Chỉ còn
vài ngày nữa là lễ Giáng Sinh. Hầu hết mọi người đã chuẩn bị tâm hồn để tham dự
các nghi lễ phụng vụ, tưởng niệm một biến cố thật quan trọng đã xẩy ra trong và
cho lịch sử nhân loại. Thiên Chúa giáng trần trong thân phận con người và lưu
ngụ giữa chúng ta. Nghi lễ tuy cần thiết; nhưng việc sống mầu nhiệm đó nơi bản thân của mỗi người mới là điều quan trọng.
Thiên Chúa không còn hiện diện ở một nơi xa xăm nào đó. Ngài cũng chẳng cần nói
với chúng ta qua môi miệng của các ngôn sứ nữa. Ngài đã đến và đang đứng bên
cửa để chờ lời mời của chúng ta; ai nghe tiếng và mở cửa tâm hồn đón nhận Ngài thì
Ngài sẽ đến để dùng bữa với họ (Kh 3:20)
Chúa là
ai? Một hài nhi nằm trong máng cỏ theo truyền thống hay là một Đức Kitô trên
thập giá và đã được siêu tôn. Thật ra hai điều đó gắn liền với nhau. Ý nghĩa
của mầu nhiệm Giáng Sinh chỉ trọn vẹn khi được nhìn ngắm dưới ánh sáng Phục
Sinh. Thế mà, niềm vui Phục sinh là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Trong niềm
tin đó chúng ta cùng nhau suy gẫm tòan bộ cuộc đời của Đức Giêsu, từ lúc sinh
ra cho đến khi đuợc siêu tôn và hiện diện một cách thật sống động trong cuộc
sống của những ai tin vào Người. Chỉ có suy gẫm trong chiều kích đó chúng ta
mới thấy đâu là những việc cần làm để chuẩn bị đón mừng Chúa.
Ngày xưa,
khi nói đến việc Chúa trở lại, anh em tín hữu tiên khởi chỉ nghĩ đến ngày quang
lâm của Chúa. Họ mong chờ Chúa đến trong thái độ tỉnh thức và đợi mong. Trong
hân hoan họ mong đợi đuợc đoàn tụ với Đấng mà họ yêu mến. Không sợ hãi nhưng là
vui mừng vì biết rằng hồng ân cứu độ sẽ đạt đến mức thành toàn và viên mãn
trong ngày đó.
Còn chúng
ta hôm nay thế naò? Vẫn còn một số người hoảng sợ khi nghe đến ngày Chúa đến và
như vậy thì việc mừng Chúa giáng trần làm sao còn niềm vui! Tuy nhiên, đây cũng
là cơ hội để chúng ta đặt lại vài vấn đề thật căn bản cho cuộc sống, như: Chúng
ta đã sẵn sàng chưa? Tâm hồn chúng ta đã chuẩn bị thế nào để Chúa ngự?
Nhìn vào
các cảnh tượng bên ngoài, chúng ta nhận thấy không khí lễ Giáng Sinh thật tưng
bừng và rộn rã. Nhà thờ nào cũng làm máng cỏ với ánh sáng muôn mầu rực rỡ luợn đi
luợn lại chung quanh hang đá; lại có những dòng suối nhân tạo róc rách chảy. Đủ
thứ trang trí và đồ chơi lạ mắt. Trung tâm thương mại tràn ngập người; ai ai
cũng hối hả chọn lựa những món quà cho người thân. Con người quá bận rộn cho
việc chuẩn bị mừng lễ. Bận đến độ không còn thời gian cho chính mình, không còn
nhận ra mình đang thiếu thứ gì, cần trút bỏ điều gì để Chúa bù đắp lại. Nói
chung, hình như những cảnh tượng đó có cái gì xa lạ với sứ điệp của Chúa. Những
quà tặng của thế gian quá nhiều, nhiều đến độ làm chúng ta bận tâm, bị rối mắt
và chẳng biết đâu là đuờng. Chúng ta cần có một giây phút nào đó, bỏ mọi sự
sang một bên, ngồi xuống để trút bỏ từng miếng giấy bóng để tìm ra ý nghĩa đích
thực của quà tặng mà Đức Giêsu đem lại trong mầu nhiệm Nhập Thể.
Chính hài
nhi Giêsu đã cho đi tận cùng của kiếp phàm nhân; khiến cho con người dù có bất
hạnh hay bị ruồng bỏ đến đâu cũng tìm được niềm vui và tình thân thuơng. Và
nhân lọai cũng đã tìm thấy nơi cuộc sống của hài nhi những câu giải đáp, những
thao thức của kiếp nhân sinh. Sứ điệp mà hài nhi sẽ đem lại thay đổi tư tưởng
và lối tư duy của mỗi người. Sứ điệp đó còn thách thức nhân lọai qua mọi thời
đại. Bởi vì, từ ngày hài nhi Giêsu xuất hiện, bộ mặt của thế giới đã thay đổi,
như: ai mất phương hướng tìm được lối đi; kẻ đói khát no đầy ơn phúc; những ai
bị giam cầm tìm được sự trợ giúp; trong Người mọi người tìm được giải thóat,
muôn dân muôn nước tìm được giải pháp cho hòa bình.
Nhìn vào
thực trạng của thế giới nói chung và những sinh họat trong Giáo Hội nói riêng;
nhiều lúc tôi cũng muốn mươn lời của Thánh Gio-an tẩy giả: “Thầy có thật là
Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Chúng ta đã quá quen với
lối sống an nhàn, thủ phận, giữ mình bởi những việc đạo đức. Trong khi đó sứ
điệp của Chúa thách thức lương tâm của con người trước sức bành trướng của nền
văn minh thế tục đang soi mòn bản chất làm người mà mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa
Giê-su đã đem đến.
Thật vậy,
qua mầu nhiệm của đêm Giáng Sinh. Thiên Chúa cư ngụ ngay trong hòan cảnh riêng
của từng người. Dù người đó sống trong tình huống nào, Ngài chẳng hề có ý định
bỏ rơi chúng ta. Chúa luôn đứng bên cửa để chờ đợi ta. Ngài đã mặc lấy thân
phận con người và chờ đợi ta. Ngài đã đến nơi nhà mình. Qua thân phận của các
tù nhân. Qua lối sống của những người nghèo khổ, đói khát, cô thân cô thế,
không nơi nương tựa. Người đã nên đồng hình đồng dạng với con người nói chung
và những dạng người nói trên để qua họ Người trao ban một lời mời gọi khẩn
thiết là “hãy yêu thương nhau”, hãy vì Người mà phục vụ, vì Người mà tha thứ và
hy sinh cho nhau, vì Người mà tôn trọng và nâng đỡ nhau. Tóm lại, vì Người mà chúng
ta làm tất cả mọi sự cho nhau.
Thế nhưng,
trên thực tế vẫn còn có những người bị tẩy chay, loại bỏ. Bao nhiêu người đã bị
đẩy ra sống bên lìa xã hội vì họ không nhận được những ánh mắt cảm thông của
chúng ta. Vì thành kiến, chúng ta lên án và không tiếp nhận họ. Một mặt chúng
ta tin rằng Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta. Mặt khác, chúng ta lại không nhận
ra Ngài nơi anh em. Tìm trăm phương ngàn kế để loại trừ nhau, hạ nhau để được
ngoi lên. Bằng mọi cách để xua đuổi nhau một cách thiếu khoan dung. Và, cũng
chính vì thiếu khoan hồng và dung thứ của chúng ta nên những người tuy đã hối
cải lại không được nâng đỡ khi chính bản thân họ muốn sửa đổi và làm lại cuộc
đời.
Cách đây
mấy năm, tôi đuợc diễm phúc phục vụ các anh em trong các trại giam tại tiểu
bang Victoria, Australia. Trong một buổi họp và chia sẻ của quí vị tuyên uý,
chúng tôi nhận ra rằng thời gian vừa đuợc tha khỏi trại giam là mốc điểm quan
trọng cho các bạn tù của chúng ta. Họ rất cần sự cảm thông và nâng đỡ của chúng
ta. Sau một thời gian sống trong lao tù; những ngày đầu tiên được thả ra vô
cùng quan trọng đối với họ. Nếu họ được săn sóc trong một môi trường tốt, hầu
như họ sẽ làm lại được cuộc sống. Bằng không, những người bạn cũ sẽ tìm đến với
họ và con đường dẫn họ đến nhà tù rất gần.
Người ta
kể rằng: Trong một xóm giáo kia; những người sống tại đó hầu hết là nguời công
giáo. Ai ai cũng tin vào Chúa. Và có một thanh niên mồ côi cha mẹ. Anh ta nổi
tiếng ăn chơi, trộm cắp, xì ke, ma túy, cướp của. Nói chung anh là loại người
bại hoại trong xóm giáo. Cuối cùng anh bị bắt đi tù. Trong trại tù anh có nhiều
thời gian để suy nghĩ về những thói hư tật xấu và tự hứa sẽ thay đổi. Đến ngày
mãn hạn tù. Anh hân hoan bước ra và tràn đầy hy vọng vào cuộc sống tương lai.
Nhưng vì thành kiến và sợ hãi nên dân trong xóm xa lánh anh. Với những ánh mắt
dè chừng, những nụ cười gượng ép khiến anh cảm thấy như bị xua đuổi. Không lâu
sau đó, anh gây ra vụ án khác và lại bị bắt. Trước mặt quan tòa anh ta khai
báo: "Vì đời không đón nhận mà lại khinh khi tôi nên tôi trả thù".
Anh không
được đón nhận. Anh bị khước từ bởi lầm lỗi đã xẩy ra ở quá khứ. Chính thái độ
hoài nghi, thành kiến và thiếu khoan dung của chúng ta đã tạo nên một người tù
chung thân. Giả như Thiên Chúa cũng không chấp nhận chúng ta thì giờ đây nhân
loại sẽ ra sao!!???
Điều mà chúng
ta cần suy nghĩ ở đây là một môi trường tốt không tự nhiện được thành hình. Nó
chỉ được xây dựng bởi những bàn tay nhân ái, những con tim vị tha và những tấm
lòng khoan dung độ lượng. Vì thế, trong khi mừng lễ giáng sinh hôm nay, chúng
ta có cơ hội để nhắc cho nhau rằng Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta.
Ngài nhắc cho chúng ta bài học yêu thương, giúp đỡ, đón nhận và tha thứ cho
nhau. Vì qua đó chúng ta tiếp tục sinh hạ và giới thiệu Chúa cho người khác.
No comments:
Post a Comment