Thursday, 19 December 2013

Lm Kevin O'Shea CSsR: “Hãy tự huỷ đêm nay vào dĩ vãng,



Suy niệm Chúa Nhật thứ 3 thường niên năm A  

“Xuất thần cho tận nhập với hư vô.”
(dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)


Mt 4: 12-23
Hãy tự hủy, nhà thơ nay đòi đi vào dĩ vãng. Đã xuất thần, nhà Đạo rày “tận nhập với hư vô”. Hư vô hay dĩ vãng, người người vẫn cứ suy và cứ nghĩ về những gì thánh sử đưa ra, mà quả quyết. Quyết, đón nhận điều Chúa dạy, suốt nhiều năm.
Điều Chúa dạy, thánh Mát-thêu đã ghi lại để ta suy và nghĩ. Trước nhất, là nghĩ và suy về sự kiện Chúa rời bỏ thôn làng Nadarét để về với cộng đoàn ngôn sứ, trong đó có Gioan Tiền Hô. Và, trình thuật hôm nay ghi lại: thánh Gioan nói cho mọi người biết Đức Giêsu là Đấng tràn đầy Thần Khí. Ngài, là Ngôn sứ Tối Cao, được liệt cùng hàng với Êlya và các ngôn sứ thời Cựu Ước.
Là ngôn sứ, Chúa quả quyết về thực trạng của thế giới đã mãn thời. Để rồi, khởi đầu một thể trạng mới có đổi thay. Thể trạng ấy, là Vương Quốc Nước Trời Ngài tạo dựng. Và, Ngài đến kêu mời dân con nhà Đạo hãy đi vào với thế giới ấy. Ai đồng thuận, Ngài ra tay giúp đỡ để họ thực hiện. Ngài còn mời gọi mọi người đổi thay thái độ phải có, với cuộc sống. Bởi, Nước Trời sẽ kịp đến rất nhanh. Nếu không thay đổi, e rằng họ luột mất cơ hội ngàn năm một thuở ấy.
Vào thời đó, đa phần người Do thái là dân con bình thường ở huyện, bởi họ không tham gia nhóm hội nào đặc biệt để có địa vị trong xã hội. Họ cũng không tham gia nhóm hội kiểu Essênô hoặc Pharisêu. Là dân con bình thường, họ chỉ tin vào những gì là căn bản. Tin, một Chúa là Đấng Có. Và, Chúa tuyển chọn dân con Ngài theo cung cách đặc biệt. Tin, vào Đức Chúa luôn ban cho dân con của Ngài bộ luật Tôra làm Đường Lối để mọi người sống. Và, cũng tin rằng, người Do thái hãy phụng thờ Ngài ngay tại đền thờ ở Giêrusalem.
Nay, chính Chúa diễn giải lại luật Tôra. Ngài dạy dân con mọi người cách sống như Ngài muốn. Sống giản đơn như đời thường. Cung cách sống, là qui định cơ bản để mọi người sống cho tử tế. Sống đời tử tế mà dân nghèo thị thành khả dĩ theo được. Ngài mạc khải cho dân con theo Ngài đường lối sống tốt đẹp, như những vần thơ vui Ngài sáng tác, mỗi ngày. Sáng tác thơ, để người người dùng đó mà ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa. Để cho họ, dù ở nơi xa xôi không đến được Đền thờ, vẫn có thể sống như Ngài khuyên bảo.
Ngài còn dạy dân con mọi người và khuyến khích họ sống thành nhóm hội cộng đoàn, tụ tập chung quanh Ngài. Quây quần thành vòng tròn lớn đến độ có thể đếm được đến ba vòng cùng tâm điểm trong cùng nhóm. Người ở xa cũng nghe biết, nên đã tin vào Lời Ngài dạy, để được sống. Sống tại nhà. Sống ở phương xa. Đâu đâu họ cũng vẫn được Ngài chăn dắt. Gần Ngài hơn cả, là nhóm đồ đệ thân yêu từng bỏ nhà cửa chốn riêng tư, mà theo Ngài. Ai theo Ngài, cũng gặp nhiều nguy nan từ giới có thẩm quyền vì không ưa Ngài, nên vẫn lùng tìm đồ đệ Ngài, mà bức bách. Đồ đệ Ngài tập hợp chẵn đủ những 12 vị.
12, là con số tượng trưng toàn bộ chi tộc Israel, lúc khởi đầu. Dần về sau, trong số này chỉ còn mỗi chi tộc Giuđa và Benjamin, mà thôi. Thực tế cho thấy, Chúa gầy dựng đủ 12 môn đồ, là để tỏ rõ một hành xử mang cung cách của ngôn sứ. Nghĩa là, Israel phải hoàn toàn đổi mới để sống cuộc sống Nước Trời đang dần đến. Bởi lẽ, Nước Trời là mục tiêu Ngài nhằm thực hiện bằng được. Sử sách nay còn ghi tên tuổi đầy đủ 12 vị tông đồ, như ta biết.
Cũng từ nhóm Mười Hai, Hội thánh Chúa được thiết lập theo cùng một cách thức, nên đã tồn tại mãi đến bây giờ. Nói cách khác, chính Chúa đã định trước cơ cấu của Hội thánh để trở thành một thánh hội như ngày hôm nay. Và Ngài vẫn muốn Hội thánh của Ngài sống theo đường lối Ngài qui định. Nghĩa là, Hội thánh phải trở thành chính đường lối mà lịch sử thánh đà ghi lại. Vì thế nên, Hội thánh cũng có những giây phút thăng trầm như lịch sử ở đời thường.
Thăng trầm lịch sử thánh, bắt đầu từ thời thánh Gioan Tiền Hô qui tụ rất đông người dấn bước theo chân thánh nhân. Bước thăng trầm của Hội thánh, còn được thánh Gioan Tiền Hô nhắc đến bằng lời kêu gọi mọi người hãy sống khiêm nhu để chứng tỏ mình là đồ đệ Chúa. Ngay vào lúc nổi tiếng nhất thời đó, thánh nhân cũng đề cập đến tính khiêm nhu của chính mình bằng tuyên bố để đời: “Đến sau tôi, là Đấng quyền thế hơn tôi. Và, tôi không đáng xách dép cho Ngài.” (Mt 3: 11)
Với thánh nhân, Đức Giêsu là Đấng mọi người tìm đến, để đi theo (Mt 4: 23). Ngài đến để cứu họ. Ngài được Cha chọn để thực hiện công trình cứu độ Cha trao phó. Nơi Ngài, Thần Khí Chúa không chỉ mỗi đến mà thôi, nhưng sẽ ở lại mãi nơi Ngài.
Chính Ngài là Đấng đã trầm mình mọi người trong Thần Khí Chúa. Chính Ngài là Đấng đã tặng ban Thần Khí Chúa đến với họ. Để, họ trở thành con cái đích thực của Chúa. Để, họ được tràn đầy năng lượng của Ngài. Trở thành, những người con được tiếp ứng bằng thứ điện quyền năng do Chúa ban, ngõ hầu chính họ biến đổi được thế giới thành chốn tốt đẹp. Cho mọi người. Nhờ đó, họ trở nên thánh hội của Chúa, ngay từ đầu.
Trình thuật hôm nay, thánh Mát-thêu kể cho mọi người biết Đức Giêsu là Đấng chữa lành mọi người. Ngài đến để rao báo với mọi người là Nước Trời đã gần kề. Ngài đến, còn để chữa lành đủ mọi hình thái của bệnh tật. Và, mọi người đến với Ngài trước nhất để được chữa. Càng gần Ngài, người người càng thấy mình được Ngài chữa lành nhiều hơn. Được chữa lành rồi, người người sẽ sẵn sàng mà sống cùng và sống với con cái Ngài, ở Nước Trời.
Với thánh Mát-thêu, Hội thánh là nơi mọi người tìm đến hầu được an bình, lành lặn. Được Ngài chữa chạy đủ mọi tật bệnh, dù rất khó. Hội thánh, chính là Nước Trời luôn mở rộng vòng tay đón nhận dân con ở khắp nơi. Bất kể họ thuộc nguồn gốc, văn hoá. Sắc tộc. Phái tính. Hoặc, tuổi tác nào.
Là Nước Trời ở trần gian, Hội thánh là nơi chốn đích thực mọi người lui tới. Lui tới, không chỉ để được chữa lành thôi, mà còn để tiếp tục công trình cứu độ Chúa giao phó. Công trình đó, Chúa tặng ban cho tất cả mọi người. Công trình đó, Chúa ủy thác để mọi người cứ thế mà thực hiện. Thực hiện, bằng tình thương Ngài loan truyền. Thực hiện, nhờ Thần Khí Chúa ở cùng và ở với mỗi người.
Thực hiện tình thương ở Nước Trời không là ân huệ Chúa ban cho, mà là bổn phận khiến ta trải rộng đến với mọi người, trong cũng như ngoài Hội thánh. Trải rộng, như tâm tình mà nhà thơ từng nói đến:

“Một chút kỳ hương ta gửi đó
Hồn ta đã ta vào hơi gió
Tháng sáu mười hai rồi, em nhớ hay quên.”
(Vũ Hoàng Chương – Bài Ca Hoài Tố)

Kỳ hương nhà thơ gửi, là hương kỳ của tình thương ta vẫn có. Kỳ hương ấy, là thương yêu mọi người cần có. Cần trao cho hết dân gian, ở mọi thời. Nơi Nước trời.

No comments: