Anh chị em thân mến,
Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia đã nhìn nhận vua Ky-rô,
vua nuớc Ba Tư là người được Chúa xức dầu và sai đến. Đây là một tuớc hiệu của
đấng Mesia. Một tuớc hiệu thật vinh dự và cao cả. Tai sao vua Ky-rô lại đuợc
ngưỡng mộ và trao ban tước hiệu cao quí này? Bởi vì ngài đã giải thoát ‘dân
Hebrew – dân Thiên Chúa’ khỏi ách nô lệ của vuơng quốc Babylon và cho họ trở về
quê cha đất tổ. Đây là niềm uớc mơ và hạnh phúc của họ.
Cho dù, vua Ky-rô là người ngoại đạo; nhưng không vì
thế mà Chúa không tác động và soi sáng cho ngài và các vua chúa trần gian để họ
thay quyền Ngài trong nhiệm vụ lãnh đạo và lo cho dân.
Cách đây hơn 16 năm, vụ khủng bố ngày 11.09.2001 tại Nữu
Ước đã làm Tòa Tháp Đôi Trung tâm Thương mại Thế giới bị sụp đổ. Có đến hơn
3000 người thiệt mạng. Cho đến giờ này, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh những
con người dũng cảm như cảnh sát, đội lính cứu hỏa và người thiện nguyện đã lao
mình vào Toà Tháp Đôi để cứu nạn nhân của vụ khủng bố có một không hai đó. Những
vị này quên đi sự an toàn của chính bản thân mình và chỉ nghĩ đến việc cứu người.
Trong lúc chu toàn bổn phận cứu vớt kẻ khốn cùng và đau khổ, thì chính họ lâm
vào tình trạng cùng khốn, khổ đau không lối thoát. Nhiều người bị thiệt mạng
cùng với nạn nhân dưới đống gạch vụn.
Gần đây, các thảm kịch ở Âu Châu, Las Vegas đã gây ra
bao bi thương cho các nạn nhân và gia đình họ. Không một ai cổ võ hay tán duơng
hành động tàn ác như thế. Tuy nhiên, trong màn đêm của tội ác, vẫn còn có những
tâm hồn thiện hảo. Đã có bao nhiêu người sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để
cứu người khác.
Việc làm của họ thật phi thuờng. Nhưng có ai khẳng định
rằng các việc họ làm đuợc thúc đẩy bởi một niềm tin tôn giáo, đặc biệt là niềm Kitô
giáo hay không? Họ không có thời gian để suy nghĩ và tìm ra nguyên nhân nào đã
thúc đẩy họ. Ngay trong giây phút đó, họ hành động theo bản năng. Nhưng trong
phần sâu thẳm của tâm hồn, chúng ta có thể nghĩ rằng những việc làm đáng tôn
vinh đó, phải chăng xuất phát từ những hạt giống đã đuợc ươm trồng từ thủa nào!
Những hạt giống của yêu thương, quảng đại, quan tâm và lo lắng cho người khác.
Hoàn cảnh và việc làm của họ giống như vua Ky-rô trong
bài đọc 1. Như Thiên Chúa đã ‘nắm tay phải’ của Vua Ky-rô thế nào; thì hôm nay,
chúng ta cũng có thể xác tín rằng: Thiên Chúa đã xức dầu cho họ và nắm lấy “cánh
tay phải” và dẫn họ đến những người Chúa muốn được giúp đỡ, những người Thiên
Chúa yêu thương.
Như anh chị em đã biết. Việc xây dựng và mở mang Nuớc Chúa
không chỉ lệ thuộc và giới hạn bởi các việc làm trong các nghi thức phụng tự,
như đọc kinh, tham dự những cuộc hành huơng, Thánh lễ hay các công việc đạo đức.
Nhưng đó cần bao gồm cả đời sống. Chúng ta không thể phân chia đời sống của
chúng ta thành nhiều mảnh: như theo đạo rồi quên đời, theo Chúa rồi bỏ thế
gian. Không phải vì yêu thuơng thế gian mà Thiên Chúa đã sai người Con duy nhất
của Ngài đến thế gian đó sao! Và nhờ vậy, mà thế gian đã được cứu độ. Vì thế, cả
hai mặt ‘đạo và đời’ cần đuợc gắn bó với nhau.
Đây cũng là ý của bài Tin Mừng hôm nay, trong đó Chúa
phán: “Của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Khi nói điều
này, Đức Giê-su không có ý đưa ra một nguyện tắc chia quyền ‘Chúa một nửa, vua
một nửa’, hay là phần thiêng liêng thì thuộc về Chúa, còn phần đời thuộc về
vua. Người cũng không tranh dành uy quyền với các vị vua trần gian; bởi vì uy
quyền tối thuợng và vững bền qua muôn thế hệ thuộc về Thiên Chúa; còn các vị
vua, ông chúa, bà hoàng hay các vị thủ lĩnh trên thế gian đều là những người thừa
hành; họ nối tiếp nhau cai trị thiên hạ; nhưng có ông vua hay bà chúa nào trường
tồn quá một trăm năm đâu! Chỉ có uy quyền của Thiên Chúa mới tồn tại qua muôn thế
hệ.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bán cái và trả lại
trách nhiệm trông coi và xây dựng vũ trụ này cho Thiên Chúa.
Trong khi thi hành sứ vụ mà chúng ta gọi là truyền
giáo, giới thiệu và mở mang Nước Chúa; Đức Giêsu đã tỏ bầy cho chúng ta nhận biết
về một Thiên Chúa không chỉ ở trên cao, nhưng Ngài đang đồng hành với cảnh ngộ
và cuộc sống của từng người. Người nhập thể và chia sẻ mọi tình huống của con
người: ai đau ốm Người chữa cho lành; ai gặp hoạn nạn, Người thuơng cứu giúp;
ai đói khát, Người nuôi ăn; ai tội lỗi, Người ban ơn tha thứ; thậm chí Người hồi
sinh cả kẻ đã chết…
Người chu toàn mọi sự trong mọi người. Nhưng, có một điều
thật rõ ràng là Đức Giêsu không làm thay chúng ta. Người trao và mời gọi chúng
ta tiếp tay. Người không thể cứu giúp và làm cho mọi bịnh nhân thuộc mọi thời đại
khác nhau đuợc chữa khỏi; Người cũng chẳng làm cho mọi người đói, thuộc về các
thời đại khác nhau đuợc no nê. Đó là phần vụ của con người ở các thời đại khác
nhau.
Do đó, khi chúng ta tiếp cận người nghèo, đến với những
người bị bỏ rơi, tiếp đón những người bị khước từ là lúc chúng ta đang cố gắng
hết sức để cho Thiên Chúa họat động trong toàn bộ, cũng như trong mọi khiá cạnh
của cuộc sống chúng ta.
Vì thế, sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay, không chỉ đuợc
thu gọn trong việc đóng thuế xây dựng quốc gia nơi chúng ta đang sống hay là việc
mở mang Nuớc Chúa. Nhưng, qua cuộc sống, chúng ta thực hiện để cho Thiên Chúa
trở nên mọi sự trong chúng ta. Và, chúng ta, cũng như mọi sự của chúng ta, đều
thuộc về Ngài. Hơn thế nữa, chúng ta hãy sống mà trả lại cho Ngài, không chỉ
quan tiền của Xê-da, mà còn là mọi sự của chúng ta nữa.
Amen!
Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR
No comments:
Post a Comment