Cách đây
mấy ngày, tôi nhận lời đi dùng bữa tối với gia đình anh chị bà con của tôi, hai
ông bà dẫn tôi vào một quán ăn tương đối ở thành phố này, cùng đi với chúng tôi
có cả gia đình nhà anh chị. Bữa ăn khá thú vị, vì tôi và anh chị hiểu ngầm với
nhau nhiều chuyện. Chị ngập ngừng khoe tôi hàng chữ viết theo dạng xâm trên
cánh tay nõn nà trắng trẻo của chị, hàng chữ ghi tên của anh, của chị và của
đứa con. Còn anh thì kín đáo mở cổ áo khoe tôi tên hai người viết trên ngực
trái ngay trái tim, và đặc biệt chiếc Thánh Giá nhỏ đeo trên sợi dây ở cổ anh,
anh nói… “đeo một lời nguyền” !
Sẽ là bình
thường nếu đây là một cặp vợ chồng trẻ, nhưng hai ông bà đều đã ngoài 60 tuổi,
ông đã được những người thân quen gọi là “cán bộ hưu trí” cho nó oai ! Thế mà hôm
nay… lãng mạn dễ sợ, bà nhẹ nhàng tự nhiên ngả vào ông để thì thầm khi cần, mắt
ông ánh lên niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào y như một người trẻ đang yêu.
Cách đây
hơn một tháng, tôi được lôi vào một cuộc chiến bùng nổ căng thẳng và có nguy cơ
dẫn tới tan vỡ hoàn toàn, nhân vật chính là… hai ông bà anh chị này của tôi.
Ông đã phải nhập viện tim khẩn cấp, tôi được tin chạy vào rồi gọi điện cho bà,
bà vào lo cho ông, nhưng khi hai chị em nói chuyện ngoài hành lang thì mặt bà
đanh lại, cương quyết không chấp nhận và quyết định phá tan tất cả, phá tan cả
cái gia đình mà hai ông bà đã dày công xây đắp gần 40 năm trong đời sống hôn
nhân, phá tan cả sự nghiệp, phá tan cả sự kính trọng mà mọi người thân quen,
cũng những học trò của ông dành cho gia đình ông trong 40 năm ông theo đuổi
nghề giáo.
Chúng tôi
con chú con bác nhưng tuổi bằng lứa với nhau, gia đình bác quyền thế giàu sang,
gia đình tôi thuộc thành phần lao động nghèo. Chúng tôi chơi thân với nhau vì
bác tôi rất đạo đức, ông lạnh lùng ( cảm nhận của tôi lúc bấy giờ ) nhưng
thương con cháu, hơn nữa nhờ ơn đức của một ông bác lớn hơn nữa, bác làm Linh
Mục nên bác nối kết các gia đình với nhau. Bác lớn của chúng tôi dạy ở Đại
Chủng Viện nên kỳ hè bác về gia đình, thường tổ chức cho các cháu đi chơi với
bác, có khi kéo dài cả tháng. Bác ở nhà xứ, gởi chúng tôi ở nhà ngoài, tha hồ
chị em rong chơi với nhau.
Ba của bà
chị tôi sau những năm tháng gian khổ ở trại cải tạo, ông trở về gia đình với
“thân tàn ma dại”. Sĩ quan mang lon đại tá ngành Chiến Tranh Chính Trị mà, còn
sống mà về là may rồi. Ông bị tai biến trong trại, khi về nhà không nói năng
được gì nữa, một thời gian sau thì qua đời, để lại cho chúng tôi một tấm gương
sống đạo tốt lành, một tấm gương sống lương tâm ngay thẳng, cho dù quanh ông
đầy bả vinh hoa phú quý…
Hôm ấy, hôm bão bùng xô xuống gia đình của chị, lần đầu tiên tôi chứng
kiến sự “đanh đá” và “hung dữ” của chị, sau này tôi nói với chị: “Hôm đó em
không nhận ra chị, em có cảm tưởng con người hôm đó em gặp ở hành lang bệnh
viện không phải là chị”. Cái may và là cái duyên Chúa ban, đó là trong cơn
giông tố ấy, khi mọi người thân quen chịu thua không hòa giải được thì mọi
người nghĩ đến tôi, một Linh Mục trong gia đình, cả anh và chị đều nói với nhau
“bằng lòng chấp nhận tất cả nhưng trước khi quyết định thì đi gặp cậu cái đã”
và mỗi người đã đến gặp riêng tôi theo những cách khác nhau.
Tôi đã lần lượt lắng nghe từng người và xin từng người cầu nguyện trước
khi có thể nói thêm gì với nhau nữa. Phần mình, tôi trở về Nhà Dòng làm Tuần
Cửu Nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, trao phó vào tay Mẹ sự mong manh của hạnh
phúc con người. Tôi cứ lập đi lập lại bằng đó điều cho đến một hôm cả hai anh
chị xin gặp tôi để thông báo… sự hòa giải, mấu chốt của sự hòa giải là tha thứ.
Họ đã tha thứ cho nhau nên bây giờ họ yêu thương nhau nhiều hơn nữa.
Bài Tin
Mừng ngày hôm nay, Chúa Nhật 11 thường niên C ( Lc 7, 36 – 50 ), Chúa Giêsu nói
với chúng ta về sự tha thứ và lòng yêu mến sẽ trở nên dồi dào khi đón nhận được
sự tha thứ, người phụ nữ trong Tin Mừng đã yêu mến nồng nàn vì chị được tha thứ
nhiều. Thật ra chúng ta được Chúa tha thứ cho nhiều lắm, nhưng chúng ta có biết
yêu mến Chúa đâu. Nước lã cũng chẳng thèm đổ vào chân Chúa khi Chúa đến viếng
thăm ta. Tệ thật !
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
16.6.2013
No comments:
Post a Comment