Monday, 26 May 2014

TÂN PHÚC ÂM HÓA HÔM NAY - Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 25.5.2014



TÂN PHÚC ÂM HÓA HÔM NAY


Năm nay, Tỉnh DCCT Việt Nam tổ chức mừng 50 năm hình thành và phát tiển tại Việt Nam, Năm 1924, Giáo Hội Việt Nam thỉnh cầu cùng Tòa Thánh gởi đến Việt Nam một Dòng Tu chuyên lo các cuộc Đại Phúc và giảng Tĩnh Tâm cho hàng Giáo Sĩ nhằm củng cố lòng tin của các tín hữu, Thánh Bộ Truyền Giáo đã ngỏ lời với DCCT, lập tức Tỉnh Dòng Thánh Anna ( Sainte Anne de Beaupré ) bên Canada, đã đáp lại lời gọi này từ Trung Ương của Hội Dòng, năm 1925, nhóm sai đầu tiên gồm ba người: hai Linh Mục và một thầy Trợ Sĩ đã đến Huế ( Ảnh chụp cha Eugène Larouche, một trong ba vị thừa sai tiên khởi của DCCT Canada đến Việt Nam ).
Qua sử liệu, khi khởi sự công cuộc đến Việt Nam, Tỉnh Dòng Thánh Anna tách ra từ Tỉnh Dòng Bỉ, và mới chỉ được 14 năm đã được nâng lên hàng Tỉnh Dòng, số Tu Sĩ còn khiêm tốn, đặc biệt Tỉnh Dòng Thánh Anna đang lâm vào cơn lận đận về cơ sở và kinh tế, cuộc hỏa hoạn ở Québec đã thiêu rụi gần như toàn bộ tài sản của Tỉnh Dòng.
Trong vòng 40 năm đầu tiên của sứ vụ tại Việt Nam, Tỉnh Dòng Thánh Anna đã gởi tổng cộng 67 thừa sai ( hiện nay chỉ còn một mình cha già Jacques Huberdeau đang sống tại Québec ), nhưng thực tế cho thầy Tỉnh Dòng Thánh Anna đã gởi những vị xuất sắc nhất của Tỉnh Dòng cho sứ vụ tại Việt Nam. Sự đầu tư mạnh mẽ và quảng đại không chỉ nằm ở con số nhưng còn ở phẩm chất, nhờ những vị xuất sắc này mà sự phát triển nhiều mặt của Tỉnh Dòng Việt Nam được khởi sắc.
Khi đến Việt Nam, công việc đầu tiên là đáp lại sự mong mỏi của Giáo Hội Việt, các thừa sai đã khởi sự các cuộc Đại Phúc và giảng Tĩnh Tâm cho các Tu Sĩ, Giáo Sĩ. Cùng với công việc mục vụ, các thừa sai bắt đầu ngay việc tuyển mộ ơn gọi và thiết lập các cấp đào tạo tại Việt Nam. Vị thừa sai quan tâm và dồn hết nỗ lực cho việc đào tạo là cha già Eugène Larouche, người đươc coi là “ông nội” của các cựu Đệ Tử người Việt Nam ( dù còn là Tu Sĩ trong Dòng hay không ). Thừa kế truyền thống từ Tỉnh Dòng Bỉ khi thiết lập Tỉnh Dòng Thánh Anna ở Québec, các thừa sai Canada khi xây dựng hệ thống đào tạo tại Việt Nam đã không gặp sự trở ngại nào đáng kể.
Ngoại trừ các thừa sai ban đầu là Linh Mục và Trợ Sĩ, hầu hết các thừa sai sau này đều là sinh viên Thần Học của Tỉnh Dòng Mẹ bên Canada, họ được gởi đến Việt Nam khi còn rất non trẻ, học tiếng Việt ngay tại Việt Nam và ngồi cùng ghế với các sinh viên Việt Nam, cả hai lớp sinh viên thuộc hai dân tộc khác nhau đều ngồi chung một bàn, ăn chung một mâm, học chung một thầy, sống chung một nhà, cử hành chung các buổi Phụng Vụ, không hề có sự phân biệt hay đặc quyền đặc lợi dành cho riêng ai, không hề có châm chước du di cho bất cứ tiêu chuẩn nào của chương trình đào tạo. ( Ảnh chụp cộng đoàn DCCT Huế năm 1934 ).
Điều quan trọng là các thừa sai đã xây dựng một chương trình đào tạo chung cho tất cả các sinh viên kể cả một số sinh viên từ các Giáo Phận gởi vào ( Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn, Đức Giám Mục Đa Minh Nguyễn Văn Lãng… ). Các sinh viên Việt Nam học chung với các sinh viên Canada mà không hề thua kém, không hề mang mặc cảm nhược tiểu, cho dù phần đông trong số họ, những anh em trẻ Canada rất xuất sắc, ngược lại tình huynh đệ, sự hiệp nhất và đoàn kết theo tinh thần “gia thất” được định hướng và thực hiện như một triết lý về đào tạo trong Học Viện của Tỉnh Dòng.
Theo thống kê vào cuối năm 2013, Tỉnh Dòng Việt Nam có 321 Tu Sĩ đang hiện diện tại Việt Nam, trong số đó có 199 Linh Mục, 11 Phó Tế chuyển tiếp. 166 vị đã qua đời. 24 cộng đoàn lớn nhỏ, và trên 100 Giáo Điểm. Một con số thống kê không phải là nhỏ.
 Kỷ niệm 50 năm được nâng lên hàng Tỉnh Dòng, Tỉnh Dòng Việt Nam mới chỉ có vỏn vẹn 1 Linh Mục, 1 Tập Sinh, 15 Dự Tu và Dự Tập sinh người anh em sắc tộc thiểu số, một con số quá khiêm tốn cho một định  hướng rất rõ nét: “Loan báo Tin Mừng cho những người nghèo, những người bị bỏ rơi hơn cả, đăc biệt người sắc tộc thiểu số” ( ưu tiên số một của DCCT Việt Nam ). Không phủ nhận những hy sinh gian khổ của vùng truyền giáo, 60 năm Fyan, 45 năm cho người J’rai, 7 năm cho người Bahnar, ngoài ra còn có hơn 50 năm cho vùng Châu Ổ, Cần Giờ… và các vùng khác nữa ), nhưng sự quan tâm và tiến hành tuyển mộ, đào tạo người sắc tộc quá khiêm tốn. Chúng tôi mắc nợ tiền nhân, mắc nợ Hội Thánh và mắc nợ anh em người sắc tộc thiểu số một món nợ quá lớn !
Một cuộc hội thảo kéo dài 3 ngày trên Tây Nguyên trong tuần lễ vừa qua, về đề tài tuyển chọn và đào tạo Giáo Sĩ người sắc tộc, được phối hợp giữa Tỉnh Dòng và Giáo Phận Kon Tum vẫn còn cho thấy loay hoay trong đường hướng, chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và triết lý đào tạo. Một giai đoạn đất nước xã hội đã qua đi, nhưng với kinh nghiệm của Tỉnh Dòng Thánh Anna có soi sáng gì cho những suy nghĩ và trăn trở của chúng ta hôm nay không ?

Công trình Phúc Âm Hóa cần phải đổi mới, canh tân và đem lại hiệu quả để xứng đáng gọi là Tân Phúc Âm Hóa. Nguyện xin Chúa Thánh Thần mà Hội Thánh đang kêu cầu đến để soi sáng chúng ta.
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
Chúa Nhật 25.5.2014

No comments: