Tuesday 19 September 2017

Lm Đinh Hữu Thoại: 12 BÀI SUY NIỆM VỀ LINH ẢNH MẸ HẰNG CỨU GIÚP : Suy niệm 11BỨC ẢNH THÁNH



Các đoạn Kinh Thánh gợi ý suy niệm
Dt 1, 1 – 4:
Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;  nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Ðấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Ðấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Ðấng Cao Cả trên trời. Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.
Tv 16, 5 . 8 – 11:
Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !
Kỷ nguyên của chúng ta được ca ngợi là kỷ nguyên của hình ảnh, và từ kinh nghiệm bản thân chúng ta biết rằng hình ảnh không chỉ ngày càng chiếm ưu thế trong đời sống chúng ta, mà còn có khả năng thay đổi hoàn toàn đời sống chúng ta qua các hình thức và màu sắc của chúng, dù ta có nhận biết hay không. Đôi khi hình ảnh còn được sử dụng để chống lại con người – kể cả khi nằm ngoài ý thức của ta, bởi sức mạnh gợi ý của chúng, đặc biệt do sự phát tán kinh khủng của phương tiện truyền thông đa năng. Chúng có thể chi phối suy nghĩ của ta, định hình khao khát của ta và tạo nên hành vi của ta, và thường tinh tế lấy đi sự tự do trọn vẹn của ta.
Trong thời đại văn minh của chúng ta, hình ảnh ngày càng thay thế chữ viết, và suy tư cá nhân bắt đầu nhường chỗ cho cảm xúc, đặc biệt đối với những gì được tiếp nhận bằng mắt. Đặc biệt trong lãnh vực quảng cáo, hình ảnh trở nên cực kỳ lợi hại, mà hầu hết chỉ nhắm đến lợi nhuận. Khi việc kinh doanh bắt đầu có vấn đề, người ta dễ khước từ việc tôn trọng giá trị con người và áp lực trên các cảm xúc gia tăng. Nhờ sức mạnh biểu tượng nổi bật của nó, hình ảnh trở nên rất mãnh liệt, tác động dữ dội vào cảm xúc của ta. Nó thâm nhập đến tận nơi sâu thẳm của ta và thậm chí có thể gây ra mối đe dọa đến đời sống nội tâm của ta.
Với tầm quan trọng của hình ảnh đang phát triển không thể kiểm soát nổi, tiến trình toàn cầu hóa và sự dồn dập của các giải pháp công nghệ, xã hội loài người đang đi qua cơn khủng hoảng dữ dội về các giá trị, và trầm trọng hơn nữa bởi chủ nghĩa duy vật vô hồn. Con người được kêu gọi sử dụng tự do của mình để thay đổi thế giới qua hình ảnh và biểu hiện của mình. Nếu ánh mắt của con người tinh tuyền, nó sẽ biến đổi mọi thứ nên siêu việt, làm cho nó đẹp đẽ mà không đánh mất nét tự nhiên của nó. Ngược lại, nó sẽ làm hỏng mọi sự, làm cho nó nên “nặng nề” và một chiều. Hơn nữa, con người sẽ trở thành nô lệ của vật chất, của thời gian trôi qua không thương tiếc và của không gian đã giới hạn con người. Đó là lý do tại sao đời sống thiêng liêng mặc nhiên công nhận một sự chọn lựa giữa sự tục hóa của linh hồn và sự thiêng liêng hóa của xác phàm: một sự lựa chọn theo hướng do Linh Ảnh chỉ ra.
Đôi khi ta ngạc nhiên bởi sự bình an bị xáo trộn mà ví dụ đặc trưng là những người Tây Tạng thực hành thiền. Một trong những động lực chính chắc hẳn là việc chiêm niệm về dung mạo bình an của Đức Phật: các Phật tử đồng hóa hình ảnh ngài nơi sâu thẳm con người họ. Vì con người được nắn đúc dần dần bởi những gì họ suy tưởng: nếu họ suy tưởng về sự hỗn độn, họ sẽ là những người luôn sống trong lo âu, nếu họ suy tưởng về sự hài hòa, tâm hồn họ toát ra sự bình an.
Để nhấn mạnh vai trò quan trọng của mỹ thuật và các họa sĩ đối với tình trạng con người, nhà văn người Nga Nicholas Gogol đã viết trong thư của ông năm 1848 như sau: “Mỹ thuật giao hòa chúng ta với cuộc sống. Mỹ thuật giúp đưa sự trật tự và hài hòa vào trong linh hồn, chứ không phải đưa rắc rối và lộn xộn… Nếu một họa sĩ không làm được phép lạ biến đổi linh hồn người xem đạt đến thái độ yêu thương và tha thứ, thì mỹ thuật của họ chỉ là một thứ đam mê nhất thời.
Chính nhà văn này cũng chia sẻ với độc giả sự quan sát đáng lo ngại của ông: “Các linh hồn đang vỡ tan ra, và đó là các khuôn mặt”. Quả thật, nơi gặp gỡ của ánh sáng bên ngoài và bên trong chính là khuôn mặt, và chính xác hơn nữa là đôi mắt, phần chi thể trong suốt và sáng nhất trên cơ thể con người. Nếu ánh sáng này đi ra, cái chết sẽ đến. Thật khó để kháng cự một phản ánh cho rằng mỹ thuật đương đại đã miễn cưỡng khi trình bày khuôn mặt, nhất là những khuôn mặt tỏa ra ánh sáng và niềm vui, thích thú, đúng hơn là hình hài khó coi hay xấu xí, khuôn mặt méo mó với đôi mắt lờ đờ. Có thể là chúng diễn tả tình trạng linh hồn của con người đương đại hay không ? Phải chăng linh hồn không có đời sống tâm linh này đã bắt đầu đổ vỡ ?
Trong Tin mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu nói: “Ðèn của thân thể là con mắt của anh. Khi mắt anh sáng, thì toàn thân anh cũng sáng. Nhưng khi mắt anh xấu, thì thân anh cũng tối” ( Lc 11, 34 ). Câu Tin Mừng này gợi nhắc ta về Linh Ảnh, nơi thanh luyện và giáo huấn cho ta biết cách mở mang cái nhìn nội tâm. Các Giáo phụ của Hội thánh quan niệm rằng đôi mắt là quan trọng nhất trong tất cả các giác quan và cho rằng hình ảnh là một phương thế thánh hóa linh hồn. Đó là lý do tại sao Linh Ảnh không phải là một hình ảnh của thế giới giải trừ tục hóa ( theo nghĩa giải thoát khỏi thụ tạo ), nhưng là hình ảnh của một thế giới được biến đổi: một thế giới trở nên trong suốt nhờ sự thiêng liêng hóa ôm ấp toàn thể vũ trụ này. ( Ảnh Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp DCCT ở Roma, nơi đặt Linh Ảnh ).
Khuôn mặt của Đức Kitô trong Linh Ảnh, cơ bản trở nên đại diện cho mọi khuôn mặt con người. Khuôn mặt của Thiên Chúa thánh hóa tất cả mọi khuôn mặt khác. Ai không muốn thấy một sự phản chiếu của hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, sẽ làm giảm sút phẩm giá cao cả của con người, họ sẽ đánh mất nguồn gốc của mình và căn tính bên trong của họ bị lung lay. Đó là lý do tại sao, thường không ngờ tới, việc chiêm niệm trước Linh Ảnh được coi là một yếu tố hết sức quan trọng cho đời sống thiêng liêng. Nó thanh luyện cái nhìn nội tâm của ta khỏi những cái phô trương bên ngoài để đưa con đường của chúng vào trong linh hồn ta, gây nhầm lẫn, tàn phá bên trong cũng như nét buồn rầu trên khuôn mặt ta. Linh Ảnh mang đến sự an ủi, sự chữa lành các vết thương bên trong, vì chiêm niệm nối kết ta với sự hiện diện ngọt ngào của Chúa Kitô và các Thánh. Ngoài ra, nó còn kiến thiết lại mọi sự trong ngoài, khôi phục lại khuôn mặt của ta, đong đầy sự điềm tĩnh cho khuôn mặt và phục hồi ánh sáng cho đôi mắt ta.
Việc tôn kính Linh Ảnh là bằng chứng trực tiếp về sự nhập thể của Đức Kitô. Theo truyền thống của Hội thánh Đông phương, Linh Ảnh tham dự vào ngôi vị của Đấng Kiểu Mẫu: sự kéo dài mầu nhiệm nhập thể của Người. Đây là “bằng chứng tỏ tường của cả việc Thiên Chúa đi xuống với nhân loại lẫn việc con người đi lên với Thiên Chúa” ( Ouspensky ). Đó là lý do tại sao ngay từ thế kỷ thứ hai thánh Irênê đã nhấn mạnh rằng: “Thiên Chúa đã làm người để con người trở thành Thiên Chúa”, để họ được nên thánh trong bản tính trọn vẹn của họ, vật chất cũng như tinh thần, và cùng với họ, toàn thể tạo thành “những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. ( Rm 8, 19 ). Đây mới thực sự là sứ vụ của con người: thiêng liêng hóa thế giới vật chất, trong đó con người tham dự bằng cả con người mình, cũng như mang lấy toàn thể tạo thành của Thiên Chúa ( x. Ep 1, 9-10 ).
Trung tâm của Linh Ảnh, nơi trao cho ta quà tặng là việc nhìn nhận rằng Thiên Chúa đã làm người và mạc khải ơn thánh hóa con người, là một sự biến hình. Biến hình là ôm ấp con người như một toàn thể, cũng như thân xác của họ. Đó là lý do tại sao các Giáo Phụ nhìn thấy sự tiên trưng trong biến cố biến hình của Đức Kitô: “Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” ( Mt 17, 2 ). Thánh Mátthêu đòi hỏi những ai được kêu gọi đạt đến tình trạng này: “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.” ( Mt 13, 43 ). Đó là lý do tại sao toàn bộ Linh Ảnh với nền màu hoàng kim và màu áo choàng của các thánh tỏa ra một màu vàng đại diện cho màu tiêu biểu, không chỉ đơn thuần là chân dung tương lai của nhân loại được biến đổi, và một trật tự vũ trụ mới, nơi con người và các sinh vật ( vì đôi khi chúng cũng có mặt trong Linh Ảnh, ví dụ như trong máng cỏ của Chúa Kitô ), sống hài hòa trong không gian và thời gian mới.
Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người bị hoen ố trầm trọng do sự sa ngã của nguyên tổ, nhưng được canh tân và thanh luyện bởi sự tham dự của Đức Kitô trong mầu nhiệm nhập thể, đặc biệt qua Bí Tích Thanh Tẩy. Tuy nhiên, việc nên giống Thiên Chúa đạt được qua thời gian, trong quá trình đón nhận Chúa Thánh Thần, trong nỗ lực hoán cải liên lỉ. Vị thánh được vẽ trong Linh Ảnh là một thụ tạo được ân sủng chạm đến và nhận được năng lực thiêng liêng biến đổi, cùng với những điều đó ngài thánh hóa không gian, thời gian và mọi thứ hiện hữu trong đó. Vì thế, sự thần hóa của thánh nhân lan truyền ra khắp vũ trụ. Nhờ việc chiêm niệm Linh Ảnh không chấp nhận lối diễn tả hiện thực, ta cũng có thể đi vào cái nhìn mới về thế giới và con người, và đặc biệt tham dự vào sự biến đổi này.
Khi loại bỏ chủ nghĩa hiện thực ra khỏi tranh vẽ là một đòi hỏi áp dụng cho tất cả mọi Linh Ảnh, tính hiện thực của nó vẫn còn nguyên vẹn ở cấp độ thiêng liêng. Vì Linh Ảnh mô tả một con người yếu đuối, bị ảnh hưởng bởi hậu quả của tội lỗi, nhưng đồng thời con người ấy đã được Đức Kitô cứu độ. Sứ điệp của Linh Ảnh thực tế là tích cực, lạc quan, vì đó là sứ điệp về con người. Là kết quả sự khiếm khuyết của tội lỗi, con người có khả năng làm điều ác, gây hại, nhưng nhờ đón nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô, con người được trở lại làm con cái yêu dấu của Thiên Chúa. Đó là nhờ quyền năng của tình yêu Đức Kitô mà con người có thể biến đổi chính mình và tiến vào Vương quốc của Cha Người, điều mà con người nhìn ngắm và chiêm niệm trong Linh Ảnh.
Phối cảnh được mở ra trong 'cửa sổ' của Linh Ảnh rất khác so với khi nó xuất hiện trước chúng ta trong các cửa sổ màn hình tivi, internet và báo chí! Cho dù sự phấn đấu hướng tới chủ nghĩa hiện thực và khát vọng của các nhà báo muốn thể hiện trung thực sự hiện hữu của con người, thì cái nhìn về thực tại do họ thể hiện hầu hết là tiêu cực, và vì thế bị bóp méo, và thường khơi lên sự sợ hãi, đó là một hậu quả chán chường và khó chịu đến nỗi những người nhạy cảm hơn phải trốn khỏi sự lãng quên vô hồn hoặc tình trạng mất cảm giác giả vờ.
Điều mất mát trong việc theo đuổi tin tức gây sốc, chính là sự thật, cái nhìn khơi lên hy vọng của con người: vì để lộ ra cái ác, người ta không thấy được sự tốt lành đích thực nơi con người, cũng như sự chân thành, ngay thẳng, khả năng yêu thương và hy sinh đúng nghĩa. Con người không thúc đẩy những năng lực tốt nơi mình, những yếu tố tượng trưng cho cơ hội duy nhất để biến đổi. Một người phụ nữ chăm chỉ và hoàn toàn tận tâm nuôi dạy con cái bất chấp những khó khăn phải đối mặt, vẫn luôn không ngừng yêu thương chồng và làm mọi việc lặt vặt với tinh thần bỏ mình trong cuộc sống xám xịt mỗi ngày, sẽ khó đưa lên các trang bìa của tạp chí phụ nữ, ngay cả khi họ thực sự là người đang xây dựng thế giới mới.
Một người nghiện ma túy nhờ những nỗ lực của chính bản thân và của bệnh nhân, thường không quan tâm đến những lao công của người khác, giành chiến thắng trên bản thân và ra khỏi tình trạng nghiện ngập của mình thì rất hiếm để được đề nghị như một thần tượng cho giới trẻ hay được giới thiệu như một câu chuyện thành công. Câu khẩu hiệu phổ biến như tin tốt không bán – đánh vào chúng ta như sóng hồi lại của một vụ nổ hạt nhân: nó lấy đi niềm hy vọng của ta và làm gia tăng cái ác, trình bày nó như một chiến thắng và có mặt khắp nơi. Trái với những gì có vẻ nhìn thấy, tuyên bố cho rằng thế gian này 'độc ác và tham nhũng' không phải là một khám phá quan trọng và dường như tầm thường khi ta biết rằng "Thà thắp lên một que diêm còn tốt hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm” hóa ra là một quan niệm không tầm thường trong cuộc sống.
Linh Ảnh thực sự đưa ra và trình bày một “thế giới thành công”, giới thiệu các Thánh là “những người đã làm nên Linh Ảnh”. Ngay cả như vậy thì các ngài cũng là những con người bình thường, tội lỗi, nhưng đã được quyền năng Chúa Kitô chữa lành, được chạm đến lòng thương xót của Người. Ân sủng Chúa Kitô chạm đến tâm hồn chúng ta và nhận được năng lực yêu thương tiềm ẩn trong tâm hồn con người, năng lực này có thể phá hủy con người cũ, xô ngã các bức tường của tính ích kỷ và pháo đài sự thù ghét giữa con người với rung động kín đáo của họ. Chính những năng lực này tượng trưng cho một cơ hội đích thực đối với con người, có thể hướng dẫn họ đạt đến tầm vóc của phẩm giá con người và hạnh phúc chân thật.
Khi ta chiêm ngắm các Thánh qua cửa sổ Linh Ảnh năng lực thiêng liêng của sự hiện diện của các ngài sẽ chạm đến ta, cũng như chữa lành và an ủi ta, làm cho ta có khả năng bước theo con đường các ngài đã đi. Con Đường ấy chính là Đức Kitô, vì Mẹ Người đã chỉ tay về Người và đây là sự hiện thực đúng nghĩa nhất.
Theo truyền thống, tên của Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có liên quan đến một mạc khải đặc biệt do một cô gái nhận được, khi bức tranh, sau hành trình đầy kịch tính từ đảo Creta được tìm thấy trong gia đình ở Rôma. Mẹ Thiên Chúa được kể là đã hiện ra với một cô gái trẻ Rôma trong một giấc mơ và yêu cầu đưa bức tranh Creta này ra khỏi nhà để tôn kính ở một trong các Nhà Thờ ở giữa Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Laterano và Vương Cung Thánh đường Đức Bà Cả nằm trên đồi Esquiline. Được biết chính trong dịp này mà Đức Maria mạc khải tước hiệu của Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp. Dẫu cho câu chuyện thật về Linh Ảnh thế nào, tên của Linh Ảnh cũng được nối kết với nó từ thời xa xưa và các tín hữu hướng về Đức Thánh Trinh Nữ hiện diện trong Linh Ảnh, tin tưởng vào tình mẫu tử và sự hằng chuyển cầu của Mẹ lên Thiên Chúa.
Đức Maria thực sự luôn hằng cứu giúp các tín hữu khẩn cầu Mẹ, quan trọng nhất là qua sự hiện diện biến đổi của Mẹ trong Linh Ảnh. Mẹ liên lỉ nhìn đến các tín hữu cầu nguyện trước ảnh thánh của Mẹ, dõi theo họ, bao bọc họ bằng sự hiểu biết và an ủi. Mẹ cũng là khuôn mẫu của những gì chúng ta sẽ trở nên khi chiêm ngắm Linh Ảnh Mẹ, và của những gì chúng ta sẽ ở trong vinh quang nhờ sự chuyển cầu của Mẹ. Mẹ là mẫu gương sáng chói của việc đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa, của việc trở nên trong suốt đối với Lời Chúa, để Lời Chúa có thể ở lại trong ta và tỏa sáng cho mọi thụ tạo. Nhờ Ngôi Lời, Đấng đã trở nên xác phàm nơi ta, ta đi vào sự thân mật đặc biệt với Thiên Chúa, ta bắt đầu phản chiếu hình ảnh của Người nơi chính mình, ta trở nên gia đình của Người ( Mc 3, 34-35 ).
Mẹ Maria luôn là sự trợ giúp cho ta, vì Mẹ hướng dẫn ta đến với Con của Mẹ, chỉ cho ta thấy Người và dạy ta biết đúng là Người. Chỉ mình Người mới có sự sống nơi mình; quả thật, Người là chính sự sống, chỉ có Người là con đường dẫn đến Chúa Cha, và vì thế, chỉ đi trên đường này ta mới tìm được hạnh phúc đích thực. Đó là sự thật về đời sống chúng ta, và Đức Kitô, Chúa và là Đấng Cứu Độ ta, là chính sự thật đó. Người vạch ra cho ta con đường bằng sự sống của Người và do đó mạc khải cho ta toàn bộ sự thật.
Lm. MAREK KOTYNSKI, DCCT,
Bản dịch của Lm. ĐINH HỮU THOẠI, DCCT ( Còn tiếp 1 kỳ )

No comments: