Thursday, 7 September 2017

Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR: GÓP Ý XÂY DỰNG HAY VẠCH LÁ TÌM SÂU!




Góp ý cho tha nhân nhận ra những khuyết điểm rồi giúp họ thay đổi để cùng nhau kiện tòan cuộc sống là việc rất hữu ích trong mọi sinh họat cộng đòan (gia đình). Nhưng, chúng ta thường có khuynh huớng sống ngược lại với điều trên, nghĩa là sống theo khuynh huớng tìm, khai thác và phổ biến các khuyết điểm của người khác mà cha ông chúng ta gọi là ‘vạch lá tìm sâu’. Đó là việc nên tránh. 

Trong tinh thần đó, trình thuật Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay đóng một vai trò vô cùng quan trọng, như khuôn vàng thuớc ngọc, kim chỉ nam giúp cho chúng ta sống và xây dựng cộng đòan. Cộng đòan của những người anh em trong một gia đình. Cộng đòan đặt việc hối cải như là nguyên tắc căn bản của mọi sinh họat. Trong đó, mọi người sẵn sàng chấp nhận các nỗi yếu đuối của nhau, cùng nhau xây dựng gia đình cộng đòan theo đúng tinh thần của Chúa hơn.

Chúng ta cùng nghe:“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi cho người đó, một mình anh với người đó thôi… Còn nếu họ không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai nguời nữa, để mọi công việc đuợc giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu người đó vẫn không nghe họ, thì hãy trình cho công đòan. Nếu cộng đòan mà người ấy cũng chẳng nghe, thì hãy kể họ như một người ngọai hay một người thu thuế.” (Mt 18: 15-17)

Chương 18 của Tin mừng theo Thánh Matthew đã đưa ra những nguyên tắc sống chung trong cộng đòan. Đây không phải là những khỏan luật nặng hình thức; nhưng là cẩm nang được linh ứng bởi Thần Khí nhằm mục đích kiện tòan nếp sống trong cộng đòan theo đúng lời giảng dậy của Chúa Giêsu.

Nguyên tắc sống thứ nhất: Một cộng đòan chỉ là cộng đòan Kitô giáo đích thực khi tất cả mọi thành viên sẵn sàng chấp nhận nhau và không một ai bị lọai bỏ hay khai trừ. (Mt 18: 1-14)
Nguyên tắc thứ nhì: Tất cả đều đuợc tha thứ và thứ tha. (Mt 18: 21-35)

Giữa hai nguyên tắc đó là việc sửa lỗi cho nhau. Việc sửa lỗi này đặt trên nền tảng của lòng mến. Như lời Thánh Phaolô nhắc nhở: Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì, trừ phi lòng thuơng mến.
Việc sửa lỗi này gồm 3 bước:  

Bước thứ nhất: Nếu người anh chị em của ta trót phạm tội. Thánh Matthew không nói đến việc người đó phạm tội hoặc có lỗi với ta. Nhưng Ngài nói trống không. Khó xác định đuợc tội của người đó đã phạm với ai? Nhưng dựa trên mạch văn của đọan Tin Mừng này, ta có thể đóan được ý của thánh Matthew. Ngài muốn ám chỉ đến tội ở đây là tội phạm đến cộng đòan. Như tội phạm đến công quỹ (xử dụng của chung vào lợi ích riêng tư); thay vì phục vụ cộng đòan thì ‘làm kinh tế’. Tội hành xử năng quyền một cách bất chính; thay vì phục vụ lại biến uy quyền trờ thành một thứ quyền lực làm ố danh sự đạo v.v… 

Giả như ta là người đầu tiên biết, thì cũng không đuợc phép nói cho nguời khác biết. Trong tình bác ái, đừng chờ người đã phạm lỗi đến với ta; nhưng hãy đi bước trước đến và đối thọai với họ; giúp họ nhận ra việc làm sai trái; rồi nhẹ nhàng đưa họ về với Chúa, về với cộng đòan. Giả như họ nhận ra lỗi lầm và nghe ta thì ta đã lợi được người anh em rồi.

Trên thực tế, chúng ta thường quên nguyên tắc này. Khi khám phá ra lỗi lầm của ai, thay vì đối thọai với họ; lại đi nói nhỏ cho người khác biết. Cứ vài lần ‘nói nhỏ’ như thế thì chẳng bao lâu cả làng đều biết. Đến khi cả làng, cả xóm đã biết thì cơ may giúp họ nhận ra lỗi lầm để hối cải dường như không còn. Như anh chị em biết là chẳng ai muốn người khác biết những điều xấu của mình; thì cũng đừng bao giờ nói về những điều xấu của họ cho người khác. 

Cộng đòan Kitô- hữu không có lối sống “vạch lá tìm sâu”.

Bước thứ hai: Ít khi chúng ta thành công ở buớc thứ nhất. Bước thứ hai cũng mang một tinh thần như thế. Vẫn vì lòng bác ái mà giúp nhau. Nhưng cần đến hai hay ba nhân chứng. Cách giải quyết này dựa trên luật của người Do Thái; “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội lỗi nào… phải căn cứ vào lời của hai hoặc ba nhân chứng, việc đó mới được cứu xét.” (Đnl 19:15) 

Trong đọan tiếp theo Chúa phán: “…Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ. Lời Chúa phán ở đây thuờng đuợc áp dụng vào việc cầu nguyện. Nhưng dựa trên văn mạch của thánh Matthew, chúng ta có thể áp dụng điều Chúa nói ở đây vào việc sửa lỗi cho nhau. 

Luật của người Do thái nhấn mạnh đến vai trò của nhân chứng. Thánh Matthew dùng lại khỏan luật đó nhưng theo tinh thần mới của Đức Kitô. Không phải vì sự hiện diện của hai hay ba nhân chứng mà sự việc mới được cứu xét. Nhưng hai hay ba nhân chứng nói lên sự hiện diện của Chúa trong đời sống cộng đòan. Sửa lỗi mà không có sự hiện diện của Chúa rất dễ trở thành việc tranh luận và phán xét nhau. Chính Chúa sẽ giúp cho người đó trở lại để cộng đòan đuợc hiệp nhất. Bởi vì, nếu không có sự hiện diện và trợ giúp của Chúa thì cộng đòan đang đứng bên bờ vực thẳm của việc chia rẽ, hiềm khích và có thể đưa cộng đòan đến chỗ diệt vong.

Mục đích của hai buớc nói trên không chỉ đơn giản như một chiến thắng kéo người đó về cho mình hay cộng đòan. Thật ra, khi làm những công việc như thế, chúng ta và những người phạm lỗi đều ý thức đuợc tình gia đình của mọi thành viên trong cộng đòan. Gia đình sẽ không còn là gia đình đích thực nếu một trong các thành viên bị tách biệt hay bị khai trừ. Đây cũng là một trong những thách đố quan trọng của cộng đòan Kitô giáo; Một cộng đòan luôn đuợc mời gọi hối cải và thăng tiến. 

Bước thứ ba: Buồn thảm hơn, giả như người đó vẫn cứng đầu, mới trình cho cộng đòan. Cứ sự thường thì mức độ thành công ở buớc này cũng rất nhỏ. Đã vậy thì hãy coi người đó như một người ngọai hay một người thu thuế. Đến đây, chúng ta tưởng người đó đã bị lọai ra khỏi tình thuơng của Chúa. Thật sự, không. Vì Chúa lại phán: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nuớc Thiên Chúa trước các ông.” (Mt 21: 31) Cộng đòan đã làm hết bổn phận của mình. Nhưng cho dù cộng đòan có thất bại, thì vẫn còn có Chúa. Hãy để người đó cho Chúa; Ngài có trăm phuơng ngàn lối để thức tỉnh họ. Chúng ta thất bại; nhưng tình thuơng và lòng nhân hậu của Chúa sẽ không thất bại. Vì ý của Chúa Cha là tất cả những kẻ mà Thiên Chúa đã ban cho Chúa Giêsu, Ngài sẽ không để mất một ai. (Gioan 6:39)

Tóm lại, dựa vào lời của Chúa, thánh Matthew đã đưa ra những nguyên tắc rất thực tế để xây dựng mối dây hiệp thông trong cộng đòan. Tất cả các tín hữu đều có bổn phận và trách nhiệm đối với nhau. Chúng ta đuợc gửi đến trong trần gian này để sống cho nhau; chứ không sống cho riêng mình mà thôi. Nâng đỡ nhau là bổn phận. Tuy vẫn còn nhiều khác biệt; nhưng chấp nhận những khác biệc của nhau là buớc đầu nói lên tính hiệp nhất của cộng đòan. Tinh thần phe phái không có chỗ đứng trong cộng đòan Kitô giáo. Mỗi người, dù sống trong ơn gọi nào cũng đều được mời gọi sống cho nhau. Và như vậy thì ngày hôm nay  hay chị giúp tôi nhận ra lỗi lầm để sửa đổi, ngày mai sẽ đến phiên tôi giúp anh hay chị. Chúng ta có thể là những người ‘tọai nguyện’ nhưng không một ai trong chúng ta là những con người hòan hảo (perfect) hết. Ai là nguời không phạm tội. Vì vậy, truớc tiên hãy chấp nhận các nỗi yếu đuối của bản thân, rồi với trải nghiệm đó chúng ta sẽ khiêm nhường hơn trong việc góp ý để giúp tha nhân kiện tòan. 
Amen  
Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR (Úc Châu)

No comments: