Có
một trò chơi của trẻ em mà cả người lớn cũng thích. Chơi trong nhà hay ngoài
sân đều được. Chơi rồi, chơi lại nhiều lần vẫn thấy vui. Càng đông người chơi
càng dễ gây được bầu khí sôi động. Ấy là trò chơi “Ta là vua !” Luật chơi rất
đơn giản, quản trò chỉ vào bất kỳ ai trong vòng tròn, người ấy sẽ đưa cao hai
tay lên, hô to: “Ta là vua !”, hai người hai bên của người ấy phải chắp tay
khấu đầu hô theo: “Muôn tâu bệ hạ !” Quy định là bao giờ các thần dân cũng phải
ở tư thế thấp hơn vua: vua đứng – bầy tôi quỳ; vua ngồi – bầy tôi phải nằm
xoài; lắm khi vua chơi ác, nằm xoài ra đất luôn thì bầy tôi phải bò lê bò càng
sát đất. Vui thật vui ! Mọi người cứ thay nhau mà... “lên vua xuống tớ”, chẳng
ai huy hoàng được quá 5 giây, chưa kịp hoạnh họe bắt nạt gì ai thì đã bị truất
phế ngay lập tức...
Một lần giúp Tĩnh Tâm cho các bạn sinh viên Xa Quê vào
cuối Năm Phụng Vụ, đúng vào dịp Lễ Chúa Kitô Vua, tôi đã bắt đầu buổi họp mặt
hôm ấy bằng trò chơi “Ta là vua”. Ai cũng trợn mắt ngạc nhiên, đáng lẽ phải hát
“Cầu xin Chúa Thánh Thần...” hoặc đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi...”, đàng này
lại đi chơi trò chơi sinh hoạt vòng tròn, chẳng nghiêm trang đứng đắn chi cả !
Thế nhưng gượng chơi được một lúc thì các bạn trẻ quên ngay cái sự chướng tai
gai mắt, trò chơi quá quen thuộc đến mức tầm thường ấy hoá ra vẫn có sức lôi
cuốn mọi người, không cưỡng lại được. Căn phòng dùng để tĩnh tâm bỗng nhiên
thành sân chơi ồn ào náo động !
Tôi
có ý đợi đến cao trào, đúng thời điểm bạn quản trò hăng tiết ra chỉ thị thật
nhanh và liên tục khiến cho người chơi bị quay như chong chóng, mới làm vua đã
phải thành nô lệ, rồi lại tức khắc lên ngôi, vừa mới vênh vang đã bị rớt xuống
tận cùng, ai cũng bê bết đất cát khi phải bò lê ra sàn nhà. Tôi đề nghị mọi
người dừng lại, chỉ kịp đứng cho nghiêm chỉnh ngay ngắn, thinh lặng lắng đọng
một chút thôi là bắt đầu cầu nguyện luôn. Sau khi tôi đọc đoạn Tin Mừng theo
Thánh Luca ( Lc 9, 18 – 20 ) và lập đi lập lại câu hỏi của Chúa Giêsu: “Còn anh
em, anh em bảo Thầy là ai ?”, các bạn Giáo Lý Viên hôm ấy đã hiểu ngay được tâm
tình chung mà dâng lời nguyện tự phát.
Tôi
còn nhớ có một lời nguyện thật thấm thía của một bạn nam Giáo Lý Viên, bạn ấy
nói với Chúa, tôi không nhớ được nguyên văn, đại để như thế này:
“Thưa
Chúa, bao nhiêu lần đã nghe đoạn Tin Mừng hôm nay, con đều dửng dưng tỉnh queo,
thấy chẳng ăn nhập gì đến đời mình. Thế nhưng lần này thì tự nhiên con giật
mình. Mừng Lễ Chúa Giêsu là Vua mà thâm tâm con chưa bao giờ tin nhận Chúa là
Vua của mình. Chúng con vừa mới chơi xong trò chơi “Ta là vua”, con mới ngộ
được rằng lâu nay giới trẻ chúng con đã thờ đủ thứ vua vớ vẩn tào lao trên thế
gian này, toàn là siêu sao bóng đá, ca sĩ, người mẫu, diễn viên điện ảnh, còn
cả gan gọi họ là nữ thần ( Goddess ), là thần tượng ( Idol – Diva ). Chúng con
bắt chước họ từ cách ăn mặc, uốn tóc, nhuộm đầu, đi lại, nói năng, cho đến
chuyện yêu đương vớ vẩn và chơi bời sa hoa phù phiếm. Chúng con thuộc làu làu
tiểu sử và thành tích của họ. Chúng con gào thét khóc la khi trông thấy họ, và
có người còn dám tự tử chết lãng nhách vì họ... Bây giờ con xin lỗi Chúa có còn
kịp không, thưa Chúa ?”
Như mạch nước đã được khơi nguồn, sau phần cầu nguyện mở
đầu thật sâu lắng mà sát sườn hôm ấy, tôi đã không cần phải luận thuyết giảng
giải dài dòng như mọi lần, chỉ cần gợi ý một chút rồi để cho các bạn tự do tản
bộ ra vườn, thinh lặng suy tư và gặp gỡ Chúa. Buổi chiều đến phần chia sẻ, các
bạn đã cùng giúp nhau hai việc chính: nhận diện những thứ vua giả, vua ảo đang
ảnh hưởng chi phối đời mình, và sau đó là tìm đến đầu phục Chúa, tha thiết xin
Ngài thâu nạp làm đệ tử, làm môn đồ.
Điểm lý thú và bất ngờ là có bạn đã lôi ra được một tên
đầu sỏ từ lâu đã biến tất cả mọi người già trẻ lớn bé, giàu nghèo, đô thị lẫn
nông thôn, thành một đám nô lệ nhất mực trung thành của nó, chúng ta có đoán ra
được đó là ai, là cái gì không ? Thưa là cái... Tivi đấy ạ !
Thế đấy, bao nhiêu năm nay, từ đen trắng chuyển sang màu,
từ màn hình lồi đổi qua siêu phẳng, từ âm thanh mono thành suround ba chiều, Tivi
đã là một ông vua đầy quyền lực, bệ vệ ngự trên ngai vàng ngay nơi trang trọng
nhất trong ngôi nhà chúng ta. Giờ Kinh Tối trong gia đình biến mất, thay vì
ngước mắt nhìn lên tượng ảnh Chúa và Mẹ để cầu nguyện đọc kinh thì bây giờ cả
nhà há hốc miệng, đăm đăm dõi theo những tình tiết gay cấn hoặc éo le của các
bộ phim được chọn chiếu vào “Giờ Vàng”.
Sau một ngày tạm xa nhau vì công ăn việc làm, vì phải đi
học đi hành, còn đâu những câu chuyện ấm áp thân tình bên mâm cơm của cha mẹ, vợ
chồng, con cái với nhau. Thay vào đó, “vua” Tivi đã dành lấy bục giảng để giáo
dục dạy dỗ con người ta đủ mọi sự trên đời. Nó nghiễm nhiên ra lệnh, định hướng,
từng ngày từng giờ áp đặt những cung cách sống hưởng thụ, ích kỷ qua những
quảng cáo trơ trẽn, những game show vô duyên. Và nguy hiểm nhất, “vua” Tivi
không ngần ngại tuyên truyền, nhồi sọ, nói láo, cắt xén, bóp méo, vu khống, hoặc
đưa ra những thành tích giả dối, mỵ dân. Lâu dần, lương tâm của các “thần dân”
đã bị “vua” làm cho thành dị dạng, thoái hoá lúc nào không biết !
Các bạn trẻ cũng điểm mặt thêm được một tên “vua” không
kém uy lực so với Tivi, đó là “vua” điện thoại di động. Hai thứ chỉ khác nhau ở
chỗ một cái trị vì vương quốc mênh mông của truyền thông đại chúng, cùng lúc
chi phối hàng chục triệu người, trong khi cell phone thống lĩnh riêng từng cá
nhân nô lệ dưới quyền của nó. Của đáng tội, nó vừa lợi vừa hại, mà hại nhiều
hơn lợi, cái hại lại khéo léo ẩn dấu sau cái lợi. Điện thoại di động nối những
anh em xa thành ra láng giềng gần, nhưng rồi chính những con người đáng phải
gần gũi thân thương lại bị đẩy ra xa vời vợi.
Trong buổi tĩnh tâm đã nói ở trên, bất ngờ tôi hỏi các
bạn trẻ: “Ai có điện thoại di động xin giơ tay !” Có đến hơn hai phần ba giơ
tay. Tôi hỏi tiếp: “Một ngày bạn nhận bao nhiêu cuộc đến và gọi bao nhiêu cuộc
đi ?” Trả lời: mỗi người trung bình khoảng 20 allo nghe và 15 lần allo gọi mỗi
ngày. Lại hỏi: “Nếu chắt lọc lại thì có bao nhiêu lần allo thật sự cần thiết ?”
Các bạn nhìn nhau cười bẽn lẽn, không trả lời được, vì hình như hầu hết là “tám”,
là “buôn dưa lê”, là “chuyện tào tao thiên địa”, mỗi lần có thể kéo dài đến nỗi
có thể... luộc chín cái NOKIA hiện đại !
Vì đối tượng tĩnh tâm hôm ấy là các bạn sinh viên xa nhà,
tôi nhẹ nhàng hỏi thêm: “Bao lâu rồi bạn quên chưa gọi về quê cho bố mẹ ?”
Nhiều bạn cúi đầu. Tôi đề nghị tạm ngưng tĩnh tâm, cho các bạn 15 phút được
phép bật lại điện thoại để gọi ngay về tỉnh xa hỏi thăm bố mẹ, nói với bố mẹ
một lời... tử tế. Đến khi mọi người quay trở lại, tôi thấy nhiều bạn gái mắt đỏ
hoe. Bạn nào cũng “cảm ơn cha đã nhắc con nhớ đến những người đáng phải nhớ đến
nhiều nhất trong đời”.
Lại có bạn... bắt đền tôi: “Trời ơi, cha hại con cha có
biết không ? Con vừa mới hỏi thăm mẹ con được một câu là bà đã hốt hoảng la
lên: Ơ hay, mày làm sao thế ? Cả năm nay có bao giờ mày gọi điện về. Thôi chết
con tôi rồi, chuyện gì thế, nói ngay xem nào !”
Thế đấy, cuộc sống chúng ta bây giờ ê hề lắm sự tiện nghi
vật chất nhưng sao vẫn cứ thiếu hụt dần đi những giá trị tâm linh, tình cảm và
tinh thần. Chúng ta cứ ngỡ mình đang sở hữu tất cả những sự ấy thì ta là vua, ta
muốn gì được nấy, không ngờ chính ta đang tôn dương chúng lên làm vua đời mình,
còn mình thì trở thành bầy tôi quỵ luỵ, trở thành nô lệ mê tín mù quáng của
chúng...
Thế đấy, có một ông vua không ngai, không quân đội vũ khí
để gây chiến, không dùi cui roi điện để đàn áp, không tình báo chỉ điểm để
khủng bố, không vàng bạc ngoại tệ để mua chuộc, không truyền hình báo chí để
tuyên truyền, chẳng bao giờ ăn gian nói dối, chẳng bao giờ hối lộ tham nhũng, chẳng
bao giờ bóc lột bất công. Ngược lại, ông Vua của các vua ấy, vị Chúa của các
chúa ấy lại hết mực tôn trọng tự do của con người ta là điều Ngài đã trao ban
như là quà tặng vô giá, trân trọng đến độ Ngài cứ nhẫn nại đứng bên ngoài cánh
cửa đời ta mà gõ, mà kêu...
Trò
chơi “Ta là vua” chúng ta đã chơi mãi với nhau, quen lắm rồi, sao chúng ta chưa
một lần dừng lại trên sân chơi cuộc đời này để chọn một vị vua thật sự cho tâm
hồn và cả thể xác của mình ? Vẫn còn kịp, không quá trễ đâu, chưa đến nỗi vô
phương cứu vãn để bị buộc phải chơi trò chơi “Thiên đàng – hoả ngục hai bên, ai
khôn thì sống, ai dại thì sa...”
Lm. QUANG UY,
DCCT, Bắc Ninh,
Bài viết cũ Lễ Chúa Kitô Vua, Ephata Chúa Nhật 23.11.2008
Bài viết cũ Lễ Chúa Kitô Vua, Ephata Chúa Nhật 23.11.2008
No comments:
Post a Comment