Tuesday, 12 September 2017

Lm Đinh HỮu Thoại DCCT : Suy niệm 10: KHÔNG GIAN HOÀNG KIM



12 BÀI SUY NIỆM VỀ LINH ẢNH MẸ HẰNG CỨU GIÚP

Suy niệm 10: KHÔNG GIAN HOÀNG KIM
Các đoạn Kinh Thánh gợi ý suy niệm
Ga 14, 1-6
Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong Nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi".
Ông Tôma nói với Ðức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ?" Ðức Giêsu đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.
Is 12, 1-6
Ngày đó, bạn sẽ nói:
            Lạy Ðức Chúa, con dâng lời cảm tạ:
Ngài đã từng thịnh nộ với con,
nhưng giờ đây cơn giận đã nguôi rồi,
            và Ngài lại ban niềm an ủi.
Ðây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi,
tôi tin tưởng và không còn sợ hãi,
bởi vì Ðức Chúa là sức mạnh tôi,
là Ðấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.
Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
Các bạn sẽ nói lên trong ngày đó:
Hãy tạ ơn Ðức Chúa, cầu khẩn danh Người,
vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân,
và nhắc nhở: danh Người siêu việt.
Ðàn ca lên mừng Ðức Chúa,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công;
điều đó, phải cho toàn cõi đất được tường.
Dân Xion, hãy reo hò mừng rỡ,
vì giữa ngươi, Ðức Thánh của Ítraen quả thật là vĩ đại !
Sự hiện diện của Linh Ảnh chỉ đơn giản là giúp con người đi vào suy niệm, dừng lại đôi phút giữa hàng núi những bổn phận hàng ngày để chiêm niệm về một thực tại “khác”. Linh Ảnh mời gọi chúng ta chạm đến chiều kích thiêng liêng bằng giác quan nội tâm, một chiều kích thường vượt quá giới hạn của ta, làm cho sự trống vắng của linh hồn ta như vùng đất sa mạc khô cằn. Linh Ảnh luôn nhắc nhở ta rằng có một thế giới khác, tuy mắt ta không trông thấy nhưng lại có thật, nơi đó con người sống và không ngừng nuôi dưỡng mình bằng tình yêu của Thiên Chúa. Khi chiêm ngắm Linh Ảnh, con người có thể gặp gỡ chính mình và kinh nghiệm về tình yêu mà mình khát khao cách mạnh mẽ. Đó là lý do tại sao nghệ thuật Byzantine giúp ta đi xa hơn những hình thức diễn tả sự hiện hữu vật chất, và thực hiện được điều đó nhờ ánh sáng.
Ánh sáng là một yếu tố quan trọng, một yếu tố thực sự căn bản trong tranh i-côn. Ví dụ, trong số tranh khảm thời các hội thánh Kitô tiên khởi tại Ravenna có một bài thơ về ánh sáng ca tụng nhân đức của mỗi màu sắc. Hơn nữa, người ta có thể nói rằng ánh sáng là chủ thể chính của tranh i-côn. Cũng như mặt trời không cần được chiếu sáng, Linh Ảnh có thể không cần được chiếu sáng. Chính Linh Ảnh tỏa ra ánh sáng. Được dệt bằng ánh sáng thần thiêng nên Linh Ảnh không có bóng tối; đó là lý do tại sao màu chủ đạo của Linh Ảnh luôn là màu hoàng kim.
Hoàng kim không phải là màu tự nhiên, nên còn được coi là không màu. Thời xa xưa, hoàng kim được dùng để chiếu sáng những cảnh vật thoát ra khỏi thực tại trần gian, những cảnh vật “không thuộc thế gian này”. Do đó, trong hội họa i-côn, màu hoàng kim được dùng để thể hiện tính phi không gian và phi thời gian. Nói cách khác, hoàng kim là màu nền lý tưởng để cho thấy quang cảnh được mô tả không thuộc về thế giới này, tuy có nhiều điểm tương đồng với thế gian.
Nền màu hoàng kim của Linh Ảnh tạo nên một không gian trong đó cơ thể các nhân vật không bị chi phối bởi sự chết nữa. Được giải thoát khỏi chiều kích trần gian, chúng trở nên thiêng liêng và không còn lệ thuộc ngay cả chiều kích thời gian nữa. Nền vàng hoàng kim đồng nghĩa với cõi phúc đời đời, với niềm vui bất tận, với thiên đàng, nước trời, sự phục sinh, trạng thái được tôn vinh. Đó là lý do tại sao nền của Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và màu vàng nổi bật trên áo của các nhân vật trong Linh Ảnh cũng nói với ta rằng những vị được mô tả trên Linh Ảnh đang ở trong vinh quang đời đời. Mẹ Maria và Chúa Giêsu đi qua các cửa của Linh Ảnh từ vinh quang vĩnh cửu vào trong thế gian trần tục của ta để mang lại niềm ủi an và hy vọng, để mở ra cho người xem đi vào chiều kích mới của phục sinh và vinh quang.
Khi ta tiếp xúc và chiêm niệm với Linh Ảnh càng lâu giờ, ta càng cảm nhận được sự hiện diện của các nhân vật trong Linh Ảnh, ta càng cảm thấy sự sự gần gũi ngọt ngào và vẻ đẹp phi thường của các ngài. Vì chính vẻ đẹp siêu phàm ấy sẽ đến gặp gỡ ta nơi Linh Ảnh. Trong Linh Ảnh, Đức Maria không có gì mang nét trần tục hay gợi cảm nơi Mẹ; cơ thể Mẹ ẩn bên dưới chiếc áo choàng rộng; đầu Mẹ được phủ khăn choàng, đặc trưng của phụ nữ Đông Phương, che kín mái tóc như biểu tượng của sự khiêm tốn. Giống như khuôn mặt Chúa Giêsu, khuôn mặt Đức Maria có một vầng hào quang, biểu tượng của ánh sáng Thần linh. Đức Maria tràn ngập hào quang này, vì Mẹ đã trở nên trong suốt trước ánh sáng của Thiên Chúa, tỏa sáng như mặt trời giữa không trung.
Nếu ta nhìn ngắm hào quang Mẹ Maria, ta sẽ chú ý thấy nó tròn trĩnh và rạng rỡ như mặt trời. Yếu tố này làm gia tăng hơn nữa sức mạnh của ánh sáng tỏa ra nơi nền hoàng kim của Linh Ảnh. Nếu ta dừng lại lâu giờ hơn để chiêm ngắm hào quang của Mẹ, ánh sáng của hào quang sẽ trở nên mạnh mẽ hơn đối với ta và ta sẽ luôn tập trung sự chú ý của mình vào đó. Chi tiết này của Linh Ảnh tượng trưng cho sự rực rỡ của ánh sáng Thiên Chúa nơi các Thánh đang sống và cư ngụ gần gũi Thiên Chúa. Vầng sáng hay hào quang nơi khuôn mặt Đức Maria là biểu tượng của sự thiêng liêng, tôn kính và vinh quang. Các hào quang này chỉ dành cho Đức Trinh Nữ và Con của Mẹ, các Thiên Thần và các Thánh.
Hào quang là một vầng sáng tròn mà nghệ thuật cổ điển thường vẽ trên đầu của các thụ tạo cấp cao hay các thần thánh. Đáng lưu ý là Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trình bày Chúa Kitô với một hào quang hình thập giá, biểu tượng của vinh quang mà Người tiến vào ngang qua sự tử dạo và cái chết. Vinh quang, nghĩa là sự gần gũi với Thiên Chúa Cha, nơi Đức Kitô ngự trị, là kết quả của sự biến đổi Vượt qua đạt tới đỉnh cao của nó trên đồi Calvary và nơi Thiên Chúa Cha đáp trả bằng tình yêu tràn đầy của Người. Thật ra, sẽ không có sự sống đời đời nếu không có cái chết hy sinh; con người không thể đón nhận sự sống nếu không dám từ bỏ nó ( chia sẻ nó như một quà tặng ), không có Vương quốc Thiên đàng nếu không có đồi Calvary.
Ngoài ra, trong hào quang của Mẹ Thiên Chúa, ta có thể thấy các họa tiết về cây cối, một mặt mang nữ tính, nhấn mạnh vai trò làm mẹ trong mầu nhiệm cứu độ, mặt khác nói với ta về sự giàu có, sự phong phú khôn lường của ân sủng mà Thiên Chúa tuôn đổ trên Đức Maria trong sứ vụ cứu độ thế giới, và qua Mẹ đổ tràn trên toàn thể Hội Thánh.
Sự gần gũi giữa các nhân vật trong Linh Ảnh được gia tăng hơn nhờ phối cảnh ngược. Để hiểu được kỹ thuật về tranh i-côn, ta cần rút ra từ kinh nghiệm cá nhân của mình. Có lẽ khi còn bé, trong các bài học về hội họa, ta đã học về cách đưa vào chiều kích thứ ba của một tác phẩm nghệ thuật, tạo ra ấn tượng về phối cảnh. Như thầy cô đã hướng dẫn, ta vẽ phong cảnh với một con đường hẹp dần để đạt được ấn tượng về chiều sâu không gian, và cuối cùng biến mất ở đâu đó phía sau đường chân trời, tức là tại trung tâm của bức tranh. Điều tương tự cũng xảy ra khi ta vẽ cây cối bên đường hay các nhân vật trong tranh: họ nhỏ dần và gần hơn với nhau cho đến khi tất cả qui vào một điểm ở trung tâm bức tranh. Do đó ta có được phối cảnh, tức là một ấn tượng về chiều sâu không gian, chiều kích thứ ba của tranh vẽ.
Trong khi đó, Linh Ảnh lại có phối cảnh ngược: điểm qui tụ di chuyển từ phía sau ra phía trước, từ chiều sâu không gian đến một điểm phía trước Linh Ảnh và định vị phía trước người xem. Không giống như cây cối bên đường và các sự vật trong tranh vẽ của một em bé, các nhân vật trong Linh Ảnh di chuyển từ nhân vật to lớn nhất ở chiều sâu của Linh Ảnh đến nhân vật nhỏ bé nhất, nằm ở tiền cảnh.
Đó là lý do tại sao, cũng như tất cả các tranh i-côn khác, Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thực sự không có chiều sâu không gian, vì trong thực tế, chiều sâu ấy bắt đầu phía trước Linh Ảnh, trong chính đôi mắt của những người chiêm ngắm. Linh Ảnh không có chiều sâu không gian do bởi các nhân vật nhỏ dần về phía người xem; các nhân vật này rất nổi bật trên nền màu hoàng kim, mà hoàn toàn không cần bất kỳ trang trí nào. Được miêu tả như vậy, như thể vượt trên không gian và thời gian, các nhân vật tự buộc mình đến với người xem nhờ sự hiện diện thiêng liêng, như thể các ngài đến để gặp gỡ con người.
Chân dung lớn nhất trong Linh Ảnh chính là chân dung của Mẹ Thiên Chúa. Chân dung nhỏ nhất là Chúa Kitô, Đấng được Mẹ Người ẵm trên tay, ở gần người xem hơn, vì thế gia tăng ấn tượng rằng Đức Maria đang đưa Đức Giêsu đến với người xem, hai tay đan vào nhau, xuất hiện ngay phía sau, trở thành tâm điểm của bức tranh tổng thể. Yếu tố này củng cố cảm xúc và Đức Tin bên trong của ta để với sự tham dự của Đức Maria, ta được nâng lên tới Đức Kitô để tham dự vào sự sống bên trong của Thiên Chúa. Các nhân vật Thiên Thần bay lơ lửng trong không gian vô định. Các ngài được vẽ như thể đang hướng về Thiên đàng, như thể các ngài chỉ xuất hiện hữu hình trong giây lát vì chiều kích khác. Các Thánh và các Thiên Thần hiện diện trong Linh Ảnh là vì người xem, các ngài ngỏ lời với họ qua sự hiện diện của các ngài và đồng thời các ngài mở ra trước mắt họ thế giới thiêng liêng mà các ngài đang sống.
Phối cảnh ngược phát xuất phía trước đôi mắt người xem chưa kết thúc, nhưng nó đưa Linh Ảnh mở ra hướng về vô tận thể hiện nơi nền màu hoàng kim. Điểm biến mất và khép lại của phối cảnh trong tranh Tây Phương lại trở nên điểm mở ra hướng về cõi thiêng liêng vô định trong tranh i-côn Byzantine. Vận dụng phối cảnh ngược, họa sĩ i-côn đồng thuận với quan điểm giáo huấn của Phúc Âm: như Tin Mừng về Bài giảng trên Núi ( Mt 5, 1-12 ), họ đảo lộn các giá trị. Họ cũng nhắc nhớ ta rằng chính Thiên Chúa là Đấng đã đến gặp gỡ ta trước, chính là Đấng đưa tay ra cho ta trước. Trong cuộc gặp gỡ diễn ra nơi Linh Ảnh ( vị trí hai bàn tay Mẹ Maria và Chúa Giêsu nắm lấy nhau ), người tin cảm thấy rằng họ được đưa vào chiêm ngưỡng một thực tại siêu nhiên đang mở ra trước mắt họ, đó chính là chiều kích thiêng liêng, nơi chỉ có thể chiêm niệm bằng con mắt Đức Tin.
Lm. MAREK KOTYNSKI, DCCT,
Bản dịch của Lm. ĐINH HỮU THOẠI, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )

No comments: