Friday 2 May 2014

Lm Frank Doyle sj: “Mưa đã chờ tôi, mưa đã mưa”



Chúa Nhật 4 – Mùa Phuc Sinh  Năm A

“Mưa đã chờ tôi, mưa đã mưa”
“Mai kia sống với vầng trăng ấy
Người có còn thương một bóng cây
Góc phố còn treo đôi mắt bão
Ai nhớ ngàn năm một ngón tay?”
                                                (dẫn nhập từ thơ Du Tử Lê)
Ga 10: 1-10
          Ngàn năm một ngón tay, tôi nhớ lời Thầy chỉ dẫn. Thầy vẫn chỉ và vẫn dẫn, bằng ngón ngàn yêu thương nơi tình Chúa Chiên Lành, ở trình thuật. Vẫn hôm nay.
          Trình thuật hôm nay, gồm hình ảnh về “Lời kêu gọi”, Chúa đợi chờ. Hình ảnh Vị Mục Tử Nhân Hiến chăn dắt đàn chiên, là lịch sử dân Chúa trải dài nhiều tháng năm. Và, hình ảnh Chúa Chiên Lành, là ảnh hình sắc nét từng xuất hiện rất nhiều, nơi Tân Ước. Bởi thế, khi nhắc nhở ảnh và hình của chiên con được Chúa dẫn dắt, người Do Thái hiểu ngay điều Chúa muốn nói.        
          Ở các nơi, như đất miền có không khí dịu mát, ảnh hình về người chăn dắt chiên con là chuyện ít thấy. Có nhiều nơi, bà con chưa từng biết chiên lẫn cừu. Biết hay chăng, cũng chỉ thấy trên phim ảnh - truyền hình, nhiều quảng cáo. Càng hiếm hơn, là ảnh hình của kẻ chăn luôn ôm gọn chiên con hiền vào vòng tay trìu mến, rất thường thấy ở đất miền Trung Đông, dân dã ấy.
          Nơi Kinh Sách miền Trung Đông bừng cháy, tương quan ta có giữa vị mục tử nhân hiền với chiên con nhỏ bé, là chuyện thường ngày xảy ra. Ở nơi đây, kẻ chăn dắt chiên đàn vẫn cứ ngày ngày tìm đến đồng cỏ xanh mầu mỡ, mà an vui. Và kẻ chăn, vẫn ở lại với chiên suốt ngày dài đến nắng quá chiều hôm. Chiều hôm đến, kẻ chăn hiền lại cất giữ bảo vệ chiên nhỏ như ưu ái đàn con dại, trước mọi hiểm nguy đang chực chờ từ sói dữ. Ở đất miền Trung Đông, người mục tử luôn đi trước ới gọi, và chiên đàn cất bước men theo, nghe rõ tiếng gọi người chủ chăn hiền.
          Nơi Tin Mừng nhất lãm, các qui chiếu về chiên con và mục tử được nhắc đi nhắc lại, nhiều lần. Ở Tin Mừng thánh Mác-cô, Chúa chạnh lòng thương thấy đám đông “như chiên bầy không chăn dắt” (Mc 6: 34). Và, thánh sử hàm ngụ: Đức Chúa là Mục Tử Nhân hiền chăn dắt chiên đàn như vị từ mẫu, rất thân thương. Với thánh Gio-an, Đức Chúa đáp lại lời công kích/khích bác của nhóm Pharisêu/Biệt Phái vẫn trách cứ Ngài lân la gần gũi đám tội nhân, nhơ bẩn. Riêng thánh Luca ghi rõ, Đức Chúa dám bỏ chiên đàn 99 con ở lại, để tìm kiếm mỗi chiên lành, nay lạc mất (Lc 15: 3-7).
          Còn đối với thánh Mát-thêu, tín hữu Đức Kitô vẫn được cảnh báo về đám tiên tri giả lân la quanh họ. Tiên tri giả ấy, kỳ thực chỉ là lang sói đội lốt chiên con rất hiền từ. Và thánh sử lại ghi: ở thời sau hết, “muôn dân thiên hạ tập hợp trước mặt Người, và Người tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên - dê” (Mt 25: 32).
          Tin Mừng thánh hôm nay, thánh Gio-an ghi lại 10 câu gọn ngắn, rất xác thực. Cả 10 câu, bao gồm hai dụ ngôn, rất tách biệt. Dụ ngôn đầu, là để cảnh cáo người đến để bắt chiên. Và ở truyện sau, Chúa nhấn mạnh đến tương quan mật thiết giữa chiên hiền với kẻ chăn. Nhưng, ảnh hình làm trọng tâm cho Tin Mừng hôm nay, nói Chúa Chiên Lành chính là cửa ngõ. Và sau đó, Ngài lại công khai bày tỏ: “Tôi LÀ cửa cho chiên ra vào… Tôi đến, để chiên con được sống và sống dồi dào (Ga 10: 10). “Cửa cho chiên ra vào” nói ở đây, hàm ngụ ý nghĩa Ngài lĩnh đạo cộng đoàn có trọng trách chăm sóc chiên, không chểnh mảng.
          Trong quá trình chăm nom chăn dắt, chiên nghe biết tiếng gọi của kẻ chăn. Và, kẻ chăn biết rõ tâm tánh chiên. Cả đôi bên, vẫn tương quan mật thiết. Vẫn liên kết phục vụ, thật ăn ý. Đó là tương quan thường tình. Là quan hệ hiểu biết, rất trân trọng. Trân trọng tự do của đôi bên. Chiên con ra vào cửa chuồng thoải mái, không bị ràng buộc bằng nội qui, những luật và luật. Nhưng, bằng tình thân trân trọng, có tự do. Các chiên lạ thuộc ràn khác, chỉ đứng đằng sau. Những ngỡ ngàng và ngơ ngác. Nên, khi đi xuống đồng cỏ xanh tươi, chiên lẳng lặng tuân thủ “vì đã quen tiếng gọi, người chủ chăn”.
          Ở sách tiên tri Ê-dê-ki-en, có đoạn tuyệt tác nói: các kẻ chăn người Israel bị lên án về tộì bỏ trốn trách nhiệm Chúa trao gửi. Khiến, Ngài hơn một lần xác định: “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng. Ta ở với chúng, còn chúng, nhà Ít-ra-en, chúng là dân của Ta. Phần các ngươi, hỡi các chiên của Ta, các ngươi là đàn chiên trong đồng cỏ của Ta. Các ngươi là phàm nhân, còn Ta là Thiên Chúa các ngươi.” - sấm ngôn của Đức Chúa, là Chúa Thượng. (X. Êd 34: 30-31)
          Sấm ngôn Chúa Thượng là như thế. Dụ ngôn Chúa kể là như vậy. Thế mà, tông đồ Chúa vẫn chưa hiểu. Đây là trường hợp thường thấy trong Tin Mừng nhất lãm. Thánh Mác-cô viết rất: “Phần anh em, mầu nhiệm Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người ở ngoài, phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ."(Mc 4: 10-12).
          Ở đây nữa, khi viết “người ở trong” và “người ngoại cuộc”, Đức Giê-su nói rất rõ điều Ngài muốn nói. Ngài cho thấy Ngài là “Cửa ngõ” cho chiên con ra vào. Và, người vào từ cửa khác, đều không đáng tin cậy. Là “Kẻ trộm, họ chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Và, ai “qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.” (Ga 10: 8). Và trình thuật hôm nay kết cấu bằng một tin vui rất an bình: “Phần Tôi, Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10: 9).
          Sống dồi dào, chính đó là quả quyết của Đức Chúa Phục Sinh. Theo chân Chúa mà bước đi, người người sẽ có được cuộc sống đầy đặn, rất dồi dào. Chính đó là phần thưởng, ngay đời này, dành để cho những người dấn thân theo bước chân mềm phục vụ của Đức Chúa. Như nhà văn nọ từng cảm kích bằng nhận định: “Tin Vui An Bình, là quả quyết chắc nịch về cuộc sống. Sống một đời người”.  
          Theo Chúa sống đời kẻ chăn, là đáp ứng lời “ới gọi” từ Thầy Chí Ái, rất hôm nay. Hiền thê của Thầy là Giáo hội Chúa, đang cần đến kẻ chăn tình nguyện theo Chúa, hầu rao truyền Lời Ngài. Cần, “người mở cửa” cho chiên ra vào. Cần người thiện nguyện đáp ứng lời gọi khẩn thiết của Thầy. Lời gọi còn đó, nhưng có người hiểu sai vai trò thiện nguyện phục vụ của kẻ chăn. Hoặc, theo nghĩa hạn hẹp. Hạn hẹp và gói gọn, trong khuôn khổ đời sống linh mục/tu sĩ xa vời cuộc sống bình thường, của chiên con.
          Lời Thầy gọi kiếm kẻ chăn hôm nay, được gửi đến với tất cả chúng ta. Gửi, để ta có thể thực hiện công việc “mở cửa cho chiên” qua vai trò riêng rẽ trong cộng đoàn rộng lớn, của kẻ tin. Trừ phi ta quan niệm nhu cầu đáp ứng lời “ới gọi” của Thầy theo ý nghĩa khác, lời Thầy khẩn thiết vẫn được gửi đến mỗi người, hầu đáp ứng phù hợp nhu cầu phục vụ trong cộng đoàn dân Chúa. Nhu cầu đóng góp dựng xây cho cộng đoàn mình tăng trưởng, là trọng trách của mỗi người. Và mọi người.
          Trừ phi thành viên cộng đoàn thấy được: ân sủng đáp lời “ới gọi” của Thầy được gửi là để ta đáp ứng, bằng không cũng sẽ chỉ là tiếng kêu nơi sa mạc hoang vắng, rất âm u. Chính vì thế, có nhiều người lo ngại rồi ra cộng đoàn dân Chúa ứng xử theo não trạng của “siêu thị bán buôn”, trong đó người dân đi Đạo tựa như “đi chợ”. Ở nơi đó, Giáo hội Chúa chỉ cung cấp món hàng tinh thần hoặc linh đạo, khi ta cần thôi. Nhưng mối nguy của siêu thị như thế, là: rồi ra không còn hàng linh đạo để giao bán. Và, cũng không có người phân phối phục vụ, khi khách hàng có nhu cầu.
          Cộng đoàn tín hữu Đức Kitô chỉ có thể gia tăng và phát triển nếu thành viên biết đóng góp phần tốt đẹp của mình vào sự sống còn của cộng đoàn như một tổng thể, mà thôi. Và, khi mọi thành viên đều đóng góp phần tốt đẹp của mình như thế, cả cộng đoàn sẽ lĩnh hội trong sung mãn. Và sự sung mãn ấy, là điều Đức Giê-su nói đến trong trình thuật, rất hôm nay.
          Hôm nay, ngày đề nghị mọi con dân hãy nguyện cầu cho ơn “mời gọi” kẻ chăn dắt đàn chiên. Ắt hẳn ai cũng sốt sắng hưởng ứng lời đề nghị ấy. Nhưng, có điều nguy hiểm là: ta vẫn chỉ nguyện cầu để có được đáp ứng từ người khác, chứ không từ chính mình. Để có thể nói lên ý nguyện này với sự trung thực của người đồ đệ Thầy Chí Thánh, cũng nên tự hỏi: Chúa có mời gọi tôi đóng góp phần riêng của chính mình cho việc dựng xây cộng đoàn tình thương. Cộng đoàn giáo xứ chăng?
          Thực tế, chắc hẳn mọi người trong cộng đoàn đều cảm kích trước sự việc có nhiều thành viên đang đóng góp rất tích cực, bằng cách này hay cách khác, để đời sống cộng đoàn được phát triển. Chủ Nhật “Ơn Gọi” hôm nay, thách thức mỗi người hãy suy tư đáp ứng lời mời của Đức Giê-su, gửi đến với mọi người. Và mỗi người. Là thành viên cộng đoàn, ta sẽ đáp ứng với nhận thức rằng: tất cả đang cần người, để duy trì và phát triển cộng đoàn của ta.
           
                           

No comments: