Friday, 11 January 2013

Lm Frank Doyle sj: “Tội nghiệp chúng ta những người thành phố”



Suy niệm Lễ Chúa chịu phép rửa Năm C

“Tội nghiệp chúng ta những người thành phố”
Những ai ngổn ngang quá khứ của mình
Những ai đang cố tẩy rửa “lý lịch đen”
Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật.”
(thơ Đỗ Trung Quân)
Lc 3: 15-16, 21-22
            Người thành phố, hôm xưa tẩy rửa lý lịch đen, để tìm chỗ. Người nhà Đạo, hôm nay cũng rửa tẩy tâm hồn, như Đức Kitô để thánh Gioan thực hiện, như trình thuật từng đã ghi?
            Trình thuật thánh Luca nay ghi lại một loạt các sự kiện lịch sử thánh, Chúa bày tỏ. Ngài tỏ bày trước nhất sự kiện Giáng hạ có một không hai, Chúa ở cùng. Cùng người tội lỗi, đớn hèn, “lý lịch đen”. Bần cùng. Cô phụ. Thấp kém. Tiếp đến, Ngài tỏ bày bằng Lễ Hiển Linh cho người ngoài Đạo. Ngoài luồng. Cùng đạo sĩ. Tỏ bày ngày hôm nay, Thiên Chúa hiện diện nơi Đức Kitô. Hoạt động trong Ngài và qua Ngài, như các thánh sử từng ghi chép.
            Nhìn Chúa chấp nhận để cho thánh Gioan thanh tẩy, hẳn có người sẽ bảo: cần tẩy rửa, chỉ đám bần hàn lỗi phạm, nào phải Chúa? Hơn nữa, ta vẫn khẳng định: Chúa mặc lấy xác phàm làm người, mọi sự giống như ta, trừ tội lỗi. Đã vô tội, lại không lỗi, sao Chúa vẫn để cho rửa? Lại nữa, chính thánh Gioan từng xác quyết: “Có Đấng mạnh hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài. Ngài sẽ làm phép rửa cho anh em, trong Thánh thần, và Lửa.” (Lc 3: 16)
            Có hai chi tiết cần chú tâm hầu trả lời cho thắc mắc, nêu trên. Khi chấp nhận để cho Gioan thanh tẩy, Chúa tỏ cho thấy Ngài kết hợp trọn vẹn với con người. Thánh sử Gioan, viết: “Lời đã nhập xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1: 1). Thánh sử không viết: ngôi Lời đã thành người. Nhưng bảo: “Ngài đã nhập xác phàm”. Theo ngôn ngữ Kinh Sách, cụm từ “xác phàm” mang nghĩa hèn kém. Tồi tệ. Giống người phàm. Như ta. Nghĩa là, Chúa cũng có cảm xúc. Phản ứng. Quyết tâm. Như ta. Nhưng, Ngài khác ở chỗ: không phạm lỗi. Chẳng làm điều sằng bậy. Sai trái. Chính vì thế, nhóm Pharisêu trách cứ Ngài vẫn đồng bàn, ăn uống với kẻ yếu hèn. Tội lỗi.     
            Dù mang tư cách của Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa, Ngài không đòi dấu hiệu ngoại hình cần ưu ái. Phân biệt. Đa phần vào mọi lúc, mọi người nhìn Ngài như bất cứ mọi người. Không bon chen. Tị nạnh. Làm phách. Chả thế mà, khi đến hội đường mà nguyện cầu, hàng xóm lân cận cứ ngỡ ngàng, chẳng hiểu được sự việc đang diễn tiến. Nói cách khác, những ai từng sống bên cạnh Ngài ở quê nhà nhiều năm nhiều tháng, vẫn không nhận ra được bản vị riêng tư, con người của Ngài.
            Thứ đến, có điều khác biệt đang xảy đến vượt quá một tẩy rửa bình thường. Như thánh sử Luca viết: “Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, đang khi Ngài nguyện cầu” (Lc 3: 21). Vào những lúc quan trọng trong cuộc đời công khai hoạt động của Đức Giêsu, thánh sử Luca đều trưng dẫn sự việc Chúa “đang nguyện cầu”. Và, đó là lúc “Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài theo hình dạng chim bồ câu.” Lại có tiếng của Cha, từ trời phán: “Con là Con Cha. Nay, Cha sinh ra Con.”(Lc 3: 22)
            Theo cung cách người phàm, đây là hành vi xác nhận việc “uỷ thác” Đức Giêsu đến với mọi người. Có thể gọi đó là một kinh nghiệm từng trải về “Lễ Ngũ Tuần”. Một Lễ hội, qua đó Thiên Chúa là Cha ủng hộ/tiếp sức cho Con Ngài là Đức Kitô khởi đầu sứ vụ cứu nhân độ thế, rất chính thức.
            Thành thử, ngang qua thanh tẩy, Đức Giêsu đã chính thức nhận “Bài Sai” ra đi thực hiện sứ vụ Cha Ngài uỷ thác mà giáo huấn, chữa lành và giải thoát các tâm hồn vẫn còn làm thân nô lệ tội lỗi. Xác phàm. Nhục thể. “Bài sai” Ngài lĩnh nhận, diễn tiến đến cao điểm vào lúc thống khổ. Chết nhục. Và Phục sinh, quang vinh.
            “Bài sai” Chúa lĩnh nhận, được diễn tả bằng ảnh hình gói ghém ở bài đọc 1, ở sách Isaya và bài đọc 2, ở thư thánh Phaolô gửi Titô. Tiên tri Isaya quả quyết “Mọi thung lũng được lấp đầy. Núi đồi được bạt xuống. Nơi lồi lõm hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề thành đất phẳng phiu.” Và, Chúa đến qua Bản vị Đức Giêsu, khi ấy “Ngài chăn dắt đoàn chiên, như mục tử. Ngài tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Ngài ấp ủ trong lòng. Bầy chiên mẹ, Ngài tận tình dẫn dắt.” (Is 40: 10-11).
            Bài đọc 2, thánh Phaolô nói: “Chúa đến đem ân sủng cứu độ cho mọi người. Ân sủng dạy ta từ bỏ lối sống vô luân, những đam mê trần tục.” Và, có như thế ơn thanh tẩy của chúng ta mới nối kết với phép rửa của Đức Giêsu. Bởi, “khi Đức Kitô là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu độ ta xuất hiện, Ngài cứu vớt ta. Cứu vớt, không vì ta tự sức mình làm nên, nhưng vì Ngài thương xót. Và, Ngài cứu ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần để ta được tái sinh và đổi mới.” (Tt 2: 5-6) Xem như thế, Ngôi Lời-mặc-xác-phàm đã giải thoát ta khỏi cảnh suy đồi. Sa ngã. Rất phạm lỗi.
            Ngày Chúa nhận thanh tẩy, Thánh Thần ngự xuống trên Ngài. Ngự xuống, không phải cho riêng mình Ngài. Nhưng, để rồi Ngài đem “công chính đích thực” đến với mọi người. Một xã hội công chính.Ở nơi đó, mọi người đều có những gì mình cần. Ở chốn ấy, phẩm cách của họ được thượng tôn. Công nhận. Và, người người được sống trong tương quan đúng đắn. Xứng hợp. Tương quan, sống với nhau. Với Chúa. Trong yêu thương. Lành thánh. Dễ chịu.
            Cùng với thánh Luca, thánh sử Mát-thêu cũng áp dụng lời tiên tri Isaya vào Tin Mừng, thánh nhân viết: “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.” (Mt 12: 19-20).
            Ở đây nữa, bằng vào những hình ảnh thật thơ mộng, đầy thương xót, thánh nhân diễn tả tâm tình của Đức Giêsu đón chào người tội lỗi. Ngồi cùng bàn với họ. Hoặc, như ảnh hình của vị Mục tử dám bỏ 99 chiên lành một chỗ, chỉ để ra đi tìm chú chiên lạc. Chân phương. Bé nhỏ. Để đem về.
            Cũng trong tình huống áp dụng lời lẽ của tiên tri Isaya, để diễn tả tâm tình Đức Giêsu khi lĩnh nhận phép rửa, thánh sử Mát-thêu, ghi tiếp:Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.” (Mt 12: 20-21)
            Tâm tình của Đức Giêsu khi nhận lãnh thanh tẩy, là tâm tình bất chấp mọi đối kháng. Chối bỏ. Và, thù địch từ bất cứ nơi đâu, ngài vẫn kiên trì đến cùng đích. Quả thật là thế. Cả vào lúc, chừng như Ngài bị huỷ hoại và tận cùng bằng cái chết khổ nhục, Ngài vẫn nối kết hài hoà cả triệu triệu người, thuộc mọi thế kỷ. Công cuộc cứu độ của Ngài đã giải thoát hết mọi người chúng ta. Đưa ta về chốn tự do, con cái Chúa. Đó chính là ý nghĩa đích thực của sự kiện “Chúa chịu thanh tẩy”. Bởi Thánh Thần. Đó, là “bài sai” Cha uỷ thác. Riêng cho Chúa.
            Cử hành tiệc thánh mừng Chúa chịu thanh tẩy, nay còn là cơ hội để ta suy tư về chính ơn thanh tẩy, ta lĩnh nhận. Đây không là nghi thức công nhận ta thành người theo Chúa. Công giáo. Hoặc, Chính thống. Tin Lành. Anh giáo. Cũng không là tiệc tùng với lễ lạy kéo dài dăm phút, với những cử chỉ, động tác rất phù thuỷ. Nhưng, là khởi đầu một hành trình trải dài trong cuộc sống. Hành trình tăng trưởng và lớn lên trong Thân Mình của Đức Chúa. Qua tư cách thành viên.
            Ơn thanh tẩy của ta, chính là kinh nghiệm của đời sống cộng đoàn. Không chỉ là đời sống tư riêng. Sự kiện của gia đình, dù rất giống. Thanh tẩy, như “bài sai” dẫn ta tham gia vào cuộc sống của Hội thánh. Tham gia, không như động thái thụ động. Miễn cưỡng. Bó buộc. Mà, như ngôn từ của vị tổng thống nọ, từng nói: “Hãy chớ hỏi Hội thánh làm được gì cho ta, nhưng ta làm gì được cho Hội thánh.” (John F. Kennedy).
            Nhận thanh tẩy, mỗi người trong ta đều là chứng nhân sống động cho Tin Mừng. Là, muối cho thế gian. Là, phố xá trên đồi cao. Là, ánh ban mai toả khắp chốn. Cho mọi người. Thanh tẩy, là lời mời không kết đoạn. Mời gọi ta dấn bước theo chân Chúa. Mỗi ý mỗi lời của tiên tri Isaya đều áp dụng cho mỗi người. Những người từng lĩnh nhận ơn thanh tẩy. Như Đức Chúa.
            Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu mong sao có được quyết tâm làm mới niềm tin ta vẫn giữ. Làm mới quyết tâm theo chân Chúa. Theo Chúa, để thực hiện “bài sai” Ngài gửi đến. Theo Ngài, để hợp tác với Chúa. Với mọi người. Trong công trình dựng xây Hội thánh. Dựng và xây cộng đoàn tình thương Nước Trời, vẫn diễn ra ở đây. Bây giờ.
            Trong nhận thức như thế, hãy cất lên lời ca mà hát xướng, dù lời ca có buồn bã, như sau:

             “Chiều chiều ngùi trông xa khơi mờ sóng
Từng đàn chim bay trong ánh hoàng hôn
Chơi vơi hồn ai tới chốn xa xôi!
Khuất bóng Kim-Ô chiều tàn lâm ly mây trời bao la.”(Lâm Tuyền - Khúc Nhạc Ly Hương)

            Ra đi, không mang tâm trạng ly hương/chiều tàn, nghệ sĩ hát. Nhưng, vẫn hiên ngang hùng dũng, với khí thế của người nhận “bài sai” thanh tẩy. Nhận, để lập hành trình đi vào cuộc sống yêu thương, có Hội thánh. Có cộng đoàn Nước Trời cùng đi. Cùng sống với ta. Trong cuộc đời.

No comments: