Như hai dụ ngôn truớc, dụ ngôn hôm nay cũng
nhắm đến hàng ngũ lãnh đạo dân Israel. Họ là những người đã nói ‘xin vâng’,
nhưng lại sống trái ngược với điều họ tuyên xưng (dụ ngôn 2 người con). Và, thay
vì chấp nhận công việc của những người làm công trong vuờn nho, họ lại dùng bạo
lực với các hành vi tàn ác, thậm chí giết luôn con ông chủ, để chiếm đoạt quyền
làm chủ; nhưng không vì thế mà họ có thể huỷ đi kế hoạch của Thiên Chúa. Công
trình của Ngài vẫn tiếp tục tồn tại qua muôn thế hệ (dụ ngôn các tá điền).
Hôm nay, trong dụ ngôn ‘tiệc cuới’, ám chỉ đến
bữa tiệc ‘cánh chung’, bữa tiệc trong Nuớc Thiên Chúa, chúng ta lại thấy dung mạo
của một vị Thiên Chúa rất nhân từ, kiên tâm trong công việc. Bữa Tiệc do Ngài
làm chủ. Ngài tự ý mở tiệc. Đây là tâm huyết và niềm vui của Ngài. Điều đặc biệt
ở đây là Ngài không giữ ‘niềm vui’ cho riêng mình, nhưng Ngài đã tự ý chia sẻ
niềm vui đó qua việc sai các sứ giả, hết nhóm này đến nhóm khác, mời tất cả mọi
người, ở tất cả mọi nơi - từ các nẻo đuờng và trong các hang cùng ngõ hẻm - đến
tham dự tiệc cuới.
Hành vi của ông vua này thật kỳ lạ. Thông thuờng,
khi mở tiệc cuới, chúng ta ngồi xuống suy nghĩ tính toán số người đuợc mời sao
cho cân xứng…. Nhưng ông đã không làm như thế. Ông đã không tính toán. Mối bận
tâm duy nhất của ông là mời người ta đến chia vui. Niềm vui được san sẻ là hạnh phúc
và lẽ sống của ông.
Trong khi đó, những kẻ đuợc mời lại làm ra vẻ
ta đây. Họ tìm cách chối từ bằng thái độ coi thường, ngạo mạn và hỗn xuợc. Tuy
nhiên, thái độ xem ra hung bạo của họ cũng không làm giảm ý định của ông vua,
đó là chia sẻ niềm vui. Ngài quyết tâm mở tiệc. Qua điều này giúp chúng ta nhận
ra ý
định của Đức Giêsu là cuối cùng tất cả mọi người sẽ được chia sẻ
bữa tiệc vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.
Tuy nhiên, có một chi tiết mà chúng ta nên để
ý đó là việc nhà vua nhận ra một người không mặc áo cuới. So với toàn thể các
khách dự tiệc mà chỉ có một người không mặc y phục lễ cưới thì có là gì! Hơn nữa,
những khách được mời đã đuợc các sứ giả vơ vét từ các ‘ngã tư đuờng’, thì ai có
thời gian mà chuẩn bị y phục cho tuơm tất đây? Vì thế, việc khám phá ra, cho dù
chỉ có một người không mặc y phục lễ cuới, nói lên sự hiện diện của người xấu
và người tốt trong bất cứ một cộng đoàn nào. Nó cùng ám chỉ đến sự pha trộn giữa
thiện và ác trong bản thân của mỗi người chúng ta.
Những phần tử xấu có thể gây trở ngại và tạo ảnh
huởng không tốt cho việc xây dựng và các sinh hoạt của cộng đoàn. Nhưng qua dụ
ngôn, Đức Giêsu yêu cầu chúng ta hãy để mọi sự như thế cho đến ngày chung thẩm,
ngày cuối cùng. Chính Chúa, chứ không phải một đấng nào khác, sẽ làm công việc
phân chia.
Và như anh chị em biết: tiêu chuẩn đuợc mời không
dưạ trên lòng đạo đức, thánh thiện hay là phẩm chất tốt của chúng ta. Đây là
sáng kiến phát sinh từ lòng quảng đại của Thiên Chúa. Đấng tha thiết mời gọi
chúng ta đến để chia sẻ niềm vui trong kho tàng ân sủng thật bao la của Ngài.
Như vậy, ý định của Thiên Chúa dành cho chúng
ta là Ngài sẵn sàng chia sẻ với chúng ta sự giàu có trong các bữa tiệc của cuộc
sống. Nhưng lòng quảng đại, nhân từ và kiên tâm chờ đợi của Thiên Chúa không là
một cái cớ khiến chúng ta tự mãn và coi thuờng rồi không hợp tác với Ngài.
Chính việc chọn lựa không hợp tác có thể là nguyên nhân khiến chúng ta bị (hay
tự) loại ra khỏi bữa tiệc của niềm vui.
Vậy, chúng ta cần có thái độ nào trong các lần
gặp mặt, các bữa ăn - tiệc của đời sống; nhất là qua các bữa tiệc lòng mến (Thánh
Lễ) mà chúng ta đuợc mời gọi chia sẻ với nhau vào các ngày Chúa Nhật hàng tuần?
Uớc mong, chúng ta cùng cộng tác với lời mời chia
sẻ niềm vui của Thiên Chúa; để mãi mãi, bằng cuộc sống, chúng ta cùng cử hành bữa
tiệc niềm vui cho đến ngày chung kết.
Amen!
Lm Joe Mai
Văn Thịnh
No comments:
Post a Comment