùng ngôn ngữ bình thường là "tôi", một người ở giữa anh em tín hữu...

Và thứ ba, trong vòng 20 năm, Ngài đã phong lên hàng thánh và hiển thánh nhiều vị hơn tất cả các triều đại trước Ngài gom lại, để nêu gương sống đạo cho thế giới noi theo. Tất cả gồm gần 1100 thánh nam nữ, trong đó có gần 300 vị thánh và hơn 800 vị hiển thánh, đến từ mọi chủng tộc và quốc gia, mọi tuổi tác và nghề nghiệp, và mọi đấng bực trong Giáo Hội,. Ngài nói: "Các ngài là những thánh nhân từ các bạn mà ra; các bạn có thể và phải trở nên như các vị ấy".

Nhận lỗi, đối thoại và giao hảo với mọi tôn giáo

Vì có lòng tin ở "Thiên Chúa của muôn dân", nên không lạ gì Đức Gioan-Phaolô 2 đi rao giảng cùng khắp thế giới lòng tin ấy! Có người thấy chướng, như thể Ngài muốn đi giành giật thế lực với các tôn giáo khác. Không, trái lại, Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã khai mở ra cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo tại thành Assise nước Ý, theo đúng tinh thần Công Đồng Vaticanô 2, để cùng nhìn nhận nhau là anh em và cùng xác nhận có quyền tin tưởng như nhau.

Thực vậy, ngày 27/10/1986, Ngài tổ chức một cuộc họp mặt quốc tế tại Assise giữa khoảng 200 vị lãnh đạo các giáo môn kytô-giáo và các tôn giáo lớn thế giới (gồm có Kytô-giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Ba Hai, Shik, Ấn Độ giáo, Thần Hỏa giáo) đại diện cho khoảng 3 tỷ tín đồ trên thế giới, để cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Tất cả cùng họp tiếng cầu khẩn, nhưng mỗi vị cầu nguyện với Đấng mình tôn thờ.

Đối với Đức Gioan-Phaolô 2, bản đại hòa tấu này muốn nói lên 3 điều: thứ nhất, thế kỷ 21 sẽ có thể là thế kỷ của tôn giáo và nhất là thế kỷ của đối thoại liên tôn, vì trong thế giới ngày nay không còn có thể sống hay chết một mình được nữa; thứ hai, trong cuộc đấu tranh sống còn này, khẩn trương nhất là cần đối thoại giữa những người "anh em kytô-giáo chia cách nhau" để có thể hợp lực hòa giải với nhau; và thứ ba, để vượt thắng những sự chia rẽ, cần có sự canh tân tâm hồn và xám hối với người mình có lỗi. Chính vì đó mà sự tĩnh tâm trong lời cầu nguyện chung sẽ giúp đưa đến một trạng thái dễ hòa hợp hơn.

Chính Đức Phaolô 6 đã bắt đầu trước trong việc gặp gỡ với các tôn giáo bạn, khi Ngài hành trình đến Jérusalem, Bombay và Istanbul, và khi Ngài đề cập đến trong các thông điệp "Ecclesiam suam" và "Evangelii nuntiandi". Đức Gioan-Phaolô 2 tiếp nối và khai triển rộng hơn việc gặp gỡ này. Ngài tìm đến với tất cả các tôn giáo bạn trên khắp các lục địa, đặc biệt là các tôn giáo Á Châu và Phi Châu mà Ngài chưa được biết rõ và đã có nhưng suy nghĩ chưa được chính xác cho lắm. Theo Ngài, những sự trao đổi và gặp gỡ này phải rất mực chân thành, nghiêm túc, chớ không khách sáo, như Ngài nói: "Để có thể đối thoại, cần phải có người nói và người nghe, và mỗi người cần biết rõ mình là ai một cách thật sự sâu sắc". Chẳng hạn, ngày 19/08/1985, theo lời mời của vua Marốc Hussan II, Ngài ngỏ lời với 80 ngàn thanh niên Hồi giáo ở Casablanca: "Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy thay đổi những lề thói cũ của chúng ta", tức là mỗi chúng ta phải biết rõ mình, biết xám hối và sửa đổi!

Trong 20 năm làm giáo hoàng, Đức Gioan-Phaolô 2 đã làm tất cả khoảng 100 lần cáo lỗi, trong số đó có những lời xin lỗi công khai (đối với người Do Thái, với người anh em Tin Lành và với những người Hồi giáo), hay có nhìn nhận đã có những đánh giá sai lầm trong giai đoạn lịch sử đã qua, hoặc có lời thành tâm phê phán những hành động sai sót của Giáo Hội mình. Như thế, Ngài chủ xướng việc thanh tẩy những hoài niệm u buồn để cho lòng được thanh thỏa hướng về tương lai: hòa giải giữa người anh em kytô-giáo và đối thoại nghiêm túc giữa các tôn giáo thế giới. Ngài tin tưởng rằng tất cả các tôn giáo đều có trách nhiệm hợp tác với nhau để đấu tranh hóa giải các thế lực độc tài, đàn áp, và để phục vụ cho con người, phẩm giá con người và quyền làm người.

Riêng đối với người Do Thái, Đức Gioan-Phaolô đã có những hành động nói lên lòng xám hối chân thành trước những sự hiềm khích vô cớ của người công giáo đối với người Do thái và do đó đã đóng góp một phần vào các phong trào bài Do Thái tại Tây Phương cũng như cuộc diệt chủng xảy ra trong trận Thế Chiến thứ 2 tại Âu Châu. Ngày lịch sử 13/04/1986, do lời mời của Đức Thầy giáo chủ Eli Toaff, Đức Gioan-Phaolô 2 đã đến kính viếng và bước qua ngưỡng cửa Thánh Đường Do Thái tại Roma, nhận từ tay Đức Thầy cây nến thánh chín ngọn đèn và quyển Kinh thánh Torah của Do Thái.

Thật là hi hữu, vì đoạn đường một cây số từ Tòa thánh La Mã đến Thánh Đường Do Thái là đoạn đường dài nhất lịch sử ngăn cách giữa hai tôn giáo gần hai nghìn năm qua. Mười năm sau, ngày 15/04/1996, Ngài tiếp đón Đức Thầy giáo chủ Do Thái tại Điện Vatican với những lời nguyện chân thành từ đây hai bên cùng chia sẻ một lòng kính trọng lẫn nhau. Thực vậy, đã lâu rồi, Đức Gioan-Phaolô 2 đã từng gọi người Do thái là "người anh cả trong niềm tin" và coi lịch sử tôn giáo Do Thái là một phần ruột thịt của lịch sử Kytô-giáo vậy. Mới đây, năm 1998, Ngài cho ra mắt bản tuyên ngôn "Chúng tôi có nhớ. Những suy nghĩ về cuộc diệt chủng Do Thái của Đức Quốc Xã" để tỏ lòng muốn thanh lọc thật sự những hoài niệm u buồn đã qua, tuy rằng phía Do Thái chưa lấy làm hoàn toàn thỏa mãn về bản tuyên ngôn này.

Cuộc đời "phiêu lưu" của Đức Gioan-Phaolô 2 đã có thể chấm dứt vào ngày 13/05/1981 với viên đạn nhẫn tâm của Ali Agça và của những kẻ chủ mưu ám hại Ngài nơi quảng trường Đền thánh Phêrô. Nhưng Ngài vẫn sống sót sau biến cố hung bạo ấy, sống sót để tiếp tục đấu tranh cho cái quyền được nói lên chân lý của mình, niềm tin của mình, lý tưởng đời mình, và rồi để sẵn sàng chết cho những xác tín của mình.

Fribourg 25.04.1999

Trần Ngọc Báu

No comments: