Tuesday, 15 July 2014

Lm Vũ Khởi Phụng CSsR: Ký sự hè 2014



Ký sự hè 2014

VRNs (13.07.2014) -Sài Gòn- 

1. Hiện Tượng Con Người

Đang ở Sài Gòn, Tôi nhận được tin vui từ Hà Nội: tác phẩm “Hiện Tượng Con Người” (Le Phénomène humain) của vị linh mục dòng Tên Teilhard de Chardin (1883 -1955) vừa được dịch ra tiếng Việt.

Tôi chợt nghĩ: đúng là hoa thơm cỏ lạ trong sinh hoạt văn hóa tư tưởng của chúng ta. Nhưng rồi lại phân vân: gọi là “hoa thơm” thì rất đúng, nhưng có còn là “cỏ lạ”, khi mà tác phẩm đã nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ rồi! Nhưng nghĩ lại tôi rất xác tín: đó là hoa thơm cỏ lạ trong hoàn cảnh sống của chúng ta hiện nay!

Chúng ta chìm ngập nhiều quá giữa cảnh xô bồ, tiêu cực trong xã hội, rác rưởi quá nhiều, con người lại bị vùi dập quá nhiều, gian dối quá nhiều, ngay cả ở những nơi đáng lẽ phải là thánh đường của sự thật: trường học, bệnh viện! Đã thế từ hai tháng nay Biển Đông nổi sóng, ta có nguy cơ mất biển, mất đảo, mất lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Bao nhiêu bất mãn tuôn trào. Trong hoàn cảnh ấy ta nói nhiều về những tệ đoan, vạch mặt chỉ tên những sự đồi bại, đấu tranh với từng vụ việc cụ thể. Đó là lẽ tự nhiên, là điều phải làm. Nhưng dù vậy chẳng lẽ cứ quay quắt mãi với những bụi bặm của cuộc đời, những mặt khả ố của xã hội, tâm trí cứ công phẫn, dằn vặt vì biết bao điều côn đồ, ngang trái? Ngụp lặn mãi trong cái tâm thế đó, ta sẽ thấm mệt, thở mãi bầu khí ô nhiễm, ta có khổ cũng bị nhiễm. Đến lúc muốn xây dựng một cái gì, mới thấy rằng hầu như phải làm lại tất cả, phải dựng lại một cuộc sống nhân văn. Và ta choáng ngợp trước những nhu cầu, đòi hỏi quá lớn cho một lộ trình quá dài. Làm thế nào ra khỏi những đỗ vỡ chồng chất?

Cho nên có những lúc phải tách mình ra khỏi cái hiện tại ngang ngược này trong chốc lát. Ở đâu đó có một bầu khí trong lành bồi dưỡng thể xác và tâm hồn. Có một cõi trong trẻo khiến ta có thể nhìn xa, nhìn rộng, nhìn thấy những định hướng cơ bản cho tâm linh. Ta cần phải tìm về đó mặc dù bận bịu với đời, sự “về nguồn” ấy không phải là vô ích. Trái lại nó vô cùng cần thiết giúp ta giữ lấy cái thiên lương của mình.

Thiết nghĩ tư tưởng của Cha Teilhard có thể là một cao điểm nghỉ dưỡng như vậy. Cha bắt đầu từ những ghi nhận và suy tư khoa học, rồi dần dần thấy rực lên hiện tượng con người. Cuộc tiến hóa có thể rất dài, rất chậm, lên thác xuống ghềnh. Nhưng vẫn luôn có một hướng đi tất yếu không gì chận lại nổi. Con người luôn đi về phía nhân ái hơn, cảm thông hơn, chan hòa hơn, càng đi càng sáng, càng đi càng thênh thang, về một điểm huyền diệu Ômêga, như chúng ta vẫn lớn tiếng công bố bên ngọn lửa mới mỗi đêm vọng Phục sinh.

Một điều nữa làm tôi vui mừng là trong buổi giới thiệu sách, tổ chức chiều ngày 20/6 ở trung tâm văn hóa Pháp L’espace tại Hà Nội, hai vị hướng dẫn thảo luận, giáo sư Chu Hảo và cụ Phạm Tòan đều là hai trí thức tên tuồi ngoài Công giáo. Nhà xuất bản Tri Thức cũng không phải là nhà xuất bản chuyên về các đề tài tôn giáo (tôi chưa được nghe biết nhiều về dịch giả Đặng Xuân Thảo và người hiệu đính Bùi Văn Nam Sơn). Sự thịnh tình của các vị, như phản ánh trong lời giới thiệu của cụ Phạm Toàn, cho thấy tư tưởng của Cha Teilhard đã được đón nhận với một thái độ tri âm, tri kỷ ở bên ngoài giới hạn của Giáo hội Công giáo. Điều này quan trọng, bởi nước ta vẫn thuộc về một truyền thống văn hóa ngoài Kitô giáo, tuy rằng Kitô giáo cũng đã có phần đóng góp. Hơn một nửa thế kỷ rồi, lãnh vực văn hóa tư tưởng ở nước ta đã kinh qua nhiều biến động, đảo lộn và ngay nay hiển nhiên lâm vào khủng hoảng, (ta chỉ cần nghỉ đến bao lời phàn nàn lo lắng của các bậc thức giả rằng ta thiếu hẳn một “triết lý giáo dục”, đó là một triệu chứng trầm trọng có thể giải thích những nguyên nhân của rất nhiều đỗ vỡ tinh thần hiện nay). Giữa một hoàn cảnh đáng âu lo như thế, sự gặp gỡ, tương giao giữa mọi người có tâm huyết với dân tộc không phân biệt tôn giáo hay không tôn giáo và sự đóng góp khả dĩ của tư tưởng tôn giáo cho tư duy chung của xã hội có tầm quan trọng đặc biệt.

Ngày nay rất nhiều người ta thán rằng giới trẻ của chúng ta, kể cả các sinh viên, hết sức thiếu thốn thông tin, thiếu thốn kiến thức tổng quát. Đó là lỗi của xã hội, của Ngành giáo dục. Ngay trong giới công giáo chúng ta đâu có nhiều người biết về Cha Teilhard và tư tưởng của Cha. Sinh viên Công giáo hẳn hoi nhưng nghe nói đến Teilhard vẫn bỡ ngỡ như đó là người đến từ hành tinh nào khác. Lần này là lỗi của chúng tôi, của nhà thờ. Ta cần phải cám ơn các bậc thức giả ngoài Công giáo đã góp phần trao vào tay ta một tác phẩm như “Hiện Tượng Con Người”. Vì thế tôi muốn viết vài lời giới thiệu Cha Teilhard với bạn đọc trang Chúa Cứu Thế. Bài viết chưa xong thì có một tin vui thứ hai tôi xin chia sẻ dưới đây…

2. Đường đi của con Sao La

Tôi đang hì huc tổng hợp thông tin để giới thiệu Cha Teilhard thì một cú điện thoại từ Hà Nội báo tin, cụ ông và cụ bà Nguyễn Ngọc Chính sẽ gia nhập Hội thánh vào ngày lễ Thánh Phêrô 29/6, gia đình mời tôi tham dự thánh lễ này. Tôi quyết định đi Hà Nội đột xuất. Bài viết về Teilhard đành chờ vậy. Có một lý do khiến tôi hăng hái ra Bắc, đó là cụ Nguyễn Ngọc Chính cũng là một nhà khoa học. Người nhà cho tôi biết gần đây Đức Cha Ngô Quang Kiệt đã từ Châu Sơn ra Hà Nội vấn an hai cụ, và Ngài đã dành nhiều thời gian để trao đổi với cụ ông về tương quan “khoa học và đức tin”. Bởi cụ Chính đã có cả nữa thế kỷ làm khoa học. Cụ là người có tiếng vào những năm 90 thế kỷ trước, vì cụ đã cùng với các chuyên gia Vũ Văn Dũng, Phạm Mộng Giao, Đỗ Tước với sự cộng tác của các ông Peter Arctander ; John MacKinnon thuộc quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (World Wide Fund For Nature) chuyên về bảo vệ môi trường thiên nhiên phát hiện một loại động vật mới trên dãy Trường sơn của Việt Nam mà trước đây giới bác học chưa biết tới. Đó la con Saola được đặt tên khoa học tiếng Latinh là Pseudoryx Nghetinhensis.

Vì vùng núi Nghệ Tĩnh trên dãy Trường sơn của Việt Nam là nơi nó đã được phát hiện. đây là một loài thú hiếm vì các chuyên gia ước lượng chỉ còn chừng 200 con sinh sống trong những nơi hẻo lánh của rừng Trường sơn. Loài Sao la này còn quá ít, nên nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Phát hiện một loài thú lớn mà khoa học vào cuối thế kỷ XX còn chưa biết đã gây chấn động trong giới nghiên cứu động vật.

Sau phát hiện này, cụ Chính đi thuyết trình ở Châu Âu, chủ yếu là ở đại học Ghent (Bỉ) là nơi chủ động mời cụ (nước Bỉ nói hai thứ tiếng: Ghent là tên tiếng Flamish, tên tiếng Pháp là Gand). Cụ Chính giao tiếp với Tây Âu, Pháp, Bỉ chẳng có gì khó khăn, vì từ thời sinh viên trước 54 cụ đã quen với văn hóa Pháp, và văn hóa “tiền chiến” nói chung. Đại học Ghent đã tặng cụ bằng Tiến Sĩ. Nhưng theo người nhà nói thì văn bằng này không được nước ta công nhận, hình như vì cụ trực tính, ngang nhiên làm theo những gì mình cho là đúng, từ trẻ tới già không chịu khép mình vào đoàn vào đảng. Suốt đời cụ suy nghi độc lập không những trong lĩnh vực khoa học mà còn về những vấn đề lịch sử, xã hội. Cụ ham đọc sách, suy tư, và đến năm nay 78 tuổi cụ quyết định gia nhập Hội Thánh Công Giáo. Tôi nghỉ với một người như cụ Chính thì tôi nên tìm “Hiện Tượng Con Người”, lấy sứ điệp của Teilhard làm quà tặng mừng ngày cụ đón nhận ơn Chúa. May mắn trong một ngày ở Hà Nội bạn bè đã giúp tôi tìm được cuốn sách quý. Cụ Phạm Toàn lại còn ưu ái đề tặng tôi bài cụ viết để giới thiệu tác phẩm của Teilhard. Tôi cảm ơn cụ hết lòng. (Còn nữa)

Lm. Matthêu Vũ Khởi Phụng, CSsR


No comments: