Tuesday, 19 November 2013

Lm Vĩnh Sang DCCT: HAIYAN




Cơn siêu bão Haiyan quét ngang qua Philippines đã gây chấn động toàn cầu do những tàn phá gây ra, cho đến hôm nay, hơn một tuần lễ trôi qua rồi, tin tức từ "xứ sở ngàn đảo" vẫn là những tin nóng và gây xúc động hàng triệu con tim.
Những ai có dịp nghe ông Yab Sano, Trưởng phái đoàn đàm phán Philippines tại cuộc hội nghị Công Ước Khung về Biến Đổi Khí Hậu của Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Ba Lan, đã thật sự xúc động trước lời phát biểu của ông, cả nghị trường đã đứng dậy vỗ tay bày tỏ sự đồng cảm với ông, những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt của những người tham dự hội nghị.
Biến đổi khí hậu đã thực sự tàn phá nhân loại rồi, không chỉ còn là cảnh báo nữa. Ở Việt Nam chúng ta, hàng ngày những thông tin về nạn nhân của sự “thiên nhiên trở mình” làm ray rứt không ít người. Những trận lũ lụt, những cơn mưa đá, những vụ sạt lở đầt, sập hầm… Những ai có dịp đi qua những cung đường Tây Nguyên hẳn đã thấy những mảnh đồi núi trơ trọc, khô khốc thảm hại, thỉnh thoảng những vết lở loét của núi đồi lồ lộ như những vết thương toác miệng của những thân thể chờ chết. Tuyến đường cao nguyên sử dụng máy bay nhỏ, cánh quạt ( ATR ), bay ở tầm thấp càng làm cho chúng ta thấy rõ hơn cái thảm hại của núi rừng, từng vạt đồi trơ huơ trống hoác, từng con sông con suối đỏ quạch như những giòng máu bầm khô kiệt của một xác chết. Quê hương của chúng ta thảm hại như vậy đó !
Rừng không còn thì làm sao giữ được đất, chuyện sạt lở, chuyện lũ quét lũ ống là dĩ nhiên. Không chỉ là chuyện phá rừng, thuỷ điện đang là vấn đề nhức đầu, thiên nhiên chưa xả lũ thì con người đã xả lũ lên đầu nhau, lên đầu người nghèo, chết chóc, mất nhà mất cửa, ruộng vườn tiêu tan không biết kêu ai, không biết phải làm gì, cứ câm lặng chịu đựng nỗi đau ngút hận.
Các nhà khoa học đã khẳng định: tàn phá thiên nhiên là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, hậu quả của biến đổi khí hậu là trái đất này một phần lớn bị phá huỷ. Nơi trú ngụ của con người không còn là chốn bình yên, con người phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Như ông Sano kêu gọi ở hội nghị Công Ước Khung về Biến Đổi Khí Hậu tổ chức ở Ba Lan, “Nếu không phải chúng ta thì là ai ? Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ ? Nếu không phải ở đây thì ở đâu ?” Chúng ta không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ, thậm chí không thể tiếp tục cộng tác vào sự phá hoại môi trường sự sống. Mỗi người trong chúng ta phải làm một điều gì đó để cứu vãn môi trường này khi sự phá huỷ đã khởi sự.
Với tư cách là những người mang Tin Mừng Sự Sống, chúng ta cần phải tích cực cho những hoạt động bảo vệ môi trường thiên nhiên, chúng ta phải làm ngay những gì có thể làm được, đừng thờ ơ nữa trước khi mọi sự thành ra muộn màng, không còn cứu vãn được nữa !
Cây xanh là một giải pháp tích cực để bảo vệ môi trường. Chúng ta phải nỗ lực phát triển việc phủ xanh mọi nơi trên vùng đất chúng ta đang sống, cây xanh là buồng phổi của thiên nhiên, là nguồn cung cấp nước ngầm nuôi sự sống, là đê chắn giữ nước đầu nguồn ngăn lũ lụt, là tường giữ đất không bị sạt lở, là nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, là nguyên liệu để sản xuất giấy…
Đặc biệt cây xanh là loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường nhất, đây là loại nguyên liệu không bị mất nhưng có thể tái tạo, không để lại rác khó tiêu huỷ và khả năng hấp thụ năng lượng thấp. Mỗi nhà chúng ta nỗ lực phát triển phủ xanh ngôi nhà mình, trồng và gìn giữ cây xanh trước nhà, trồng cây bất cứ chỗ nào có thể trồng chứ không để đất ở không, không để sân thượng trống trơ, sử dụng dây leo để phủ nhà. Mỗi ngôi Nhà Thờ của chúng ta phải được phủ xanh, tái tạo một không gian thoáng mát, thân thiện, hạn chế làm những vuông sân bêtông, tạo nhiều mảng cỏ để giữ màu xanh, tăng cường khả năng thấm nước bổ sung cho nước ngầm.
Nước là nguồn năng lượng quí. Phung phí nước là tác hại môi trường, phải cố gắng bảo vệ nước bằng nhiều cách. Tiết kiệm nước là phương cách chúng ta có thể làm ngay. Giữ gìn nước, tận dụng nước mưa để sử dụng trong sinh hoạt. Khi tận dụng nước mưa, chúng ta hạn chế sử dụng nước giếng hoặc nước máy, hạn chế năng lượng dùng vào việc cung cấp nước, hạn chế được số nước đổ ra khi có mưa gây lụt lội.
Ở Hà Nội và Sàigòn, người ta đang đưa ra những giải pháp làm sao để giảm bớt lụt lội trong thành phố, thiết nghĩ mỗi nhà một bể chứa nước mưa sẽ là một giải pháp tham gia làm hạn chế lụt lội. Bên Úc Châu, bên cạnh giải pháp cấm không được rửa xe ở nhà và không được tưới cây xanh vườn nhà bằng nước sạch, chính phủ khuyến khích và giúp kinh phí cho căn hộ nào lắp đặt hệ thống đón nước mưa dự trữ. Nhắc lại việc hạn chế phủ bêtông mặt đất, trồng cây và cỏ sẽ giữ nước và tăng thêm nước ở mạch nước ngầm.
Chất thải. Hạn chế thải rác bừa bãi, phân loại rác ngay từ đầu nguồn để tận dụng các loại rác có thể tái chế, xử lý ngay các loại rác cần xử lý. Hạn chế và tiến dần đến không sử dụng bao nylon và các đồ dùng bằng nhựa. Nên biết nhựa ( nylon ) là loại vật liệu không thể phân hủy, nó gây tác hại môi trường kinh khủng, bao nhựa làm tắc cống rãnh nơi đô thị. Mỗi căn nhà phải có bể xử lý nước thải trước khi đổ ra hệ thống chung. Hạn chế sử dụng các loại phương tiện cá nhân tiêu thụ năng lượng khí đốt…
Trên đây là một số việc chúng ta có thể làm ngay và trong tầm tay có thể làm được, các vấn đề khác to lớn hơn như xử lý chất thải công nghiệp, qui hoạch bảo vệ rừng, qui hoạch công viên cây xanh, phát triển năng lượng tái tạo ( mặt trời, gió, nhiệt… ) v.v… thuộc phạm vi chuyên môn hơn, lớn hơn của các nhà quản lý xã hội, chúng ta sẽ tác động, thúc đẩy, đòi hỏi, và nhất là cộng tác với họ để cải thiện môi trường thiên nhiên của chúng ta.
Xin được mượn lời ông Sano để cùng cất lên tiếng nói: “Nếu không phải chúng ta thì là ai ? Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ ? Nếu không phải ở đây thì ở đâu ?” ( Ông Sano đã mượn lại lời của lãnh đạo sinh viên Philippines, Ditto Sarmiento, trong thời thiết quân luật. Ditto Sarmiento chống lại chế độ thiết quân luật đời Tổng Thống Ferdinand Marcos, đã bị bắt và chết trong tù năm 1977 ở tuổi 27 ).
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 16.11.2013

No comments: