Friday 7 June 2013

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Thơ thứ Nhất Gửi Tín Hữu Corinthô Đoạn I câu 17b





Câu 17b:
Câu nhập đề nói lên 2 đường lối.

“Khôn ngoan từ chương” hay khôn ngoan ngôn ngữ: kiểu hùng-biện vận-dụng tất cả những mánh-lới vui tai của hạng “sophistes”. Nhưng Faolô còn đi xa hơn: ngay cái nỗ-lực làm thoả-mãn tri-thức: gốm các đề-tài mỗi môn đặt làm cơ-sở của triết học mình dạy. (Cv XYII)

“Hủy ra không”: nghĩa chính “làm thành trống rỗng”: mất hiệu lực cứu-rỗi, hoặc vì ơn trở-lại coi như do nghệ-thuật loài người chứ không fải do Chúa Kitô đóng-đinh – quyền-năng Thiên-Chúa thi-thố nhờ thập-giá chỉ tỏ bày nơi việc nhân-loại nhận-biết mình hoàn-toàn bất-lực giải-thoát chính mình bằng những fương-thế của mình.

Câu 18-21
“Điên rồ”: sự khinh thường, cho rằng không đáng cho hạng trưởng giả (rabbi) (=một cách chửi mát). Đây là sự táo-bạo của Faolô. Đúng ra là sự trẻ con… (xem Gn III: 19-20)

Câu 18-25:  cắt-nghĩa điều Faolô chủ-trương trong câu 17b.

Đó là một loạt mệnh-đề cốt-thiết là để cắt-nghĩa. Lý-luận có thể đi thẳng tự câu 18 xuống 22, nhưng Faolô không thể không viện hai thứ chứng tiêu-biểu cho tâm-não ngài, chứng Kinh-thánh (câu 19-20) và lịch-sử tôn-giáo nhân-loại (câu 21), chứng này được nêu lên như chứng-nghiệm cho Lời Kinh-thánh.

Lý-luận chung chúng ta có thể nói như thế này:

Quyền-năng và sự khôn-ngoan của Thiên-Chúa, cho dẫu là thuộc thứ thấp-hèn nhất, cũng vượt quá ngàn trùng nhưng điều cao quí nhất của loài người (câu 25); vì lẽ đó (22-24) Tin-mừng chúng tôi rao giảng – một điều hèn-mạt nơi con mắt loài người, - lại được coi như là quyền-năng và khôn-ngoan của Thiên Chúa nơi con mắt những kẻ nhìn-nhận biết được. Điều đó thật ứng-nghiệm với chân-lý tàng-ẩn nơi lịch-sử trần-gian là sự khôn-ngoan của loài người đã bị vạch mặt là đã fá-sản, ra bất-lực trước mục-đích muốn đạt đến, trước cái đơn-mộc của sự thật do Thiên Chúa nói ra. Điều đó cho thấy làm sao Thiên-Chúa đã bêu cá khôn-ngoan của cả những hiền-nhân quân-tử như một trò điên dại (câu 19-20), nguyên-tắc cổ-thời đó cắt-nghĩa được làm sao đứng trước ‘lời về Khổ-giá’ người ta lại có những y-kiến mâu-thuẫn như thế (câu 18)

Nên chú ý: sau khi đã nói: nhờ sự khôn-ngoan của triết-lý, thế-gian đã không đạt thấu sự biết Thiên-Chúa (nhận biết và fục-tùng) nên Thiên-Chúa đã chọn cách khác, tức là sự điên-rồ của lời rao-giảng, thì Faolô lại không nói là ‘để cho thế-gian biết mình’ nhưng ‘để cứu những kẻ tin’; thay vì sự biết của người ta về Thiên-Chúa, thì lại có sự ‘cứu thoát Thiên-Chúa thi-thố’ ra trên người ta. Như thể lời rao-giảng không hẳn có mục-đích đem người ta đến sự biết Thiên-Chúa mà là đem đến sự được Thiên-Chúa cứu người. Nên coi những đối chọi:
18 (điên rồ/quyền năng)
2: 5 (khôn-ngoan/quyền-năng)
các câu 22-24: (điên rồ/cớ vấp-fạm/quyền-năng, khôn-ngoan của Thiên-Chúa (không nói: sự khôn-
ngoan thật): Luôn luôn có sự di-chuyển tự giới nhân-loại lên giới của Thiên-Chúa, nhưng dưới
fương-diện ‘cứu-thoát’.

Câu 26-31: là một thứ minh-chứng ‘ad hominem’: một chứng khá tàn-nhẫn, không chút nể-nang những con gà cồ là những tín-hữu Corinthô tự cao tự đại đó. Xét về tâm-lý, thánh Faolô chắc lấy làm uất lắm vì tính tự-mãn đó và cảm thấy cần fải hạ họ xuống: Một chứng cho sự Thiên-Chúa thiếu khôn-ngoan trong việc chọn fương-thế để cứu thế-gian, là nơi chính việc Người đã chọn họ. Họ cứ coi thử xem họ thuộc hạng người nào khi họ được Thiên-Chúa chọn. Đối với con mắt nhân-trần, họ là cái trò trống gì về học-thức, về quyền-thế, về tông-dòng. Đối với những người khôn-ngoan trên đời, họ đáng kể vào đâu. Vậy thì vênh-váo làm gì. Và nếu có sự khôn-ngoan nào giữa họ - fải họ cũng có một sự khôn-ngoan, khôn-ngoan chân-chính, miễn là họ biết nhìn nhận ra và xử-dụng cách fải chăng – thì đó đã hẳn là ân-huệ nhưng-không, chứ họ có công-trạng gì vào đó; sự khôn-ngoan đó lại là do tự Chúa Kitô chịu đóng-đinh; đó là sự khôn-ngoan Thập-giá, tức là một sự điên-rồ trước mặt những người chỉ biết fán-đoán như họ. Những lời nhiếc khá thậm-tệ, nghiền-tán ra bụi cả các hãnh-diện của những con người muốn vênh mặt với đời, xây địa-vị cho mình trên ơn-huệ của Thiên-Chúa. Nhưng ngay sau đó Faolô lại nhắc họ lên trong sự tự-trọng của họ, miễn là họ biết nhìn-nhận ra Thiên-Chúa đã đặt những gì nơi họ: và thánh Faolô vạch ra sự khôn-ngoan là Chúa Kitô Thiên-Chúa đã ban cho họ là gì.

Câu 31: trưng lời tiên-tri Yr 9: 22t – nói lên quan-niệm căn-bản của cả thư (câu 29 trước cũng đã nói đến ý-tưởng đó): kaukãsthai là thái-độ của con-ngưòi đại-diện cho ‘kosmos’ : thái-độ nghịch cùng Thiên-Chúa – quan-niệm đặc-biệt của Faolô để tả con người tín-thị đặt cả vào mình, dựa vào mình, quay cả vào mình hết các fẩm-tính đặc-ân nào có ở nơi mình.
                                                                                                                              (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích bài dạy Kinh-thánh vào thập-niên ’60)


No comments: