Trong
những ngày vừa qua, báo chí nước ngoài loan tin một quan chức Việt Nam trong
chuyến công du tại Nhật đã ăn cắp hàng trong một siêu thị, hình ảnh được camera
của siêu thị ghi nhận, viên chức này đã bị cảnh sát lưu giữ, Tòa Đại Sứ Việt
Nam tại Nhật đã bảo lãnh cho viên chức này được tự do. Đây chỉ là một trong
hàng trăm vụ việc xảy ra ở Nhật cũng như nhiều nơi trên thế giới, thậm chí có
trường hợp tái phạm vẫn được Tòa Đại Sứ bảo lãnh với giấy chứng nhận bị tâm
thần, nhưng trở về nước vẫn được thăng chức trong một cơ quan hoạt động về văn
hóa nghệ thuật!
Chuyện ăn cắp của quan chức như cơm bữa nhưng chuyện dùng
chữ nghĩa của báo chí thì càng mạ mị hơn nữa, người ta đã công khai trên mặt
báo để thông tin về sự ăn cắp bằng hai chữ “sự cố” như sau: “Một viên chức Việt
Nam gặp sự cố ở siêu thị ở Nhật!” Cũng vậy, người ta đã dùng chữ nghĩa để đánh
lận con đen rất nhiều tội ác gây ra trên đất nước này, lấp liếm và đánh lừa dư
luận, chắc không ngoa để nói rằng có thể soạn một cuốn tự điển không nhỏ về
những loại từ ngữ tráo trở lừa lọc ấy.
Dĩ
nhiên phục vụ cho chính trị thì tôn giáo không phải là vùng cấm, thậm chí thủ
đoạn và tinh vi hơn sẽ ma mị, đánh lừa và lấp liếm được nhiều hơn. Ngày
1.6.2017 vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã gởi đến Chủ Tich Quốc Hội nước
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam một văn bản có tên là Bản nhận định về Luật
Tín Ngưỡng Tôn Giáo 2016. Trong Bản nhận định này, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
có đề cập đến vấn đề chữ nghĩa ở Mục số 5 Bản nhận định:
“5.
Chính quyền kêu gọi các tôn giáo đồng hành với dân tộc, chúng tôi hoàn toàn
đồng ý, nhưng thiết tưởng nên phân biệt rõ dân tộc và chế độ. Lịch sử dân tộc
Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung cho thấy rằng các chế độ chính
trị thay đổi theo thời gian, còn dân tộc thì trường tồn. Do đó, phải đặt lợi
ích của dân tộc lên trên hết. Chúng tôi nghĩ rằng, đồng hành với dân tộc là
đồng hành với những con người cụ thể đã và đang làm nên dân tộc này, nhất là
những người cùng khổ và bị quên lãng. Đồng hành với dân tộc là đồng hành với
những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hoá của dân tộc Việt Nam: chống
ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, chống cường quyền, tương thân tương ái, lá lành đùm
lá rách…”
Từ
năm 1980 đến nay, năm khai sinh ra cụm từ “Đồng hành với dân tộc” trong Thư
Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, hai khái niệm, hai thực thể: dân tộc và
chế độ, bị lợi dụng, lừa lọc và đánh tráo một cách huyền hoặc. Có những kẻ đánh
tráo để áp đặt suy nghĩ cũng như hành động, có những kẻ đánh tráo để dựng “biểu
ngữ” che giấu sự hèn kém, có những kẻ đánh tráo để xu nịnh hòng tìm được những
lợi ích riêng mình, có những kẻ đánh tráo để lập công với chế độ…
Không
phải người dân không biết, nhất là giới trí thức, nhưng vì sợ hãi, cô đơn và
nhất là sợ bị chính anh em mình “tế thần” mình nên sự im lặng trong quần chúng
kéo dài rồi trượt theo năm tháng, hơn 40 năm trôi qua, tiếng nói chính thức của
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam như một sự “cởi bỏ chiếc khăn tang trên đầu muôn
nước” (Sách Ngôn Sứ Isaia), vứt đi chiếc vòng kim cô quái ác vô lý kẹp chặt đầu
óc của muôn dân, đau đớn nhất là giới trí thức, bất lực và bải hoải.
Với
cách ứng xử đánh tráo khái niệm để tìm đến một mục đích khác không chỉ khoanh
vùng trong lãnh vực xã hội và chế độ, nhưng nó lan sang cả lãnh vực nội bộ tôn
giáo. Trong một lần phải tranh luận với một vị cấp cao đến từ nước ngoài, khi
vị ấy đột ngột nói chúng tôi là “các ông đi ngoài đường lối của Giáo Hội”,
chúng tôi đã hỏi lại “xin ngài định nghĩa hai chữ Giáo Hội”, không suy nghĩ vị
ấy trả lời: “Giáo Hội chính là các… Đức Giám Mục (Bishops)”. Không dằn được sự
tức giận, chúng tôi đã nói thẳng và mạnh với vị ấy rằng: “Đừng đánh tráo như
vậy!”
Chúng
tôi ngạc nhiên về trình độ và quan điểm của một vị có bằng cấp và có chức vụ
cao như thế trong Giáo Hội. Sau này chúng tôi được giải thích, vị ấy đã tạo ra
một số nhận định và quan điểm kiểu như thế để đánh giá xem cuộc lên tiếng của
anh em chúng tôi trước xã hội có thật sự là quan điểm và đường lối dấn thân của
chúng tôi, hay chúng tôi bị mua chuộc hoặc bị xúi giục bởi một quyền lực nào
khác ngoài Lời của Chúa (?)
Câu
chuyện từ lễ Lá đến đồi Golgatha là một kinh nghiệm đau thương của loài người,
cái lối đánh tráo khái niệm lừa lọc dẫn đến cái chết oan khiên mà chỉ có Thiên
Chúa mới làm cho nó trở nên nguồn Ơn Cứu Độ. Dân tộc không thể đánh đồng là chế
độ, phe nhóm không thể đánh đồng là tập thể, cá nhân không thế đánh đồng là
cộng đoàn, một vài kẻ lãnh đạo không thể đánh đồng là quần chúng.
Lm. VĨNH
SANG, DCCT, 12.10.2017
Tựa bài lấy từ bài hát “Lời cuối” của Từ Công Phụng
Tựa bài lấy từ bài hát “Lời cuối” của Từ Công Phụng
No comments:
Post a Comment