Tuesday 5 November 2013

Lm Vĩnh Sang DCCT: TIN MỪNG ĐÂU ?


Mấy tuần qua, chúng ta nghe một tin buồn làm rúng động lòng người, một bác sĩ thẩm mỹ khi phát hiện một khách hàng của mình chết sau khi hút mỡ ngực, ông đã vứt xác người này xuống sông Hồng để phi tang ( tin ngày 20 và 21 tháng 10 trên tất cả các báo mạng cũng như báo giấy ). Tin này cùng nhiều tin loan đi qua các vụ bê bối trong lãnh vực y tế, sau nhiều tin tức về những cái chết thương tâm của các em bé "bị" chích ngừa, các sản phụ chết khi sinh nở… Những sự kiện này liên quan đến mạng người nên nó làm thương tổn đến lương tâm con người, làm chấn thương cả đời sống xã hội.
Không chỉ trong lãnh vực y tế, nhiều lãnh vực khác cũng đang xảy ra những vấn đề nhức nhối, không ít vấn đề liên quan đến mạng người hoặc đe dọa sự an toàn của mạng người. Giao thông, thực phẩm, môi trường, giáo dục, đất đai…
 Về phương diện pháp luật và trật tự xã hội ( có một thứ trật tự xã hội ở ngoài pháp luật khi pháp luật không đủ tầm ), chắc chắn phải có điều tra, nghiên cứu, ra biện pháp, xử phạt, chấn chỉnh… Mọi người mong chờ một sự nghiêm minh phải có để hàn gắn và xây dựng xã hội, vẫn mong chờ mặc dù đã mong chờ quá lâu và ngập tràn thất vọng. Trước lịch sử và trước hồn thiêng dân tộc, chắc chắn sẽ chỉ ra được những ai có trách nhiệm, chứ không mãi u u minh minh thế này.
Về phương diện tôn giáo, cho dù Nhà Nước Việt Nam hiện nay gạt tôn giáo ra bên lề xã hội, những quyết định không cho tôn giáo hoạt động trong các lãnh vực y tế, giáo dục và từ thiện vẫn có hiệu nghiệm, nhưng không ai có thể chối bỏ sự hiện diện của các tôn giáo trên đất nước này, và những người có niềm tin tôn giáo vẫn âm thầm có mặt trong tất cả mọi lãnh vực. người tin vào Chúa cũng hiện diện ở mọi lãnh vực của cuộc sống xã hội. Điều chúng ta tự hỏi, những người có tôn giáo nói chung, người Kitô hữu nói riêng, ở đâu trong những biến cố nhức nhối hiện nay ?
Chúng ta không thể gạt bỏ trách nhiệm của chính mình. Chúng ta xây Nhà Thờ cho thật to, tổ chức lễ hội cho thật linh đình… nhưng chúng ta không thắng lại được những đổ vỡ trong xã hội mà chúng ta đang hiện diện thì thật sự chúng ta cần phải nhìn lại chính mình. Nếu giải thích những đổ vỡ hiện nay bắt nguồn từ tội lỗi thì quả thật chúng ta không thánh thiện đủ để giải trừ tội lỗi ấy. Tại sao bóng tối cứ hoành hành mà con cái của sự sáng lại bất lực ?
Đừng để những con số thống kê đánh lừa chúng ta. Khánh Nhật Truyền Giáo vừa qua, chúng ta có những con số thống kê về người dự tòng và tân tòng nghe rất thuyết phục, nhưng tỉnh táo để làm mấy bài toán, chia toàn bộ con số ấy cho con số Giáo Xứ thì sẽ thấy ngay cái tỉ lệ quá khiêm tốn của nó. Nếu lấy con số dự tòng mà chia cho con số Linh Mục và Tu Sĩ sẽ thấy tỉ lệ còn khiêm tốn hơn nữa. Nhưng vấn đề không phải là những con số, mà là khả năng thẩm thấu Tin Mừng của những muối và men trong cuộc sống. Bao nhiêu bác sĩ Công Giáo tỏa sáng Y Đức ? Bao nhiêu thầy cô Công Giáo tỏa sáng thiên chức ? Bao nhiêu kỹ sư Công Giáo tỏa sáng lương tâm chức nghiệp ? Và dĩ nhiên, bản thân là Tu Sĩ, tôi thành thật nhận khuyết điểm trong chính cái bất xứng của mình. Muối ra dại thì chỉ còn vứt ra ngoài đường cho người ta giẫm đạp, men hết nồng thì rũ bỏ đi thôi !
Trong đoạn Tin Mừng Lc 12, 54 – 59, Chúa Giêsu khiển trách những kẻ biết nhìn thời tiết mà tiên đoán sự kiện, nhưng lại quá kém cỏi khi không nhìn ra các sự kiện chung quanh mà nhận biết ý Thiên Chúa. Lẽ nào chúng ta rơi vào đối tượng của lời khiển trách này ? Hay chúng ta thấy mà chúng ta im lặng, thế Lời của Chúa dạy chúng ta để đâu rồi ?
Thư Thánh Phaolô ( 2Tm 4, 2 ): “Hãy rao giảng lúc thuận lợi hay không thuận lợi”. Trong bức thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc” của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ( Roma 8.12.1990 ), bức thông điệp chuẩn bị vào thiên niên kỷ thứ ba, nơi chương 4, ngài có nói: Không phải lập thêm các kênh truyền thông mới, nhưng vấn đề là làm sao Tin Mừng thấm nhập vào các kênh truyền thông đang có.
Tin Mừng làm sao thấm nhập được nếu không có người mang Tin Mừng vào các kênh truyền thông đó ? Muối và men là vậy. Sứ mạng của Hội Thánh và cũng là của mỗi người chúng ta là rao giảng và chữa lành, thật ra rao giảng là chữa lành, dám rao giảng thì sẽ chữa lành được, cái bóng của các Tông Đồ đổ xuống trên ai thì người đó được chữa lành.
Cách đây khoảng 4 tháng, một người Kitô hữu lái xe thuê ( xe hợp đồng ) bị Công An Giao Thông xử phạt oan, anh làm đơn khiếu nại đến cùng, chấp nhận 3 tháng bị giữ giấy tờ xe, mất công ăn việc làm, sau khi làm việc với thanh tra Công An, anh nói: “Thật ra tôi chỉ cần đưa cho các anh ấy vài trăm ngàn là tôi có thể đi, và không gặp nhiều rắc rối, nhưng tôi không làm thế, tôi lái xe chở các cha ở Nhà Thờ, tôi không thể làm như vậy được”. Cuối cùng anh thắng kiện, Cảnh Sát Giáo Thông phải trả lại giấy tờ xe, bồi thường một phần thiệt hại cho anh. Hôm anh bị thổi phạt, anh đang chở tôi và một số Tu Sĩ nữa đi công việc. Đội cảnh sát giao thông làm sai là CSGT đội 9, anh tài xế là anh Phạm Đức Hiệp.
Báo chí vừa đưa tin, kết quả khảo sát của thanh tra Chính Phủ và Ngân Hàng Thế Giới phối hợp thực hiện: tham nhũng tràn lan khắp nơi, nhiều nhất là Cảnh Sát Giao Thông, Hải Quan, Thuế, Quản Lý Đất và Xây Dựng ( bài “Nhiều doanh nghiệp có đưa hối lộ”, đầu trang 2 báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ sáu 25 tháng 10 ). Dám hỏi: có bao nhiêu người Kitô hữu dính líu chuyện đưa hối lộ hoặc tham nhũng ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT


No comments: