Monday, 11 September 2017

Lm Vĩnh Sang DCCT : NẮM XÔI CHO THẰNG BỜM




Trong kho tàng văn học dân gian của Việt Nam, câu chuyện Thằng Bờm là một câu chuyện ý nhị và lưu truyền mạnh mẽ trong mọi giới, từ trí thức đến bình dân, hầu như ai cũng thuộc lòng bài thơ Thằng Bờm này.

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu.
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè.
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim.
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi.
Phú ông xin đổi nắm xôi
Bờm cười…

Nhân vật Thằng Bờm được đánh giá bằng nhiều góc cạnh khác nhau, nhưng nét nổi bật mà mọi nhận định đều đồng ý, đó là sự ngu ngơ dại khờ, cùng với khả năng phán đoán vấn đề ( ở đây là vật chất ) vô cùng yếu kém. Dựa vào yếu tố “nắm xôi”, chúng ta có thể nghĩ rằng Thằng Bờm nông cạn, trước mắt chỉ là cái nắm xôi, cái làm cho no bụng, cái thèm thuồng của kẻ nghèo đói.

Đối với Thằng Bờm, những “ba bò chín trâu”, “ao sâu cá mè”, “bè gỗ lim” hay “con chim đồi mồi” hoàn toàn không có giá trị. Thằng Bờm thờ ơ trước những món hàng quý giá đó vì Thằng Bờm không biết là quý giá. Hoặc có biết nhưng anh ta không cần cái quý đó.

Cái quạt mo cũng chẳng quý giá gì, nhưng Thằng Bờm có cái mà phú ông – kẻ giàu có kếch sù không có, và điều quan trọng là phú ông thèm thuồng muốn có cái quạt mo đó, có lẽ không phải vì cần để quạt cho mát ngay lúc ấy, cũng chẳng vì giá trị kinh tế cho bằng sự ham muốn quyền lực và một cách "biểu diễn" quyền lực.

Trong Kinh Thánh cũng một lần câu chuyện đam mê quyền lực này được diễn tả, dù giàu có bò bê đầy đoàn, nhưng gã hàng xóm tham lam xấu bụng đã không có con chiên bé của người bên cạnh nhà và hắn thèm con chiên đó (2Sm12, 1tt.). Cũng trong Kinh Thánh, sự phán đoán đầy khôn ngôn ngoan và tỉnh táo của người cày ruông hay anh nhà buôn tìm ngọc quý, cái cách mà họ suy nghĩ, quyết định và chấp nhận buông bỏ để có, đã ghi tên họ vào danh sách những kẻ khôn ngoan thật sự và có tầm nhìn thật xa (Mt 13, 44 – 45).

Hơn một năm trôi qua, thời gian quá đủ để có câu trả lời cho sự thực nghiệm. Chúng ta mất hết, mất rất nhiều, mất biển, mất bầu khí không gian hít thở, mất xóm làng, mất cả mạng sống của cả một dân tộc vì đã đánh đổi lấy 500 triệu đôla, nhưng cái quan trọng nhất, là mất tự do, mất cái tự hào của một dân tộc !
Họ lấy của chúng ta quá nhiều, chúng ta lại dựa vào cơ chế xin – cho để nhận lại một cái nắm xôi, nắm xôi ấy lại đút vào mồm người khác mà chúng ta vẫn cứ hãnh diện vì đã đấu tranh thành công, đòi được được một nắm xôi, cầm gọn trong lòng bàn tay ! Còn nỗi ngu ngơ dại khờ nào hơn nỗi ngu ngơ dại khờ có tên là “nắm xôi” ! Thật buồn cho cái tầm nhìn, cái lòng tự trọng không qua nổi nắm xôi.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 8.9.2017

No comments: