Monday 11 November 2013

Lm Vĩnh Sang DCCT: CHIẾC ÁO BÀ BA



Sống ở vùng nhiệt đới, thời tiết nóng quanh năm, việc chọn lựa loại vải và kiểu cách quần áo được chú ý sao cho mát và dễ dàng sử dụng. Tôi thích nhìn hình ảnh các cha cố đơn sơ trong các bộ quần áo mộc mạc giản dị của người Việt. Tôi mong muốn từ lâu có một hai bộ quần áo như vậy để mặc trong nhà cho tiện lợi. Khi cơ hội đến, tôi đã xin may hai bộ để tiện thay đổi.
Bộ quần áo tôi có rất đơn sơ, may bằng loại vải thường, theo kiểu "áo bà Ba" mà chúng ta thẩy các ông miền Tây Nam Bộ thường dùng, cả hai đều màu nâu, màu tối một chút cho dễ mặc và dễ giặt.
Tôi thường mặc trong phòng riêng, đôi khi có việc ra khỏi phòng tôi cũng mặc một chút vì không tiện cứ thay đổi mãi, hơn nữa bộ quần áo này người ta vẫn dùng để mặc ra cả ngoài đường, thậm chí tham dự các buổi hội làng cũng như thăm viếng bà con quen biết, trừ khi vào lễ nghi người ta sẽ phải khoác thêm chiếc áo dài the nữa cho trang trọng.
Ở đây phải nói thật lòng, tôi rất ngưỡng mộ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông thường xuất hiện trong các buổi lễ cấp quốc gia với bộ trang phục áo dài khăn đóng trịnh trọng, đơn sơ và đâm đà tình tự quê hương.
Nhưng không bất ngờ lắm vì tôi đã dự đoán, một số anh em cười cợt khi thấy tôi mặc bộ quần áo này đi trong Tu Viện, một vài người Giáo Dân tỏ vẻ ngạc nhiên rồi nói: "Cha giống ông sư quá !" Một số người khác lại bảo: "Cha giống nông dân".
Có lần một cha người ngoại quốc đến thăm chúng tôi, ngài hỏi tôi về bộ y phục tôi đang mặc, tôi giải thích với ngài rằng đây là bộ quần áo của người dân miền Nam, bộ quần áo của người dân bình thường, nó giản dị vì nó dễ may, dễ măc, mát mẻ, thích hợp với khí hậu nhiệt đới.
Y phục phản ánh văn hóa vùng miền, người ta tích lũy kinh nghiệm ứng phó với khí hậu và cuộc sống để tìm ra cách thức ăn mặc thích hợp, đồng thời chau chuốt thổi hồn vào để nâng lên hàng nghệ thuật, không phải một sớm một chiều mà hình thành ngay kiểu cách đặc trưng của y phục, nhưng lần hồi trải qua nhiều năm tháng và được sự đồng thuận của xã hội.
Dĩ nhiên khi người ta không còn sống trong vùng khí hậu cũ, hoặc không còn gắn bố với sinh hoạt cũ, người ta có thể đổi thay y phục cho thích hợp với cuộc sống mới. Khi không còn gắn bó với ruộng đồng, người ta có thế tìm một loại trang phục khác cho cuộc sống, tuy nhiên chắc phải nhiều đời mới gột được… vết phèn nơi gót chân !
Điều tôi muốn suy nghĩ là tại sao “ông sư”, “thầy chùa” lại có thể và quen thuộc với bộ quần áo của nông dân người việt, còn “ông cha” lại xa lạ và gây ngạc nhiên khi khoác lên người bộ y phục giản đơn gần gũi của nông dân ?
Điều tôi vẫn tự hỏi tại sao một số các Nữ Tu Việt, lại bỏ chiếc áo dài của người Việt mà các chị vẫn mặc thuở ban đầu mới lập Dòng, để khoác lên mình bộ váy áo của người phương Tây ?
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, tôi không nghĩ cứ phải mặc kiểu áo của người Việt mới là Việt, ngày nay chẳng còn ai mặc áo dài tứ thân đi ngoài đường, có chăng chỉ còn trên sân khấu lễ hội, càng vớ vẩn hơn khi mặc áo dài tứ thân chạy xe tay ga ! Như thế chỉ là hoài cổ nệ cổ, nhưng cái hồn nhẹ nhàng, kín đáo, thướt tha, gợi cảm, của chiếc áo dài chính là hồn Việt. Cái trang trọng, nền nã, đĩnh đạc của bộ áo dài the khăn đóng chính là hồn Việt.
Cùng một suy tư đó tôi nghĩ về những ngôi Nhà Thờ của chúng ta, tuy rằng hình ảnh ngôi Nhà Thờ theo kiểu phương tây đã đi sâu vào nhận thức, và là một nét văn hóa rất chuyên biệt của đạo Công Giáo tại Việt Nam, nhưng tôi vẫn tự hỏi tại sao khi đạo Phật vào Việt Nam, đạo chỉ mang Phật pháp thôi, còn lại thì dùng chính ngôi nhà của người Việt để thờ Phật ? Mình có thể dùng ngôi nhà của người Việt để thờ phượng Chúa được chứ ? Có gì là không được ? Tại sao mình có thể dùng tiếng Việt để thờ phượng Chúa mà không thể dùng ngôi nhà Việt để thờ phượng Chúa ?
Cũng giống như y phục, ngôi nhà Việt là một quá trình tích lũy kinh nghiệm và thích ứng với khí hậu nhiệt đới gió mùa, thậm chí từng chi tiết trong ngôi nhà Việt thể hiện tâm lý và văn hóa người việt. Các nhà tính toán kết cấu công trình chỉ ra rằng, cấu tạo khớp ở chân đế cột nhà của người Việt là kết cấu ứng phó với gió bão vùng nhiệt đới. Các nhà khí động học chỉ ra rằng, mái đao góc nhà là nơi thoát khí nóng cho ngôi nhà, hiên và chái nhà là nơi làm giảm hơi nóng mùa hè trước khi vào nhà, và là nơi hâm ấm gió lạnh quanh nhà vào mùa đông.
Khi được tiếp xúc với Giáo Sư Trần Văn Khê, ông tỏ bày muốn biết về Thánh Ca Việt Nam, tôi gởi ông một số sách nhạc và một số đĩa hát, một thời gian ngắn sau, ông cho tôi biết, ông rất ngạc nhiên về sự hội nhập văn hóa của Thánh Ca Việt, ông đánh giá cao một số tác phẩm của một số tác giả, ông ngâm nga một số bài gần như thuộc lòng và nói với tôi rằng, ông thỏa mãn vì đã đặt được chân vào một vùng miền mà xưa nay ông nợ nhân gian, vùng miền ấy đầy chất Việt.
Cầu xin cho chúng ta có thể diễn tả niềm tin của chúng ta bằng chính “ngôn ngữ” Việt, có vậy chúng ta mới có thể nói Tin Mừng bằng “tiếng Việt” với người Việt.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 9.11.2013

No comments: