Wednesday, 26 June 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện DCCT: THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ




Bài Tin Mừng hôm naygồm hai phần liên hệ mật thiết với nhau.
1. Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa ( cc. 18 – 22 )
Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người” ( Lc 9, 18a ). Vào những thời khắc quan trọng của việc thi hành sứ vụ, Đức Giêsu đều chìm vào cầu nguyện một mình với Thiên Chúa ( lc 3, 21; 5, 16; 6, 12; 9, 28 ). Và căn tính Mêsia của Người cũng chỉ có thể được hiểu đúng đắn nếu chúng ta xuất phát từ mối tương quan thân nghĩa của Người với Chúa Cha. Cũng chính trong mối tương quan con thảo thâm sâu này mà Đức Giêsu, theo chương trình của Thiên Chúa, sẽ đi vào cuộc thương khó và phục sinh của Người.
Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai ?" Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại” ( cc. 18b – 19 ).
Đức Giêsu chủ động đặt vấn đề về căn tính của Người. Nguyên sự kiện này thôi đã là đòi hỏi rằng câu trả lời thực sự thích hợp sẽ cần phải vượt quá vẻ bề ngoài và hướng đến mầu nhiệm thâm sâu bên trong, hướng đến một cái gì đó mới mẻ liên quan đến con người và hành động của Người vượt quá tầm mức một ngôn sứ bình thường. Thật ra, câu hỏi của Đức Giêsu ở đây rất khó hiểu. Không ai hỏi một vị tôn sư hay một vị Ngôn Sứ rằng vị ấy là ai; điều người ta quan tâm là vị ấy dạy điều gì hoặc công bố điều gì. Chính vì thế, đối diện với vấn đề căn tính của Đức Giêsu, các câu trả lời của dân chúng mà các đồ đệ thuật lại, đã tỏ ra không xứng hợp. Những câu trả lời ấy không vượt quá được hình ảnh ngôn sứ, đóng khung Đức Giêsu vào những thực tại mà người ta đã từng thấy hay nghe biết, không có khả năng mở ngỏ cho những thực tại mới mẻ hoàn toàn mà Thiên Chúa muốn làm ra.
Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” ( c. 20 ). Câu hỏi hướng trực tiếp về các đồ đệ, chất vấn lập trường của các ông. Nhưng chỉ một mình ông Phêrô trả lời. Ông là đại diện của các đồ đệ và của lòng tin Kitô giáo.
Tước hiệu quan trọng trong lời tuyên xưng của ông Phêrô: “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Tước hiệu này cần được minh định rõ hơn ở câu 22 ( Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy ) và sẽ được bổ túc bằng mạc khải của Thiên Chúa Cha trong biên cố hiển dung ở câu 35 ( Đây là Con Ta ).
Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” ( cc. 21 – 22 ).
Lời tuyên xưng của ông Phêrô về căn tính Mêsia của Đức Giêsu, phải được xác định rõ hơn. Chính mầu nhiệm khổ nạn – chết – phục sinh sẽ là con đường để Đức Giêsu được nhận biết là Mêsia. Người truyền lệnh nghiêm cấm các đồ đệ nói với người ngoài về căn tính Mêsia của Đức Giêsu, không phải chỉ vì những lý do chính trị, mà chính yếu là vì những lý do thần học. Chỉ sau khi Đức Giêsu đã chết và phục sinh, thực tại Mêsia mới có thể được hiểu đúng đắn. Tư cách Mêsia của Đức Giêsu phải được hiểu dựa trên chương trình của Thiên Chúa về Đức Giêsu, chương trình sẽ chỉ được hoàn thành trong cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu.
2. Điều kiện để đi theo Đức Kitô ( cc. 23 – 24 )
Nếu lời báo thương khó ở câu 22 cho thấy “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” có nghĩa là gì, thì các câu 23 – 24 trong phần cuối của bài Tin Mừng lại có chức năng xác định vị thế mà người ta phải đứng vào đó để hiểu đúng và có thể thực sự tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Trước hết, “Đức Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” ( c. 23 ). Đây là một đòi hỏi phổ quát và căn bản, được nói cho mọi người thuộc mọi thời ( thay vì cho đám đông và các môn đệ như trong Mc 8, 32 ). Động từ “nói” ở đây được chia ở thời vị hoàn ( thay vì thời aorist như trong Mc và Mt ) nhằm nhấn mạnh tính chất thường xuyên của giáo huấn được trình bày.
Khi nói “đi sau tôi”, Đức Giêsu không chỉ có ý nói là gia nhập vào trường của Ngài, trở thành đồ đệ của Ngài, mà còn là thực hành một cách cụ thể chính lối sống của Ngài. Trong Hội Thánh, lối nói “đi sau Đức Giêsu” đồng nghĩa với lối nói “là Kitô hữu”.
Điều kiện thứ nhất để trở nên đồ đệ đích thực của Đức Giêsu là “từ bỏ chính mình”. Tác giả Tin Mừng không có ý nói đến một vài sự thực hành tu đức, mà là một thái độ căn bản của đời sống Kitô hữu không tìm sống tự tại nơi mình. Từ bỏ chính mình không có nghĩa là huỷ bỏ chính con người hay phẩm giá mình, mà là ý thức và đón nhận chính con người và cuộc sống của mình như là một ơn huệ và không tự tại nơi mình như thể mình là chủ tể của cuộc đời mình. Nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô, thì đó là “tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” ( Gl 2, 20 ).
Nhìn theo một khía cạnh khác, từ bỏ chính mình là “vác lấy khổ giá mình mỗi ngày”. Đó là chấp nhận đau khổ và vượt qua những khó khăn mỗi ngày mà trung thành với những đòi hỏi của Đức Chúa. Đó là quyết định bước đi trong một cuộc sống mà đích đến không còn là cái tôi vị kỷ của mình, không còn là chính mình nữa.
Đòi hỏi cuối cùng là “hãy theo tôi”. Thoạt nhìn, đây có vẻ là một sự lặp lại của “đi sau tôi”. Chúng ta biết: vào thế kỷ I, dân chúng xứ Palestina đã từng và sẽ còn chứng kiến nhiều cuộc hành hình đóng đinh vào thập giá, một cách thi hành án tử hình rất tàn khốc của đế quốc Rôma. Sinh thời, Đức Giêsu hoàn toàn có thể nghĩ đến kết cục bi thảm đó cho chính bản thân Ngài. Khi nói “hãy vác lấy khổ giá mình và theo tôi”, Đức Giêsu mời gọi các đồ đệ ý thức và đón nhận những thách đố quyết liệt của việc đi theo Đấng Mêsia, đến độ sẵn sàng chết và là chết một cách đau thương, nhục nhã và tàn khốc như người ta có thể đã từng chứng kiến trong các cuộc hành hình thập giá đương thời.
Vác lấy khổ giá mình”, theo nghĩa đen, chính là việc người bị kết án tử hình vác lấy thanh ngang của cây thập tự trên vai, đi giữa đám đông đang la ó sỉ vả mà đến nơi hành hình. Ở đây, “vác lấy khổ giá mình” có nghĩa là người đồ đệ của Đức Giêsu phải sẵn sàng bị nhục mạ, bị vu khống, bị sỉ nhục và bị loại trừ khỏi xã hội. “Đi theo Đức Giêsu” là chấp nhận một cuộc đời cay đắng và đau thương như của một người bị kết án tử hình đang vác lấy khổ giá mình mà đi ra pháp trường vậy.
Sau khi Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, lời mời gọi đó được hiểu là lời mời gọi chấp nhận bước đi trên chính con đường đau khổ mà Đức Giêsu đã đi, tức là sẵn sàng chấp nhận sống chính thân phận bi thương của Đức Giêsu. Trong hoàn cảnh Hội Thánh đang trải qua những ngày tháng bị bách hại tàn khốc, thì lời mời gọi này thực sự có tính thời sự: lòng trung thành đối với Đức Giêsu đòi hỏi các tín hữu sẵn sàng đi vào cuộc tử vì đạo trong thực tế cụ thể.
Thánh Luca đã thêm vào yếu tố “mỗi ngày”, không phải để loại bỏ cách hiểu về sự sẵn sàng chịu tử vì đạo, nhưng là để thêm vào một sắc thái nữa: đó là đòi hỏi hàng ngày trong đời sống tín hữu. Đó không chỉ là đòi hỏi của những tháng ngày bị bách hại, mà còn là quy luật sống mỗi ngày của người tin.
Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” ( c. 24 ). Lời này có vẻ mâu thuẫn. Nhưng nội dung thì thật đơn giản: ai trốn tránh cái chết bằng cách từ chối Đấng Mêsia, thì sẽ bị kết án trong ngày Con Người đến để phán xét; còn ai sẵn sàng chết vì đạo, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình, thì sẽ không bị kết án trong ngày đó, tức là sẽ “giữ được mạng sống cho sự sống đời đời” theo kiểu nói của Ga 12, 25. Lời này quả thực ám hạp và mang tính thời sự trong những hoàn cảnh Hội Thánh bị bách hại. Khác với Mc 8, 35 ( “vì tôi và vì Tin Mừng” ), tác giả Luca chỉ ghi đơn giản: “vì tôi”. Ông muốn nhấn mạnh mối tương quan thiết thân của người tín hữu với Chúa Kitô xét như yếu tố căn bản chi phối thái độ sống và cách hành xử của Kitô hữu.
Tóm lại, phần thứ nhất của bài Tin Mừng nói về lời tuyên xưng đức tin của Hội Thánh mà Phêrô là đại diện: Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, và xác định đâu là chân trời đích thực để hiểu đúng đắn căn tính Mêsia đó của Đức Giêsu ( mầu nhiệm chết và phục sinh ). Phần thứ hai của bài Tin Mừng nêu lên đòi hỏi căn bản dành cho người môn đệ của Đức Kitô. Chỉ khi sống theo đúng đòi hỏi này, người ta mới có thể hiểu biết và sống một cách đích thực lời tuyên xưng đức tin liên quan đến căn tính Mêsia của Đức Giêsu.
 Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

1 comment:

thoitrangmimifr said...

điều rang muốiHạt điều rang muối là món ăn bổ dưỡng thường xuất hiện trong các dịp lễ tết, hạt điều rang muối còn có trong các nhà hàng, quán ăn...giá trị dinh dưỡng có trong hạt điều phong phú và an toàn cho người sử dụng. mua hạt điều rang muốiChất lượnng tuyệt hảo, giữ trọn hương vị thơm ngon tự nhiên nhất hạt điều rang muối cao cấptheo một nghiên cứu mới của Trường đại học Montreal (Canada) và Đại học de Yaoundé (Camerun) giá hạt điều sấyTrong hạt điều có axit béo bao gồm tocopherols, phytosterol và squalene giúp đỡ trong việc làm giảm bệnh tim hạt điều rang muối vỏ lụa vừa làm vừa nhâm nhi hạt điều rang muối bạn sẽ cảm thấy tinh thần thoải mái, đặc biệt là không sợ bị tăng cân mà còn phòng ngừa được một số bệnh tật. phim thả phí thiên hạ xem phim thư sinh bóng đêmAnh dâng hiến đời mình để bảo vệ sự ổn định của Joseon và đã từ bỏ bản thân, sống một cuộc sống cô đơn cho đến khi anh gặp nữ chính. phim hd onlineXem phim hd online miễn phí chất lượng cao tại HTViet.com, liên tục cập nhật các phim hd chất lượng cao mới nhất nhanh nhất. phim hàn quốc hậu duệ của mặt trời“온에어” (On air) sản xuất năm 2008 và “상속자들” (Những người thừa kế) sản xuất năm 2013.