Cuối niên
khóa vào hè, thời gian kết thúc niên học, kết thúc cả học kỳ đi thực tế, kết
thúc những năm tháng thực tập mục vụ. Chủng Viện nào cũng xôn xao tổ chức các
Lễ Phong Chức Linh Mục, Hội Dòng nào cũng tất bật với các Lễ Khấn, Lễ Thụ
Phong.
Tháng 6, tháng 7 và tháng 8, đi qua các thành phố, qua các vùng miền có
nhiều Nhà Thờ gần nhau san sát, chúng ta dễ gặp hình ảnh những lễ hội, người
người áo quần lụa là sang trọng, xe cộ tập nập ra vào, tiệc tùng linh đình hân
hoan, cờ xí bay rợp trời, trống kèn inh ỏi.
Khi công
nghệ tổ chức đám cưới di đến tột đỉnh của sự ồn ào, tốn phí và lắm trò lắm phép
để hút tiền của người ta, thì việc tổ chức các Lễ Tạ Ơn cũng được "dàn dựng"
hoành tráng không kém. Loa thùng khổng lồ được bắt ra tận đường và người phát
thanh nói nhiều, nói linh tinh, ồn ào không thua gì bình luận viên World Cup.
Cái tật nói nhiều, nói nhanh, tranh nhau nói, khoe kiến thức vặt và gây náo
động ồn ào là căn bệnh lây lan nhanh chóng cho một số kẻ mệnh danh “có khiếu ăn
nói” ngang nhiên chiếm diễn đàn “tra tấn” ngưới khác. Đi dự các đám mà bị xếp
vào ngồi bàn ngay trước mặt loa coi như phải chịu vào "luyện ngục",
cả bữa chỉ còn biết cắm cúi ăn uống, ra về tai lùng bùng suốt mấy ngày.
Có những
đám tạ ơn tưng bừng hoa lá, kẻ tạ ơn vì những ân huệ nhận được một cách
nhưng-không, nhưng rạng rỡ không thua gì những ngôi sao điện ảnh trong ngày
nhận giải thưởng do chính công lao của họ. Có những đám tạ ơn của những kẻ tuyên
bố sống khó nghèo, thuộc về người nghèo, mừng và tạ ơn vì đã chọn cách sống
nghèo, nhưng trớ trêu là tiêu tốn vô cùng cho hàng trăm mâm cỗ.
Có những
đám tạ ơn khi vừa khởi đầu sứ vụ nhưng được tổ chức y như là một cuộc hoàn
thành sứ vụ trong vinh quang tràn ngập quanh mình. Rừng cờ vui, ngập không gian
nhạc, suối tràn trể lời chúc tụng, biển dậy sóng lời tung hô và bia rượu bật
nắp tưng bừng.
Chẳng phải
tự nhiên mà các đấng Bề Trên những năm gần đây đã ra nghiêm luật để hạn chế
việc tổ chức sa hoa vô bổ này. Có Giáo Phận chỉ cho phép tất cả các tân Linh
Mục trong cùng Giáo Phận được tổ chức tạ ơn một lần, trong cùng một ngày, có
Giáo Phận quy định mỗi Lễ Tạ Ơn chỉ được ba mươi bàn tiệc, có Giáo Phận buộc
các tân chức chỉ được tổ chức Lễ Tạ Ơn trong vòng 10 ngày, ngày thứ 11 phải
trình diện nhiệm sở mới để thi hành nhiệm vụ…
Như thế
chứng tỏ vấn đề đã được nhìn thấy, các vị có trách nhiệm cũng đã có ý kiến bằng
những quy định cụ thể.
Thế nhưng về phía bản thân "người tạ ơn" thì vẫn có trăm phương
nghìn cách để “lách luật”. Việc tổ chức linh đình được xem như là ý của dân,
dân bình thường ai cũng thích, cứ nhìn các gương mặt hớn hở của nhiều người thì
biết họ đã thỏa thuê chừng nào, mà các vị có trách nhiệm phải nhận ra là ý dân
thì không nên làm ngược lại, chí ít cũng phải lờ đi, xem như không biết, còn
vai trò ngôn sứ thì dẹp qua một bên nếu không muốn bị chống đối như các ngôn sứ
trong Kinh Thánh hồi xưa. Từ đó có những người rất "cơ hội", họ ủng
hộ tổ chức để lấy được “lòng dân”.Thế là những châu những ngọc được nhả, được
phun để ca tụng lẫn nhau cho thỏa chí, rồi các đáp từ nối nhau với những lời
cám ơn lên tận mây xanh.
Câu chuyện
và hình ảnh khó nghèo, đơn sơ và chân thành của Đức Phanxicô chỉ để kể trên bục
giảng, trong các lớp giáo lý, thêm mắm thêm muối, thêm hoa thêm lá để trang trí
mỹ từ trong các bài diễn văn thuộc lòng các công thức. Cái loại "mùi
chiên" khó ngửi xin cứ để đấy đã, bây giờ là vui mừng vì… “từ bụi tro Chúa
nâng con lên hàng khanh tướng”.
Rời bỏ cái
không gian ồn ào xao động, tiếng cười tiếng hát rộn ràng, tôi bước vào Nhà
Nguyện hưu dưỡng, nhìn từng vị tu sĩ già đang đau yếu bệnh tật, âm thầm ngồi
trên những chiếc xe lăn hay rũ người trên các hàng ghế, lặng lẽ nhìn lên Chúa,
đắm mình trong không gian chỉ có riêng cho Chúa, chỉ còn Chúa để tâm sự vui
chơi. Già và trẻ, thời gian và không gian, mọi cái không còn quan trọng, không
còn ý nghĩa đối với những giây phút thời gian vô cùng chậm chạp trôi qua của
đời người.
Tôi có một
cha giáo mà cái cách dạy của ngài làm tôi không bao giờ quên được. Những năm
tháng khó khăn, đầu thập niên 80, tôi được Bề Trên sắp xếp về ở với ngài trong
một Họ Đạo nhỏ bé, tôi chọn ngày ngài mừng 25 Linh Mục để đến xứ như muốn nói
lên sự trân trọng của tôi dành cho ngài.
Chiều hôm
ấy đến nhiệm sở, mọi sự vắng lặng, rồi người ta đến dự Lễ, Thánh Lễ rất bình
thường như mọi Thánh Lễ, khác một chút là ngài thông báo xin cầu nguyện vì hôm
nay kỷ niệm Ngân Khánh của ngài, cuối lễ ngài vào phòng áo đưa ra một bịch kẹo
bánh phát cho cả Nhà Thờ cùng ăn, cùng vui. Giờ cơm chiều sau Lễ, chúng tôi hỏi
ngài về việc kỷ niệm, ngài ôn tồn chia sẻ, "25 năm là 25 năm bất trung với
Chúa, có gì mà vui mừng ? Lẽ ra phải là một ngày tạ tội !”
Mới đây
ngài mừng 50 năm Linh Mục cũng thế, ngài bảo với tôi: “Xin lỗi Chúa cả đời, em ơi”
!
Lm.VĨNH
SANG, DCCT, 9.7.2014
No comments:
Post a Comment