Năm 1925,
ba vị Thừa Sai Dòng Chúa Cứu Thế đầu tiên người Canada
đến Việt Nam.
Đặt chân vào đất Huế, cùng với sự ổn định cơ sở, các ngài thi hành ngay sứ mạng
rao giảng Đại Phúc cho Huế và các vùng lân cận. Từ Huế các ngài thiết lập cơ sở
ở Hà Nội ( 1929 ) và Saigon ( 1933 ). Trong 10
năm đầu tiên này, các ngài cũng thiết lập ơn gọi, nhà Đệ Tử rồi nhà Tập và Học
Viện.
Sau nhóm
đầu tiên là ba Thừa Sai đến Việt Nam,
các chuyến sau không chỉ là các Thừa Sai, nhưng còn là các sinh viên Thần Học,
những Thừa Sai tương lai cho Việt Nam. Những lớp Thần Học đầu tiên
người Việt Nam học chung lớp
với các sinh viên đến từ Canada.
Thay vì đưa sinh viên Việt Nam sang Canada huấn luyện rồi trở về, Tỉnh Dòng Mẹ
đã chọn cách đưa sinh viên Canada – những ai muốn dấn thân ở Việt Nam – sang
Việt Nam đào tạo chung với các sinh viên bản xứ. Chọn cách này, Tỉnh Dòng Mẹ đã
phải hy sinh những Tu Sĩ xuất sắc nhất của mình cho công việc đào tạo tại Việt Nam.
Chọn cách này, Tỉnh
Dòng Việt Nam đã sớm có
những Thừa Sai người Việt Nam.
Đào tạo
tại Việt Nam nên có nhiều cơ hội giữ được bản sắc Việt Nam, đào tạo tại Việt
Nam nên có những Thừa Sai gốc Canada nhưng đầy tính Việt Nam, có vị đã trở
thành giáo sư của Trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, mau chóng xuất bản báo Đức Bà
Hằng Cứu Giúp ( sau này là báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ) bằng tiếng Việt và dịch toàn
bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt.
Chỉ 5 năm sau ngày đến Việt Nam ( tính từ ngày 30.11.1925 ), ngày 5.6.1930,
Phụ Tỉnh Huế ( sau này là Phụ Tỉnh Việt Nam ) đã được thành lập, và 39 năm sau
tính từ năm 1925 ( ngày 27.5.1964 ) được nâng lên hàng Tỉnh Dòng.
Tôi chia
sẻ đôi hàng lịch sử này để nói rằng, rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam, các Thừa
Sai ngoại quốc đã trở nên người Việt Nam, và để công cuộc rao giảng được hiệu
quả hơn, các ngài đã chọn cách đào tạo người Việt Nam làm Thừa Sai cho chính người Việt
Nam trên quê hương đất nước Việt Nam. Dấu son lịch sử này nhắc anh
em chúng tôi một kinh nghiệm và một bài học sống động trong công cuộc loan báo
Tin Mừng.
Năm 1955,
khi lớp Tu Sĩ đầu tiên người Việt Nam trong Dòng đã trưởng thành, các Thừa Sai
Canada liền rời bỏ ngay thành phố và các cơ sở đã thiết lập cho người Kinh để
dấn thân vào rừng sâu với người dân tộc thiểu số, năm 1956 thiết lập nhà Fyăn,
và sau đó hàng loạt các cơ sở truyền giáo cho người dân tộc K‘ho tại tỉnh Lâm
Đồng, Giáo Phận Đà Lạt, để cũng chỉ ít năm sau đó, chính các Thừa Sai Việt Nam
dấn thân cho dân tộc J’rai, rồi thập niên gần đây là các dân tộc Bana và H’mông
của Giáo Phận Kon Tum. Bài học kinh nghiệm trên nhắc chúng tôi khi dấn thân vào
với các buôn làng người dân tộc, chúng tôi phải trở nên người dân tộc và nỗ lực đào tạo hàng Giáo Sĩ
người dân tộc.
Trở nên
người dân tộc. Các anh em Thừa Sai phải sống cùng, sống chung, sống với, rồi trở nên
con cái trong buôn làng. Ngày xưa các Thừa Sai ngoại quốc đã phải rời chăn êm
nệm ấm để nằm rơm gối rạ với người Việt Nam, đã giã từ xe hơi, xe gắn máy để
rong ruổi trên lưng ngựa hay những chuyến bộ hành với người Việt. Đã rời những
cao lương mỹ vị để ăn mắm ăn muối với người Việt. Cũng như thế với các Thừa Sai
hôm nay cho người anh em dân tộc thiểu số, sẽ không có khác biệt gì hết nếu
muốn Tin Mừng được lan nhanh.
Hàng Giáo Sĩ người dân tộc. Chính anh
em dân tộc sẽ rao giảng Tin Mừng và cử hành các Bí Tích bằng “ngôn ngữ” của
người dân tộc, hai chữ “ngôn ngữ” ở đây không chỉ là âm thanh và chữ viết. Tôi
có một người bạn, anh ở Hoa Kỳ đã tròn 38 năm, anh nói với tôi “tôi đã cố gắng
sống, nói, sinh hoạt, phản ứng như một người Mỹ, nhưng tôi vẫn không thể là
người Mỹ !” Chúng ta phải nhanh chóng đầu tư cho việc khuyến khích ơn gọi và
đào tạo Giáo Sĩ, Tu Sĩ là chính người anh em dân tộc.
Sau bài
chia sẻ cảm nhận về lễ phong chức cho một tân Linh Mục người J’rai, nhân dịp
chuẩn bị mừng lễ 50 năm thiết lập Tỉnh DCCT Việt Nam, tôi xin bày tỏ sự khâm
phục với những anh em dấn thân con đường loan báo Tin Mừng cho các buôn làng dân
tộc, và chia sẻ những thao thức cho công cuộc thánh thiện này.
Chúng ta
mắc nợ nhau về Ơn Cứu Độ. Chẳng ai có được mạng sống nếu không liều mất mạng
cho Chúa ( Lc 9, 24 ).
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
Chúa Nhật 23.6.2013
No comments:
Post a Comment