Wednesday, 30 January 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: Ứng dụng Lời Kinh Thánh



ỨNG NGHIỆM LỜI KINH THÁNH

Đức Giêsu trở về miền Galilê ( cc. 14 – 15 ). Thánh Luca viết phần này như một bản tóm tắt các hoạt động của Đức Giêsu tại Galilê.
Từ Giorđan, qua hoang địa, Đức Giêsu trở về Galilê với tràn đầy quyền năng Thánh Thần. Đó là nơi Đức Giêsu đã sống suốt thời niên thiếu. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Người trở về Galilê, theo Tin Mừng theo Thánh Luca. Đây là lần thứ hai. Lần thứ nhất xảy ra khi Người lên 12 tuổi, sau kỳ lễ tại Giêrusalem. Khi ấy, “Người đi xuống cùng cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” ( 2, 51 ). Còn bây giờ, Người trở về Galilê dưới sự thúc đẩy của Thần Khí, trong tư cách Mêsia – Ngôn Sứ, và để bắt đầu sứ mạng công bố Tin Mừng của Người. Điểm đặc biệt của cuộc trở về lần này, như thế, là do Thần Khí, Đấng đang ngự trên Người. Sự khởi đầu sứ vụ công bố Tin Mừng của Đức Giêsu được đặt trong tương quan mật thiết và trực tiếp với cuộc xức dầu Thánh Thần trong biến cố Người lãnh nhận phép rửa và cuộc thần hiện sau đó. Chính dưới sự thúc đẩy của Thần Khí mà Đức Giêsu đã bắt đầu thi hành sứ vụ của Người. Người sẽ hoàn thành sứ vụ ấy trong sức mạnh của Thần Khí.
Vừa sau khi kể về cuộc trở lại Galilê của Đức Giêsu, tác giả Tin Mừng đã khẳng định: “và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận”. Thực ra, cho đến lúc này, Đức Giêsu chưa thực hiện bất cứ hoạt động công khai nào. Vậy tiếng đồn ( phêmê ) này liên quan đến điều gì ? Phải chăng đó là tiếng đồn về những gì đã xảy đến trong biến cố Người được xức dầu trong khi cầu nguyện sau khi nhận phép rửa ? Có thể là như thế. Nhưng cũng có thể hiểu đây là tiếng đồn ( sau này ) về những gì Người thực hiện trong cuộc đời hoạt động công khai, nhưng được tác giả Luca nói trước trong bản tóm lược hoạt động của Đức Giêsu tại Galilê này.
Về hoạt động của Đức Giêsu tại Galilê, tác giả Luca nhấn mạnh việc Người giảng dạy trong các hội đường của người Do Thái ( c. 15a ). Thực ra, hoạt động của Đức Giêsu nhắm đến toàn dân. Nhưng ở đây, tác giả Tin Mừng nhấn mạnh yếu tố “trong các hội đường của họ”. Phải chăng ông muốn trình bày Đức Giêsu như một rabbi hoạt động trong hệ thống tôn giáo của thời đại mình ? Hay Thánh Luca muốn tránh cho người đọc ấn tượng về một nhà giảng thuyết “lang thang” như nhiều triết gia thời ấy ? Hay ông muốn nhấn mạnh rằng thực tại mới mẻ mà Đức Giêsu mang đến không hề đoạn tuyệt với thực tại tôn giáo Israel ? Dù sao đi nữa, cách thức hoạt động đó của Đức Giêsu sẽ được Thánh Phaolô trung thành áp dụng sau này.
Tác giả Luca không nói gì về nội dung lời giảng dạy của Đức Giêsu tại Galilê. Có lẽ ông muốn dành điều đó cho trình thuật về cuộc giảng dạy đầu tiên của Người tại Nadarét. Nhưng ông cẩn thận ghi nhận rằng Đức Giêsu “được mọi người tôn vinh” ( c. 15b ). Đức Giêsu thành công bước đầu trong việc thực hiện sứ mạng rao giảng tại Galilê, và tác giả Tin Mừng ghi nhận điều đó một cách ngắn gọn. Đáng chú ý là ông dùng một từ thường chỉ sử dụng cho Thiên Chúa: “tôn vinh” ( x. 7, 16 ).
Sau phần tóm tắt ( cc. 14 - 15 ), tác giả Luca kể lại hoạt động giảng dạy đầu tiên của Đức Giêsu, diễn ra tại Nadarét. Đó “là nơi Người đã được dưỡng dục”, nên cư dân ở đó sẽ là những chứng nhân đầu tiên của lời Người giảng dạy, và phản ứng của họ sẽ phần nào là hình ảnh của phản ứng của Israel đối với hoạt động của Đức Giêsu.
Đến Nadarét, “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm”. Thói quen này của Đức Giêsu, như thế, có từ thời niên thiếu. Lòng tin Kitô giáo rõ ràng không phải là sự đoạn tuyệt, song là sự trưởng thành hoàn bị của đời sống tôn giáo đích thực trong Israel.
Nhưng bắt đầu từ hôm nay, sẽ có một điểm mới so với tất cả những lần Đức Giêsu lui tới hội đường trước kia. Điểm mới mẻ này sẽ xảy đến khi Người đứng lên đọc đọc Sách Thánh và mở lời giảng dạy.
Tác giả Luca không kể lại chi tiết những nghi lễ diễn ra trong hội đường vào ngày sabát ấy. Ông lược bỏ mọi chi tiết có thể làm cho người đọc mất tập trung vào điểm chính yếu. Trung tâm của trình thuật ở cc. 16 – 21, thực ra, là lời trích Ngôn Sứ Isaia và lời khẳng định của Đức Giêsu về sự ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Cấu trúc của trình thuật mang tính quy tâm:
 ( a ) Người đứng lên
( b ) Người nhận sách
( c ) Người mở sách ra
( d ) lời trích Ngôn Sứ Isaia
( c’ ) Người cuộn sách lại
( b’ ) Người trả sách
( a’ ) Người ngồi xuống.
Điều đáng chú ý nữa là Thánh Luca không hề nói cách tường minh rằng Đức Giêsu đọc sách. Ông cố ý làm thế có lẽ bởi vì ông không muốn người đọc chú tâm vào sự kiện Đức Giêsu đọc bản văn, mà chỉ chú tâm vào lời giảng của Người sau đó.
Bản văn Ngôn Sứ Isaia được ghi lại ở cc. 18 – 19 thực ra là sự trộn lẫn hai bản văn của Isaia trong bản LXX ( Is 61, 1 – 2; 58, 6; 61, 2a ). Tác giả Luca cố ý nhấn mạnh những điểm chính yếu trong sứ mạng công bố Tin Mừng của Đức Giêsu khi ông đặt bản văn ngôn sứ này vào trong cuộc khởi đầu sứ mạng ấy:
- Việc nhắc đến vai trò của Thần Khí gợi ý trực tiếp đến biến cố xảy ra sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa: Người được xức dầu Thánh Thần và được thánh hiến cho sứ mạng Mêsia. Hơn nữa, điều đó còn cho chúng ta một yếu tố có tính quyết định trong việc giải thích hoạt động của Đức Giêsu: tất cả hoạt động của Đức Giêsu đều được đặt dưới dấu ấn Thần Khí đã được tỏ hiện trong biến cố tại Giorđan. Cũng chính Thần Khí sẽ thúc đẩy Hội Thánh công bố Tin Mừng cho thế giới.
- Điểm chính yếu trong sứ điệp Tin Mừng mà Đức Giêsu công bố là ơn giải thoát toàn diện. Đó cũng sẽ là điểm chính yếu trong sứ điệp của Hội Thánh.
- Giá trị của lời công bố được đề cao. Tác giả Luca không phủ nhận sự kiện Đức Giêsu làm phép lạ, nhưng ông muốn nhấn mạnh ở đây trên lời loan báo và công bố Tin Mừng. Đức Giêsu hoạt động trước hết qua lời của Người để thay đổi con tim người ta. Tất nhiên đó cũng sẽ là thực tế của Hội Thánh sau này: Hội Thánh công bố lời, và qua kerygma mà ơn cứu độ được hiện tại hoá trong thế gian.
- Đối tượng ưu tiên của lời loan báo Tin Mừng là những người nghèo. Chính cho họ trước hết mà Đức Giêsu công bố tin Mừng của Thiên Chúa.
- Tác giả Luca cố ý cắt bỏ câu “ngày báo phục của Thiên Chúa” trong Is 61, 2b. Ơn cứu độ mà Đức Giêsu công bố là ơn cứu độ phổ quát chứ không phải là một cuộc phán xét kinh hoàng trong đó Thiên Chúa an ủi những người Israel bằng cách trừng phạt dân ngoại. Như thế, năm hồng ân được công bố cho mọi người. Có hai cách dịch chữ đêktôs ở đây:
+ hiểu theo nghĩa hoạt động, phải dịch là hồng ân, cứu độ, phúc lộc: “năm hồng ân / năm cứu độ”, trong đó Đức Chúa thực hiện ơn cứu độ của Người;
+ hiểu như một tính từ, phải dịch là được thương nhận, tức là “một năm được Đức Chúa thương nhận”, trong đó, Đức Chúa thương nhận con người, tỏ lòng ưu ái đối với con người.
Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” ( cc. 20 – 21 ). Đức Giêsu không bình luận hay giải nghĩa lời ngôn sứ Isaia vừa được trích dẫn. Người xác nhận và thực hiện lời ấy. “Hôm nay” ( semêrôn ) khai mở “năm hồng ân / năm được thương nhận”, tức là khai mở thời gian cứu độ. Lời công bố này của Đức Giêsu cũng một trật là sự thực hiện của Người, tức là một rhema, một lời – biến cố, không chỉ là một diễn văn hay một thông báo.
Sự ứng nghiệm / thực hiện / hoàn thành ở đây có thể hiểu theo 3 nghĩa: sự thực hiện một lời hứa, sự ứng nghiệm một lời tiên báo và sự hoàn thành một chương trình đang được thực hiện. Lời Kinh Thánh ( Cựu Ước ) là lời tiên báo cần được ứng nghiệm, là lời hứa cần được thực thi và là tiến trình cần được hoàn thành. Đức Giêsu công bố rằng hôm nay, nơi Người, đã xảy đến sự ứng nghiệm – thực hiện – hoàn thành đó.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

No comments: