Thursday, 14 December 2017

Lm Joe Mai Văn Thịnh DCCT : AI LÀ CHỨNG NHÂN?





Người ta nói ‘con đuờng dài nhất là con đuờng từ đầu đến bàn tay’. Câu nói này thường được dùng để ám chỉ đến những người nói nhiều, làm ít hay không làm. Nói thì ai nói mà không đuợc, nhưng biến lời nói thành việc làm là điều thật khó khăn. Thế giới ngày nay cần nhiều chứng nhân hơn là các chứng từ. Chúng ta đều biết ‘lời nói lung lay gương bầy lôi cuốn’. Như vậy, chứng nhân cần sống đúng với chứng từ của mình, điều đó có nghĩa là chứng nhân không có lối sống chạy theo đám đông, hay làm để chiều theo thị hiếu của quần chúng; nhưng là sống thế nào để họ noi guơng rồi đi theo.

Trong mấy ngày vừa qua, tôi có gặp một số phu huynh để nghe họ tâm sự. Khi nhìn vào thực trạng đang xẩy ra trong một số gia đình, quí vị cảm thấy như có một gánh nặng đè trên hai vai về lối giữ đạo của con cái họ. Nhà thờ và các nghi lễ phụng vụ không còn hấp dẫn các cháu nữa. Đây không chỉ là vấn đề làm cho quí vị nhức đầu; nhưng đó là thách đố chung của Hội Thánh và cho những ai còn môt chút quan tâm đến cuộc sống của giới trẻ hôm nay. Tuy nhiên, điều làm tôi cảm động khi nghe quí vị chia sẻ rằng một trong những nguyên nhân khiến các cháu có lối sống như thế là do quí vị đã không làm gương sáng. Qua lời than van này, quí vị đã giúp tôi nhớ lại rằng, điều kiện tiên quyết của người làm chứng là sống đúng như chứng từ của mình. Và, Gioan Tẩy giả trong bài Tin Mừng hôm nay là guơng mẫu trong sứ mạng làm chứng như thế.

Đời sống và các sinh hoạt tôn giáo của dân Do Thái được nuôi dưỡng bởi các ngôn sứ. Họ đã đóng một vai trò thật quan trọng trong việc nuôi duỡng niềm tin của dân chúng huớng về ngày cứu độ. Tiên tri Malachi là vị ngôn sứ đã xuất hiện khoảng 450 năm trước khi Gioan đến. khoảng thời gian 450 năm không là một giai đoạn ngắn, ít nhất cũng trải qua 4, 5 thế hệ. Vì không đuợc huớng dẫn bởi các ngôn sứ, cho nên thời gian này có thể đuợc ví như khoảng thời gian dân Do Thái mò mẫm trong đêm tối. Và như vậỵ, họ không chỉ mong chờ mà còn rất cần được Ánh sáng dẫn đuờng chỉ lối!

Với một bối cảnh như thế, và lòng dân chúng đang mong chờ vị Cứu Tinh, Đấng Cứu Thế sẽ đến để giải thóat họ khỏi ách nô lệ, cứu thoát họ khỏi cảnh lầm than. Vì thế, khi nghe tin Gioan xuất hiện, họ từ Giê-ru-sa-lem, khắp miền Giu-đê và vùng lân cận sông Gio-đan hân hoan kéo đến nghe ông giảng. Trái lại, thái độ của các vị lãnh đạo đền thờ lại khác. Họ sai các tư tế và mấy thầy Lêvi đến chất vấn ông. Nhân dịp này, Gio-an đã làm chứng cho họ biết Ngài không phải là Đức Ki-tô, cũng chẳng phải là Ê-li-a hoặc là ngôn sứ gì cả. Ngài chỉ là tiếng hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đấng Cứu Thế đến như ngôn sứ Isaia đã nói.” (Ga 1: 20-23) Rồi mấy người trong nhóm Pha-ri-sêu lại hỏi tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đức Kitô. Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1: 26-27)

Giả như Đức Giê-su không xuất hiện và Gio-an không nói sự thật về vai trò của ông thì khách quan mà nói trong bối cảnh xã hội và tôn giáo như thế; Thánh Gio-an Tẩy giả, với lối sống khổ hạnh và lời rao giảng có sức lôi cuốn mãnh liệt, có thể bị ngộ nhận là Đấng Cứu Thế mà tòan dân đang mong chờ. Gioan đã không chỉ làm chứng bằng lời nói; nhưng gương can đảm, sống theo sự thật làm cho chúng ta phải cảm phục. Gioan đuợc ví như cây sậy phất phơ trước gió, nhưng Ngài đã không ngã gục trước quyền lực của những người đến hỏi tội ông. Gio-an cũng không đánh lừa dân chúng. Ngài can đảm nói lên vai trò của nhân chứng về sự thật. Và vì sự thật mà Ngài đã bị xử tử, bị giết chết. Đó chính là con đường mà ngôn sứ phải đi: chỉ biết nói sự thật cho dù phải chết.

Đây quả là một thách đố. Nhiều khi, vì bảo vệ cho sự sinh tồn của cộng đòan, giáo xứ và địa phận… chúng ta không những chỉ làm ngơ truớc bạo lực, đôi khi còn cộng tác với những kẻ có quyền thế và quên đi số phận lầm than của những người mà chúng ta được sai đến để săn sóc và bảo vệ họ. Nguyên tắc trao đổi để đôi bên đều có lợi chưa hẳn được phát xuất từ lòng tin. Theo tôi, đó chỉ là sự khôn ngoan của thế gian!

Gioan không phải là ánh sáng mà chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là Chúa Giêsu. Vì thế khi Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của Gio-an phải lu mờ. Cũng như Gio-an, chúng ta phải biết chấp nhận sự thật về mình, sự giới hạn của mình, không giả tạo, không qui công về mình cái mà mình không có, điều mà mình không làm. Bằng không, chúng ta có thể trở thành những con người bất mãn và chỉ biết đòi hỏi.

Đây là sự cao trọng trong sứ mạng của Gio-an. Chính vì biết mình là ai, và cần phải làm gì trong chuơng trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở thành con người vĩ đại như lời ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông.” Bởi vì, vai trò của Gio-an dù có cao trọng đến đâu thì ông vẫn chỉ là người dọn đường; còn chính Chúa Giê-su và những kẻ thuộc về Người mới thuộc về Nước Trời. Đó là giáo lý mới, tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. Chính Gio-an cũng phải thay đổi lối nhìn và cách sống sao cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời. Với Đức Giêsu, trong Vương Quốc của Người, chúng ta hãy cứ để cho ‘cỏ lùng và lúa tốt” cùng mọc lên, cho ‘chiên và dê’ cùng sống chung. Việc phân xử là của Chúa. Thời gian phân xử cũng thuộc về Ngài. Còn bây giờ, chúng ta hãy noi gương Chúa Cứu Thế, đi trên con đuờng mà Người đã đi, chiếu hy vọng đến những nơi tăm tối, đem tin vui tận hang cùng ngõ hẻm của thế giới; rao giảng Đấng có quyền làm cho “kẻ què được đi (trên con đường của Chúa), người điếc được nghe (tin vui), người mù được nhìn thấy (ánh sáng) và kẻ chết được sống lại từ cõi chết”.

Tóm lại, vai trò của Gio-an là giới thiệu và dọn đường cho Đấng Cứu Thế; còn Chúa Giêsu và chúng ta là niềm hy vọng, nguồn sống sung mãn của Thiên Chúa cho người khác. Có như thế, viêc chúng ta mừng lễ Giáng Sinh không phải là việc tưởng niệm biến cố đã xẩy ra trong quá khứ; nhưng là tiếp tục công việc mà Chúa Giêsu đã làm cho những hạng người nói trên. Ước mong ân huệ của đêm Giáng Sinh sẽ biến cuộc đời của chúng ta trở thành nhân chứng của niềm vui; niềm vui này giống như niềm vui mà sứ thần đã loan báo: “Hôm nay Đấng cứu Thế đã sinh ra” không phải tại Bê-lem nhưng bởi lối sống của chúng tôi, là những người có nhiệm vụ cao trọng hơn Gio-an Tẩy giả.

Và để kết thúc tôi xin gửi đến anh chị em một kinh nghiệm vô cùng quí báu mà tôi đã được chia sẻ vào hôm Thứ Hai, ngày 11.12 vừa qua. Số là có một cháu gái, tôi đoán cô ta khoảng 18 hay 19 tuổi. Cháu đến gặp để chia sẻ niềm vui mà cháu vừa trải nghiệm. Nghe đến đó, tôi chỉ biết âm thầm tạ ơn Chúa, cảm ơn cháu và tiếp tục lắng nghe. Con vừa làm được một việc cả thể và hiện giờ con vui lắm. Vậy sao! Tôi đáp. Cháu tiếp tục, con vừa mới tha cho một người mà con đã ghét cay ghét đắng trong mấy năm qua. Tôi thinh lặng trong giây lát, sau đó gợi ý với cháu rằng hẳn nhiên người mà con ghét cay ghét đắng phải là người vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con mấy năm qua. Không để tôi dứt lời, cháu đã tiếp tục nói đúng thế cha ơi, người đó là bố của đứa con của con. Chúng con quen nhau, và cũng chưa có cuới hỏi gì hết. Nhưng nay không cần nữa vì ông ta đã phụ con. Tôi bèn nói, quả thật là tin vui, không có niềm vui nào to lớn hơn niềm vui tha thứ mà con vừa chia sẻ. Nhưng có một điều cha nhắc cho con biết là niềm vui và sự tha thứ chỉ tồn tại khi nó phát xuất từ kinh nghiệm vui mừng và đuợc tha thứ bởi Thiên Chúa. Cầu chúc con mãi mãi vui khi rộng luợng và tha thứ cho những ai đã phụ mình; bởi vì mình cũng đã nhiều lần phụ Chúa. Đó cũng là lời nguyện chúc cho nhau để chúng mình cùng hoàn tất sứ mạng làm chứng cho niềm vui và sự tha thứ mà chúng ta hân hoan đón nhận trong Mùa Vọng và nhất là qua Mầu Nhiệm Nhập Thể mà chúng ta sẽ cử hành năm nay. Amen

No comments: