( Thánh Vịnh 118, 30 )
Trong lịch sử Hội
Thánh, một trong những sự kiện quan trọng đầu tiên là việc chọn người thay thế
ông Giuđa, kẻ đã phản bội Chúa Giêsu và chia tay với Tông Đồ Đoàn. Vị nào thay
thế chỗ của Giuđa cũng có nghĩa là trở nên Tông Đồ, lãnh nhận sứ mạng làm chứng
về Chúa Giêsu, sung công hoàn toàn cuộc đời mình và sống chết cho Tin Mừng,
thay chỗ Giuđa cũng có nghĩa là nhận lấy vị thế thuộc về Chúa Giêsu hoàn toàn,
có đầy đủ uy tín để làm chứng, một chứng xác thực về Chúa Giêsu.
"Vậy
trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người
dẫn đầu chúng ta, kể từ phép rửa của ông Gioan cho đến ngày Người lìa bỏ chúng
ta và được rước lên Trời, phải có một người trở thành chứng nhân cùng với chúng
tôi về cuộc Phục Sinh của Người" ( Cv 1, 15 – 26 ).
Thánh Phêrô đã chia sẻ với Tông Đồ Đoàn về
điều kiện thiết yếu để trở nên người làm chứng về Chúa Giêsu, đây là điều kiện
quan trọng nhất không thể bỏ qua. Phải là người đã từng theo Chúa Giêsu kể từ
khi ông Gioan thực hiện phép rửa, cho đến ngày Ngài lên Trời.
Hành trình theo Chúa
là hành trình được huấn luyện bởi chính Chúa Giêsu về sự nhận biết chương trình
cứu độ của Thiên Chúa và lòng tin vào chính Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc nhân
loại. Chính Chúa Giêsu huấn luyện bằng phương pháp độc đáo của Ngài chứ không
phải bởi ai khác, một giáo huấn tinh tuyền, sống động, không sai chạy, không bị
cắt nghĩa hoặc giải thích bởi bất kỳ luồng tư tưởng hay bất kỳ khuynh hướng
nào, một giáo huấn được truyền ban và kiểm nghiệm bởi chính Đấng xây dựng giáo
huấn, một giáo huấn được đích thân Ngài dạy dỗ một cách sống động, diện đối
diện, từng chút một.
Chính
Chúa Giêsu huấn luyện các Tông Đồ để xây dựng mối tương quan chặt chẽ, gắn bó,
đích thực của họ với chính Ngài. Không chỉ là giáo thuyết nhưng là chính con
người, chính mối tương giao mật thiết với Chúa, mối tương giao xác định tính
cách môn đệ, mối tương giao CON NGƯỜI với con người. Chúng ta nhận thấy Thánh
Phêrô nhấn mạnh yếu tố “theo Chúa Giêsu…”
và “Người dẫn đầu chúng ta”.
Mối tương giao với
Chúa Giêsu quyết định tính cách làm chứng, bởi người làm chứng phải là người có
kinh nghiệm trong cuộc đời mình về các biến cố liên quan, về chính con người
mình làm chứng. Ở đây không còn thuần tuý là công việc nữa, nhưng là một dấn
thân trọn vẹn, đích thực. Điều mình làm chứng hoàn toàn thuộc về mình, không gì
có thể chia tách.
Đối tượng của lời
chứng là chính Chúa Giêsu mà biến cố trọng tâm là cuộc Phục Sinh. Phục Sinh là
hệ quả tất yếu của cuộc khổ nạn, của thập giá, một hệ quả vượt sức hiểu biết và
tiên đoán của con người. Phục Sinh là hệ quả tất yếu của cuộc thương khó trong
một chương trình được vận hành bằng quyền năng Thánh Linh.
Biến cố Phục Sinh làm
đảo lộn mọi tính toán của thế gian, sức công phá của biến cố Phục Sinh đã làm
bật tung Cửa Tử Thần bấy lâu nay tưởng như bất bại. Biến cố Phục Sinh quyết
định số phận con người, mở ra cho nhân loại niềm hy vọng bất diệt, giải phóng
nhân loại trong tự do, vĩnh cửu.
Chúng ta nhận ra hình
ảnh Mẹ Maria bao trùm lên sự kiện vừa nêu. Mẹ không chỉ có mặt bên Chúa Giêsu
kể từ khi Gioan làm phép rửa, nhưng Mẹ hiện diện bên Chúa Giêsu, trong Chúa
Giêsu, ngay khi sứ thần ngỏ lời công bố Chúa vào trần gian. Mẹ không chỉ theo
chân Chúa ra vào lui tới trên bước đường loan báo Tin Mừng, nhưng Mẹ bao bọc,
gần gũi, bồng ẵm và không bao giờ rời xa Con của mình trong bất kỳ tình huống
nào.
Nếu
hỏi ai là người được nghe Chúa giảng dạy nhiều nhất, lâu nhất và sâu nhất, thì
câu trả lời chỉ có thể là chính Mẹ Maria. Khi chưa có một vị Tông Đồ nào biết
Chúa thì Mẹ đã nuốt vào lòng mình bao lời yêu thương của Chúa. Khi chưa có một
Môn Đệ nào được mặc khải ý định của Thiên Chúa, thì Mẹ đã ghi nhớ mà suy đi gẫm
lại trong lòng. Giáo huấn của Chúa Giêsu in sâu vào lòng mẹ, hình ảnh của Chúa
thẫm đượm trong tâm Mẹ, ngôn ngữ của Chúa vang vọng trong lòng Mẹ.
Vâng, không ai gắn bó
với Chúa Giêsu hơn Mẹ !
Mẹ theo Con yếu dấu
của mình đến tận chân thập giá, chấp nhận đi hết con đường đau khổ, chấp nhận
chương trình của Thiên Chúa trong mù tối chỉ với một ánh sáng tin yêu. Mẹ chấp
nhận để Thần Khí của Chúa vận hành cuộc đời Mẹ thì lẽ nào trong biến cố Phục
Sinh Mẹ lại không được thụ lãnh những gì là cao quý và thẳm sâu nhất ?
Là người theo Chúa Giêsu từng giây từng phút,
là người gắn bó mật thiết với Chúa, là người chứng kiến, hiệp thông, tham dự
vào toàn bộ biến cố khổ nạn, thập giá và phục sinh của Chúa, chắc chắn Mẹ là
người Tông Đồ đích thực, là Tông Đồ của mọi Tông Đồ, là người thu giữ kho tàng
Đức Tin của Hội Thánh, là người chia sẻ Đức Tin cho nhân loại.
Công cuộc Tái Phúc Âm
Hóa hôm nay cần đặt lại cùng một vấn đề như Hội Thánh xưa, không thể có kẻ nào
được sai đi mà đã không từng theo Chúa Giêsu, có mối tương quan gắn bó mật
thiết với Ngài, thuộc trọn về Ngài và đi trọn con đường Ngài đã đi. Nếu không
đủ các điều kiện đó, chúng ta chỉ có những người hành nghề tôn giáo, một loại…
cán bộ dịch vụ tín ngưỡng mà thôi !
Nhìn lên Đức Trinh Nữ
Maria, Mẹ của chúng ta, xin Mẹ trao cho chúng ta kinh nghiệm đi theo Chúa với
tất cả lòng cậy trông phó thác. Chúng ta cần kinh nghiệm của Mẹ biết bao khi
chúng ta đặt chân bước đi trên Đường Chân lý đã chọn.
"Lạy
Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân
lạy Mẹ…" Amen.
Lm. VĨNH SANG, DCCT
No comments:
Post a Comment