Friday, 13 October 2017

Lm Yuse Mai Văn Thịnh DCCT : Cùng với MẸ suy gẫm KINH MÂN CÔI và SỐNG điều Chúa muốn




Kinh Mân Côi là một tổng hợp của tất cả mọi diễn biến trong cuộc sống. Khi vui thì nguyện 5 sự vui; khi buồn thì có năm sự thương, trên hành trình sống đạo đã có 5 sự sáng và khi hân hoan mừng rỡ thì lại có 5 sự mừng.

Khi còn sinh thời, vào lúc tuổi già, sức khỏe yếu kém với căn bịnh hiểm nghèo khiến cho việc đi lại của mẹ bị hạn chế rất nhiều. Mọi sinh họat thu gọn lại trong chiếc ghế dựa tự động. Nhưng, có một điều không thể thiếu trong cuộc đời của mẹ, đó là việc lần chuỗi mân côi với những lời nguyện cầu thì thầm dâng lên Chúa. Những chuyện khác thì mẹ có thể quên; nhưng việc lần chuỗi mân côi thì ít khi quên lãng. Hình ảnh này luôn là một ấn tượng vô cùng sâu sắc trong cuộc sống của tôi.

Tôi chắc một điều là về mặt tri thức và hiểu biết về Thiên Chúa, Giáo Hội và những điều bí nhiệm khác thì các cụ có thể thua chúng ta khá nhiều. Nhưng, niềm tin và lòng mến của các cụ vượt xa chúng ta ngàn dặm. Cũng có người khó tính trong lý luận, vẫn bảo rằng: ‘lối sống đạo hình thức và dựa vào kinh kệ’ thì có ích gì? Nhận định về lối sống đạo của người khác là một trong những thói xấu mà ít ai trong chúng ta tránh thóat được.

Cha Bùi Sơn Lâm đã chia sẻ cho tôi cuộc đối thoại giữa bà cố và ngài như sau:
- Ngày nào mẹ cũng ngồi đọc kinh như thế không biết mệt và chán hay sao?
- Bà cố chậm rãi nhìn cha với cặp mắt thật hiền từ và âu yếm nói rằng “mỗi một lời kinh, một hạt trên sâu chuỗi này mẹ dùng để dâng lên Chúa (thay) cho từng người con, cháu và chắt của mẹ… thì làm sao tôi biết mệt.”

Tâm tình của bà cố cũng là tâm tình của những người mẹ chúng ta. Các ngài lần chuỗi để đồng hành với lối sống đạo, những thăng trầm, những nghịch cảnh, những đắng cay, chua xót, vui mừng và hạnh phúc của con cháu mình. Khi còn trẻ thì lo cho chồng và sống cho con; đến khi về già chỉ còn những lời kinh đó thôi. Lối sống như thế có phải là một lối sống đạo hình thức hay không?

Tôi không có hay chưa có những kinh nghiệm cụ thể về sức mạnh của tràng chuỗi mân côi; nên mới mượn kinh nghiệm và niềm xác tín của những người mẹ để bắt đầu bài chia sẻ này.

Nếu anh chị em muốn tìm hiểu về ý nghĩa của kinh Mân Côi, xin anh chị em cứ vào trang mạng ‘GOOGLE’ đánh 3 chữ “kinh mân côi”; anh chị em sẽ tìm được điều mà anh chị em muốn. Nhưng điều mà chúng ta tìm được sẽ đem lại gì cho cuộc sống! Một mớ kiến thức, một số vốn liếng thần-học để tranh luận và phê phán kiểu sống đạo của người khác, ư?

Ở đây, tôi không muốn bàn luận về ý nghĩa của Kinh Mân Côi. Điều quan trọng là lời kinh đó đã tác dụng và ảnh hưởng gì trên cuộc sống của tôi. Nó đã để lại trong tôi một dấu ấn, một phép lạ hay là sức mạnh gì giúp tôi thay đổi cuộc sống hay chưa?

Gần đây, chị Immaculle Ilibagira là người sống sót trong vụ thảm sát thật tàn nhẫn đã xẩy ra năm 1994 tại Rwanda. Theo ước tính của tổ chức nhân quyền thế giới thì trong vòng gần 100 ngày, hơn 500.000 người đã bị giết chết.

Điều gì đã cứu sống chị? Ngoài lòng tốt của vị linh mục thuộc dân tộc Hutu, người đã giấu chị và 7 phụ nữ Tutsi khác trong phòng tắm suốt 3 tháng; nhưng Kinh Mân Côi mới là sức mạnh duy nhất cứu thoát thể xác và linh hồn chị. Chị tâm sự như sau: “Tận dụng những khoảnh khắc quý giá, tôi và các bạn cùng lần chuỗi mỗi ngày. Không có hạnh phúc nào hơn là bàn luận về vẻ đẹp và sức mạnh mà tôi có thể đưa vào cuộc sống khi chúng ta lần hạt Mân Côi và hướng tâm trí cùng tâm hồn về trời cao.” (The Rosary: The Prayer That Saved My Life)

Dù sống tạm giam trong một không gian thật nhỏ bé của phòng tắm; nhưng chị đã tận dụng để biến nó thành một nơi để gặp gỡ Thiên Chúa qua sự trợ giúp của Đức Mẹ. Bằng lời Kinh mân côi, chị đã để cho xác hồn hiệp nhất và hướng về trời cao; nơi chị đón nhận nguồn sức mạnh cho cuộc sống suốt 91 ngày trong phòng tắm nhỏ bé, bề ngang 0m9 và chiều dài 1m2.

Thưa anh chị em,
Kinh Mân Côi là như thế. Là một sự tổng hợp của tất cả mọi diễn biến trong cuộc sống. Khi vui thì nguyện 5 sự vui; khi buồn thì có năm sự thương, trên hành trình sống đạo đã có 5 sự sáng và khi hân hoan mừng rỡ thì lại có 5 sự mừng. Ai trong chúng ta lại có thể tránh thoát được các điều như: hỉ nộ ái ố. Các điều này biểu lộ tâm trạng mà mỗi người đều phải trải qua trong cuộc sống. Trong hoàn cảnh nào ta cũng có thể dùng kinh mân côi để tâm sự với Chúa được.

Tóm lại, hiểu biết và đào sâu về Kinh Mân Côi là điều đáng khích lệ; nhưng chưa hẳn đó là điều quan trọng. Điều cần thiết là siêng năng suy gẫm Đời Chúa Cứu Thế qua kinh mân côi và sống điều mình chiêm ngắm. Kinh Mân Côi không phải là việc đạo đức biểu lộ lòng sùng kính của mình đối với Đức Mẹ; cho bằng là:

Đồng hành với Mẹ trong việc vâng phục ý định của Thiên Chúa thực hiện trong cuộc sống mình; "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." (Luca 1:38)

Cùng với Mẹ để đối diện với mọi thử thách nhất là khi có những ngộ nhận về chân tướng đích thật về Đức Giê-su; “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" Và họ vấp ngã vì Người. (Mc 6:3)

Hoặc khi phải kiên tâm chịu đựng về thái độ xem ra rất khó hiểu của Đức Giê-su về hạnh phúc và niềm hãnh diện khi được làm Mẹ của Đấng Cứu Thế; "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi." (Mc 3: 33-35)

Như thế thì, trong Kinh Mân Côi, dù chúng ta chưa hiệp nhất trọn vẹn với Đức Nữ Trinh, nhưng chắc chắn một điều quí giá hơn nữa, đó là: chúng ta đồng hành với những bước thăng trầm của niềm tin và cuộc sống với người thiếu nữ tên là Miriam (Maria) ở làng Nazareth khi xưa; để cuối cùng chúng ta cũng có thể nói với sứ thần hai tiếng “xin vâng” và phó thác trọn vẹn cuộc sống của mình cho ý định của Thiên Chúa Cha, Đấng muốn cho mọi loài qui phục Ngài,
Amen.
Lm Yuse Mai Văn Thịnh DCCT

No comments: