Phúc Âm hôm nay, thật rõ ràng. Đọc
kỹ, từ đầu bài đến cuối trình thuật, người đọc hẳn nhận ra rằng đám đông quần
chúng trong trời đất, vẫn như điên như dại khi nghe Thầy phán bảo sự thật ấy.
Và, quần chúng nhân gian như muốn ném Đấng Cứu Tinh trời đất xuống vực sâu. Ở
triền đồi gần nơi Thầy đứng giảng.
Ngày nay,
mọi việc trong trời đất đã dần dà đổi thay. Thay rất nhiều. Đổi không biết là
bao nhiêu. Nhưng dù có đổi thay, trời đất thực ra nào đã nên tội. Nên tội chăng,
chẳng phải do trời đất, đất đời nên cớ sự. Thời buổi này, đã thấy xuất hiện
nhiều trò thao tác đổi thay, đến kinh hồn bạt vía. Nhiều người trẻ hôm nay,
thích chơi trò nghịch ngợm đến rụng tim. Chỉ để thay đổi. Cả đến các anh hùng
gan dạ, nơi đất trời lồng lộng cứ thích chơi trò nghịch ngợm, chẳng sợ ai. Phần
đông người khác không thể hiểu sao giới trẻ ngày nay thích cột giây vào cổ
chân, nơi mắt cá; để rồi, phóng mình như người rồ dại xuống chân đồi toàn vực
thẳm. Tưởng chừng như họ chỉ muốn tìm đến nơi nguy hiểm, không ai dám.
Dường như
người trẻ hôm nay, vẫn thích trò cá độ đầy thử thách. Thách thức mức bộc phá
xuyên qua lớp sương mù dày đặc, những lo âu. Chừng như, người trẻ những muốn
bứt phá các kỷ lục đã lỗi thời của người xưa: về thành tích gan dạ, ít khi
thấy. Thứ thành tích, cận kề với thần chết chẳng hề nao núng hay lo sợ. Tuổi
trẻ hôm nay là như thế. Ngược lại, những người như ta, dù trẻ hay không, vẫn
chẳng muốn thử lòng gan dạ với anh hùng. Chẳng là đám ngu si bốc đồng dám thách
thức với tử thần, để ra oai. Chọn lập trường nào đi nữa, vẫn phải thừa nhận
rằng những người làm như thế đều muốn chứng tỏ rằng: mình là người anh hùng gan
dạ cũng như ai.
Tuy nhiên, anh hùng gan dạ trong yêu
thương, chính là trọng tâm của các bài đọc hôm nay. Vẫn biết rằng, phần đông
quần chúng khắp nơi chẳng thích nghe, thích tìm về Lời Chúa. Nhưng, Đức Giê-su
vẫn can trường dẫn giải mọi sự cho người anh em mình ngay tại quê hương xứ sở
mình. Thời nào cũng thế, ngay thời ngôn sứ trong Cựu Ước cũng có những vị như tiên
tri Giê-rê-mia dám can trường lặn lội khắp nơi –cả ở quê hương mình- chỉ để
giảng rao lòng yêu thương trìu mến Thiên Chúa muốn có ở trần gian. Bất kể
hiểm nguy hay bách hại xuất phát từ dân gian nơi thôn làng mình từng sống.
Và hôm nay, thánh Phaolô minh chứng
lý do tại sao nhiều vị, bất chấp mọi hiểm nguy, dám hứng chịu muôn vàn khốn
khó, thường thấy có ở nơi dân gian trong trời đất. Cả vào lúc bị coi là ngu si
cuồng nhiệt hoặc có tội với đất trời, các vị vẫn làm vì lòng thương yêu trìu
mến, hết dân gian. “Yêu”, là cụm từ được mọi người sử dụng rộng rãi, nơi đất
trời ngàn năm mây bay này. Ngay đến chuyện vật chất – nhân gian như: cửa nhà cơ
ngơi, vui chơi lễ hội, đua đòi se sua hoặc thi đua sắm sửa, người người vẫn cứ
bảo rằng mình yêu, mình thích. “Yêu”, là ngôn từ được sử dụng bừa bãi, không
còn mang ý nghĩa sâu sắc của lòng thương yêu trìu mến, nơi tín hữu nhà Đạo.
Thánh Phaolô dẫn giải tỉ mỉ trong
bài đọc hôm nay, để mọi người hiểu rằng: yêu thương trìu mến, trước nhất không
là cảm xúc xuất thần rần rần như tiếng phèng la, kêu ra rả. Mà, thánh nhân thừa
hiểu: lòng yêu thương trìu mến nơi tín hữu Đức Kitô là chuyện rất thực. Yêu
thương đích thực phải là, và luôn là, trạng thái của tín hữu Đạo Chúa, dám bảo
rằng mình rất yêu thương mọi người. Đồng thời, cũng chứng tỏ rằng mình yêu
thương thực sự bằng hành động, chứ không
bằng môi miếng, bề ngoài.
Thánh Gio-an tông đồ cũng ghi rõ
trong Tân Ước một quả quyết rất xác thực: “Nếu anh em bảo mình yêu thương trìu
mến Thiên Chúa, mà lại ghét bỏ người hàng
xóm, cận lân, thì chắc chắn anh em chưa thật lòng”. Quả thật, chúng ta có thể
tỏ ra chính thực về lòng thương mến Chúa và người anh em đồng loại, bất cứ khi
nào chúng ta muốn. Nhưng, nếu không chứng minh được điều mình nói bằng cuộc
sống riêng tư, thì có khác nào tiếng chũm choẹ chập choeng, thanh la phèng
phèng.
Không thể nói chuyện lòng vòng quanh
co, khi bàn về lòng yêu thương trìu mến nơi Đạo Chúa. Lòng thương yêu nơi tín
hữu đi Đạo là: ở nơi nào cũng thế, tình yêu đích thực luôn bao gồm sự hy sinh,
rất triệt để. Nhưng vấn đề, là: Làm sao có thể vừa yêu thương lại vừa hy sinh
triệt để như thế được? Và, tại sao phải yêu như thế? Dễ hiểu thôi, yêu như thế
là vì mọi người khác đã từng yêu ta. Mọi người yêu như tình yêu phải có của
người tín hữu Đức Kitô. Tức, những người đã đối xử tử tế, nhân đạo và kiên nhẫn
với ta. Yêu theo kiểu dị kỳ mới lạ, tức tự nguyện chứ không phải bất đắc dĩ, vì
được dạy bảo mà thôi . Tình yêu được dạy bảo là phải yêu cả những người đã ngã
quỵ trong đau thương sầu thảm. Yêu, như tình yêu của người tín hữu Đức Kitô là
yêu thương rất mực. Yêu đến cùng. Yêu không chỉ một chiều, nhưng còn chỉ bảo,
dẫn dắt nhau đi vào tình yêu của cộng đoàn, rất phổ cập. Đó mới là yêu thương
đích thực. Yêu như Đức Kitô yêu Giáo hội. Yêu loài người.
Tình yêu đích thực là tình yêu cao
cả, đầy thử thách được thể hiện khi người khác chứng tỏ đã yêu thương ta mạnh
đủ để nói cho ta nghe những chuyện thật về con người của ta. Và đổi lại, ta
cũng tỏ bày những chuyện thật về mình cho người khác biết. Đấy mới là yêu thương
đích thực. Có yêu như thế, ta mới dám lao mình vào chốn không quen, rất tăm tối
cận kề sự chết. Bởi, một khi đã đồng hành với những người anh em cùng tin vào
Đức Kitô, ta duy trì được niềm hy vọng sâu xa, cả vào những giây phút khó khăn
trong cuộc đời. Cả những lúc rất khó tỏ bày tình yêu thương của mình. Lòng yêu
thương đích thực là yêu mến, có hy sinh. Ta vẫn thường gọi đó là thái độ yêu
thương trìu mến của mọi kẻ tin Chúa, nơi nhà Đạo.
Đức Giê-su chẳng khi nào khẳng định
rằng: yêu thương như thế là chuyện rất dễ làm. Nhưng luôn là việc cần làm. Còn
cần hơn, nếu ta muốn đi cho hết đọan đường của hành trình sống rất tràn đầy.
Đầy yêu thương. Đầy hạnh phúc. Và khi đã hạnh phúc trong yêu thương, ta sẽ thấy
mình không còn đơn độc, lẻ bóng; nhưng có cả binh đoàn gồm những người anh em
rất thân thương, đi bước trước.
Từ tiên tri Giê-rê-mia cho chí Đức
Kitô, từ thánh Phaolô cho đến các thánh tử đạo, các thánh nam nữ và chính gia
đình thân thương của ta, ai cũng biết, mình có thể trấn ngự được nỗi âu lo sợ
sệt vẫn còn đó. Qua niềm tin vào những gì đã ghi chép về đường hướng yêu thương
của người xưa đã thực hiện, hãy công khai tỏ bày lòng quả cảm của ta với hết
mọi người. Cho dù, có cận kề vực thẳm âu sầu đang gần kề với cái chết. Hãy có
những bước nhảy đi vào tương lai mai hậu bằng 3 sợi giây buộc chặt cổ chân,
quanh mắt cá. Một sợi mang tên “Niềm tin”, sợi kia là sự “Hy vọng” và, sợi
chính yếu được viết rõ là “Tình yêu” .
Tham dự tiệc lòng mến hôm nay, ta
cầu mong có nhiều ân sủng để yêu thương hết mọi người như điên như dại, theo
nhãn giới của người đời. Cầu và mong sao ta có được lòng gan dạ quả cảm của
người anh hùng đưa ta đến với tình yêu thương kẻ khác trong hy sinh, và độ
lượng. Cầu và mong sao mọi người biết thương yêu trìu mến, dù cho có cận kề với
cõi chết, chỉ vì yêu. Yêu lẫn nhau. Yêu không ngại ngần.
No comments:
Post a Comment