Tuesday 20 April 2010

Lm Richard Leonard sj: Bài thơ lạc cả đề


Tình có cho đi chẳng có về

Lòng kêu gọi mãi chẳng ai nghe

Cho nên từ đấy tôi ngơ ngẩn

Làm những bài thơ lạc cả đề.

(thơ Nguyễn Bính)

Tình mình có cho đi, cũng đâu bằng tình của Đức Chúa. Đức Chúa vẫn cho đi. Cho trọn đời Ngài. Ngài cho đi rất nhiều. Mà chẳng có về. Và, lòng người “kêu gọi mãi”, cũng đâu bằng những lòng gọi mời từ Đấng Thiên Sai. Đức Chúa Thiên Sai, vẫn luôn cho. Và cứ mãi gọi. Ngài mời gọi mọi người đáp lại tình muôn thuở Ngài đã cho đi. Tình Ngài cho đi, còn là Tin Vui rất an bình, được thánh Gio-an ghi lại vào Phụng vụ Chúa Chiên Lành, hôm nay.


Thông điệp Chúa Chiên Lành hôm nay, có gốc gác rất xưa cổ, thời Cựu Ước. Đặc biệt là sách Êzêkiel, trong đó sáng ngời hình ảnh vị Chúa Chên có “tình cho đi mà chẳng có về”. “Tình cho đi” của Chúa Chiên hôm nay, là sự đỡ nâng đùm bọc, đầy lòng thương xót. Lòng xót thương hai chiều giữa chiên đàn mà Ngài chăn dắt và Vị Chủ Chăn, rất Nhân Hiền. Ở chiên, luôn có sự tự nguyện dấn bước theo chân vị chủ chăn với lòng trọn vẹn tin tưởng. Ở chủ chăn, đó là “lòng kêu gọi mãi”, dù chẳng ai nghe.


Về chăn chiên, các chủ chăn ở Palestine - Trung Đông có thói quen chăn dắt chiên đàn nơi đồng cỏ xanh tươi, bằng đôi chân bước. Chủ chăn chẳng cần đến đàn chó hoặc ngựa cỡi, để lùa chiên như ở Tô Cách Lan, hay nước Úc. Chủ chăn Do Thái, luôn ở phía trước dẫn đường cho chiên con. Và cứ thế, chiên con nghe tiếng chủ kêu gọi mà bước theo sau, rất tin tưởng. Chiên là thú đàn rất hay lo. Dễ hốt hoảng, cách vô lý. Chiên âu lo, nhớn nhác chạy hỗn độn chẳng nguyên cớ. Bất kỳ chuyện tình cờ nào xảy đến, chiên đàn cũng hốt hoảng, chạy tứ tán. Tìm chủ chăn. Và, khi tìm được chủ chăn, thì chiên con cứ răm rắp bước theo đàn, về cùng hướng. Với chiên, chỉ cần nhận ra lời kêu gọi của chủ chăn, là đã đủ.


Là thú bầy nhút nhát, hay lăng xăng tò mò. Dễ tổn thương. Âu lo. Nên, chiên đàn luôn hãi sợ. Không khôn ngoan cũng chẳng sáng ý như thú loài, nào khác. Chiên quen nghe tiếng chủ, nên khi nghe chủ gọi, chiên không chần chừ, biết tụ tập ngay thành nhóm, thành đàn, tuân lệnh chủ. Không chậm trễ. Chủ biết tính chiên. Chiên biết tính chủ.


Dựa vào đức tính này, thánh Gioan so sánh tâm lý của vị chủ chăn với chiên bầy dễ bảo. Và, thánh sử ví Đức Kitô như Chúa Chiên Nhân Hiền luôn chăm sóc chiên con, nơi đàn bầy. Đây là biểu tượng mà Hội thánh sử dụng để nói về Ơn Gọi trong nhà Đạo: hãy có quyết tâm tham gia trở thành chủ chăn dẫn dắt đàn chiên ngoan đạo.

Lời mời gọi của Hội thánh hôm nay cũng trở nên cấp thiết, khi dữ liệu cho thấy có sự thiếu cân bằng về số lượng và vai trò của các chủ chăn, trong cộng đồng Giáo hội. Chí ít, là Giáo hội ở phương Tây. Ở nhiều nơi, Giáo hội đang bắt đầu dung nạp các ứng viên cho vai trò của chủ chăn từ các nuớc mà trước đây là cánh đồng truyền giáo, đầy những chiên. Bởi thế, cần suy tư nghiên cứu phương pháp và cấu trúc trong đào tạo chủ chăn. Nói cách khác: với Phụng vụ Chúa nhật Chúa Chiên Lành, Hội thánh trở về với Ơn Kêu Gọi làm chủ chiên, lo chăn dắt linh hồn chiên đàn, tin vào Đạo.


Bàn về Ơn Gọi làm chủ chăn trong Hội thánh, là bàn về sự quan yếu của tình thân thương mật thiết trong cộng đồng dân Chúa. Trước nhất, là sự mật thiết giữa chiên con và chủ chăn, tức Đức Kitô rao giảng, vẫn được coi như sự thân mật linh thánh giữa các thành viên cùng nhà, tức Hội thánh Chúa. Gia đình Hội thánh Chúa ở đây được hiểu theo nghĩa gia đình hợp nhất. Hợp nhất không chỉ hiểu theo hệ cấp thần quyền bên trên. Mà là, sự thân mật giữa mỗi người và mọi người. Vì, tất cả thành viên trong gia đình Hội thnh đều là chi thể có cùng một thân mình, cùng não bộ chỉ huy; và, cùng nhịp đập con tim, tạo sức sống.


Sự mật thiết thân thương giữa thành viên trong Hội thánh không là sự thân thiết mang tính chai lì, thụ động. Thụ động, như thái độ vẫn thấy nơi dân thường trong hệ cấp chính quyền, ở ngoài đời. Với thế quyền ngoài đời, người dân chỉ biết có đóng thuế. Và, thi hành luật pháp, thế là đủ. Trong đạo, thực thi luật pháp và thi hành lệnh cũng tựa như giữ các điều răn, giới luật của Hội thánh. Như thế chưa đủ. Còn phải biết dấn thân hơn nữa. Tức là đáp lại lời kêu gọi mất thiết của Hội thánh.


Hội thánh thân thương mật thiết kêu gọi con dân nhà Đạo hãy luôn nguyện và cầu. Nguyện cầu cho Ơn Gọi, trong Hội thánh. Kêu gọi mỗi thành viên tham gia trở thành thừa tác viên cho công tác mục vụ của Hội thánh. Công tác này có thể là vai trò của vị chủ chăn, như linh mục, tu sĩ hoặc nữ tu. Cũng có thể là thừa tác giáo dân trong vai trò cộng tác với các linh mục tu sĩ ấy.


Hội thánh hôm nay vẫn tiếp tục kêu gọi mọi thành viên trở nên linh mục tu sĩ lo việc tu đức trong cộng đồng dân Chúa. Nhưng gọi như thế, không có nghĩa Hội thánh lọai bỏ sự trân trọng về nhu cầu cần thiết, nơi vai trò của giáo dân trong công trình hợp tác xây dựng Nuớc Chúa. Ngày nay, có lẽ nên hiểu Ơn Gọi chăn dắt đàn chiên theo nghĩa phổ cập. Nghĩa là, mỗi người một hoàn cảnh và vị thế, tất cả thành viên đều có thể hoàn thành hợp tác với Hội thánh trong công trình chăn dắt đàn chiên con Giáo hội. Mặc dù, nhu cầu trở thành linh mục/tu sĩ, hoặc nữ tu vẫn được nhấn mạnh và coi là ưu tiên hàng đầu.

Tham gia đáp ứng Ơn Gọi chăn dắt đàn chiên còn là nhận biết lời mời gọi ấy nay gửi đến chính mình, mỗi thành viên. Không phân biệt giới tính, tuổi tác hay sắc tộc. Nhận biết lời Mời Gọi của Hội thánh, đại diện Chúa Chiên Hiền Lành, cũng phải được cân nhắc theo hoàn cảnh của mỗi thành viên và Giáo hội địa phương.


Lời mời gọi của Chúa Chiên Lành, còn là quà tặng riêng lẻ mỗi người đều có thể sử dụng để làm lợi cho người khác. Thành viên khác. Trong cộng đồng Giáo hội, tức các Kitô hữu. Điều này có nghĩa: trên thực tế, ta hãy cùng nhau thực hiện công tác chung của cộng đoàn tình thương là Giáo hội. Công tác xây dựng cộng đoàn tình thương của Đức Chúa, là Chúa Chiên Lành, vẫn đang chờ sự đáp trả của mỗi thành viên. Thành thử, cầu nguyện cho Ơn Gọi, còn có nghĩa là cầu nguyện cho ta, cho người khác, cho bạn bè người thân cùng có Ơn Gọi, chứ không chỉ mình ta. Cầu cho Ơn Gọi, là cầu cho mọi người nghe được tiếng kêu. Tiếng gọi. Của vị chủ chăn đang khẩn thiết kêu mời tất cả dân con trở thành thừa tác viên – tông đồ cho cánh đồng truyền giáo chung.


Cầu, là cầu cho mỗi người. Ở một vị thế. Ta chung lưng đấu cật, cùng nhau thực hiện sứ vụ dựng xây Cộng đoàn tình thương là chính Hội thánh thân thương, ta đang sống. Cầu, là cầu cho toàn thể cộng đoàn biết nghe tiếng gọi của Chủ chăn. Biết tính của chiên đàn, đang lắng nghe tiếng gọi của người chăn dắt.


Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta hãy để ra nhiều khoảnh khắc mà suy tư nguyện cầu về lời gọi mời của Chúa Chiên Hiền Lành, biết ý chiên con. Nguyện cầu cho lời gọi mời của Chúa Chiên gửi đến mỗi chiên con, đem lại kết quả. Với đáp ứng của chiên con. Trong Hội thánh. Nguyện và cầu cho chiên con biết đáp lại bằng hai tiếng “Xin Vâng”. Xin vâng, theo thánh ý Chúa mà lãnh nhận bất cứ vai trị nào để phục vụ Hội thánh. Xin vâng, để nếu không làm linh mục, tu sĩ, nữ tu, ta cũng làm thừa tác viên; hoặc phó tế mở mang Nước Trời. Ở trần gian.


Trong khí thế “xin vâng” ấy, ta hiên ngang cất cao giọng hát, tiến bước ra đi với người nghệ sĩ thân quen, thuở trước mà ca rằng:


Em đã muốn ra đi nhiều lần

Trời lên tiếng kêu gọi và gió reo tên em

Trùng dương vỗ sóng về, để đón bước em

Quay mặt lại nhìn nhau một lần cuối.

Giấc mơ của tôi và cánh chim hải âu

Bay ra khỏi tầm tay và tiếng sóng.

(Đức Huy – Bay đi cánh chim biển)

Bay ra khỏi tầm tay với cánh chim hải âu, vẫn là giấc mơ của mọi chiên con trong ràn chiên Hội Thánh. Những chiên đàn vẫn trân trọng với “tình có cho đi” để đáp ứng lại “lòng kêu gọi mời” của Chủ Chăn, là Chúa Chiên Hiền Lành, đang vẫy gọi. Gọi người anh. Người chị. Gọi cả em. Người em ngoan hiền, rất chiên con.

Lm Richard Leonard

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: