Wednesday 21 April 2010

Gs nguyễn Ngọc Lan: Tin mừng cho kẻ tội lỗi


[ Lc 15,1-32 ] (*)


“Kẻ nghèo khó được nghe báo Tin Mừng”. Chúa Yêsu đã từng mượn lời Tiên tri Ysaya để tóm lược và làm rõ nét sứ mệnh, công việc đời Ngài. “Và phúc cho người không phải vấp ngã vì ta” (Lc 7,22-23). Ngài thừa rõ đây chính là thách thức, cớ vấp phạm cho người đồng thời, đặc biệt là “kẻ nghèo khó” còn có nghĩa là kẻ tội lỗi, hạng người đáng khinh bỉ nhất trong một xã hội có thiếu thốn, mất mát gì đi nữa thì vẫn không thiếu, không mất niềm tự hào là con dân Thiên Chúa.

Chỉ hai câu ngắn gọn ở đầu chương Luca 15 đã nói lên đầy đủ cuộc đụng độ mà Chúa Yêsu đã gặp thường xuyên trên đường rao giảng Tin Mừng (Lc 5,30; 7,34; 19,7) : “Các người thu thuế cùng những kẻ tội lỗi hết thảy thường lui tới bên Ngài để nghe Ngài. Và Biệt phái kêu trách. Họ nói : “ông tiếp đón quân tội lỗi và cùng ăn với chúng”. Trả lời họ, riêng trong chuyện này, Ngài đã từng ví mình với lương y (Lc5.31-32) hoặc dùng ví dụ hai người mắc nợ (Lc 7,41-43). Nhưng lần này là cả một loạt ba ví dụ và những ví dụ rõ nét nhất : Con chiên lạc, đồng bạc bị đánh mất và người cha nhân hậu. Người với chiên, bà góa với đồng tiền là quan hệ với loài vật hay đồ vật. Người cha nhân hậu với đứa con hư, là quan hệ người với người có thể miêu tả, phản ánh đầy đủ hơn quan hệ giữa Cha trên trời với kẻ tội lỗi. Nếu Tin Mừng theo Thánh Luca đặc biệt là “Tin Mừng của lòng lân mẫn cho người nghèo khó, cho kẻ tội lỗi” (Nguyễn Thế Thuấn) thì ví dụ người cha nhân hậu thật đáng kể là chỗ đặc sắc nhất, tinh túy nhất, tuyệt đỉnh của Tin Mừng này.


Xin xử với con như một kẻ làm công


“Người kia có hai đứa con. Con thứ hai nói với cha: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia sản sẽ thuộc về con!”. Vậy người cha đã phân chia của cải cho chúng nó.

Không mấy ngày sau, con thứ thâu góp tất cả gia tư vôn liếng mà trẩy đi phương xa. Và ở đó nó sống trác tang đã phá tan cả sản nghiệp”.

“Khi tiêu sạch cả rồi, thì khắp miền đó lại xảy ra nạn đói khủng khiếp và nó bắt đầu lâm phải cảnh túng thiếu. Nó đi sống bám nhờ vào một người dân trong vùng ấy; và người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó ước gì có thể lấy muồng muồng heo ăn mà ngốn cho đầy bụng nhưng cũng chẳng ai bố thí cho nó”.

Diễn tả sự xa đọa của đứa con đi hoang đến thế là cùng. Trẩy đi phương xa chưa phải là điều đáng kể, đối với một dân tộc không chỉ về sau này mới là “Do Thái lang thang”. Đất nước Palestin thật ra đã chỉ “chãy sữa và mật” một cách rất tương đối vì hầu như chẳng bao giờ đủ sức nuôi mọi kẻ sinh ra ở đó. Đi xa làm ăn là chuyện thường tình. Vào thời Đức Yêsu, số dân Do Thái tha phương cầu thực cũng đã nhiều hơn dân số sinh sống trong nước.

Nhưng đối với gia đình và dân tộc, đạo giáo, người con xem ra đã xa lòng, còn hơn là cách mặt. Tội bắt đầu với cách sử dụng tiền của người cha công lao khó nhọc làm ra, vào việc truy hoan trác tang. Tội, là ở chỗ thất trung với phần gia sản mà người cha đã trao phó cho để làm vốn liếng. Sau đó là những bước sa đọa của kẻ trắng tay. Túng thiếu rồi cùng cực. Nuôi heo là một nghề tội lỗi, chỉ người ngoại đạo mới làm. Có giới luật cấm ăn thịt heo (Lv 11,7) và ai phá giới ở khoản đó và bị kể như bỏ đạo. Chăn heo càng là một việc ghê tởm đối với người Do Thái. Một cách diễn tả tục lệ (Talmud Babylon) bảo : “Kẻ chăn heo là quân bị chúc dữ”. Như thế đứa con đi hoang đã tự đào thải ra ngoài cộng đoàn Do Thái.

Tệ hơn nữa tâm hồn và ước nguyện của hắn còn xuống ngang với thú vật : thấy đàn lợn ăn no nê phè phỡn, hắn không ước mong gì hơn là có thể hết nhờm tởm để nuốt trôi được các thức ăn heo ăn cho đỡ đói!

Thế là vừa bị trục xuất ra ngoài dân tộc, đạo giáo, vừa phải dở sống dở chết bên lề xã hội loài người.

“Hồi tâm lại, hắn nói : Biết bao nhiêu người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi dậy! Tôi sẽ về cùng cha tôi, tôi sẽ nói với người : “Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với Trời và trước mặt cha, con không còn đáng gọi là con cha nữa, xin xử với con như một người làm công của cha thôi”.

Hắn trở về, hành trang chỉ gồm chút mộng hờ bé nhỏ đó : được cha bớt giận mà chỉ nhận như người làm thuê.

Đoạn tiếp ngay sau ngắn ngủi, nhưng từng chữ, từng câu như đã được lựa chọn để nói lên hết mức điều dụ ngôn muốn nói :

“Nó còn ở đàng xa, thì cha nó đã thấy nó, và ông chạnh lòng thương”.

Đúng là ông vẫn ngóng trông thằng đãng tử. Lòng thương con vẫn lớn hơn cơn phẫn nộ. Chạnh lòng thương lúc này chỉ như đợt sóng ngầm vẫn có sẵn mà bây giờ mới nổi lên.

Ông cũng không đợi con kịp lên tiếng trước, và tuy tuổi già thường vẫn phải điềm tĩnh đạo mạo, ông “chạy lại, bá lấy cổ nó mà hôn lấy hôn để”. Nguyên cách hôn này đã nói lên sự tha thứ cho phép tái ngộ sum họp đầy đủ. Vì theo phong tục, nô lệ chỉ hôn chân và đầu gối, các thuộc hạ khác thì cũng chỉ hôn tay. Nhưng đứa con trở về không phải chỉ được đối xử ngay như con cái mà sẽ còn được trọng đãi.

“Người con nói với ông : “Thưa cha, con đã phạm tội nghịch với Trời và trước mặt cha, con không còn đáng gọi là con cha nữa!” Nhưng cha nó đã nói cùng tôi tớ : “Mau mau ! đem áo thượng hạng mà mặc cho nó, hãy xỏ nhẫn vào tay nó, và giày vào chân nó; rồi đem con bò tơ béo mà hạ đi ! Ta phải ăn khao mới được, vì này con ta đây : nó đã chết mà lại hoàn sinh, đã mất đi mà lại tìm thấy được”. Và người ta mở tiệc ăn khao”.

Ban “áo thượng hạng” là cách tặng thưởng ngày xưa, không riêng gì ở các nước Tiểu Á. Các vua ở nước ta chẳng hạn, cũng ban áo quý để thưởng công. Ban “nhẫn” là giao cho trách nhiệm, quyền hành trong nhà vì nhẫn vẫn được khắc làm ấn triện. “Giày dép” tiêu biểu cho địa vị của người tự do : đứa con không trở về như nô lệ. Và để ăn khao: một “con bò tơ béo” thường được dành cho những ngày đại lễ.

Chuyện quá khứ không để lại một dấu vết nào nữa. Không còn gì ngoài niềm vui rộn của bữa tiệc sum vầy.


Đã bao nhiêu năm tôi làm tôi ông


Thường thì dụ ngôn “đứa con hoang trở về” chỉ được biết hay được để ý đến đó. Khi mục đích của nó nói lên lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa thì như vậy đã là rất đẹp. Đứa con đi hoang, đứa con trở về, được đón tiếp, được ăn mừng, câu chuyện kết thúc như vậy là có hậu.

Nhưng thật ra câu chuyện còn một phần thứ hai có lẽ quan trọng hơn, nhất là vì Đức Yêsu còn phải đối diện với những người biệt phái. Họ khó chấp nhận cái lối kết thúc có hậu kia. Vì có hậu như thế là có hậu đối với tình yêu thương, không có hậu đối với thứ công bình sổ sách của họ. Cho nên Đức Yêsu còn phải biện hộ cho thái độ của người cha, thái độ của Thiên Chúa, sau khi sẽ cho người anh cả nói lên tâm trạng của họ. Và dụ ngôn còn tiếp :

“Nhưng con cả của ông thì ở ngoài đồng. Thoạt khi nó vừa lại gần nhà, thì nghe có đàn ca múa hát. Chàng gọi lại một tên đầy tớ và dò hỏi xem có gì thế. Tên đầy tớ đáp : “Ấy em cậu vừa về đó, và cha cậu đã cho hạ bò tơ béo vì cụ đã được lại con an lành mạnh khỏe”. Chàng liền nổi giận và không thèm vào nhà. Cha chàng phải ra dỗ chàng. Chàng đáp lại và nói với cha : “Này, đã bao nhiêu năm, tôi làm tôi ông, cũng chưa hề trái lịnh ông, thế mà có bao giờ ông cho tôi được một con dê để ăn mừng với chúng bạn. Còn khi thằng con ông đã ngốn xong cả sản nghiệp của ông với đàn đĩ mà về, thì ông lại hạ bò tơ béo mà ăn mừng nó”.

“Cha chàng mới nói : “Này con ! con hẳn ở luôn với cha, thì tất cả của cải của cha đều là của con. Nhưng phải ăn khao mà mừng chứ, vì em con đó, nó đã chết mà lại sống, đã mất đi mà lại tìm thấy được”.

Người con cả ỷ mình mãi mãi ở trong mà nổi giận vì cuộc vui dành cho đứa em ở ngoài vào. Nhưng có thật hắn đã “ở trong”? Có thật là em hắn vẫn “ở ngoài”? Điều chắc chắn là hắn đang từ khước “không thèm vào nhà” đúng vào lúc em hắn từ muôn dặm xa cách vừa thực sự cách mặt vừa được coi là lòng đang sung sướng giữa nhà cha. Nhưng không phải chỉ lúc này hắn mới “ở ngoài”. Thái độ của hắn đã vô tình tỏ ra từ trước đến giờ hắn vẫn công khai ở trong mà chẳng bao giờ ở trong thực sự, hắn là kẻ có mặt mà xa lòng, và lòng còn xa hơn lòng em hắn. Chưa bao giờ hắn thực sự biết đến hướng tâm tư của người cha. Cho nên hắn mới hoàn toàn kinh ngạc và nổi giận trước cách cư xử hôm nay của cha đối với em hắn. Hắn không thể cảm thông được lòng thương của người cha.

Tình yêu thương của người cha càng bừng sáng càng chỉ làm lộ bộ mặt thực của người anh cả. Thì ra xưa nay hắn chỉ “làm tôi ông”, mồ hôi đổ xuống thật đều và thật nhiều nhưng chỉ làmồ hôi nô lệ. Hắn không bao giờ trái lệnh “ông”, nhưng chỉ như một người làm công cần cù, ngoan ngoãn mà không hề sống với tình nghĩa kẻ làm con. Hắn còn chực lãnh lương : Hắn không vui cái vui của cha mình mà chỉ thèm một con dê để vui riêng với chúng bạn.

Và đến giờ phút sum họp, chính hắn nói lên khoảng cách sâu xa giữa hắn với người cha. Khi đứa con hoang trở về còn giữ trọn được tiếng “cha” để xin tha thứ thì hắn lại bỏ rơi tiếng “cha” đó và hắn không nhìn nhận những liên hệ của cha hắn với người khác là những liên hệ của mình : Thằng đãng tử không phải là em hắn mà chỉ là “thằng con ông”.

Những tình tiết đó mới quan trọng hơn cái chuyện so đo con bò tơ béo đã được bày trên bàn tiệc với con dê con chưa bao giờ ra khỏi ước mơ. Và người cha ý thức rõ lắm cái chốt của thảm trạng. Tất cả lời giải thích của ông chỉ là phụ đối với tiếng ông cố tình nhấn mạnh với cả một tấm lòng : “Này con” và “em con đó”. “Này con” để nhắc nhở: có là con mới hiểu được thái độ cha, còn không thì tất cả chỉ là danh từ trống rỗng như chính ngôi nhà đã hoàn toàn trống rỗng đối với hắn. “Vì em con đó” để dịu dàng đáp lại mấy tiếng “thằng con ông”.

Dụ ngôn kết thúc ở lời đáp của người cha. Nghĩa là không cho chúng ta biết câu chuyện giữa người cha và người con cả sẽ kết thúc như thế nào. Vậy là nó không “có hậu” theo kiểu một kịch cải lương mùi mẫn lắm máu và nước mắt nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy. Ở đây bi kịch bị bỏ lửng, thế đứng của người con cả bị bỏ lửng như trong cuộc đời.

Dẫu sao dụng ý của Đức Yêsu qua dụ ngôn kia, nếu ở phần đầu đã rõ rệt là để nói lên tình thương của Thiên Chúa đối với từng con người tội lỗi, cùng khổ, sa đọa nhất thì ở phần sau vẫn không kém rõ rệt. Đối diện với đám biệt phái, Ngài muốn bắt họ phải xét lại cái thế “ở trong” của họ. Họ tự phụ là đã ở trong Dân Chúa, nhưng đã chắc gì họ ở trong? Họ kiêu hãnh tưởng mình là những đứa con không đi hoang, nhưng chính những đứa con không đi hoang mới cần “trở lại”: thằng đãng tử đang ăn uống vui say với mẹ, với chị, với em còn những đứa con không đi hoang bây giờ thực sự đang ở đâu?

Cái nghịch thường trong Tin Mừng Đức Yêsu là thế đó. Người ta được biết là người thu thuế, “đứa tội lỗi” về nhà thì đã được Thiên Chúa thương yêu, còn người biệt phái thì sẽ ra sao (Lc 18,10-14)? Những người thợ làm vườn nho đến sau thì đã được hưởng trọn niềm vui khi chiều về, còn những kẻ đã vất vả từ tảng sáng (Mt 20,1-15)? Bọn “con nhà kẻ khó” tàn tật, đui mù, què quặt đều đang đủ mặt quanh bàn tiệc, còn các ông khách quý đã được mời từ trước (Lc 14,15-24)? Đó là những dụ ngôn. Còn trong những biến cố đã xảy ra: người Samari đã được lành bệnh đã lui gót cảm tạ Đức Yêsu, còn chín người khác (Lc 17,11-19) tâm hồn sẽ chai cứng cho đến bao giờ? Người đàn bà ngoại tình đã được tha thứ, còn đám người biệt phái đã lần lượt rút lui (Ga 8,1-11) thì sẽ đem tội lỗi của họ đi đâu ?


Hơn là vì chín mươi chín người công chính

Tuy nhiên vẫn còn đó, rõ rệt, bền bỉ là lời mời gọi: “Phải ăn khao và mừng chớ,vì em con đó, nó đã chết mà lại sống, đã mất đi mà lại tìm thấy được”. Đồng điệu với lời mời gọi ở hai ví dụ trước. “Bà con hãy chia vui với tôi, tôi đã tìm thấy đồng bạc tôi đã đánh mất”. Cuối hai ví dụ trước, Chúa Yêsu còn đích thân phụ họa, diễn giải : “Tôi bảo các ông, cũng vậy, trên trời sẽ vui mừng” hay “vui mừng sẽ ran lên giữa các thiên thần của Thiên Chúa vì một người tội lỗi hối cải…” Ngài còn nhấn mạnh ở cuối ví dụ con chiên lạc: “hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn” (Lc 15,7).

Nhấn mạnh như thế lại là thêm một lời lẽ chói tai thuộc danh mục “lời chi mà sống sượng thế, ai nào có thể nghe nổi” (xem tt. 111-119). Nhà chú giải tuy đứng đắn mà có khi cũng cố tìm cách pha chế sao cho Lời Chúa dễ nghe hơn, “hợp lý” hơn. Chẳng hạn ở đây “chín mươi chín người công chính” nên được hiểu là loại người “tự tin mình là công chính”, như ở Lc 1,9-14, tưởng và lầm tưởng mình không cần phải ăn năn mà thôi. Lối giải thích “vậy mà không phải vậy” này không phải là họa hiếm. Nhưng nếu lời Chúa Yêsu, đặc biệt những khi chói tai, khó nuốt lại là “vậy mà quả thật là vậy” (Amen, dico vobis) thì sao?

“Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải” hơn là vì chín mươi chín người công chính thực sự, hay cứ nói cho bảo đảm, hơn vì chín mươi chín người được Hội Thánh phong thánh hẳn hoi. Chỉ có sự công chính đích thực là “sự công chính của Thiên Chúa, nhờ bởi tin vào Đức Yêsu Kitô, một cách nhưng không, bởi ơn nghĩa của người, nhờ vào công việc cứu chuộc trong Đức Yêsu Kitô…” (Rm 3,21-24). Đã vậy thì con người nên công chính, nên thánh là bởi ân sủng của Thiên Chúa hơn là do công lao, tài sức của mình.

Thánh Phaolô đã từng ví von sống đạo với “chạy trong trường đua” (1Cr 10,24), “tham dự điền kinh” (1Tm 2,5) và kêu gọi tín hữu “hãy chạy để đoạt giải”, “thi đua đúng luật”. Tuy nhiên, hơn ai hết Ngài có thể cho chúng ta hiểu (Rm và Gl) vui mừng có ran lên giữa các thiên thần của Thiên Chúa thì không như những tiếng vỗ tay, hoan hô trên một sân vận động. “Trên trời vui mừng” không phải vì thành tích hơn thua giữa các thánh hay các người công chính. Thành tích thánh thiện của họ có là gì trước Đấng Chí Thánh và “chỉ có Chúa là Đấng Thánh” ? Trên trời có vui mừng vì 99 người công chính hay vì 9.999.999 người công chính thì cũng đều là vui mừng vì lòng thương xót, ơn cứu độ của Thiên Chúa rực sáng lên nơi họ.

Đã vậy thì khi một người tội lỗi hối cải vì sẵn được Thiên Chúa gọi trở về, được Ngài đón đợi, được Ngài không chỉ tha thứ mà còn thăng hoa, phủ ngập hồng ân của Ngài, chỉ khi đó “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” và “sự phong phú tuyệt vời của ơn huệ Ngài” (Ep 2,4-9) tại tỏ hiện tưng bừng hơn cả. Để vì thế mà “trên trời có vui mừng… hơn là vì chín mươi chín người công chính…” Niềm vui này không bình thường đối với luân lý, đạo đức bình thường, nhưng lại hoàn toàn phụ hợp với “qui luật” nhiệm lạ của Thánh Sử : “Ở đâu tội gia tăng thì ơn đã siêu bội… nhờ ơn Đức Yêsu Kitô, Chúa chúng ta…” (Rm 5,21). Và hẳn niềm vui trên trời cũng siêu bội!

“Nhờ Đức Yêsu Kitô, Chúa chúng ta…” Bằng các ví dụ, Chúa Yêsu đã “biện minh” cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhưng “các ví dụ không nêu một sự thật siêu thời gian, nhất là ngoài Thánh Sử: Các ví dụ không thể tách khỏi chính mình Chúa Yêsu. Các ví dụ không nêu lên một tín điều về bản tính Thiên Chúa hằng có như: Thiên Chúa là Lòng Mến đoái thương những ai hướng đến mình, như thể họ không cần đến công việc môi giới và thập giá của Chúa Yêsu mà cũng trở thành con cái Thiên Chúa được. Các ví dụ đã được nói lên từ một tình huống cụ thể của cuộc đời Chúa Yêsu, đã được nhập đề ngay từ đầu chương Lc 15: chính vì Chúa Yêsu giao du với “các người thu thuế cùng những kẻ tội lỗi” mà Ngài đã bị “biệt phái kêu trách”, nhưng cũng chính trong cách xử thế của Ngài đã có Thiên Chúa hoạt động và thu họp những kẻ thuộc về Thiên Chúa” (Nguyễn Thế Thuấn).

Người cha nhân hậu vẫn là “Thiên Chúa giàu lòng thương xót… trong Đức Yêsu Kitô” (Ep 2,4-7).

Gs Nguyễn Ngọc Lan

2002

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào www.suyniemloingaiblogspot.com;

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com

No comments: