Tuesday 20 May 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Chú giải Thơ Thánh Phaolô I Corinthô Đoạn 12 câu 31b và 13 câu 1 đến 3



Câu 31b:
Các ân-điển Thần Khí là kho quí-báu của giới siêu-nhiên. Thánh Faolô muốn các tín-hữu nỗ-lực đạt đến, nhưng cách riêng là những ơn có thể gây ích-lợi cho cộng-đoàn. Nhưng trên hết các ơn đó, họ chớ quên rằng ơn làm viên-thành mọi ân-điển là chính Agapè Thiên-Chúa ban xuống. Ngay đây, chúng ta fải nói là tiếng Agape dùng một cách mập-mờ: nhiều khi chúng ta không biết rõ là Agapè đó Agapè Thiên-Chúa đối với chúng ta, hay là Agapè của chúng ta đối với Thiên-Chúa, hay là Agapè của người ta đối với nhau.

Đoạn 13 câu 1:
Dẫu một người trổi-trang đến đâu về ân-điển, và đức siêu-quần bạt-chúng, thì cũng không fải vì thế mà người ấy có giá-trị nơi Thiên-Chúa nếu không nhờ Agapèở trong Agapè.

‘Tiếng nhân-loại và thiên-thần’: ám-chỉ đến ngữ-ân. Tiếng thiên-thần: kiểu nói muốn nhấn vào một ngữ-ân tuyệt-vời không thể tưởng-tượng.
‘Thanh la phèng phèng, chũm choẹ chập cheng’: tiếng dùng trong Hy-Lạp gợi đến thanh-âm các nhạc-khí này. Trong thời đó, các nhạc-khí nói đây được dùng trong tế-tự thần Dionysos. Kybèlê (Corybantes); một lời mỉa-mai: liệt hàng những kẻ nói tiếng lạ không lòng Mến với hạng đồng-bóng ngoại-đạo.

Đoạn 13 câu 2:
So-sánh một loạt đặc-sủng cao hơn với lòng Mến: ơn tiên-tri, ơn trí-tri, thấu tỏ các mầu-nhiệm, lòng tin mạnh chuyển cả núi non.

Đoạn 13 câu 3:
Đối-chiếu lòng Mến với những việc anh-hùng xả-kỷ.
Có vấn-đề bình-luận văn-bản tiên-quyết: để chịu thiêu (kauthèsomai) hay để vinh-vang (kaukhèsômai): Chứng-chỉ văn-bản nói được là xấp-xỉ bằng nhau. Nhưng trong 2 câu đầu, không nói đến một động-lực xử-trí hèn kém. Vả lại, đem ngay vào đây, một ý-tưởng như thế tất sẽ làm mất hiệu-lực của ‘mà tôi lại không có lòng mến’. Vậy fải giữ văn-bản: để chịu thiêu.

Thánh Faolô ám-chỉ đến gì? Có những giải-thích này:

-có những tín-hữu đã chịu tử-đạo bằng lửa thiêu. Không cái-nhiên.
-ám-chỉ đến tử-đạo Do-thái: Dn 3: 23tt; 2M 7: 3-tt (Truyền-tụng Do-thái còn nói đến những người như Khanina ben Teradion, và nhất là truyện hoang-đường về Abraham (Pseudo-Philo): rất có thể!
-Những cuộc tự-thiêu: Truyện Hercule (Heraklès) rất danh-tiếng.
Nhưng những thí-dụ danh-tiếng vào thời này là truyện những fakir Ấn-độ, bè khắc-kỷ cũng nên làm gương cho sự tự-do tâm-hồn của triết-gia (Kalanos vào thời Alexandrô đại-đế; Zamorkos.) (Clêmentê Alexand. Cũng nhắc lại nố những triết-gia đó, và gọi họ là gymnosophistai Ấn-độ).
-Còn một giải-thích nữa: Preuschen muốn hiểu về sự hy-sinh thương người đến đỗi bán mình làm nô-lệ và đành chịu lấy dấu nô-lệ bằng sắt nung.

Ít ra trong câu 3 này, thấy rõ được rằng Agapè không hoàn-toàn chỉ là bác-ái, từ-bi hỷ-xả, mà còn là tâm-hồn ở trong nữa.     
                                                                                                                                                     (còn tiếp)
                                                                                     
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích bài dạy Kinh thánh hồi thập-niên ’60)

No comments: