Thursday 7 December 2017

Lm Joe Mai Văn Thịnh DCCT : CHÚA DỌN ĐUỜNG CHO TA.



Song song với sự phát triển kinh tế của một thành phố, người ta phải kể đến việc xây dựng và mở rông các phương tiện giao thông như đuờng sá, cầu bè… Để đạt được mục tiêu này, trong một nước dân chủ thì dân chúng trong vùng bị ảnh hưởng sẽ được hỏi ý kiến và ý kiến của họ là tiếng nói thật quan trọng mà chính phủ cần lắng nghe trước khi thực hiện dự án. Và nếu các dự án xây dựng gây thiệt hại cho ai thì chính phủ sẽ đền bù cân xứng cho họ. 

Tuy dân chúng không mấy hài lòng về dự án của chính phủ đề xuất ra, nhưng họ vẫn phải hy sinh cho một lợi ích chung. Bởi vì, các phương tiện giao thông đuợc mở rộng giúp con người dễ dàng đi đến với nhau, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa mau chóng hơn và từ đó dân chúng sẽ đuợc hưởng những lợi ích do việc phát triển hầu cuộc sống của họ sẽ sung túc và thoải mái hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lưu ý rằng đuờng sá càng mở rộng thì cạm bẫy càng nhiều, và nếu đã gây ra tai nạn thì xác xuất bị tử vong cũng cao hơn bình thường. Vì thế, cần coi chừng và giữ một tốc độ an toàn trên đuờng là việc cần thiết.

Dĩ nhiên khi nói đến con đường thì không phải chỉ có các con đường vật chất bằng đất, nhựa, xi măng hay bê tông cốt sắt; hoặc cũng không chỉ là những con đường trên mặt đất, trên sông biển, trên không trung… Còn có những con đường quan trọng hơn như con đường tình, con đường thiêng liêng. Và, nói chung nếu muốn đạt đến đích thì chúng ta cần vượt qua những trở ngại và gian nan khi gặp trên đuờng. Thực tế chỉ cho chúng ta thấy rằng đường đời có những chỗ quẹo, khúc quanh bất ngờ mà ít ai trong chúng ta lại mong muốn nó xẩy đến. Đó có thể là những thất bại trong công việc làm ăn, con cái tự nhiên nổi chứng: đứa này hư, đứa kia nghiện, đứa khác bỏ học hoặc sự phản bội của người thân hay người thân bị mang chứng bịnh hiểm nghèo, v.v… 

Những trắc trở này có thể xẩy ra trong thời gian ngắn, có lúc kéo dài khiến con người mất kiên nhẫn và ảnh hưởng đến niềm tin và sức sống của chúng ta. Dĩ nhiên, đối diện và tìm những phuơng thể để san cho bằng những chỗ gồ ghề đó không phải là viêc dễ dàng. Dựa vào kinh nghiệm sống, chúng ta đều nhận ra rằng, dù con người có cố gắng đến đâu thì việc đạt đến đích điểm hoàn toàn không dựa vào sức lực của bản thân mà thôi. Duới cái nhìn của người có niềm tin, chúng ta đều có thể khẳng định rằng nếu không có việc quan phòng, trợ giúp và yêu thương của Thiên Chúa thì cho dù có vất vả cũng là uổng công!

Trong chiều hướng đó, chúng ta cùng ôn lại việc Thiên Chúa can thiệp và giúp cho dân mà Ngài đã tuyển chọn. Vì, khi nhìn lại con đường dân Do Thái đã đi khi xưa cũng giúp cho chúng ta nhìn lại con đuờng của mỗi người, rồi tìm ra những bài học cho cuộc sống. Khi tiến về đất Chúa hứa, dân Do Thái dòng dã 40 năm trường trong hoang địa; họ gặp rất nhiều khó khăn: lúc thiếu nuớc uống, khi khác thiếu ăn, lại còn phải chiến đấu với quân thù… 

Rồi thời gian ổn định cũng chẳng bao lâu, họ đã trải qua nhiều gian khổ khác như bị bắt làm nô lệ lưu đầy bên Babylon và bị đô hộ bởi đế quốc Roma duới thời Chúa Giêsu. Với một cảnh huống đầy khó khăn như thế, lòng dân Do Thái lúc thế này mai lại khác. Nhưng, Thiên Chúa không hề bỏ rơi dân Ngài đã tuyển chọn. Trong hoang điạ, Ngài đã sai các thiên thần dẫn đường cho dân, lúc khác lại dùng cột lửa để soi đường chỉ lối cho họ, và luôn nhắc lại lời hứa mà Ngài đã loan báo là họ sẽ là dân của Thiên Chúa.

Và ngày hôm nay, trong bài đọc 1, Ngài đã dùng miệng ngôn sứ Isaia để nhắc lại việc Thiên Chúa đã can thiệp khi họ bị lưu đầy bên Babylon thế nào thì ngày của Đức Mêsia, Đấng Cứu Thế đến để giải thóat họ đã gần đến. Như vậy, chúng ta thấy rõ chính Thiên Chúa đã dọn đường cho dân. Điều này đã đươc đề cập trong Tin Mừng hôm nay. Đó là việc Thiên Chúa sai thánh Gioan qua lối sống và lời rao giảng báo cho dân chúng biết về Đức Kitô sắp xuất hiện. Và đây là sứ mạng và sứ điệp mà Gioan mời gọi chúng ta cùng nghe trong Mùa Vọng này.

Trước hết, khi đặt lời rao giảng của Gioan tẩy giả trong bối cảnh hoang địa, thánh sử muốn nhắc chúng ta nhớ lại kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa của dân Do Thái. Áp dụng vào hoàn cảnh và cuộc sống của chúng ta, tôi khám phá rằng: chỉ ở trong hoang địa chúng ta mới được hạnh phúc nhìn thấy Thiên Chúa. Tức là ở những nơi chúng ta trút bỏ hoàn toàn các mặt nạ của mình, trút bỏ kiêu ngạo, lo lắng, phân tán để lắng nghe Lời Chúa. 

Nếu chúng ta còn đeo những mặt nạ nói trên thì không thể có cơ hội nhìn thấy Người. Và đây là bài học thứ nhất: Hãy trút bỏ mặt nạ, sống thật với chính mình, không giả hình, không gian dối để được nên một với Chúa và dễ dàng tiếp cận nhau hơn.

Chính trong hoang địa Gioan tiền hô đã gặp gỡ Thiên Chúa và nhận ra sứ mạng cũng như sứ điệp mà Chúa muốn ông làm, đó là kêu gọi dân chúng “Hãy dọn sẵn con đường của Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Người đi…. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Giờ đây chúng ta hãy tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi:  Đường của mình hay Đường của Chúa? Ai dọn đuờng cho Chúa đến? Ai sửa lối cho thẳng để Người đi?

Như anh chị em đã biết, vai trò của Gioan chỉ là người giới thiệu về Đức Kitô, vì thế sứ điệp của ông vẫn chưa hòan hảo. Gioan không làm cách mạng, Ngài không bắt người ta phải thay đổi cuộc sống, thay đổi địa vị xã hội. Nhưng Gioan chỉ nhắc nhở, thúc giục mọi người hãy cải thiện đời sống, đổi mới tâm hồn để sẵn sàng chờ đón Chúa đến. Làm theo những lời dậy bảo của Gioan đã là điều tốt. Nhưng, lời mời gọi và yêu cầu của Đức Giêsu vuợt trên sứ điệp của Gioan. Vì thế, chúng ta thay vì dọn đường sửa lối để Chúa đến, chúng ta cùng đi con đường của Chúa.

Đâu là con đường của Chúa? Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ lời rao giảng của Chúa Giêsu, Nguời đã khẳng định rằng Người là đường là sự thật và là sự sống. Ngừơi là con đường duy nhất dẫn chúng ta đi về nhà Cha. Ai muốn đến với Cha phải đi qua Người. Truớc thách đố quyết liệt của Tin Mừng như thế, Philiphê cũng không hơn gì Tôma, dù đã ở với Đức Giêsu nhưng các ông vẫn chưa nhìn thấy Chúa là con đuờng sự sống dẫn ta vào sự sống viên mãn của Thiên Chúa. Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha. Qua những lời đối thọai giữa Chúa Giêsu và các tông đồ trong chương 14 của Tin Mừng theo Thánh Gioan, chúng ta nhận biết rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn đưa con người đến sự sống sung mãn nơi Chúa Cha là đi con đường của Chúa.

Đó chính là:

Con đường từ bỏ để giới thiệu Chúa cho nhau. Giống như Gioan Tiền Hô, chúng ta không kêu gọi sự chú ý đến chính mình. Chúng ta đến để giới thiệu và chỉ cho người ta thấy con đường của Chúa. Mượn lời của Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng công bố: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” 
Từ bỏ vinh dự cao quí và lui về phía sau để Thiên Chúa thực hiện dự án của Ngài qua sứ mệnh mà chúng ta đã lĩnh nhận là điều tuy cần thiết nhưng rất khó thực hiện. Qua hành động như thế, chúng ta không hoạt động cho vinh quang của mình mà làm cho Danh Chúa được cả sáng hơn. Trong Chúa Giêsu, con đường từ bỏ đã đến mức kiện toàn, như lời của Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê như sau:
“Đức Giê-su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa…. Nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang… trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá….”

 Con đường yêu thương: Người đã yêu thương ngay khi chúng ta đang là tội nhân; giờ đây nhờ Người mà chúng ta được trở nên công chính. Tình yêu của Người không bút mực hay ngôn từ nào có thể diễn tả hết. Người yêu thương chúng ta và yêu thuơng đến cùng, hạ mình xuống rửa chân như dấu chỉ phục vụ hết mình. 

Trong Tình yêu của Chúa Giêsu thì không có biên cương, không còn nô lệ hay tự do… không còn kẻ giàu hay người nghèo, kẻ sang hay người hèn; tất cả đều nên một trong lòng mến của Người. Tất cả mọi luật lệ trên trần gian, ngay cả những khỏan luật tôn giáo do con người đặt ra cũng không ngăn cản được tình yêu của Chúa Giêsu, như việc Người chữa lành các bịnh nhân trong ngày hưu lễ. Lề luật chỉ là phương tiện để phục vụ con người. Con nguời không thể vịn vào lề luật để bóp nghẹt tình yêu hay ngăn chận người ta đến với Thiên Chúa là nguồn suối yêu thương.

Con đường tha thứ như đã được thứ tha. Khi chúng ta biết rằng chúng ta được tha thứ và được cứu độ bởi lòng thương xót của Thiên Chúa trong Đức Giêsu là lúc chúng ta không còn để cho ‘cái tôi’ làm chủ mình nữa; nhưng trở nên mạnh mẽ và dũng cảm hơn trong yêu thương như chúng ta đã được yêu. 

Chúng ta nhân hậu và từ bi hơn. Chúng ta không chỉ đến với nhau bằng trái tim nhân loại nhưng là trái tim của Chúa Giêsu. Cánh cửa cuộc đời của chúng ta luôn rộng mở cho nhau, ngay cả lúc không có ai cần vào. Lúc đó, cuộc đời của chúng ta trở thành đường mở thênh thang để đón nhận nhau.

Vì thế, theo tinh thần của các bài đọc hôm nay, thay vì chúng ta dọn đường để Chúa đến thì anh chị em cùng đi con đuờng của Chúa. Và như anh chị em đã biết, chúng ta không thể cùng đồng hành với Chúa mà quên nhau. Chúng ta không thể đến với Thiên Chúa bằng một con đường khác với con đường đến với tha nhân. Ngược lại, không thể đến với tha nhân bằng con đường khác với con đường đến với Thiên Chúa. 

Chủ trương chỉ yêu tha nhân không cần đếm xỉa gì đến Thiên Chúa, hay ngược lại, chỉ yêu Thiên Chúa mà không đếm xỉa gì đến tha nhân đều là những tình yêu giả tạo, không thực tế. Do đó, nếu muốn đến và gặp gỡ Thiên Chúa thì không gì tốt đẹp và chắc chắn cho bằng đến gặp gỡ Người nơi tha nhân. Và nếu muốn đến và gặp gỡ nhau thì không gì bảo đảm và tạo hạnh phúc cho nhau cho bằng đến và gặp gỡ nhau trong Thiên Chúa.

Đó là con đuờng Chúa đã dọn sẵn cho anh chị em. Người đang chờ mỗi người chúng ta cùng bước vào con đuờng đó. 

Amen.
Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR


No comments: