Thursday 19 October 2017

"Thánh Giêrađô dẫn đưa tội nhân hoà giải với Thiên Chúa"




Cuộc đời thánh Giêrađô có dấu chứng sự hiện của Chúa. Hành động của thánh Giêrađô có dấu hiệu quyền năng của Thiên Chúa và phụng vụ lễ thánh Giêrađô có lời mời gọi chúng ta phải liên tục hoán cải hầu được ơn giao hòa với Thiên Chúa.

Thứ Hai ngày 16/10/2017 vừa qua, tại Đền Đức Mẹ hằng cứu giúp Sài gòn, Thánh lễ trọng thể mừng kính thánh Giêrađô với chủ đề: “Thánh Giêrađô, dẫn đưa tội nhân hòa giải với Thiên Chúa”, Cha G.B Nguyễn Minh Phương chia sẻ trong Thánh lễ đã mời gọi cộng đoàn chiêm ngắm “nơi thánh Giêrađô – Thiên Chúa yêu mến, hiện diện và hành động nơi những kẻ phục vụ Chúa”. 

Sau đây là bài chia sẻ của Cha G.B Nguyễn Minh Phương:
Một điểm nhấn quan trọng trong Lời Chúa của phụng vụ thánh lễ thánh Giêrađô: Thiên Chúa yêu mến, hiện diện và hành động nơi những kẻ phục vụ Chúa. Điều này đã ứng nghiệm cách kỳ diệu nơi cuộc đời thánh Giêrađô.

Cuộc đời thánh Giêrađô có dấu chứng sự hiện của Chúa. Hành động của thánh Giêrađô có dấu hiệu quyền năng của Thiên Chúa và phụng vụ lễ thánh Giêrađô có lời mời gọi chúng ta phải liên tục hoán cải hầu được ơn giao hòa với Thiên Chúa.

Chúa hiện diện nơi cuộc đời thánh Giêrađô

Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha và Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12, 25-26).

Lời Chúa Giêsu thể hiện nơi cuộc đời thánh Giêrađô và cuộc đời thánh nhân có những dấu chứng kỳ diệu về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Giêrađô sinh 06- 04-1726 tại làng Muro, nước Ý trong một đình đạo đức. Nhờ truyền thống gia đình đạo hạnh, theo luật, sau hai ngày chào đời, bé Giêrađô được chịu phép rửa tội. Hẳn đây là dấu chứng ban đầu đáng tin về một cuộc đời luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Từ thuở thơ ấu, nơi Giêrađô đã có những biểu hiện thánh thiện. Trẻ Giêrađô thường tìm đến trước tượng Đức Mẹ Maria tay bồng Giêsu Chúa Hài Đồng. Nhiều lần, Chúa Giêsu rời tay Mẹ Maria mà xuống đất cùng vui đùa với Giêrađô. Trước khi chia tay, trẻ Giêsu còn trao cho trẻ Giêrađô tấm bánh trắng tinh để Giêrađô hưởng dùng.

Ngay ở tuổi thiếu nhi, thay vì vui thích những trò chơi như những trẻ nhỏ, thì Giêrađô lại tập họp các bạn cùng trang lứa cử hành những việc đạo đức như đọc kinh lâu giờ, rước kiệu…

Ở tuổi thiếu niên, Giêrađô đã say mê suy gẫm mầu nhiệm Thương Khó Thiên Chúa hy sinh cho con người. Nhờ vậy, khi đi làm thuê ở một cửa tiệm, dẫu có bị ông chủ ngược đãi, Giêrađô vẫn vui lòng đón nhận mà không hề thù oán hay lẩm bẩm kêu ca.

Đến tuổi thanh niên, nhiều lần, Giêrađô đã bị bọn học trò phá phách buông lời xúc phạm danh dự và hành hạ thân xác Giêrađô cách tàn bạo, nhưng Giêrađô vẫn điềm tĩnh tha thứ.

Bước vào đời tu Dòng Chúa Cứu Thế, thầy Giêrađô luôn dốc quyết một lòng yêu mến Chúa với ước mong ý Chúa thể hiện mọi nơi, mọi lúc trong cuộc đời mình. Dẫu có bị những chuyện hàm oan, thầy Giêrađô vẫn khiêm tốn chấp nhận bị phạt (không được rước lễ một) cho đến khi hoàn tất điều tra, mà không hề minh oan.

Đến hởi thở cuối cùng trong kiếp người, Giêrađô vẫn một lòng trung tín với ơn Chúa. Những ngày cuối cùng trên dương thế, nhìn lên tượng thánh giá Chúa Giêsu đặt trên bàn, trước khi trút hơi trở cuối cùng, miệng Giêrađô vẫn luôn kêu khấn: “Lạy Chúa, con chết bình an, Thánh ý của Chúa với con là một”.

Ngày 16-10-1755, Giêrađô đã kết thúc cuộc đời dương thế ở tuổi 29, nhưng cuộc ấy cũng đã đủ để sáng ngời sự hiện diện của Thiên Chúa như lời Chúa đã hứa:

Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha và Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12, 25-26).

Quả thật Chúa đã quí trọng Giêrađô và đã hành động nơi cuộc đời ấy thật nhiều điều kỳ diệu.

Chúa hành động nơi thánh Giêrađô
Những ai có dịp tiếp xúc với Giêrađô đều nhận được sự trợ giúp của thầy. Nơi đâu thầy Giêrađô ghi dấu thánh giá, nơi ấy quyền năng Chúa tỏ hiện. Ngoài những kẻ nghèo khó quê mùa ít học, nhiều tu viện, giáo phận, giáo xứ… cũng muốn nghe giáo lý do thầy trình bày…

Tiếng lành đồn xa, đức giám mục, những trí thức, những nhà giàu sang quí phái cũng muốn gặp gỡ thầy để tiếp xúc hay nhận lời chỉ dạy thánh thiện… Ngay cả những linh hồn nơi luyện ngục cũng nhận được sự trợ giúp do lời cầu nguyện của Giêrađô…

Rất nhiều người đương thời nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của thầy Giêrađô. Họ là người hành khất bên vệ đường, những bệnh nhân nan y vô phương cứu chữa, người nghèo đói đến gõ cửa tu viện xin chút cơm bánh, người nông dân vất vả trên ruộng đồng, người thủy thủ lênh đênh trên biển cả, người thợ xây lao nhọc trên công trình, những tay giang hồ đầu trộm đuôi cướp, kẻ khô khan nguội lạnh lâu ngày không xưng tội …

Ở tuổi thiếu nhi, mỗi khi cùng với các bạn cùng trang lứa cử hành những việc đạo đức, Giêrađô đã tận dụng những cơ hội này để khuyên bảo các bạn nhỏ từ bỏ tính hư nết xấu để sống đẹp lòng Chúa hơn.

Thời niên thiếu, năm 16 tuổi, lúc đi làm thuê, Giêrađô thường bị ông chủ mắng nhiếc đánh đập. Những lúc ấy, Giêrađô đã gắng chịu đựng và cảm hóa ông chủ bằng sự nhẫn nhục. Khi bị đánh đau quá anh chỉ thốt ra lời: “Vì tình mến Chúa tôi tha lỗi cho ông”. Sự tha thứ ấy đã giúp cho ông chủ sám hối.

Ở tuổi thanh niên 20 tuổi, nhiều lần, dẫu bị bọn học trò nhỏ tuổi hơn nói năng phạm thượng, đánh đạp tàn bạo, Giêrađô vẫn tha thứ. Giêrađô đã làm cho những học trò tinh nghịch suy nghĩ và thay đổi lối sống ngông cuồng.

Khi là tu sĩ, đời sống cộng đoàn có lúc khiến thầy Giêrađô đau lòng nhưng thầy vẫn một mực trông cậy vào lòng Chúa, chấp nhận thiệt thòi phần mình để giữ gìn hòa khí cho cộng đoàn. Lúc bị vu khống, thầy vẫn cứ bình tâm đón nhận không một lời bào chữa. Gặp những người cứng lòng, thầy kiên nhẫn thuyết phục với niềm khát khao cho nhiều người có tội ăn năn trở lại.

Trong đời thừa sai, có những lần Giêrađô đã tham dự đoàn thừa sai Đại Phúc. Bao giờ cũng vậy, các thừa sai được phân công mỗi người mỗi việc theo phận vụ. Lần nọ, trong lúc các linh mục giải tội, thầy Giêrađô quỳ cầu nguyện và đã trông thấy một người trong tòa giải tội đi ra như mọi hối nhân. Thế nhưng, nhờ ơn Chúa soi sáng, thầy Giêrađô biết người ấy còn dấu tội, nên thầy gọi người ấy lại và nói sao anh còn tội mà không xưng cho hết đi. Không thể che đấu được nữa, người ấy quay lại tòa giải tội để lãnh nhận ơn hòa giải cách trọn vẹn.

Mặc dù thầy Giêrađô chỉ biết đọc biết viết, nhưng Chúa Thánh Thần đã ban cho thầy ơn khôn ngoan, thông hiểu các mầu nhiệm Thiên Chúa hơn các giáo sư thần học uyên thâm, và ơn đọc được tâm hồn các kẻ khác. Nhờ đó, thầy đã cải hóa được rất nhiều tội nhân trở về với Chúa qua ơn hòa giải.

Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn tôn trọng sự tự do của con người. Sử sách kể lại, lần nọ, thầy Giêrađô bị một người canh vườn đánh đạp tàn nhẫn thê thảm “bán sống bán chết”, nhưng thầy vẫn tha thứ cho anh ta. Nhờ vậy, anh ta đã hối hận, sám hối đi xưng tội. Từ đó, anh ta trở nên siêng năng xưng tội. Tiếc là, chỉ được một thời gian thôi; chứng nào tật ấy, ngựa quen đường cũ, anh ta trở lại tính hung hăng, khô khan nguội lạnh, rồi chết trong cô đơn.

Thiên Chúa đã dùng thánh Giêrađô giúp cho tội nhân hoán cải, nhưng Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do của mỗi người. Tiếp tục sống trong tình thương của Thiên Chúa hay khước từ còn do thiện chí của mỗi người. Vì thế, hôm nay khi cử hành phụng vụ lễ thánh Giêrađô, ta thử hỏi lòng mình? Mừng lễ thánh Giêrađô cho trọn bổn phận, cho vui hay cho đón nhận một tương lai quên đi chặng đường đã qua mà lao mình về phía trước?

Chúa nhắc ta hoán cải qua thánh Giêrađô
Ai ai có dịp gặp thầy Giêrađô cũng cảm nhận được tình thương của Chúa nơi thầy và tình thương ấy đã làn truyền cho tha thân. Mong rằng, điều đó cũng sẽ thể hiện nơi chúng ta.

Sự kiện trẻ Giêrađô lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy hẳn gợi cho ta về ơn gọi người tín hữu của mình. Thế ta đã sống ra sao? Hăng hái nhiệt thành, vui vẻ hay chán nản, nặng nề bổn phận?

Trẻ Giêrađô thường xuyên đến với Đức Mẹ Maria bởi nơi Mẹ có Chúa Giêsu? Ta thường đến với ai? Ngẫu tượng, tà thần, tình cảm, quyền lực, vật chất…?

Trẻ Giêrađô chọn việc đạo đức làm niềm vui cho cuộc đời. Còn ta đang chọn việc gì làm niềm vui? Lướt web, facebook, chát, xem phim… Coi chừng thế giới ảo giết chết hạnh phúc thật…?

Thầy Giêrađô khiêm nhường nhịn nhục trước những xúc phạm, nhờ vậy hoán cải người khác. Còn ta thế nào? Hung hăng, rắc rối, ăn thua, thánh toán, trả thù…?

Thầy Giêrađô tuy học hành kém cỏi, tri thức nhân loại khiêm tốn nhưng lại được Chúa ban có khả năng biết được tâm hồn người khác. Còn ta, học vị cao, học hàm uy tín, nhưng khả năng thấu cảm đôi khi không có, thậm chi vô cảm, trơ trẽn, vô duyên… Ta nghĩ sao đây?

Nhiều người gặp thầy Giêrađô thì được ơn biến đổi tích cực. Tuy nhiên, cũng có người gặp thầy Giêrađô thì được ơn hoán cải nơi nhưng chỉ được một thời gian. Biết đâu, việc tham dự lễ thánh Giêrađô năm nay, trước mắt làm cho tâm hồn ta bùng phát hân hoan, phấn khởi vui tươi như ngày hội, nhưng rồi sau ngày lễ mọi sự lại đâu vào đó…Ta trở lại những cố tật vốn dĩ đã ăn sâu trong tâm hồn. Thế nên, lúc này đây, cùng với lời cầu xin thánh Giêrađô nguyện cầu cùng Chúa ban cho mỗi người ơn hoán cải là lời cầu xin ơn bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa tỏa rạng qua gương sáng đức tin.

Lời Chúa trong phụng vụ thánh lễ kính thánh Giêrađô soi sáng cho ta ý tưởng: Thiên Chúa hiện diện và thi ân giáng phúc qua cuộc của những ai chọn Chúa làm gia nghiệp đời đời và hết lòng phục vụ Chúa.

Thánh Giêrađô đã quyết ý theo Chúa. Chúa hiện diện thi ân giáng phúc cho thánh nhân và cho những ai gặp gỡ ngài lúc đương thời cũng như những ai hôm nay xin thánh Giêrađô cầu nguyện, cách riêng những tội nhân xin được ơn hòa giải với Thiên Chúa.

Phần mình, việc tham dự cử hành phụng vụ lễ thánh Giêrađô cũng là dịp để mỗi người nhìn lại bản thân, sám hối, quyết tâm sống thánh, liên tục hoán cải, hầu làm hòa với Thiên Chúa và anh chị em, theo gương thánh Giêrađô giúp những hối nhân về với Thiên Chúa, cùng làm nên một cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương.

Xin thánh Giêrađô chuyển cầu cho chúng con luôn trung tín với ơn Chúa.
Amen.
Lễ thánh Giêrađô năm 2017
Jb Nguyễn Minh Phương CSsR



No comments: