Tuesday 30 March 2010

Lm Chân Tín, CSsR: Vị Cứu Tinh Độc Nhất


Cách đây 2000 năm, xứ Do Thái, một tiểu quốc bên bờ Địa Trung Hải, đã ngậm đắng nuốt cay sống dưới chế độ hà khắc của đế quốc La Mã: Tại Galilê miền Bắc Do Thái, bọn đế quốc đã đặt Hérode, một con người vô lương tâm, làm vua, để tận diệt vương tộc David. Còn ở Giuđêa Miền Nam nước Do Thái, La Mã trực tiếp đô hộ, với sự đàn áp của tổng trấn Ponce Pilate và quân đội của ông. Cũng như trong các nước bị chiếm đóng, người Do Thái thời bấy giờ chia ra nhiều phe đảng, chống đối, tàn sát nhau. Đảng Sađusiêu được đế quốc La Mã che chở, cộng tác với quân đội chiếm đóng. Đối với họ, đó là đường lối chính trị hợp thời nhất. Kháng chiến chống đế quốc La Mã làm gì? Do thái là một nước chậm tiến gồm những người dân quê mộc mạc chuyên việc cầy cấy, chăn nuôi hay buôn bán. Còn La Mã là một dân tộc giàu mạnh và thiện chiến đủ phương tiện để mua chuộc và bá chủ thế giới. Chống lại La Mã chỉ là một trò trứng chọi đá, bất lợi và nguy hiểm.

Dân chúng đa số thù ghét bọn Sađusiêu, nhưng không dám tỏ ra bên ngoài. Họ âm thầm hoạt động cho phong trào kháng chiến của nhóm trí thức gọi là Pharisêu. Nhóm này gồm đa số các luật gia của Do Thái, tha thiết với nền độc lập nước nhà, thường nhắc nhở cho dân chúng những trang sử oanh liệt của cha ông ngày trước đã sẵn sàng hy sinh xương máu bảo vệ non sông và đẩy lui bọn đế quốc. Họ còn nuôi trong dân mối hy vọng ngày giải phóng mà Thiên Chúa đã hứa cho dân Do Thái. Các tiên tri trong Cựu Ước đã báo trước Vị Cứu Tinh của Do Thái sắp đến, cuộc giải phóng sắp hoàn thành. Đức Mêsia sẽ đặt quyền thống trị khắp thế giới. Trước những lời tiên tri ấy, người Do thái phấn khởi mong chờ ngày giải phóng khỏi ách đô hộ La Mã. Giêrusalem sẽ là thủ đô của Đấng Mêsia để tiêu diệt quân đội chiếm đóng và chà đạp quốc kỳ và huy hiệu của đế quốc La Mã: phượng hoàng La Mã đã đến ngày tận số.

Trong khi lòng công phẫn và niềm tin tưởng của toàn dân đã lên đến tột độ, thì Đức Kitô xuất hiện với những quyền lực vô song: chỉ một lời Ngài làm cho sóng gió yên lặng, ma quỷ lẩn trốn, bệnh hoạn biến tan. Một hôm, ông Gioan Tẩy Giả, người bị Hérode tay sai của đế quốc La Mã tống giam, nghe biết công việc Đức Kitô làm, liền dạy đồ đệ đến thưa Người rằng:

“Thầy có phải là Đấng Mêsia sẽ đến hay chúng tôi còn phải đợi người khác?´Chúa Giêsu liền khéo léo tuyên bố với họ chính Ngài là Đấng Mêsia mà Kinh thánh đã nói: “Hãy thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, người điếc được nghe, kẻ chết sống lại; kẻ nghèo khó được nghe Tin Mừng” (Mt 11: 4-6).

Trước những sự lạ của Chúa Kitô, người Do Thái phấn khởi tin chắc Ngài là Vị Cứu Tinh Thiên Chúa gửi đến và ngày giải phóng đã gần. Nhất là sau phép lạ Chúa Giêsu làm cho 5000 người ăn no với 5 chiếc bánh và 2 con cá, đoàn lũ phấn khởi tin chắc rằng cách mạng sắp thành công. Họ muốn tôn Chúa Giêsu làm vua để tận diệt quân đội La Mã và đặt quyền thống trị khắp năm châu.

Nhưng Do thái phải vô cùng đau đớn và thất vọng, lúc Chúa Giêsu từ chối vương quyền họ trao cho Người, từ chối việc giải phóng dân Do thái khỏi ách đô hộ của La Mã. Ngài tuyên bố Ngài là Đấng Mêsia của Thiên Chúa, là Vị Cứu Tinh, là Vua Do thái, nhưng không như người Do Thái quan niệm: “Tôi là Vua…nhưng Nước Tôi không thuộc về thế trần này”. Đức Kitô là Ngôi Hai Con Chúa Cha đến trong thế gian mang lấy bản thể nhân loại, sinh ở giữa chúng ta, để giải phóng chúng ta. Ngài không đến với sứ mạng giải phóng Do Thái và nhân loại khỏi ách nô lệ của đế quốc. Ngài cũng không đến để giải thoát chúng ta khỏi đói khát và chiến tranh. Nếu các cường quốc không phải cái tội tham lam của cải và ảnh hưởng, thì làm gì lại có cái tệ quốc đỏ, đế quốc trắng, biến các tiểu nhược thành những con cờ để thí cho ván bài quốc tế? Nếu các đoàn thể cũng như cá nhân không phải cái tội vô nhân đạo nhắm mắt trước sự đói rách của kẻ khác, thì làm gì mà 2/3 nhân loại ngày nay ăn không đủ no, mặc không đủ ấm? Nếu loài người không phải cái tội thù hằn ghen ghét nhau, thì làm gì có những cuộc tàn sát dã man giữa các quốc gia cũng như giữa những người cùng một giòng máu?

Giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi, đó mới là điều cần thiết, và đó là sứ mạng độc nhất của Chúa Kitô. Sứ mạng độc nhất của Chúa Giêsu cũng là sứ mạng của Giáo hội. Đừng ai đòi Chúa Giêsu và giáo hội làm chính trị để giải thoát nhân loại khỏi đế quốc và độc tài. Sứ mạng của Chúa Kitô và của Giáo hội là một sứ mạng thiêng liêng, thuần tuý tôn giáo. Chúa Giêsu đã từ chối vương quyền trần thế, đã không muốn trở thành nhà lãnh tụ đứng lên chống đế quốc La Mã, Giáo hội Chúa cũng theo con đường ấy, để trung thành với sứ mạng thiêng liêng. Giáo hội không dấn thân vào chính trị, bất luận vì lý do nào, Giáo hội ở ngoài và ở trên chính trị.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta ý thức được sứ mệnh thiêng liêng của Chúa Giêsu và Giáo hội của Người để trong mọi trường hợp chúng ta đừng đòi ở Chúa Kitô và Giáo hội những hoạt động ngoài sứ mạng độc nhất là giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi và đưa nhân loại về với tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lm Chân Tín, CSsR

1963

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: