Saturday 26 January 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: ĐANG KHI ĐỨC GIÊSU CẦU NGUYỆN THÌ TRỜI MỞ RA




Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”.
Trong tất cả truyền thống Tin Mừng, trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa luôn được đặt ở đầu sứ vụ công khai của Người, và luôn được gắn với một cuộc thần hiện và một lời tuyên bố rất sâu sắc và phong phú về ý nghĩa.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về cuộc thần hiện và nhất là về ý nghĩa của lời tuyên bố trong cuộc thần hiện ấy. Cách hiểu về cuộc thần hiện ở đây như là một cuộc hiển lộ của Ba Ngôi Cực Thánh ( tiếng của Chúa Cha, hình dáng bồ câu của Chúa Thánh Thần và sự hiện diện của Chúa Con ) là một cách giải thích muộn thời. Về ý nghĩa của lời tuyên phán từ trời, có nhiều cách giải thích: như lời diễn tả ơn gọi ngôn sứ, như lời tôn phong Mêsia Vua, như lời khẳng định về tư cách Con Thiên Chúa, hay như lời diễn tả về vai trò Tôi Trung của YHWH. Nhưng điều quan trọng ở đây là lời giải thích của tác giả Luca về biến cố mà ông tường thuật cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa”. So với trình thuật Mc 1, 9 ta thấy tác giả Luca đã giản lược những chi tiết của sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa và thêm vào một điều quan trọng: Chúa Giêsu cầu nguyện sau khi chịu phép rửa.
Đức Giêsu chịu phép rửa như “toàn dân”. Ngài đi lẫn trong đám đông một cách vô danh. Ngài ở giữa dãy dài những con người nam nữ bình thường đang đợi đến lượt mình nhận phép rửa. Ngài không đứng từ trên cao phán xét những con người đáng thương, nhưng liên đới với hàng ngũ những con người yếu đuối đang khao khát đổi mới tâm linh để đón nhận sự can thiệp cứu độ của chính Thiên Chúa.
Thực ra, có vẻ Thánh Luca không chú trọng đến ý nghĩa tôn giáo của sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa chung với đám đông dân chúng. Ông trình bày phép rửa này như một sự kiện chuyển tiếp, đi từ sự chờ đợi đến một thực tại mới mẻ. Thực tại mới mẻ ấy sẽ xảy đến với việc Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu mà toàn dân vừa được ông Gioan thanh tẩy sẽ là chứng nhân.
“Rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”.
Trong Luca, hành vi đầu tiên đánh dấu đời sống công khai của Đức Giêsu là cầu nguyện. Lần đầu tiên tác giả nói đến việc Đức Giêsu bước vào sứ vụ công khai, ông mô tả Ngài trong trạng thái “đang cầu nguyện”. Đây là việc đầu tiên Đức Giêsu làm trong Luca với tư cách một con người trưởng thành. Sau này, trong những giai đoạn quan trọng của sứ vụ, Đức Giêsu cũng sẽ cầu nguyện rất nhiều: Lc 5, 16; 6, 12; 9, 18.28.29; 11, 1; 22, 41; 23, 46.
Chính vào lúc Đức Giêsu đang cầu nguyện sau khi đã chịu phép rửa thì trời mở ra. Rõ ràng tác giả Luca không gắn cuộc thần hiện vào với việc Đức Giêsu chịu phép rửa mà là vào với việc Đức Giêsu cầu nguyện.
Thánh Marcô miêu tả “trời xé ra” ( Mc 1, 10 ), một lối nói đậm tính khải huyền, nhấn mạnh sự giao tiếp đã được tái lập giữa Trời và đất sau một thời gian dài thinh lặng ( Is 63, 19 ): “Từ lâu rồi, chúng con là những kẻ không còn được Ngài cai trị, không còn được cầu khẩn danh Ngài. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan”; xem thêm Ed 1, 1; Kh 4, 1; 19, 11 ). Thánh Luca thì chỉ ghi: “trời mở ra”. Đối với tác giả Luca, sự kiện đó chỉ đơn giản có giá trị dẫn vào cuộc thần hiện: Thánh Thần ngự xuống và có lời tuyên phán từ trời.
 Thánh Thần ngự xuống trên Người”. Điểm căn bản đầu tiên của cuộc thần hiện trong Luca là việc Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu ( chứ không phải là ngự xuống trong Người ). Sự kiện Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu cho thấy: Thánh Thần không được giới thiệu ở đây như là Đấng làm nên một thực tại gì đó bên trong Đức Giêsu, hay là làm thay đổi chính bản thân Đức Giêsu. Giới từ trên này hướng cái nhìn của chúng ta về ý tưởng một cuộc xức dầu đặt làm ngôn sứ và Mêsia.
Cuộc xức dầu này được thực hiện công khai; và như thế, Đấng đã thành thai trong lòng Đức Maria bởi quyền năng Thánh Thần bây giờ được xức dầu tấn phong làm Mêsia một cách công cộng, trước mặt toàn dân vừa được Gioan làm phép rửa, và Thánh Thần hiện diện trong một thể thức thấy được ( “dưới hình dáng chim bồ câu” ).
Sự kiện Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu ở đây sẽ không phải là một sự kiện nhất thời và tạm bợ, như đã xảy ra với bà Êlisabét, ông Dacaria hay ông Simêon. Thánh Thần sẽ ở cùng Đức Giêsu trong suốt cuộc đời của Người. Với Thánh Thần, Đức Giêsu sẽ chiến thắng các cơn cám dỗ ( 4, 1 tt ), sẽ thực hiện các công trình của Người ( 4, 18 ).
Điểm quan trọng thứ hai của cuộc thần hiện: “Và có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”. Cho đến thời điểm ấy, Thiên Chúa đã gửi đến trần gian các đầy tớ của Người, tức là các ngôn sứ. Nhưng bây giờ, Người gửi đến Con yêu dấu của Người, và sau đó sẽ không còn ai khác nữa ( x. 20, 13 ). Chính Đức Giêsu sẽ nói về mình: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” ( 10, 22 ).
Một cách công khai, trước mặt toàn dân vừa chịu phép rửa của ông Gioan, Đức Giêsu được công bố là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Như thế, ngay tại điểm khởi đầu sứ mạng của Người, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa giới thiệu với toàn dân như là Chúa Con, Đấng luôn làm hài lòng Chúa Cha. Đó là lời xác nhận của chính Thiên Chúa về thực tại đã được thiên sứ Gabriel nói với Đức Maria ( 1, 32.35 ) và là sự thực hiện những sấm ngôn của ông Dacaria ( 1, 67tt ) và ông Simêon ( 2, 29tt ). Khuôn mặt “Đấng quyền thế hơn” trong lời tuyên bố của ông Gioan ( Lc 3, 16 ) đã trở nên cụ thể, và căn tính sâu xa của Người đã được mạc khải một cách rõ ràng.
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

No comments: