Trình thuật Mt 2, 1 – 12 là
một câu chuyện được viết theo thể văn midrash
haggada nhằm giải thích các chân lý giúp khám phá mạc khải của Thiên Chúa,
từ đó đưa người ta đến việc ca tụng Thiên Chúa và xây dựng cộng đoàn. Các chi
tiết trong trình thuật có thể mang tính giai thoại, nhưng chân lý mà trình thuật
muốn xác quyết là chân lý cứu độ đích thực.
1. Hài Nhi Giêsu là
Vua Mêsia
a. Hài Nhi Giêsu là Đấng Mêsia mà Israel đang mong đợi từ bao đời
Được sinh ra ở Bêlem, Đức Giêsu đã làm cho ứng nghiệm sấm ngôn cổ xưa: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi
đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt
Ítraen dân Ta sẽ ra đời” ( c. 6 ). Bản văn ngôn sứ được tác giả Mátthêu
trích dẫn ở đây, thực ra, là sự trộn lẫn Mk 5, 2 với 2Sm 5, 2. Hài Nhi Giêsu,
như thế, là Đấng Mêsia nhà Đavít. Người là Thủ Lãnh và Mục Tử của Dân Israel.
Như mục tử chăm lo cho đoàn chiên mình, Người sẽ dẫn họ trên đường ngay nẻo
chính và sẽ chăm sóc họ.
b. Hài Nhi Giêsu là Đức Chúa và là Quân Vương của muôn dân
Các nhà chiêm tinh tìm đến Giêrusalem nhưng không hỏi về một nhân vật tôn
giáo, mà là hỏi về “Đức Vua dân Do Thái” và tìm bái lạy Người. Qua các nhà
chiêm tinh này, dân ngoại đã nhìn nhận Đức Giêsu là Quân Vương phổ quát, cho dù
Người mới chỉ là một hài nhi vừa chào đời. Những sấm ngôn về vương quyền phổ
quát của Đấng Mêsia thời cánh chung, như thế, đã được ứng nghiệm ( x. Is 49, 22;
Tv 72, 10 – 15; Is 60, 6… ). Dân Thiên Chúa mà vị vua mới sinh sẽ là mục tử
chăn dắt, bây giờ bao gồm cả những nhà chiêm tinh hôm nay đến Bêlem để bày tỏ
lòng tôn kính với Người như với vị vua của chính họ. “Bái lạy” ( tiếng Hy Lạp: proskyneô ) là hành động mà người ta thực
hiện trước mặt nhà vua hoặc trước mặt Đức Chúa. Bằng hành vi bái lạy này, các
nhà chiêm tinh đã nhìn nhận Hài Nhi Giêsu là Chúa Tể, là Đức Vua và là Mục Tử của
muôn dân.
2. Những thái độ của
con người đối với Đức Giêsu
Đối diện với Đức Giêsu Kitô – Vua Mêsia, bài Tin Mừng khắc hoạ cho chúng ta
ba thái độ khác nhau: các nhà chiêm tinh nhận biết Đức Vua Mêsia trong hân hoan
và thờ lạy; các thượng tế và kinh sư thì thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm; vua
Hêrôđê lại điên cuồng chống phá và bách hại.
Ba thái độ nói trên, thực ra, không chỉ liên quan đến Hài Nhi Giêsu, mà đó
cũng chính là những thái độ của người ta đối với hoạt động công khai của Đức
Giêsu cũng như đối với lời rao giảng của Hội Thánh sau này về Đức Giêsu và về
Tin Mừng. Hoặc được nhận biết trong vui mừng, hoặc bị thờ ơ coi thường, hoặc bị
chống đối điên cuồng, đó chính là những tình cảnh mà Đức Giêsu và Hội Thánh của
Người phải đối diện luôn luôn.
3. Những chặng đường
của cuộc tìm gặp Đức Giêsu
Con đường tìm gặp Đấng Mêsia của các nhà chiêm tinh cũng chính là con đường
của nhân loại hôm nay, tức là của chính chúng ta.
a. Sự thúc đẩy đầu tiên từ thực tế
Các nhà chiêm tinh ( magoi ) ở đây là những hiền nhân Đông
Phương, thông thạo chiêm tinh và thiên văn. Tại Đông Phương cổ thời, chiêm tinh
và thiên văn là những chuyên môn có từ lâu đời và được trọng dụng. Các nhà
chiêm tinh tin rằng có một sự liên hệ chặt chẽ giữa những gì xảy ra trên bầu trời
với những gì diễn ra trong thế giới con người. Như thế, trong việc nghiên cứu
các hiện tượng thiên văn của mình, họ vẫn đau đáu một mối bận tâm về chuyện của
thế giới và lịch sử nhân loại, tức là về số phận của nhân loại. Bỏ qua yếu tố
mê tín dị đoan, ta có thể thấy các nhà chiêm tinh ở đây có một tâm trạng ưu thời
mẫn thế. Rõ ràng, họ tìm gặp Đức Giêsu bắt đầu từ một tâm thế đặc biệt ưu tư về
lịch sử, về hướng đi của lịch sử, về số phận của nhân loại…
Trong lãnh vực chuyên môn của
mình, các nhà chiêm tinh đã nhận ra được một thông tin cho biết Đấng Mêsia của
người Do Thái đã được sinh ra, và họ được thúc đẩy lên đường tìm kiếm Người.
Như thế, nhờ ưu thời mẫn thế
và chuyên tâm nghiên cứu, các nhà chiêm tinh đã nhận được một sự thúc đẩy từ
bên trong. Và chắc chắn đó phải là sự thúc đẩy rất mạnh mẽ: những gì diễn ra
sau này cho chúng ta thấy rõ như thế.
Và họ đã lên đường. Trong một
nỗ lực tìm kiếm mơ hồ và mò mẫm.
b. Một chỉ dẫn rõ ràng nhờ
Kinh Thánh
Sau một cuộc hành trình
dài, các nhà chiêm tinh đến Giêrusalem, và ở đó họ nhận được một chỉ dẫn rõ
ràng, nhờ lời Kinh Thánh do các chuyên viên Kinh Thánh nói cho họ nghe.
Thiên Chúa đã có thể đưa
các nhà chiêm tinh đi thẳng đến Bêlem, nhưng Người lại đã dẫn các ông đến
Giêrusalem. Tại sao ? Có lẽ vì Người muốn tỏ ra trung thành với lời Người đã hứa
( rằng ơn cứu độ được ban cho tất cả mọi người, nhưng là qua trung gian người
Do Thái, x. Rm 9, 10.11 ), và có lẽ vì Người muốn chúng ta gặp được mạc khải của
Người trong Kinh Thánh, tức là trong Lời Chúa. Học hỏi và suy niệm Lời Chúa, do
vậy, là bước vô cùng quan trọng để tìm gặp Đức Giêsu.
c. Một ánh sáng mới do Thiên
Chúa ban
“Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên
chúng tôi đến bái lạy Người” ( c. 2 ). “Bấy
giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi
ở, mới dừng lại” ( c. 9b ). Ngôi sao ấy biểu trưng cho ánh sáng, ân sủng và
tác động của Thiên Chúa trong tâm trí con người và hướng dẫn họ tìm đến Đức
Kitô.
Chúng ta có thể thấy ngôi
sao dẫn đường trong Giáo Lý và trong các Bí Tích của Hội Thánh, trong các dấu
chỉ thời đại, trong các lời khuyên dạy tốt lành… Nói cách khác, trong cuộc đời
của chúng ta, có những ân sủng Thiên Chúa ban để hướng chúng ta tìm gặp Đức
Giêsu. Vấn đề là chúng ta có để cho ân sủng đó dẫn mình đến nơi hay không.
d. Một lòng tin mạnh mẽ, đơn
sơ và thuần khiết
“Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy
Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” ( c.
11 ).
Sau một hành trình dài và vất
vả, điều mà các nhà chiêm tinh được nhìn thấy lại hết sức đơn giản: một trẻ sơ
sinh không có chút gì là huy hoàng hay quyền lực. Hài Nhi ấy không cất lời nói
với họ điều gì, cũng chẳng có gì để ban thưởng cho họ sau tất cả những gì họ đã
trải qua. Họ không thấy Người huy hoàng oai phong, cũng chẳng được trải nghiệm
quyền uy của Người. Họ chỉ nhận biết Người bằng lòng tin mà thôi. Vì thế, đó hẳn
nhiên phải là một lòng tin hết sức mạnh mẽ, hết sức đơn sơ và rất mực thuần khiết.
Thực ra, lòng tin ấy chính là yếu tố không thể thiếu được để người ta dần dần
đi đến chỗ hoàn toàn nhận biết Đức Giêsu và quyền năng của Người.
Tuy không thấy uy quyền hay
vinh quang của Hài Nhi Giêsu, nhưng các nhà chiêm tinh đã sấp mình bái lạy Người,
tức là nhìn nhận Người là Chúa Tể, là Đức Vua và là Mục Tử của muôn dân. Lòng
tin đã đưa họ đến một sự hiểu biết khác hẳn về thực tại đơn sơ mà họ đang thấy
trước mắt. “Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng,
nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”. Truyền thống Giáo Phụ giải thích: dâng
vàng là có ý tuyên xưng Hài Nhi Giêsu là Vua, dâng nhũ hương là có ý tế nhận
Người là Thiên Chúa và dâng mộc dược là có ý diễn tả nhân tính để chịu đau khổ
của Người.
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT
No comments:
Post a Comment