Sunday 25 April 2010

Lm Chân Tín CSsR: Đối thoại với Phật giáo


Nguyệt san Đức Mẹ hằng Cứu Giúp xưa đã nhiều nói đến vấn đề đối thoại với các tôn giáo khác. Nay nhân dịp lễ truyền Giáo, chúng ta sắp cử hành vào 24/20 này, chúng tôi muốn cùng bạn đọc nêu lên một vài nhận xét trong vấn đề đối thoại với Phật giáo.

Trong thời đại này và trong hiện tình đất nước, người Công giáo chúng ta cần phải hợp tác với anh em Phật tử, để bảo vệ di sản tinh thần của dân tộc đang bị làn sóng vô thần và duy vật đe doạ. Đàng khác, đối thoại với anh em Phật tử còn là bước đầu tiên trong công việc truyền giáo: Nhờ đôi thoại, chúng ta sẽ đánh tan những hiểu lầm, những thiên kiến do hoàn cảnh chính trị phức tạp của quá khứ gây nên và như thế, chúng ta sẽ chuẩn bị cho họ đón nhận Tin Mừng cứu rỗi của Chúa Kitô.

Trên cương vị các cấp lãnh đạo của hai tôn giáo, chúng ta hân hoan nhận thấy những cuộc gặp gỡ thân thiện, như trường hợp Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình và Đức Minh Trực, giáo chủ Tổng hội Phật giáo, mà bạn đọc thấy hình ở ngoàiì bìa. Nhưng cuộc đối thoại chính thức giữa cấp lãnh đạo tối cao của Công giáo và Phật giáo khó lòng thực hiện, bởi vì hiện nay không những Phật giáo Việt Nam chia ra nhiều môn phái, nhưng còn chia ra nhiều tổ chức biệt lập. Vì thế, cuộc đối thoại giữa Phật giáo và Công giáo chỉ có thể bắt đầu bằng những cuộc tiếp xúc cá nhân hay giữa một vài nhóm nếu những cuộc tiếp xúc ấy được tổ chức trong sự thân mật và tôn trọng lẫn nhau, thì chắc chắn tín hữu đôi bên sẽ hiểu nhau hơn và những thành kiến nghi kỵ sẽ lần lần tiêu tan.

Muốn đối thoại với anh Phật tử, chúng ta cần phải biết rõ về thân thế sự nghiệp của Đức Thích Ca, về đạo từ bi của ngài, về những điểm chính của giáo thuyết của ngài, như tứ thánh đế, bát chánh đạo.

Đàng khác, trong tiếp xúc với anh em Phật tử, chúng ta cần phải biết người đối thoại với ta thuộc Tiểu Thừa hay Đại Thừa, để dễ thông cảm. Phái Tiểu thừa là phái nguyên thuỷ, chú trọng đến lý tuởng một tăng sĩ lo giải thoát cho mình bằng cách cởi bỏ những ảo vọng để tiến tới cõi niết bàn. Trái lại, Đại Thừa không đi tìm sự cứu độ riêng của mình, nhưng cho tất cả mọi chúng sinh trầm luân trong bể khổ. Những vị bồ tát của Đại Thừa chối từ không vào niết bàn bao lâu còn có một sinh linh chìm đắm. Đại Thừa còn lễ bái Phật A Di Đà như một đấng từ bi. Về phương diện này, anh em Phật giáo theo phái Đại thừa sẽ dễ dàng thông cảm với chúng ta trong niềm tin vào một Thiên Chúa nhân ái và từ bi, vào một Đấng Cứu Thế vừa là Thiên Chúa, vừa là người. Nhiều anh em dự tòng cho chúng tôi hay khi họ còn là Phật tử họ đã hướng về Đức Mẹ, vì nét mặt dịu hiền của Mẹ nhắc họ nhớ tới Phật Bà Quan Âm, cũng như các thánh của chúng ta nhắc họ nghĩ đến các vị bồ tát. Ngoài ra, chúng ta có thể trao đổi tư tưởng với Phật tử về đời sống luân lý, về trách nhiệm của mỗi hành vi, về hậu quả của những hành vi ấy ở đời sau.

Trong tất cả những cuộc tiếp xúc ấy, điều cần thiết là tránh cãi vã, tranh luận, chỉ biết đem thông cảm và tình thương để đối thoại. Chúng ta hãy chân thành yêu mến người Phật tử như anh em và cố gắng khám phá trong các ý kiến và tín ngưỡng của họ “những gì là thiện hảo, chân thật và nhân bản”, như lời Đức Phaolô VI.

Lm Chân Tín, CSsR

1965

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào www.giadinhanphong.com )

No comments: