Monday, 26 February 2018

Lm Vĩnh Sang DCCT : "CÂY DÀI BÓNG MÁT..."


Những ai là cư dân Sàigòn trước năm 75 hẳn khó phai mờ trong ký ức những lời mượt mà của bài hát “Trả lại em yêu” của nhạc sĩ Phạm Duy, trong đó có lời “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát…”, chẳng phải chỉ Duy Tân mới có cây dài bóng mát, mà nhiều con đường khác có những cành cây cao đan nhau, tạo những bóng mát dịu dàng cho tuổi thơ rong chơi, hay tô điểm thêm cho những vần thơ của các đôi tình nhân đan dệt. 
Tôi đã có một thời mỗi chiều đạp xe nhẹ nhàng dưới những tàng cây đường Trương Minh Giảng (Trần Quốc Thảo bây giờ), thật nhẹ nhàng để lắng nghe tiếng lá cây khô vỡ giòn tan dưới vòng xoay của bánh xe. Tôi đã có những đêm dài tuyệt diệu lang thang đường Trần Quý Cáp (bây giờ là Võ Văn Tần), hồn lâng lâng vì những chung rượu cùng bạn bè ban tối, hay lâng lâng vì những vòm me xanh ngát dưới ánh sáng hắt lên của đèn khuya. Ôi, những ngày tháng êm đềm của tuổỉ mới lớn, của không gian đầy ắp yêu thương.
Những ngày Tết ở đường Kỳ Đồng đã níu kéo được những kỷ niệm về cây dài bóng mát, ba ngày hành hương Tân Niên kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như một huyền thoại khi đoàn người hành hương xếp hàng lượn rồng rắn dưới bóng mát của những tán cây xanh, không khí oi bức như chạy xa vùng lễ hội, nhường lại không gian tươi mát cho những chậu hoa kiểng đua nhau khoe sắc, những tà áo dài thướt tha rộn ràng. Những năm tháng cuối cuộc đời đã cho tôi chút dư âm ngày cũ.
Con đường Cường Để (Tôn Đức Thắng ngày nay) với hai hàng cây trên trăm tuổi đã mang lấy hồn của thành phố này, những ai đã từng di qua, đặc biệt những ai đã từng lui tới Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn không thể không yêu và gắn bó với hàng cây giữ hồn thành phố. Giữ hồn thành phố vì nhiều thế hệ sống bên cây, chứng kiến cây lớn lên mỗi ngày, đi dưới bóng mát của cây, rồi qua đi vào gió bụi, chỉ còn cây ở lại, tiếp tục lớn lên cùng năm tháng. Người đi cây ở lại, chẳng giữ hồn là gì ?
Một ai đó đã đặt cành hoa hồng trên thớt gỗ còn đang ứa nhựa khi cổ thụ giữ hồn ấy vừa bị cắt ngang. Cả một thành phố rộng lớn này với bao nhiêu cái đầu mang đầy học hàm học vị, đã không tìm được giải pháp nào cho việc quy hoạch giao thông tốt hơn là việc chặt phăng những cái cây, ngày ngày giữ và truyền sự sống cho cư dân thành phố. Họ cắt đứt sự sống của thành phố.
Để mở rộng đường, họ còn lăm le giải tỏa cả ngôi Nhà Nguyện lâu đời trên dưới hai trăm tuổi của Nhà Kín Sàigòn, từng chi tiết, từng ngóc ngách ngôi Nhà Nguyện lưu giữ cả kho kiến thức về ngành kiến trúc, hội họa, điêu khắc, … của nền xây dựng Châu Âu tại Đông Dương. Không chỉ về khoa học xây dựng nhưng còn cả về văn hóa tôn giáo, ngôi Nhà Nguyện ôm ấp tâm hồn một vị Thánh trẻ đầy sức truyền giáo, thân xác ở Lisieux nước Pháp nhưng hồn gởi sang Việt Nam với những kỷ vật đi theo của ngài.
Tôi không nghĩ là họ thiếu kiến thức về khoa học môi trường, nếu có thiếu thật thì đã có những lời can ngăn, cảnh báo của các nhà khoa học, nhưng họ có một quyết tâm xóa hồn của quá khứ để độn vào đấy, vá víu vào đấy bằng một cái xác khô vô hồn, chỉ sặc sụa mùi tư tưởng họ đang đeo bám. Đối với họ không có kế thừa, chẳng hề có truyền thống!
Cứ nhìn cái cách họ cô lập môi trường giáo dục, ngăn cản mọi tư duy, mọi suy nghĩ khác họ, họ dựng lên những bức tường cả hữu hình lẫn vô hình để độc đoán trong giáo dục. Cứ nhìn cái cách họ thay tên đổi họ mọi con đường, xóa đi mọi vết tích một thời khai hoang dựng nước của cha ông…
Họ không hề nuối tiếc một tấc đất nào của cha ông dày công gầy dựng, họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để giữ vững quyền lực của họ, họ sẵn sàng bán rẻ tất cả để tồn tại ngôi vị. Họ im lặng trước sự ngang ngược của kẻ ngoại bang nhưng sẵn sàng đè bẹp anh em trong nhà nếu trái ý họ. Cứ nhìn cái cách họ viết lại lịch sử và cố tình không nhắc gì đến các biến cố không thuận lợi cho họ, một dân tộc không có lịch sử, hoặc lịch sử chỉ bắt đầu có từ khi họ cầm quyền… Họ càng lộng hành hơn khi mọi người im lặng khiếp sợ.
Khi những cổ thụ vắng mặt trong không gian sống, cư dân phải oằn mình chịu đựng bầu không khí ngột ngạt gay gắt. Tháng Hai đã trôi dần, cơn nóng nắng của tháng Tư đã lấp ló quanh đây, sẽ đến những ngày nắng chói chan, “hạn bà Chằng” đốt cháy từng khối nhà, từng khu phố, mọi nẻo đường, cả thành phố sẽ là thung lũng lửa, người ra đường bịt kín như dân Trung Đông, gật đầu chào nhau mà chẳng biết ai quen mình? Đi dường khi dừng đèn đỏ, họ len lách tranh nhau những bóng râm ít ỏi gần nơi đỗ, nhà nào cũng đóng kín mít mọi cửa nẻo…
Một ai đó đã nói, dân mình chịu đựng giỏi thật! Thông Điệp Laudato Si một thời học hỏi tưng bừng nay xếp vào góc tủ! Sự thật được bảo quản thật kín, lặng im dưới lớp bụi thời gian, có còn ai mở Thông Điệp ra đọc nữa không nhỉ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 23.2.2018


No comments: